Những người sống sót sau điều trị ung thư có thể bị ảnh hưởng bởi một số vấn đề sức khỏe, nhưng thường thì mối quan tâm lớn nhất của họ là phải đối mặt với một căn bệnh ung thư khác. Việc ung thư quay trở lại sau điều trị được gọi là tái phát. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp sống sót sau điều trị phát triển một loại ung thư mới. Đây được gọi là ung thư thứ hai.
Thật không may, việc điều trị xong ung thư phổi không có nghĩa là bạn không thể mắc thêm một căn bệnh ung thư khác. Những người đã bị ung thư phổi vẫn có thể mắc các loại ung thư khác (giống như những người khác mắc phải). Trên thực tế, họ vẫn có nguy cơ cao mắc một số loại ung thư khác.
Những người sống sót sau điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC) và ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC) có thể mắc bất kỳ loại ung thư thứ hai nào, tuy nhiên chúng có nguy cơ gia tăng:
- Ung thư phổi thứ hai (Điều này khác với ung thư đầu tiên quay trở lại).
- Ung thư thanh quản.
- Ung thư miệng và họng.
- Ung thư thực quản.
- Ung thư tuyến tụy.
- Ung thư bàng quang.
- Ung thư tuyến giáp.
- Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (AML)
Những người sống sót sau điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC) cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh:
- Ung thư dạ dày.
- Ung thư ruột non.
- Ung thư ruột kết.
- Ung thư trực tràng.
- Ung thư thận và xương chậu.
Ung thư phổi là loại ung thư thứ hai phổ biến nhất ở những người bị ung thư trước đó. Hút thuốc là một yếu tố nguy cơ đối với nhiều bệnh ung thư và nguy cơ mắc bệnh ung thư thứ hai đặc biệt cao trong số những người sống sót sau ung thư phổi tiếp tục hút thuốc. Mặt khác, nguy cơ ung thư thực quản cũng có khả năng gia tăng ở những người được điều trị bằng xạ trị ở vùng ngực.
Theo dõi sau điều trị ung thư phổi
Sau khi hoàn thành điều trị ung thư phổi, bạn vẫn nên đi khám bác sĩ thường xuyên để tìm kiếm bất kỳ triệu chứng hoặc vấn đề mới nào, bởi vì chúng có thể là dấu hiệu được gây ra bởi ung thư tái phát, hoặc do một bệnh mới hay ung thư thứ hai.
Những người sống sót sau điều trị ung thư phổi cũng nên tuân theo Hướng dẫn của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ về Phát hiện sớm Ung thư, chẳng hạn như ung thư đại trực tràng, vú, cổ tử cung và ung thư tuyến tiền liệt. Xét nghiệm sàng lọc có thể phát hiện sớm một số bệnh ung thư, khi chúng có khả năng dễ điều trị hơn. Đối với những người đã bị ung thư phổi, hầu hết các chuyên gia không khuyến nghị bất kỳ xét nghiệm bổ sung nào để tìm kiếm ung thư thứ hai trừ khi bạn có triệu chứng.
Tôi có thể giảm nguy cơ bị ung thư thứ hai không?
Có những bước bạn có thể thực hiện để giảm thiểu rủi ro và giữ trạng thái sức khỏe tốt nhất có thể. Ví dụ: những người bị ung thư phổi nên cố gắng tránh xa các sản phẩm thuốc lá. Bởi vì hút thuốc làm tăng nguy cơ tử vong do ung thư phổi, cũng như nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư thứ hai có thể xảy ra sau ung thư phổi.
Để giúp duy trì trạng thái sức khỏe tốt, những người sống sót sau ung thư phổi cũng nên:
- Luôn giữ một trọng lượng khỏe mạnh.
- Tiếp tục hoạt động thể chất.
- Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, chú trọng vào thực phẩm thực vật.
- Hạn chế uống rượu, đối với phụ nữ không quá 1 ly mỗi ngày hoặc 2 ly mỗi ngày đối với nam giới.
Việc thực hiện những bước này cũng có thể làm giảm nguy cơ của một số vấn đề sức khỏe khác.