Danh mục

Xạ trị cho ung thư phổi không tế bào nhỏ

Xạ trị cho ung thư phổi không tế bào nhỏ

Xạ trị là phương pháp điều trị sử dụng các tia năng lượng cao để phá hủy hay tiêu diệt các tế bào ung thư.

Tùy thuộc vào giai đoạn ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC) và các yếu tố khác, xạ trị được sử dụng:

- Là phương pháp điều trị chính (đôi khi cùng với hóa trị liệu), đặc biệt là nếu khối u phổi không thể được cắt bỏ vì kích thước hoặc vị trí của nó, hay nếu người bệnh không đủ sức khỏe để phẫu thuật, hoặc không muốn phẫu thuật.

- Sau phẫu thuật (điều trị riêng biệt hoặc kết hợp với cùng hóa trị), bác sĩ có thể đề nghị điều trị bổ sung để tiêu diệt bất kỳ khu vực nhỏ nào của ung thư mà phẫu thuật có thể đã bỏ sót.

- Trước khi phẫu thuật (thường kết hợp với hóa trị liệu), bác sĩ có thể thực hiện thêm một hình thức điều trị khác để cố gắng thu nhỏ khối u phổi giúp việc phẫu thuật dễ dàng hơn.

- Để điều trị ung thư lan sang các khu vực khác như não hoặc xương.

- Để làm giảm các triệu chứng của ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC) giai đoạn tiến triển như đau, chảy máu, khó nuốt, ho hoặc các vấn đề khác do khối u ung thư đã lây lan sang các cơ quan khác như não.

Các loại xạ trị được sử dụng cho ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC)

Có nhiều dạng xạ trị khác nhau có thể được sử dụng để điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC). Nhưng bác sĩ thường lựa chọn 2 dạng chính sau:

  • Xạ trị chùm tia ngoài.
  • Cận xạ trị (xạ trị trong).

Xạ trị chùm tia ngoài

Liệu pháp xạ trị chùm tia ngoài (EBRT) là dạng xạ trị tập trung bức xạ từ bên ngoài cơ thể vào ung thư. Đây là dạng xạ trị thường được sử dụng nhất để điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC) hoặc ung thư đã lây lan sang các cơ quan khác.

Dạng xạ trị này giống như chụp X-quang, nhưng liều bức xạ mạnh hơn. Phương pháp này thường không đau và mỗi lần điều trị chỉ kéo dài một vài phút. Thông thường, các dạng xạ trị chính cho ung thư phổi không tế bào nhỏ được thực hiện 5 ngày một tuần, trong 5 đến 7 tuần, nhưng lịch trình này có thể thay đổi dựa trên dạng xạ trị chùm tia ngoài và lý do chúng được thực hiện.  
 
Xạ trị thường được thực hiện để làm giảm các triệu chứng và xạ trị dự phòng được dùng trong thời gian ngắn hơn, thường là dưới 3 tuần.

Các kỹ thuật xạ trị chùm tia ngoài (EBRT) mới hơn đã được chứng minh là giúp các bác sĩ điều trị ung thư phổi chính xác hơn trong khi giảm phơi nhiễm bức xạ đối với các mô khỏe mạnh gần đó. Những kỹ thuật này bao gồm:

- Xạ trị lập thể định vị thân (SBRT) còn được gọi là xạ trị Ablative (SABR), thường được sử dụng để điều trị ung thư phổi giai đoạn đầu khi không được phẫu thuật (không phải là một lựa chọn phù hợp do sức khỏe của người bệnh hoặc những người không muốn phẫu thuật). Điều trị này cũng có thể được xem xét cho các trường hợp có khối u đã hạn chế lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như não hoặc tuyến thượng thận.

  • Thay vì dùng một lượng nhỏ liều bức xạ mỗi ngày trong vài tuần, xạ trị lập thể định vị thân (SBRT) sử dụng các chùm bức xạ liều cao (rất tập trung) được đưa ra trong các phương pháp điều trị ít hơn (thường là 1 đến 5). Một số chùm tia nhắm vào khối u từ nhiều góc độ khác nhau. Để nhắm mục tiêu chính xác liều bức xạ, một chiếc khung được thiết kế đặc biệt đặt trên cơ thể mỗi lần điều trị. Điều này làm giảm sự di chuyển của khối u phổi trong quá trình thở.

- Xạ trị không gian ba chiều (3D-CRT) sử dụng các chương trình máy tính đặc biệt để xác định vị trí chính xác của khối u. Các chùm bức xạ được định hình và nhắm vào (các) khối u từ nhiều hướng, khiến chúng ít có khả năng làm tổn thương các mô bình thường.

- Xạ trị điều biến cường độ (IMRT) là một hình thức trị liệu 3D. Cùng với việc định hình các chùm tia và nhắm chúng vào khối u từ nhiều góc độ, sức mạnh của chùm tia có thể được điều chỉnh để hạn chế liều bức xạ tiếp cận các mô bình thường gần đó. Kỹ thuật này được sử dụng thường xuyên nhất nếu các khối u xuất hiện ở gần các cấu trúc quan trọng như tủy sống. 

  • Một hình thức khác của xạ trị điều biến cường độ (IMRT) được gọi là xạ trị điều biến thể tích (VMAT). Bức xạ được cung cấp nhanh chóng nhờ vào một thiết bị khi chúng quay một lần xung quanh cơ thể. Điều này cho phép mỗi lần điều trị chỉ diễn ra trong vài phút.

- Xạ phẫu (stereotactic radiosurgery – SRS) không hẳn là phẫu thuật, nhưng loại điều trị này chỉ được sử dụng trong 1 lần. Xạ phẫu đôi khi có thể được sử dụng hoặc cùng với phẫu thuật cho các khối u đã di căn lên não. Trong một hình thức khác của xạ phẫu, một thiết bị tập trung khoảng 200 chùm bức xạ vào khối u từ nhiều góc khác nhau trong vài phút đến vài giờ. Một chiếc khung được thiết kế vững chắc giữ cho đầu ở cùng một vị trí (không di chuyển). Trong một phiên bản khác, sử dụng máy gia tốc tuyến tính LINAC (máy tạo ra bức xạ) được điều khiển bởi máy tính di chuyển xung quanh đầu bạn để đưa bức xạ đến khối u từ nhiều góc độ khác nhau. Những phương pháp điều trị này có thể được lặp lại nếu cần thiết.

Để biết mô tả chi tiết hơn về các quy trình này, xem Liệu pháp xạ trị chùm tia ngoài.

Cận xạ trị (xạ trị trong)

Ở những người bị ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC), cận xạ trị đôi khi được thực hiện để giúp thư nhỏ khối u xuất hiện trong đường thở và làm giảm các triệu chứng.

Bác sĩ đặt một lượng nhỏ chất phóng xạ (thường ở dạng viên nhỏ) trực tiếp vào khối u ung thư hoặc vào đường thở bên cạnh khối u ung thư. Điều này thường được thực hiện thông qua nội soi phế quản, nhưng chúng cũng có thể được thực hiện trong khi phẫu thuật. Bức xạ chỉ di chuyển một khoảng cách ngắn từ vị trí chúng được đặt, nhằm hạn chế ảnh hưởng đến các mô khỏe mạnh xung quanh. Nguồn bức xạ thường được loại bỏ sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp, các hạt giống phóng xạ nhỏ, được đặt vĩnh viễn và bức xạ trở nên yếu hơn trong vài tuần, nhưng điều này ít khi xảy ra.

Tác dụng phụ có thể xảy ra của xạ trị cho ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC)

Nếu bạn chuẩn bị xạ trị, điều quan trọng đầu tiên là phải hỏi bác sĩ về các tác dụng phụ có thể xảy ra để bạn có thể nắm rõ về chúng. Các tác dụng phụ thường gặp phụ thuộc vào nơi xạ trị được nhắm và có thể bao gồm:

  • Mệt mỏi.
  • Buồn nôn và ói mửa.
  • Mất cảm giác ngon miệng và giảm cân.
  • Thay đổi da ở khu vực đang điều trị, có thể từ đỏ nhẹ đến phồng rộp và bong tróc.
  • Rụng tóc (nơi bức xạ đi vào cơ thể).

Thường những tình trạng này thường biến mất sau khi điều trị. Khi xạ trị được sử dụng cùng với hóa trị, tác dụng phụ có thể nghiêm trọng hơn.

Xạ trị vào vùng ngực có thể làm hỏng phổi của bạn, gây ho, khó thở và thở ngắn. Những tình trạng này thường được cải thiện sau khi điều trị kết thúc, mặc dù đôi khi chúng có thể không được chữa trị khỏi hẳn.

Thực quản, là một bộ phận ở giữa ngực của bạn, cũng có thể bị tiếp xúc với bức xạ, dẫn đến đau họng và khó nuốt trong hoặc ngay sau khi điều trị. Điều này khiến bạn khó ăn bất cứ thứ gì ngoài thức ăn mềm hoặc chất lỏng trong một thời gian. Tuy nhiên tình trạng này thường được cải thiện sau khi điều trị kết thúc.

Việc thực hiện xạ trị đến các vùng lớn của não đôi khi cũng có thể gây mất trí nhớ, mệt mỏi, đau đầu hoặc vấn đề tư duy. Thông thường những triệu chứng này ít khi xảy ra so với những triệu chứng gây ra bởi ung thư di căn đến não, nhưng chúng có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn.

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...