Sau khi chẩn đoán mắc bệnh u nguyên bào thần kinh, các bác sĩ sẽ cố gắng kiểm tra mức độ di căn nếu có, quá trình này được gọi là đánh giá giai đoạn. Giai đoạn ung thư mô tả mức độ ung thư phát triển trong cơ thể, từ đó đánh giá được mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng như lựa chọn được phương pháp điều trị tốt nhất.
Việc đánh giá nhóm nguy cơ u nguyên bào thần kinh ở trẻ cần xem xét phối hợp nhiều yếu tố cũng như giai đoạn mắc phải. Nhóm nguy cơ là một bức tranh tổng thể về cách thức mà u nguyên bào thần kinh đáp ứng với điều trị, từ đó giúp các bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất. Các bác sĩ cũng sử dụng các nhóm nguy cơ u nguyên bào thần kinh khi nói về số liệu thống kê khả năng sống sót. Để biết thêm thông tin, hãy xem "Nhóm nguy cơ u nguyên bào thần kinh".
Ngày nay có hai hệ thống được sử dụng trong phân độ giai đoạn u nguyên bào thần kinh. Sự khác biệt chính giữa hai hệ thống là khả năng xác định nhóm nguy cơ trước khi bắt đầu điều trị.
- Hệ thống phân loại nhóm nguy cơ u nguyên bào thần kinh quốc tế (INRGSS) sử dụng kết quả từ các xét nghiệm hình ảnh (chẳng hạn như CT hoặc MRI và quét MIBG) để đánh giá giai đoạn mắc phải. INRGSS có thể được xác định trước khi bắt đầu điều trị.
- Hệ thống phân giai đoạn u nguyên bào thần kinh quốc tế (INSS) sử dụng kết quả từ phẫu thuật sinh thiết loại bỏ u.
- Đối với nhiều trường hợp u nguyên bào thần kinh, phẫu thuật được xem như một phần trong kế hoạch điều trị, do đó INSS không thể xác định nhóm nguy cơ trước khi bắt đầu một số điều trị. INRGSS hiện đang được sử dụng để xác định giai đoạn trong hầu hết các nghiên cứu của Tổ chức ung thư trẻ em, tuy nhiên vẫn có một số nghiên cứu sử dụng INSS có kết quả sẽ được công bố trong vài năm tới.
Mặc dù vậy, cả hai hệ thống phân giai đoạn trên đều có thể đảm bảo khả năng hỗ trợ việc chọn lựa phương pháp điều trị tốt nhất cho trẻ. Trường hợp con bạn bị u nguyên bào thần kinh và chưa thực hiện phẫu thuật, các bác sĩ thường đánh giá giai đoạn dựa trên INRGSS. Và ngược lại, nếu con bạn đã trải qua phẫu thuật, việc phân giai đoạn sẽ dựa trên một trong hai hệ thống trên.
Để biết thêm thông tin về khám lâm sàng, các xét nghiệm hình ảnh hay sinh thiết được sử dụng trong xác định giai đoạn u nguyên bào thần kinh, hãy xem "Các xét nghiệm liên quan đến u nguyên bào thần kinh".
Các giai đoạn và nhóm nguy cơ của u nguyên bào thần kinh rất phức tạp và có thể gây nhầm lẫn. Do đó nếu có gì không hiểu rõ, hãy trao đổi với bác sĩ điều trị để được giải đáp.
Hệ thống phân loại nhóm nguy cơ u nguyên bào thần kinh quốc tế (INRGSS)
Hệ thống INRGSS được phát triển nhằm hỗ trợ bác sĩ trong việc xác định giai đoạn và nhóm nguy cơ của trẻ trước khi bắt đầu điều trị. Ngoài ra còn giúp các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới so sánh kết quả của các nghiên cứu, từ đó tìm ra phương pháp điều trị là tốt nhất. Trước khi hệ thống INRGSS ra đời, công việc này khá nhiều trở ngại vì các hệ thống phân loại khác nhau. Hệ thống INRGSS sử dụng kết quả các xét nghiệm hình ảnh (thường là chụp CT hoặc MRI và quét MIBG), cũng như các xét nghiệm khác và sinh thiết để xác định giai đoạn. Sau đó, giai đoạn này có thể được sử dụng để dự đoán mức độ có thể cắt bỏ của khối u - nghĩa là lượng mô khối u có thể được loại bỏ bằng phẫu thuật.
Hệ thống INRGSS sử dụng các yếu tố nguy cơ chẩn đoán hình ảnh (IDRF), là những yếu tố nhìn thấy trên các xét nghiệm hình ảnh, đồng nghĩa với việc khối u khó loại bỏ hơn. Bao gồm khối u xâm lấn cơ quan lân cận hoặc phát triển xung quanh các mạch máu chính.
Hệ thống phân loại INRGSS có 4 giai đoạn:
- L1: Khối u phát triển tại chỗ, chưa xâm lấn cấu trúc lân cận được xác định bởi danh sách IDRF. U chỉ giới hạn ở một vùng trên cơ thể, chẳng hạn như cổ, ngực hoặc bụng.
- L2: Khối u chưa di căn xa (chẳng hạn như phát triển từ vùng bụng trái lên ngực trái), nhưng có ít nhất một IDRF.
- M: Khối u đã di căn xa (ngoại trừ các khối u ở giai đoạn MS).
- MS: Ung thư di căn ở trẻ em dưới 18 tháng nhưng chỉ lan đến da, gan hoặc tủy xương. Không hơn 10% tế bào tủy là ung thư và quét MIBG không cho thấy sự lây lan đến xương hoặc tủy xương.
Hệ thống phân giai đoạn u nguyên bào thần kinh quốc tế (INSS)
Kể từ giữa những năm 1990, hầu hết các trung tâm ung thư đã sử dụng INSS để phân giai đoạn u nguyên bào thần kinh. Hệ thống này được xác định dựa trên kết quả của phẫu thuật cắt bỏ khối u. Hệ thống INSS không thể giúp bác sĩ xác định giai đoạn trước khi bắt đầu điều trị, vì vậy không hiệu quả đối với những trẻ không cần hoặc không thể phẫu thuật. Ở dạng đơn giản bao gồm các giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Ung thư tại chỗ, ở một bên cơ thể (bên phải hoặc bên trái). Tất cả khối u có thể nhìn thấy đều đã được loại bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật (mặc dù nhìn vào rìa khối u dưới kính hiển vi sau khi phẫu thuật có thể thấy một số tế bào ung thư). Không có di căn hạch bên ngoài u (mặc dù các hạch nằm bên trong khối u có thể chứa tế bào u nguyên bào thần kinh).
- Giai đoạn 2A: Ung thư tại chỗ và ở một bên cơ thể, nhưng không phải tất cả các khối u nhìn thấy đều có thể được loại bỏ bằng phẫu thuật. Không di căn hạch bên ngoài u (mặc dù các hạch nằm bên trong khối u có thể chứa tế bào u nguyên bào thần kinh).
- Giai đoạn 2B: Ung thư ở một bên cơ thể, có thể đã được phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn hoặc không. Các hạch bạch huyết lân cận bên ngoài khối u có chứa các tế bào u nguyên bào thần kinh, nhưng chưa di căn hạch ở bên cơ thể còn lại hoặc nơi khác.
- Giai đoạn 3: Ung thư chưa di căn xa kèm một trong những điều sau đây:
- Ung thư không thể loại bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật và đã vượt qua đường giữa (được định nghĩa là cột sống) sang phía bên kia của cơ thể. Đã hoặc chưa di căn hạch lân cận.
- Ung thư tại chỗ, ở một bên cơ thể, di căn các hạch ở bên còn lại của cơ thể.
- Ung thư ở giữa cơ thể và phát triển về cả hai bên (trực tiếp hoặc di căn đến các hạch bạch huyết lân cận), không thể loại bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật.
- Giai đoạn 4: Ung thư đã di căn xa như xâm lấn các hạch bạch huyết ở xa, xương, gan, da, tủy xương hoặc các cơ quan khác (nhưng trẻ không đủ tiêu chuẩn cho giai đoạn 4S).
- Giai đoạn 4S (còn gọi là u nguyên bào thần kinh “đặc biệt”): Trẻ nhỏ hơn 1 tuổi. Ung thư ở một bên của cơ thể. Nó có thể đã lan đến các hạch bạch huyết ở cùng bên nhưng chưa lan đến các hạch đối bên. Khối u đã di căn xa đến gan, da hoặc tủy xương. Tuy nhiên, không quá 10% tế bào tủy là ung thư và các xét nghiệm hình ảnh như quét MIBG không cho thấy ung thư trong xương hoặc tủy xương.
Tái phát: Mặc dù không chính thức là một phần của hệ thống phân giai đoạn, nhưng thuật ngữ này được sử dụng để mô tả tình trạng ung thư trở lại sau điều trị (tại vị trí cũ hoặc bắt đầu mới tại một bộ phận khác trên cơ thể).
Yếu tố tiên lượng
Yếu tố tiên lượng là những yếu tố giúp dự đoán triển vọng chữa khỏi ở trẻ, tốt hơn hay xấu hơn so với dự đoán của từng giai đoạn. Nhiều yếu tố tiên lượng được sử dụng kết hợp với giai đoạn mắc phải để phân định nhóm nguy cơ. Bao gồm:
Tuổi: Trẻ nhỏ hơn (dưới 12-18 tháng) có khả năng khỏi bệnh cao hơn trẻ lớn.
Mô học khối u: Dựa trên hình dạng tế bào u nguyên bào thần kinh dưới kính hiển vi. Các khối u chứa nhiều tế bào và mô trông khá giống bình thường có xu hướng tiên lượng tốt hơn và được cho là có mô học thuận lợi. Ngược lại, các khối u có tế bào và mô trông bất thường dưới kính hiển vi có xu hướng tiên lượng kém hơn và được cho là có mô học không thuận lợi.
Thể dị bội DNA: Lượng DNA trong mỗi tế bào, được gọi là bộ nhiễm sắc thể hoặc chỉ số DNA, có thể xác định bằng các xét nghiệm đặc biệt trong phòng thí nghiệm, chẳng hạn như phương pháp đo tế bào dòng chảy hoặc phương pháp đo tế bào hình ảnh. Tế bào u nguyên bào thần kinh có lượng DNA tương đương với tế bào bình thường (chỉ số DNA bằng 1) được xếp vào loại lưỡng bội. Các tế bào có số lượng DNA tăng lên (chỉ số DNA cao hơn 1) được gọi là thể đa bội. Tế bào u nguyên bào thần kinh có nhiều DNA hơn có liên quan đến tiên lượng tốt hơn, đặc biệt đối với trẻ em dưới 2 tuổi. Sự dị bội DNA không hữu ích cho việc tìm hiểu tiên lượng ở trẻ lớn hơn.
Khuếch đại gen MYCN: MYCN là gen sinh ung, một gen có chức năng kiểm soát sự phát triển của tế bào. Những đột biến gen sinh ung có thể làm cho các tế bào phát triển và phân chia quá nhanh, chẳng hạn như tế bào ung thư. Các khối u nguyên bào thần kinh có quá nhiều bản sao (khuếch đại) của gen gây ung thư MYCN có xu hướng phát triển nhanh chóng và có thể khó điều trị hơn.
Thay đổi nhiễm sắc thể: Các tế bào khối u bị thiếu một số phần nhất định của nhiễm sắc thể 1 hoặc 11 (được gọi là mất đoạn 1p hoặc mất đoạn 11q) có thể dự đoán tiên lượng kém thuận lợi hơn. Dư một phần nhiễm sắc thể 17 (thêm đoạn 17q) cũng có liên quan đến tiên lượng xấu hơn. Hiểu được tầm quan trọng của việc mất / thêm nhiễm sắc thể, đây được xem là một lĩnh vực quan trọng của nghiên cứu u nguyên bào thần kinh, để biết thêm thông tin, hãy xem "Có gì mới trong nghiên cứu u nguyên bào thần kinh?".
- Các thụ thể Neurotrophin (yếu tố tăng trưởng thần kinh): Đây là những thụ thể có trên bề mặt tế bào thần kinh bình thường và trên một số tế bào u nguyên bào thần kinh.
- Chúng cho phép các tế bào nhận diện Neurotrophin - một chất hóa học tương tự hormone giúp các tế bào thần kinh trưởng thành. Các u nguyên bào thần kinh có nhiều thụ thể Neurotrophin nhất định, đặc biệt là thụ thể yếu tố tăng trưởng thần kinh gọi là TrkA, thường có tiên lượng tốt hơn.
- Nồng độ huyết thanh (trong máu) của một số chất có thể được sử dụng để giúp dự đoán tiên lượng.
- Tế bào u nguyên bào thần kinh giải phóng Ferritin, một chất hóa học quan trọng trong quá trình chuyển hóa sắt bình thường của cơ thể, vào máu. Bệnh nhân có nồng độ Ferritin cao có xu hướng tiên lượng xấu hơn.
- Enolase đặc hiệu thần kinh (NSE) và Lactate Dehydrogenase (LDH) được tạo ra bởi một số loại tế bào bình thường cũng như tế bào u nguyên bào thần kinh. Tăng mức NSE và LDH trong máu thường có liên quan đến triển vọng xấu hơn ở trẻ em bị u nguyên bào thần kinh.
- Một chất trên bề mặt của nhiều tế bào thần kinh được gọi là Ganglioside GD2 thường tăng lên trong máu ở bệnh nhân u nguyên bào thần kinh. Mặc dù tính hữu ích của GD2 trong việc dự đoán tiên lượng vẫn chưa được biết, nhưng có thể quan trọng trong điều trị u nguyên bào thần kinh. (Xem Có gì mới trong nghiên cứu u nguyên bào thần kinh?)