Yếu tố nguy cơ là bất cứ điều gì có thể làm tăng khả năng mắc bệnh, chẳng hạn như ung thư. Các bệnh khác nhau sẽ có các yếu tố nguy cơ khác nhau.
Các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống như trọng lượng cơ thể, hoạt động thể chất, chế độ ăn uống và sử dụng thuốc lá đóng một vai trò chính trong nhiều bệnh ung thư ở người lớn. Tuy nhiên những yếu tố này thường mất nhiều năm để ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư và chúng không được cho là chiếm vai trò quan trọng đối với bệnh ung thư ở trẻ em, bao gồm cả u nguyên bào thần kinh.
Hiện nay chưa tìm thấy yếu tố môi trường nào (chẳng hạn như tiếp xúc trong thời kỳ mang thai hoặc trong thời thơ ấu của trẻ) có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh u nguyên bào thần kinh.
Tuổi
U nguyên bào thần kinh thường gặp nhất ở trẻ nhỏ, nhưng vẫn có thể hiếm gặp ngay cả ở lứa tuổi này. Tuy nhiên lại khá hiếm gặp đối với trẻ trên 10 tuổi.
Yếu tố di truyền
Trong tổng số trường hợp u nguyên bào thần kinh, số ca trẻ mắc bệnh do nguyên nhân di truyền chiếm khoảng 1-2%. Nhưng hầu hết các u nguyên bào thần kinh dường như không di truyền được.
Trẻ em mắc bệnh u nguyên bào thần kinh dạng gia đình (những trẻ có khuynh hướng di truyền phát triển bệnh ung thư này) thường đến từ các gia đình có một hoặc nhiều thành viên bị u nguyên bào thần kinh khi còn nhỏ. Tuổi trung bình khi chẩn đoán các trường hợp dạng gia đình thường trẻ hơn tuổi đối với các trường hợp lẻ tẻ (không di truyền).
Trẻ em bị u nguyên bào thần kinh liên quan yếu tố gia đình thường phát triển 2 hoặc nhiều khối u ở các cơ quan khác nhau (ví dụ, ở cả hai tuyến thượng thận hoặc nhiều hạch giao cảm). Ta cần phân biệt u nguyên bào thần kinh phát triển ở nhiều cơ quan với u nguyên bào thần kinh bắt đầu ở một cơ quan và sau đó lây lan sang những cơ quan khác (u nguyên bào thần kinh di căn). Trường hợp khối u bắt đầu ở nhiều cơ quan có thể gợi ý u nguyên bào thần kinh dạng gia đình. Điều này đồng nghĩa với việc các thành viên trong gia đình nên xem xét việc tư vấn và xét nghiệm di truyền (xem Xét nghiệm di truyền: Những điều bạn cần biết). Cả 2 loại u nguyên bào thần kinh (gia đình và không di truyền) đều có khả năng di căn sang các cơ quan khác.
Dị tật bẩm sinh
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em bị dị tật bẩm sinh có thể tăng nguy cơ phát triển u nguyên bào thần kinh. Một số nghiên cứu cho thấy đột biến gen trong quá trình phát triển của thai nhi có thể liên quan đến mối liên hệ giữa dị tật bẩm sinh và u nguyên bào thần kinh.
Gen thực chất là một đoạn DNA, là một dạng vật chất di truyền bên trong tế bào có chức năng kiểm soát hoạt động của cơ thể. Sự phát triển của bào thai, diễn ra trong tử cung của người mẹ, cũng được kiểm soát bởi các gen, cụ thể là quá trình phát triển và phân chia của tế bào. Nếu sự phát triển và tăng trưởng tế bào không diễn ra bình thường ở thai nhi, nó có thể gây ra dị tật bẩm sinh. Những đột biến gen xảy ra trong quá trình phát triển của bào thai có thể góp phần gây dị tật bẩm sinh và làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư ở trẻ em, như u nguyên bào thần kinh. Điều đó không có nghĩa là tất cả trẻ em bị dị tật bẩm sinh đều sẽ bị u nguyên bào thần kinh. Cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu hơn để hiểu mối quan hệ giữa dị tật bẩm sinh và nguy cơ ung thư ở trẻ em. Để biết thêm thông tin về gen và nguyên nhân của u nguyên bào thần kinh, hãy xem Nguyên nhân nào gây ra u nguyên bào thần kinh?