U nguyên bào thần kinh có thể gây ra nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Khối u hoặc sưng ở bụng, cổ nhưng thường không đau.
- Sưng chân, ngực, cổ hoặc mặt.
- Bụng phình to.
- Các vấn đề về thở hoặc nuốt.
- Sụt cân.
- Không có cảm giác thèm ăn.
- Các vấn đề về tiêu hóa và tiết niệu.
- Đau trong xương.
- Các cục u hoặc vết sưng trên da có thể có màu xanh lam.
- Sụp mí mắt và co đồng tử ở một bên mắt.
- Các vấn đề về khả năng cảm giác và hoạt động.
- Mắt lồi hoặc bầm tím quanh mắt.
Các dấu hiệu và triệu chứng ở trẻ có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí và kích thước khối u, mức độ lan rộng và sự hiện diện của các chất hóa học do khối u tạo ra (còn được gọi là hormone).
Một số dấu hiệu và triệu chứng ở trên có nhiều khả năng được gây ra bởi một nguyên nhân khác không phải do u nguyên bào thần kinh. Tuy nhiên, nếu con bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy đến bác sĩ kiểm tra để tìm ra nguyên nhân sớm nhất và tiến hành điều trị nếu cần.
Các dấu hiệu hoặc triệu chứng do khối u gây ra
U vùng bụng hoặc vùng chậu: Một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của u nguyên bào thần kinh là một khối phồng lớn ở bụng của trẻ. Trẻ có thể không muốn ăn (dẫn đến sụt cân). Ở độ tuổi lớn hơn, trẻ có thể than no hoặc đau bụng. Nhưng bản thân khối u thường không gây đau khi chạm vào.
Đôi khi, một khối u ở vùng bụng hoặc vùng chậu có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể. Ví dụ, các khối u chèn ép hoặc xâm lấn vào mạch máu và mạch bạch huyết lân cận có thể ngăn máu trở về tim, dẫn đến tình trạng sưng chân hoặc bìu (ở bé trai).
Trong một số trường hợp, áp lực từ khối u đang phát triển có thể ảnh hưởng đến bàng quang hoặc ruột của trẻ, dẫn đến gây khó khăn cho trẻ khi đi tiểu hoặc đi tiêu.
U vùng ngực, cổ: Các khối u ở cổ thường cứng, không đau khi sờ và có thể nhìn thấy được khi thăm khám.
Khối u vùng ngực có thể chèn ép tĩnh mạch chủ trên (tĩnh mạch lớn ở ngực đưa máu từ đầu và cổ về tim), gây nên tình trạng sưng ở mặt, cổ, cánh tay và phần trên ngực (đôi khi da có màu hơi xanh đỏ). Ngoài ra còn có thể gây đau đầu, chóng mặt và thay đổi ý thức nếu ảnh hưởng đến não. Khối u cũng có thể chèn ép vào cổ họng hoặc khí quản gây ho, khó thở hoặc khó nuốt.
U nguyên bào thần kinh chèn ép các dây thần kinh ở ngực hoặc cổ đôi khi có thể gây ra các triệu chứng khác, chẳng hạn như sụp mi mắt và co đồng tử. Ảnh hưởng lên các dây thần kinh khác gần cột sống có thể ảnh hưởng đến khả năng cảm nhận hoặc cử động tay, chân của trẻ.
Các dấu hiệu hoặc triệu chứng do ung thư di căn đến các bộ phận khác của cơ thể
Cứ 3 u nguyên bào thần kinh thì có 2 khối u đã di căn đến hạch bạch huyết hoặc các bộ phận khác của cơ thể vào thời điểm được tìm thấy.
Hạch bạch huyết là tập hợp các tế bào miễn dịch có kích thước bằng hạt đậu được tìm thấy trên khắp cơ thể. Ung thư lây lan đến các hạch bạch huyết có thể khiến chúng sưng lên. Đôi khi có thể sờ thấy như những cục u dưới da, đặc biệt là ở cổ, trên xương đòn, dưới cánh tay hoặc ở bẹn. Hạch to ở trẻ em có nhiều khả năng là dấu hiệu của nhiễm trùng hơn là ung thư, nhưng chúng vẫn cần được bác sĩ kiểm tra.
U nguyên bào thần kinh thường di căn đến xương. Đối với trẻ đã biết nói thì có thể kêu đau xương. Cơn đau có thể tồi tệ đến mức trẻ phải đi khập khiễng hoặc không chịu đi. Trường hợp di căn xương cột sống, khối u có thể chèn ép tủy sống, gây ra tình trạng yếu, tê hoặc liệt ở tay hoặc chân. Di căn xương mắt khá phổ biến, có thể dẫn đến bầm tím quanh mắt hoặc khiến nhãn cầu hơi lồi ra ngoài. Hơn vậy, ung thư còn có thể di căn đến các xương khác trong hộp sọ, gây ra các vết sưng tấy dưới da đầu.
Ung thư di căn đến tủy xương (phần bên trong của một số xương nhất định có chức năng tạo ra tế bào máu) gây nên tình trạng thiếu máu (cụ thể là thiếu hồng cầu, bạch cầu hoặc tiểu cầu). Sự thiếu hụt các tế bào máu này có thể khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, suy nhược, nhiễm trùng thường xuyên, bầm tím hoặc khó đông máu khi bị thương hoặc vết xước nhỏ.
Một số trường hợp hiếm gặp, các khối u lớn có thể bắt đầu bị phá vỡ, dẫn đến mất các yếu tố đông máu. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ cao bị chảy máu nghiêm trọng (được gọi là bệnh lý đông máu tiêu thụ), thậm chí đe dọa tính mạng.
Một dạng u nguyên bào thần kinh lan rộng đặc biệt (giai đoạn 4S) thường chỉ xảy ra trong vài tháng đầu đời. Ở dạng đặc biệt này, khối u đã di căn đến gan, da hoặc tủy xương (chiếm tỷ lệ nhỏ). Các vết sưng màu xanh hoặc tím có thể là dấu hiệu của sự lây lan đến da. Trường hợp di căn gan có thể khiến gan to, sờ thấy được ở phía bụng phải. Đôi khi khối u phát triển đủ lớn có thể chèn ép phổi, khiến trẻ khó thở. Mặc dù vào thời điểm phát hiện, ung thư đã di căn xa nhưng u nguyên bào thần kinh ở giai đoạn 4S vẫn có khả năng điều trị được hoặc tự thu nhỏ và biến mất. Hầu hết tất cả trẻ em mắc dạng u nguyên bào thần kinh dạng này đều có thể được chữa khỏi.
Các dấu hiệu hoặc triệu chứng do kích thích tố từ khối u gây ra
Các hormone do u nguyên bào thần kinh tiết ra có thể gây các vấn đề tại mô, cơ quan, ngay cả khi ung thư chưa di căn đến các mô hoặc cơ quan đó. Những vấn đề này được gọi là hội chứng cận ung thư.
Các triệu chứng của hội chứng cận ung thư có thể bao gồm:
- Tiêu lỏng liên tục.
- Sốt.
- Huyết áp cao (gây khó chịu).
- Tim đập loạn nhịp.
- Đỏ da.
- Đổ mồ hôi.
Một tập hợp các triệu chứng không phổ biến được gọi là hội chứng rung giật nhãn cầu - giật cơ hoặc “mắt múa, chân múa”. Trẻ có cử động mắt không đều, nhanh (còn gọi là rung giật nhãn cầu), co cứng cơ (giật cơ), khó phối hợp khi đứng hoặc đi bộ (mất điều hòa vận động). Ngoài ra trẻ còn có thể gặp khó khăn khi nói. Vì những lý do không rõ ràng, u nguyên bào thần kinh gây ra hội chứng này có xu hướng ít đe dọa tính mạng hơn.