Danh mục

Những yếu tố nguy cơ của bệnh bạch cầu ở trẻ em

Yếu tố nguy cơ là bất cứ điều gì có thể làm tăng khả năng mắc bệnh, chẳng hạn như ung thư. Các bệnh ung thư khác nhau sẽ có các yếu tố nguy cơ khác nhau.

Các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống như sử dụng thuốc lá, chế độ ăn uống, trọng lượng cơ thể và hoạt động thể chất thường đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển nhiều bệnh ung thư ở người lớn. Những yếu tố này có thể mất nhiều năm để ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư nhưng thường ít ảnh hưởng đến các bệnh ung thư ở trẻ em, bao gồm cả bệnh bạch cầu.

Có một vài yếu tố nguy cơ được biết đến có thể ảnh hưởng đến bệnh bạch cầu ở trẻ em.

Yếu tố nguy cơ di truyền
Yếu tố nguy cơ di truyền là những yếu tố thuộc về DNA (cấu tạo nên gen). DNA của chúng ta thường được thừa hưởng từ cha mẹ. Các yếu tố di truyền có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu ở trẻ em, nhưng hầu hết trường hợp bệnh bạch cầu đều không liên quan đến các nguyên nhân di truyền đã biết.

Hội chứng di truyền
Một số rối loạn di truyền làm tăng nguy cơ phát triển bệnh bạch cầu ở trẻ:

  • Hội chứng Down (tam nhiễm sắc thể 21): có thêm một nhiễm sắc thể số 21. Trẻ mắc phải hội chứng này có nguy cơ phát triển bệnh bạch cầu lympho cấp tính (ALL) hoặc bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính (AML) cao hơn nhiều lần so với những đứa trẻ khác, nguy cơ chung khoảng 2% đến 3%. Hội chứng Down cũng có liên quan đến các bệnh bạch cầu thoáng qua (còn được gọi là rối loạn tăng sinh tủy thoáng qua) - một tình trạng giống bệnh bạch cầu, xảy ra trong vòng 1 tháng đầu đời, thường tự khỏi mà không cần điều trị.
  • Hội chứng Li-Fraumeni: Đây là một tình trạng di truyền hiếm gặp do đột biến gen TP53. Những người mắc hội chứng này có nguy cơ phát triển một số loại ung thư cao hơn, bao gồm bệnh bạch cầu, sacôm xương hoặc mô mềm, ung thư vú, ung thư tuyến thượng thận và khối u não.

Các rối loạn di truyền khác (chẳng hạn như bệnh u sợi thần kinh và bệnh thiếu máu Fanconi) cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu, cũng như một số loại ung thư khác.

Các vấn đề về hệ thống miễn dịch di truyền
Một số tình trạng di truyền khiến trẻ sinh ra có các vấn đề về hệ thống miễn dịch. Bao gồm:

  • Chứng thất điều - giãn mạch, hay còn gọi là bệnh mất điều hòa (Ataxia-telangiectasia).
  • Hội chứng Wiskott-Aldrich.
  • Hội chứng Bloom.
  • Hội chứng Shwachman-Diamond.

Cùng với việc tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng do suy giảm miễn dịch, những đứa trẻ mắc các hội chứng kể trên cũng có nguy cơ mắc bệnh bạch cầu tăng cao.

Có anh / chị / em  mắc bệnh bạch cầu
Anh chị em của trẻ mắc bệnh ung thư máu có nguy cơ mắc bệnh bạch cầu tăng nhẹ, nhưng nguy cơ chung vẫn thấp. Nguy cơ cao hơn nhiều ở những cặp song sinh giống hệt nhau. Nếu một trong hai của cặp song sinh mắc bệnh bạch cầu lúc nhỏ, thì người còn lại cũng có khoảng 1/5 nguy cơ mắc bệnh bạch cầu. Nguy cơ này cao hơn nhiều nếu bệnh bạch cầu phát triển trong năm đầu tiên của trẻ.

Có cha hoặc mẹ mắc bệnh bạch cầu khi trưởng thành dường như không làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu ở trẻ.

Các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống
Các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống đối với một số bệnh ung thư ở người lớn bao gồm hút thuốc, thừa cân, uống nhiều rượu và thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Những loại yếu tố này quan trọng trong nhiều bệnh ung thư ở người lớn, nhưng thường không ảnh hưởng đến hầu hết các bệnh ung thư ở trẻ em.

Một số nghiên cứu cho rằng người mẹ uống nhiều rượu trong thời kỳ mang thai có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu ở con, nhưng không phải tất cả các nghiên cứu đều tìm thấy mối liên hệ như vậy.

Các yếu tố nguy cơ môi trường
Các yếu tố nguy cơ môi trường là những ảnh hưởng từ môi trường xung quanh chúng ta, chẳng hạn như bức xạ, hóa chất có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như bệnh bạch cầu.

Tiếp xúc với bức xạ
Tiếp xúc với nồng độ phóng xạ cao là một yếu tố nguy cơ của bệnh bạch cầu ở trẻ em. Những người sống sót sau bom nguyên tử Nhật Bản có nguy cơ cao phát triển AML. Nếu thai nhi tiếp xúc với bức xạ trong những tháng phát triển đầu tiên, cũng có thể tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu ở trẻ em, nhưng mức độ nguy cơ không rõ ràng.

Những yếu tố nguy cơ có thể do thai nhi hoặc trẻ lúc nhỏ tiếp xúc với bức xạ mức độ thấp, chẳng hạn như xét nghiệm X-quang hoặc chụp CT, không được biết chắc chắn. Một số nghiên cứu cho thấy nguy cơ gia tăng nhẹ, trong khi những nghiên cứu khác không tìm thấy mối liên hệ này. Mặc dù nguy cơ gia tăng thấp, nhưng để an toàn, hầu hết các bác sĩ đều khuyến cáo phụ nữ mang thai và trẻ em không làm các xét nghiệm này trừ khi thực sự cần thiết.

Tiếp xúc với hóa trị và một số hóa chất khác
Hầu hết các trường hợp, cả trẻ em và người lớn, được hóa trị trước đó có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư thứ hai, thường là AML sau này. Các loại thuốc như Cyclophosphamide, Doxorubicin, Etoposide và Teniposide có liên quan đến nguy cơ cao mắc bệnh bạch cầu ở bệnh nhân. Những bệnh bạch cầu này thường phát triển trong vòng 5 đến 10 năm điều trị và có xu hướng khó điều trị.

Tiếp xúc với các hóa chất như Benzen (dung môi được sử dụng trong ngành công nghiệp tẩy rửa và sản xuất một số loại thuốc, chất dẻo và thuốc nhuộm) có thể gây bệnh bạch cầu cấp tính ở người lớn và hiếm khi xảy ra ở trẻ em. Tiếp xúc với hóa chất có liên quan chặt chẽ đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính hơn là bệnh bạch cầu lympho cấp tính.

Một số nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa bệnh bạch cầu ở trẻ em và tiền sử tiếp xúc với thuốc trừ sâu, trong thời kỳ mang thai hoặc thời thơ ấu. Một số nghiên cứu cũng đã phát hiện ra nguy cơ có thể gia tăng ở những người mẹ tiếp xúc với thuốc trừ sâu tại nơi làm việc trước khi sinh. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu này đều có những hạn chế nhất định trong quá trình thực hiện. Cần nghiên cứu thêm để xác nhận những phát hiện này cũng như cung cấp thông tin cụ thể hơn về những rủi ro có thể xảy ra.

Ức chế hệ thống miễn dịch
Trẻ em đang được điều trị tích cực để ức chế hệ thống miễn dịch (chủ yếu là trẻ đã được cấy ghép nội tạng) có nguy cơ mắc một số bệnh ung thư như ung thư hạch và ALL.

Các yếu tố nguy cơ không chắc chắn, chưa được chứng minh hoặc còn gây tranh cãi
Các yếu tố khác đã được nghiên cứu về mối liên hệ với bệnh bạch cầu ở trẻ em bao gồm:

  • Tiếp xúc với trường điện từ (chẳng hạn như sống gần đường dây điện).
  • Sống gần nhà máy điện hạt nhân.
  • Nhiễm trùng (đặc biệt là do vi rút) trong giai đoạn đầu đời.
  • Tuổi của mẹ khi mang thai.
  • Tiền sử gia đình hút thuốc.
  • Thai nhi tiếp xúc với các hormone như Diethylstilbestrol (DES) hoặc thuốc tránh thai.
  • Tiền sử phơi nhiễm với hóa chất hoặc các dung môi.
  • Nguồn nước nhiễm hóa chất.

Cho đến nay, hầu hết các nghiên cứu đã không tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa bất kỳ yếu tố nào trong số kể trên và bệnh bạch cầu ở trẻ em, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục xem xét những yếu tố này.

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...