Danh mục

Những phát hiện mới trong nghiên cứu u nguyên bào thần kinh

Nghiên cứu quan trọng về u nguyên bào thần kinh đang được thực hiện tại nhiều bệnh viện đại học, trung tâm y tế và các tổ chức nghiên cứu khác trên thế giới. Mỗi năm, các nhà khoa học tìm hiểu thêm về nguyên nhân gây bệnh và cách cải thiện điều trị.

Yếu tố di truyền của u nguyên bào thần kinh

Các nhà nghiên cứu hiện có những thử nghiệm tốt hơn để tìm kiếm những biến đổi gen trong các tế bào u nguyên bào thần kinh. Họ biết rằng có sự biến đổi gen trên một nhiễm sắc thể nhất định (một chuỗi DNA bên trong tế bào, chứa nhiều gen), nhưng họ vẫn cần biết thêm về gen đó hoặc phần nào của gen đã bị ảnh hưởng. Một số dạng đột biến gen thường gặp trong u nguyên bào thần kinh:

Đôi khi có những bản sao phụ của cùng một gen (được gọi là sự khuếch đại gen) trên một nhiễm sắc thể.

Đôi khi một nhiễm sắc thể có thể có các đoạn DNA bị thiếu (được gọi là mất đoạn) hoặc các đoạn DNA thừa (được gọi là tăng thêm hoặc bổ sung), có thể ảnh hưởng đến các gen.

Hiểu được những thay đổi gen trong u nguyên bào thần kinh giúp các nhà nghiên cứu đánh giá khối u nào có khả năng được chữa khỏi bằng phương pháp điều trị cường độ thấp hơn và khối u nào sẽ cần được điều trị tích cực hơn. Các khối u cần điều trị tích cực hơn thường được gọi là u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao, trong khi các khối u có xu hướng dễ điều trị hơn sẽ được gọi là u nguyên bào thần kinh nguy cơ thấp hoặc trung bình. Một số biến đổi gen hiện đang được sử dụng để giúp các nhóm chăm sóc ung thư xác định giai đoạn và nhóm nguy cơ u nguyên bào thần kinh của trẻ. Ngoài ra còn có thể giúp tìm ra phương pháp điều trị mới hoạt động trên một số loại tế bào u nguyên bào thần kinh.

Dưới đây là một số thay đổi DNA và gen cụ thể hiện đang được nghiên cứu:

Những đột biến DNA trên nhánh ngắn của nhiễm sắc thể số 6 (6p22) thường được tìm thấy ở khối u nguyên bào thần kinh phát triển mạnh mẽ.

Tế bào u nguyên bào thần kinh ở trẻ lớn có xu hướng đột biến gen ức chế khối u ATRX. Các khối u bị đột biến gen này có xu hướng phát triển chậm hơn, nhưng cũng khó chữa hơn. Điều này có thể giúp giải thích tại sao trẻ lớn hơn có xu hướng bị u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao trong khi u nguyên bào thần kinh ở trẻ nhỏ hơn có xu hướng nguy cơ thấp hoặc trung bình, do đó việc điều trị cũng dễ dàng hơn.

Sự khuếch đại (có nhiều hơn một bản sao) hoặc đột biến gen ALK và MYCN là những đặc điểm được sử dụng để quyết định nhóm nguy cơ ở trẻ. Một số loại thuốc có thể hoạt động tốt chống lại các khối u nguyên bào thần kinh có đột biến gen ALK. Một số nhà khoa học cũng đang nghiên cứu mối liên hệ giữa những bất thường gen ALK và các bản sao bổ sung của gen MYCN trong tế bào u nguyên bào thần kinh.

Điều trị

Hiện nay, sự cải tiến phương pháp điều trị u nguyên bào thần kinh đã giúp nâng tỷ lệ sống sót ở bệnh nhân, tuy nhiên tỷ lệ sống sót ở trẻ có nguy cơ cao không tốt bằng trẻ có nguy cơ thấp hoặc trung bình. Hầu hết các nghiên cứu về u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao (khối u hung hãn hơn và khó điều trị hơn) tập trung vào việc tìm kiếm sự kết hợp tốt nhất của các loại thuốc hóa trị, phác đồ ghép tế bào gốc, liệu pháp miễn dịch và các phương pháp điều trị mới khác để cố gắng chữa khỏi bệnh cho nhiều trẻ em hơn. Các nghiên cứu hiện tại về u nguyên bào thần kinh nguy cơ thấp và trung bình đang cố gắng tìm hiểu xem nếu giảm cường độ điều trị thì kết quả sẽ như thế nào (vẫn tốt hay không).

Hóa trị liệu

Việc tìm kiếm tiếp tục để tìm ra sự kết hợp tốt nhất của các loại thuốc hóa trị liệu trong điều trị u nguyên bào thần kinh.

Một số loại thuốc hóa trị được sử dụng trong điều trị các bệnh ung thư khác, chẳng hạn như Topotecan, Irinotecan và Temozolomide, hiện đang được nghiên cứu kết hợp với các loại liệu pháp khác để sử dụng chống lại bệnh u nguyên bào thần kinh hoặc u nguyên bào thần kinh có nguy cơ tái phát cao.

Một số nghiên cứu khác đang tìm cách xem liệu trẻ em bị u nguyên bào thần kinh nguy cơ thấp hoặc trung bình có thể được điều trị với hóa trị cường độ thấp (hoặc thậm chí không) hay không. Mục đích là vẫn có kết quả tốt như cũ, nhưng ít tác dụng phụ hơn từ việc điều trị.

Cấy ghép tế bào gốc

Các bác sĩ cũng đang cố gắng cải thiện tỷ lệ thành công ở trẻ bị u nguyên bào thần kinh tích cực khi điều trị bằng hóa trị liều cao và cấy ghép tế bào gốc, hoặc sử dụng các kết hợp khác nhau của hóa trị, xạ trị, retinoids và các phương pháp điều trị khác. Một thử nghiệm lâm sàng gần đây đã xem xét hiệu quả điều trị bằng liệu pháp tế bào gốc kép ở trẻ em mắc bệnh u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao so với phương pháp cấy ghép một tế bào gốc thông thường. Về khả năng cải thiện tỷ lệ sống sót ở trẻ được cấy ghép hai lần vẫn chưa rõ ràng, nhưng kết quả ban đầu cho thấy việc kết hợp liệu pháp tế bào gốc kép với liệu pháp miễn dịch sau đó cho kết quả tốt hơn phương pháp cấy ghép tiêu chuẩn. Các nghiên cứu khác đang tìm hiểu về việc sử dụng tế bào gốc được hiến tặng từ một người khác (dị ghép) có thể áp dụng đối với trẻ có khối u nguyên bào thần kinh khó điều trị hay không. Để chắc chắn điều này cần thực hiện thêm nhiều xét nghiệm khác. Nếu bạn có thắc mắc về điều này, hãy trao đổi với bác sĩ để được giải đáp.

Liệu pháp Retinoids

Retinoids chẳng hạn như Axit 13-cis-retinoic (Isotretinoin) có khả năng làm giảm nguy cơ tái phát sau khi tiến hành điều trị ở trẻ em bị u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao, đặc biệt là khi chúng được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch nhất định. Việc kết hợp Axit 13-cis-retinoic với các loại thuốc hóa trị khác nhau, liệu pháp miễn dịch (hay còn gọi là kháng thể đơn dòng) và thuốc nhắm mục tiêu hiện đang được nghiên cứu trong một số thử nghiệm lâm sàng để tìm ra tổ hợp hoạt động tốt nhất.

Thuốc nhắm mục tiêu

Xác định được nguyên nhân khiến tế bào u nguyên bào thần kinh khác với các tế bào bình thường có thể giúp phát triển các phương pháp tiếp cận mới trong điều trị căn bệnh này. Một số loại thuốc nhắm mục tiêu mới hơn cho tác động đặc biệt trên tế bào u nguyên bào thần kinh hiện đang được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng. Ví dụ, hiện các dược sĩ đang nghiên cứu các loại thuốc nhắm vào những đột biến nội bào giúp khối u phát triển, chẳng hạn như Crizotinib (Xalkori) cho đột biến gen ALK và Alisertib (MLN8237) cho aurora A.

Crizotinib là một loại thuốc nhắm vào đột biến gen ALK (chiếm 15% tổng loại đột biến u nguyên bào thần kinh). Trong một nghiên cứu ban đầu, Crizotinib được phát hiện có thể khiến một số khối u nguyên bào thần kinh thu nhỏ lại, tuy nhiên về thời gian kéo dài hiệu quả cũng như tương tác thuốc hiện chưa rõ. Các loại thuốc khác có cùng mục tiêu tác động hiện vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và phát triển. Một số thuốc thuộc loại này được sử dụng trong điều trị các bệnh ung thư khác và đang được nghiên cứu về khả năng chữa trị đối với u nguyên bào thần kinh.

Một số loại thuốc có cơ chế khác với thuốc hóa trị tiêu chuẩn đang được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng. Ví dụ bao gồm Bortezomib, Vorinostat, Temsirolimus, Bevacizumab, Nifurtimox và DMFO.

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch là phương pháp sử dụng thuốc giúp tăng cường hệ miễn dịch chống lại ung thư. Một số loại liệu pháp miễn dịch khác nhau đang được sử dụng trong bệnh u nguyên bào thần kinh.

Kháng thể đơn dòng chống GD2

Kháng thể đơn dòng Dinutuximab (Unituxin®), nhắm mục tiêu GD2 trên các tế bào u nguyên bào thần kinh, hiện được sử dụng thường quy cho trẻ em bị u nguyên bào thần kinh có nguy cơ cao, để giúp các tế bào của hệ miễn dịch tìm và tiêu diệt tế bào ung thư.

Các thử nghiệm lâm sàng hiện đang kiểm tra hiệu quả của một số kháng thể khác nhắm vào GD2:

  • Hu14.18-IL2 là một kháng thể gắn với Interleukin-2 (một cytokine tăng cường miễn dịch). Các kết quả ban đầu cho thấy sự kết hợp kháng thể / cytokine này có thể giúp ích cho một số trẻ không đáp ứng các phương pháp điều trị khác.
  • Hu14.18K322A là một kháng thể đã được sửa đổi có thể hoạt động tốt như các kháng thể GD2 khác nhưng ít tác dụng phụ hơn.
  • Hu3F8 là một kháng thể nhắm vào GD2 khác đã được sửa đổi. Hiện đang được nghiên cứu kết hợp với các phương pháp điều trị khác.

Vắc-xin

Một số vắc xin ung thư cũng đang được nghiên cứu để sử dụng chống lại u nguyên bào thần kinh. Đối với phương pháp này, người ta sẽ tiêm các tế bào u nguyên bào thần kinh đã được sửa đổi hoặc một số chất khác khiến hệ miễn dịch của trẻ có thể nhận biết và tiêu diệt tế bào ung thư. Tuy nhiên phương pháp điều trị này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng ban đầu.

Liệu pháp tế bào CAR T

Liệu pháp tế bào CAR T là một phương pháp mới đầy hứa hẹn có thể giúp các tế bào miễn dịch của chính bệnh nhân được gọi là tế bào T (một loại tế bào bạch cầu) chống lại ung thư bằng cách biến đổi chúng trong phòng thí nghiệm để chúng có thể nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư. Các tế bào T sử dụng trong liệu pháp này được gắn với một loại thụ thể nhân tạo (được gọi là thụ thể kháng nguyên chimeric hoặc CAR). Thử nghiệm ban đầu đã tạo ra tế bào CAR T nhắm mục tiêu GD2 trên các tế bào u nguyên bào thần kinh. Các thử nghiệm lâm sàng khác đang nghiên cứu sử dụng tế bào CAR T nhắm mục tiêu các protein khác nằm bên ngoài tế bào u. Đây là những thử nghiệm lâm sàng rất mới đang diễn ra hoặc trong giai đoạn lập kế hoạch. Trao đổi thêm với bác sĩ của bạn nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào.

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...