Danh mục

Xạ trị u nguyên bào thần kinh

Xạ trị u nguyên bào thần kinh

Xạ trị là phương pháp sử dụng tia hoặc các hạt năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Đôi khi xạ trị được xem như một phần quan trọng trong điều trị, nhưng vì các tác dụng phụ lâu dài có thể xảy ra ở trẻ em nên ngày nay các bác sĩ hạn chế sử dụng. Hầu hết trẻ em bị u nguyên bào thần kinh không cần xạ trị, chỉ sử dụng đối với các trường hợp nguy cơ cao sau cấy ghép tế bào gốc. Hoặc có thể được sử dụng cho trẻ em bị u nguyên bào thần kinh có nguy cơ thấp và trung bình có triệu chứng đe dọa tính mạng và cần được điều trị khẩn cấp để thu nhỏ khối u.

Hai loại xạ trị có thể sử dụng trong điều trị u nguyên bào thần kinh ở trẻ em:

  • Xạ trị chùm tia ngoài.
  • Bức xạ ion hóa (dựa trên đồng vị phóng xạ).

Xạ trị chùm tia ngoài

Xạ trị ngoài tập trung bức xạ vào ung thư từ một nguồn bên ngoài cơ thể. Loại điều trị này có thể được sử dụng:

  • Để cố gắng thu nhỏ khối u trước phẫu thuật, giúp loại bỏ chúng dễ dàng hơn.
  • Để điều trị các khối u lớn gây triệu chứng nghiêm trọng (chẳng hạn như khó thở) và không đáp ứng nhanh với hóa trị liệu.
  • Là một phần của phác đồ điều trị sau khi cấy ghép tế bào gốc ở trẻ em bị u nguyên bào thần kinh có nguy cơ cao để tiêu diệt các tế bào u còn sót lại. Bức xạ có thể tác động trên khu vực khối u chính và các khu vực khác của cơ thể nghi ngờ có bệnh đang hoạt động được nhìn thấy trên quét MIBG.
  • Để giúp giảm đau do u nguyên bào thần kinh tiến triển.

Khi bức xạ nhắm vào toàn bộ cơ thể, nó được gọi là chiếu xạ toàn thân (TBI). Trước đây, chiếu xạ toàn thân thường được sử dụng cho trẻ em mắc bệnh u nguyên bào thần kinh có nguy cơ cao trước khi cấy ghép tế bào gốc, nhưng hiện nay việc chiếu xạ chỉ được thực hiện sau khi cấy ghép tế bào gốc vào vị trí khối u nguyên phát và bất kỳ khu vực nào khác trên cơ thể có tế bào u hoạt động.

Trước khi bắt đầu điều trị, nhóm xạ trị sẽ thực hiện đo lường tính toán cẩn thận với các xét nghiệm hình ảnh như quét MRI nhằm xác định góc chính xác để nhắm các chùm bức xạ với liều lượng thích hợp.

Xạ trị cũng giống như chụp X-quang, nhưng sử dụng liều bức xạ cao hơn. Trẻ có thể được giữ nằm yên trên một khuôn nhựa để nhắm bức xạ chính xác hơn.

Phác đồ điều trị được lập tùy theo tình trạng mỗi bệnh nhân. Trong mỗi buổi điều trị, con bạn được đặt nằm trên một chiếc bàn đặc biệt, một máy phát bức xạ từ góc đã được đo lường trước đó. Việc điều trị không gây đau đớn, mỗi lần chỉ kéo dài vài phút, nhưng thời gian chuẩn bị lại mất khá nhiều thời gian. Trẻ có thể được cho uống thuốc ngủ tạm thời để hạn chế di chuyển trong quá trình thực hiện.

Một số tác dụng phụ có thể xảy ra:

Xạ trị đôi khi được xem như một phần quan trọng của điều trị, nhưng cơ thể trẻ nhỏ rất nhạy cảm với bức xạ, vì vậy các bác sĩ cố gắng sử dụng càng ít càng tốt để giúp tránh hoặc hạn chế các tác dụng phụ ngắn hạn hoặc dài hạn, phụ thuộc vào liều lượng và vị trí thực hiện.

Các tác động ngắn hạn có thể xảy ra:

  • Các tác động trên vùng da nhận bức xạ: giống như cháy nắng, rụng tóc hoặc những phản ứng da nghiêm trọng hơn.
  • Bức xạ đến vùng bụng: có thể gây buồn nôn hoặc tiêu chảy.
  • Mệt mỏi, đặc biệt là về cuối đợt điều trị.
  • Bức xạ cũng có thể làm cho các tác dụng phụ của hóa trị trở nên tệ hơn. Trao đổi với bác sĩ về vấn đề này để nhận được hướng xử trí phù hợp.

Các tác động lâu dài có thể xảy ra:

  • Xạ trị có thể làm chậm sự phát triển của các mô cơ thể bình thường (chẳng hạn như xương), đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Trước đây, điều này có thể dẫn đến các vấn đề như xương ngắn hoặc cong vẹo cột sống, nhưng ngày nay thường ít xảy ra do sử dụng liều bức xạ thấp.
  • Bức xạ có thể ảnh hưởng đến tuyến giáp, gây suy giáp (sản xuất ít hormone giáp). Các triệu chứng của suy giáp rất đa dạng. Ở trẻ em, suy giáp có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển. Thuốc thay thế hormone thường được sử dụng để kiểm soát tình trạng bệnh.
  • Bức xạ đến vùng ngực có thể gây ảnh hưởng tim, phổi. Điều này thường không gây triệu chứng tức thời, nhưng ở một số trẻ có thể dẫn đến các vấn đề về tim hoặc phổi khi chúng lớn lên.
  • Bức xạ vùng bụng ở các bé gái có thể gây tổn thương buồng trứng, ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt hoặc các vấn đề mang thai hoặc có con sau này.
  • Bức xạ có thể làm hỏng DNA bên trong tế bào, làm tăng nguy cơ phát triển ung thư thứ phát ở những vùng được xạ trị, thường xuất hiện sau nhiều năm.

Cần kết hợp với bác sĩ nhằm theo dõi chặt chẽ để có thể phát hiện và điều trị kịp thời. Để biết thêm về những ảnh hưởng lâu dài có thể có của việc điều trị, hãy xem phần "Những ảnh hưởng muộn và lâu dài của u nguyên bào thần kinh và cách điều trị".

Xạ trị MIBG

Như đã mô tả trong phần "Các xét nghiệm u nguyên bào thần kinh", MIBG là một chất hóa học tương tự Norepinephrine, được tạo ra bởi các tế bào thần kinh giao cảm. Xét nghiệm hình ảnh tìm tế bào u nguyên bào thần kinh được thực hiện bằng cách tiêm một lượng nhỏ chất phóng xạ MIBG vào máu.

Dạng MIBG có tính phóng xạ cao có thể được sử dụng trong điều trị u nguyên bào thần kinh tiến triển ở trẻ, nhưng thường kết hợp với các phương pháp điều trị khác. Sau khi vào máu, MIBG sẽ đi đến các khối u và truyền bức xạ. Trẻ sẽ phải ở trong phòng bệnh đặc biệt vài ngày sau khi tiêm cho đến khi phần lớn bức xạ ra khỏi cơ thể. Hầu hết lượng bức xạ rời khỏi cơ thể qua nước tiểu, vì vậy đối với trẻ nhỏ hơn có thể cần phải đặt ống thông bàng quang thường là trong một vài ngày.

Các tác dụng phụ có thể xảy ra:

Hầu hết các bức xạ từ liệu pháp MIBG nằm trong khu vực của u nguyên bào thần kinh, vì vậy hầu hết trẻ không bị tác dụng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên đôi khi có thể gây buồn nôn và nôn nhẹ, hoặc cảm thấy mệt mỏi, uể oải. Một số trẻ có thể bị sưng vùng má do MIBG có thể ảnh hưởng đến tuyến nước bọt. Một số ít trường hợp, có thể gây tăng huyết áp trong thời gian ngắn.

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...