Danh mục

Hóa trị liều cao và cấy ghép tế bào gốc trong điều trị bệnh bạch cầu ở trẻ em

Cấy ghép tế bào gốc (SCT) (còn được gọi là ghép tủy xương) đôi khi có thể được sử dụng để giúp cải thiện cơ hội chữa khỏi bệnh bạch cầu ở trẻ em. SCT cho phép các bác sĩ sử dụng liều hóa trị cao hơn mức mà một đứa trẻ bình thường có thể chịu đựng được.

Cơ chế điều trị là sử dụng hóa trị liều cao để phá hủy tủy xương, khu vực phát sinh bệnh bạch cầu, nhưng cũng là nơi hình thành các tế bào máu mới. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng đe dọa tính mạng, chảy máu và các vấn đề khác do giảm số lượng tế bào máu. Cấy ghép tế bào gốc được thực hiện sau khi hóa trị để khôi phục các tế bào gốc tạo máu trong tủy xương.

Tế bào gốc tạo máu được sử dụng để cấy ghép có thể đến từ máu hoặc từ tủy xương. Đôi khi có thể sử dụng tế bào gốc từ máu cuống rốn của em bé.

Cấy ghép tế bào gốc dị thân

Đối với bệnh bạch cầu ở trẻ em, loại cấy ghép thường được sử dụng là cấy ghép tế bào gốc dị thân, tức là các tế bào gốc tạo máu được hiến tặng từ một người khác.

Tuýp mô của người hiến tặng (còn được gọi là tuýp HLA - kháng nguyên bạch cầu người) phải tương thích với tuýp mô của bệnh nhân nhất có thể để giúp ngăn ngừa nguy cơ gặp các vấn đề lớn do cấy ghép. Việc phân loại sẽ dựa trên một số chất bề mặt nhất định của tế bào. Sự phù hợp của mô giữa người cho và người nhận càng gần thì các tế bào được cấy ghép càng có cơ hội “tiếp nhận” và bắt đầu tạo ra các tế bào máu mới.

Người hiến tặng thường là anh / chị / em có cùng loại mô với bệnh nhân. Một số trường hợp hiếm, người hiến tặng có thể là một người khác, không có quan hệ họ hàng máu mủ nhưng phù hợp với HLA của bệnh nhân. Hoặc có thể sử dụng tế bào gốc dây rốn để cấy ghép, được lấy từ máu dây rốn và nhau thai sau khi sinh (rất giàu tế bào gốc.). Dù lấy từ nguồn nào, tế bào gốc đều sẽ được trữ đông cho đến khi cấy ghép.

Để tìm hiểu về cách thực hiện cấy ghép tế bào gốc, hãy xem Cấy ghép tế bào gốc trong điều trị bệnh ung thư.

Khi nào có thể sử dụng phương pháp cấy ghép tế bào gốc

Bệnh bạch cầu lympho cấp tính (ALL): SCT có thể được sử dụng cho trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao, nhưng khả năng cao tái phát sau đợt hóa trị đầu tiên (cảm ứng). Trong trường hợp này, cần thực hiện cấy ghép sau hóa trị cảm ứng để giúp bệnh bạch cầu thuyên giảm.

Cấy ghép tế bào gốc cũng có thể là một lựa chọn nếu bệnh bạch cầu không đáp ứng tốt với điều trị ban đầu hoặc tái phát ngay sau khi thuyên giảm. Hiện nay chưa chắc chắn liệu có thể sử dụng SCT trong điều trị những trường hợp trẻ bị ALL tái phát (hơn 6 tháng hoặc một năm) sau khi kết thúc đợt hóa trị đầu tiên hay không. Những ca này thường sẽ đáp ứng tốt hơn với một đợt hóa trị liều tiêu chuẩn khác.

Ngoài ra, SCT cũng có thể được khuyến nghị sử dụng cho trẻ mắc một số dạng ALL ít phổ biến hơn, chẳng hạn như bệnh bạch cầu có nhiễm sắc thể Philadelphia hoặc ALL tế bào T (bệnh bạch cầu cấp tính dòng tế bào lympho T) không đáp ứng tốt với điều trị ban đầu.

Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (AML): Vì AML thường tái phát hơn ALL nên cấy ghép tế bào gốc có thể được khuyến nghị ngay sau khi bệnh thuyên giảm (sau giai đoạn hóa trị đầu tiên), nếu trẻ có sẵn mô cấy ghép, từ anh / chị / em hiến tặng. Điều này đặc biệt đúng trong những trường hợp có nguy cơ tái phát cao (như với một số dạng phụ của AML hoặc tế bào bệnh bạch cầu bị đột biến gen hoặc đột biến nhiễm sắc thể). Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số tranh luận về loại AML nào sẽ thích hợp với phương pháp điều trị chuyên sâu này

Đối với trẻ bị tái phát bệnh bạch cầu cấp dòng tủy sau đợt hóa trị đầu tiên, hầu hết các bác sĩ đều đề nghị cấy ghép tế bào gốc ngay khi bệnh thuyên giảm trở lại.

Trong cả hai trường hợp, điều quan trọng là bệnh phải thuyên giảm trước khi được cấy ghép tế bào gốc. Nếu không, bệnh có nhiều khả năng tái phát.

Một số bệnh bạch cầu khác: Có thể sử dụng cấy ghép tế bào gốc cho một số loại bệnh bạch cầu ở trẻ em ít phổ biến hơn, chẳng hạn như bệnh bạch cầu nguyên bào tủy vị thành niên (JMML) và bệnh bạch cầu nguyên bào tủy mãn tính (CML). Đối với hầu hết trường hợp CML, liệu pháp nhắm mục tiêu thường được chỉ định đầu tiên, nhưng một số ca vẫn cần thực hiện cấy ghép.

Quan điểm thực tế

Cấy ghép tế bào gốc là một phương pháp điều trị phức tạp có thể gây nhiều tác dụng phụ đe dọa tính mạng. Nếu bác sĩ cho rằng việc cấy ghép hữu ích đối với trường hợp của con bạn, thì tốt nhất nên thực hiện tại các trung tâm ung thư, nơi nhân viên có kinh nghiệm về thủ thuật và chăm sóc hồi phục.

Việc cấy ghép tế bào gốc thường phải nằm viện dài ngày và có thể rất tốn kém. Mặc dù cấy ghép được bảo hiểm chi trả nhưng các khoản đồng thanh toán hoặc các chi phí khác cũng có thể lên tới hàng nghìn đô la. Do đó bạn nên tìm hiểu về những khoản sẽ được công ty bảo hiểm chi trả trước khi thực hiện cấy ghép.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ để nắm bắt một số thông tin cần thiết, chẳng hạn như những tác dụng phụ lâu dài có thể xảy ra. Hoặc bạn có thể tìm thêm thông tin về những ảnh hưởng lâu dài trong Cuộc sống sau điều trị bệnh bạch cầu ở trẻ em.

Để tìm hiểu thêm chi tiết về việc cấy ghép tế bào gốc, bao gồm cách thức thực hiện cũng như những rủi ro và tác dụng phụ có thể xảy ra, hãy xem Cấy ghép tế bào gốc trong điều trị bệnh ung thư.

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...