Danh mục

Điều trị bệnh bạch cầu lympho cấp tính (ALL) ở trẻ em

Phương pháp điều trị chính cho trẻ mắc bệnh bạch cầu lympho cấp tính (ALL) là hóa trị, thường được thực hiện trong 3 giai đoạn chính:

  • Giai đoạn cảm ứng.
  • Giai đoạn củng cố (tăng cường).
  • Giai đoạn bảo dưỡng

Thời gian điều trị thường kéo dài khoảng 2 đến 3 năm, đợt điều trị cường độ cao thường trong vài tháng đầu tiên.

Trẻ mắc bệnh bạch cầu lympho cấp tính (ALL) thường được phân loại theo nhóm nguy cơ để đảm bảo được tiêm đúng loại và liều lượng thuốc. Cường độ điều trị phụ thuộc vào nhóm nguy cơ của trẻ.

Giai đoạn cảm ứng
Mục tiêu của hóa trị liệu cảm ứng là đạt được sự thuyên giảm. Nghĩa là không tìm thấy tế bào bạch cầu trong các mẫu tủy xương, các tế bào tủy và công thức máu bình thường trở lại. (Bệnh thuyên giảm không đồng nghĩa được chữa khỏi hoàn toàn.) Hơn 95% trẻ em mắc bệnh ALL sẽ thuyên giảm sau 1 tháng điều trị khởi đầu.

Tháng đầu tiên trẻ cần phải nằm viện kéo dài để điều trị và thường xuyên thăm khám với bác sĩ vì có thể xảy ra nhiễm trùng nghiêm trọng hoặc các biến chứng khác. Bên cạnh đó, cần đảm bảo trẻ uống thuốc đủ liều và lượng theo quy định. Một số trường hợp, các biến chứng có thể nghiêm trọng đến mức đe dọa tính mạng, nhưng trong những năm gần đây, nhờ những tiến bộ trong chăm sóc hỗ trợ (chăm sóc điều dưỡng, dinh dưỡng, kháng sinh, truyền hồng cầu và tiểu cầu khi cần thiết, v.v.) đã giúp giảm tỷ lệ khởi phát biến chứng.

Trẻ mắc bệnh bạch cầu lympho cấp tính nguy cơ tiêu chuẩn thường được dùng 3 loại thuốc trong tháng đầu tiên điều trị. Bao gồm thuốc hóa trị L-asparaginase, Vincristine, và một loại thuốc steroid (ví dụ như Dexamethasone). Đối với trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao, có thể sử dụng thêm thuốc hóa trị thứ tư trong nhóm Anthracycline (thường là Daunorubicin). Các loại thuốc khác có thể được dùng sớm là Methotrexate hoặc 6-mercaptopurine.

Trẻ mắc bệnh ALL có nhiễm sắc thể Philadelphia thường đáp ứng tốt với điều trị khi sử dụng bổ sung thuốc nhắm mục tiêu như Imatinib (Gleevec).

Hóa trị intrathecal: Hầu hết trường hợp trẻ mắc bệnh đều được hóa trị nội tủy (CSF) để giúp tiêu diệt các tế bào bạch cầu di căn đến não và tủy sống. Đây còn được gọi là phương pháp hóa trị intrathecal (hóa trị trong khoang), được thực hiện thông qua một lỗ thủng thắt lưng (hay còn gọi là phương pháp chọc dò thắt lưng). Thuốc thường được tiêm hai lần (hoặc nhiều hơn nếu nguy cơ cao hoặc tìm thấy tế bào bệnh bạch cầu trong dịch não tủy) trong tháng đầu tiên và nhiều lần trong 1 hoặc 2 tháng tiếp theo. Sau đó, được tiêm nhắc lại ít thường xuyên hơn trong suốt quá trình điều trị.

Methotrexate thường được sử dụng trong hóa trị intrathecal. Hydrocortisone (một loại steroid) và Cytarabine (ara-C) có thể được thêm vào, đặc biệt ở trẻ có nguy cơ cao.

Cùng với hóa trị nội tủy, ở một số bệnh nhân có nguy cơ cao (ví dụ, bệnh bạch cầu lympho T cấp tính) và những người có nhiều tế bào bạch cầu trong dịch não tủy vào thời điểm chẩn đoán có thể được thực hiện thêm xạ trị não. Phương pháp này khá phổ biến trước đây, nhưng các nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng ngay cả trường hợp ALL nguy cơ cao cũng có thể không cần xạ trị nếu được dùng hóa trị chuyên sâu trước đó. Các bác sĩ cố gắng hạn chế khả năng chiếu tia xạ vào não nếu có thể, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, vì cho dù liều lượng được duy trì ở mức thấp, cũng có thể gây ra các vấn đề về tư duy, tăng trưởng và phát triển.

Một tác dụng phụ có thể xảy ra khi hóa trị intrathecal là co giật trong khi điều trị, xảy ra ở một tỷ lệ nhỏ trẻ em. Tình trạng này có thể được điều trị bằng thuốc để ngăn chặn.

Giai đoạn củng cố (tăng cường)
Tiếp theo là giai đoạn củng cố, thường dữ dội hơn, bắt đầu khi bệnh thuyên giảm và thường kéo dài trong vài tháng. Giai đoạn này tiếp tục làm giảm số lượng tế bào bệnh bạch cầu còn sót lại trong cơ thể. Một số cách kết hợp thuốc hóa trị có thể giúp ngăn ngừa tình trạng đề kháng thuốc. Hóa trị intrathecal (như mô tả ở trên) được tiếp tục sử dụng vào thời điểm này.

Đối với trẻ mắc ALL nguy cơ tiêu chuẩn thì thường được điều trị bằng các loại thuốc như Methotrexate, 6-mercaptopurine (6-MP), Vincristine, L-asparaginase hoặc Prednisone, nhưng phác đồ khác nhau ở các trung tâm ung thư khác nhau.

Trẻ có nguy cơ cao (ví dụ như có đột biến gen hoặc nhiễm sắc thể trong tế bào bệnh bạch cầu, hoặc vì vẫn còn sót tế bào bệnh bạch cầu sau giai đoạn cảm ứng) thường được hóa trị nhiều hơn. Bổ sung một số loại thuốc như L-asparaginase, Doxorubicin (Adriamycin), Etoposide, Cyclophosphamide và Cytarabine (ara-C), và Dexamethasone được thay thế cho Prednisone.

Có thể bổ sung thêm đợt hóa trị cường độ cao thứ hai như một phần của quá trình củng cố. (được gọi là tăng cường trì hoãn.)

Trẻ mắc bệnh ALL có nhiễm sắc thể Philadelphia thường đáp ứng tốt thuốc nhắm mục tiêu như Imatinib (Gleevec).

Đối với một số trường hợp nguy cơ cao, có thể lựa chọn cấy ghép tế bào gốc để thay thế khi bệnh bạch cầu thuyên giảm.

Giai đoạn bảo dưỡng
Nếu bệnh bạch cầu thuyên giảm sau giai đoạn cảm ứng và củng cố, có thể bắt đầu điều trị duy trì. Hầu hết phác đồ điều trị đều sử dụng 6-mercaptopurine (6-MP) hàng ngày và Methotrexate hàng tuần dưới dạng viên uống, thường dùng chung với Vincristine đường tiêm tĩnh mạch (IV) và steroid (Prednisone hoặc Dexamethasone). Hai loại thuốc này được dùng trong thời gian ngắn sau mỗi 4 đến 8 tuần. Có thể dùng bổ sung thêm các loại thuốc khác tùy thuộc vào loại ALL và nguy cơ tái phát.

Một số trẻ có nguy cơ cao hơn có thể được hóa trị duy trì cường độ cao và liệu pháp intrathecal.

Điều trị bệnh tồn lưu
Phác đồ điều trị có thể thay đổi nếu bệnh không thuyên giảm trong giai đoạn cảm ứng hoặc củng cố. Bác sĩ có thể sẽ kiểm tra tủy xương của trẻ ngay sau khi bắt đầu điều trị để đánh giá hiệu quả điều trị. Nếu không, có thể cần phải tăng cường độ điều trị hoặc kéo dài thời gian điều trị.

Nếu các xét nghiệm tiêu chuẩn trong phòng thí nghiệm cho thấy bệnh bạch cầu đã biến mất, bác sĩ có thể sử dụng các xét nghiệm nhạy cảm hơn để tìm kiếm một lần nữa các tế bào bệnh bạch cầu còn sót lại (được gọi là mức độ bệnh còn lại tối thiểu, hoặc MRD). Nếu phát hiện dấu hiệu bệnh còn lại, có thể cần hóa trị tăng cường một lần nữa hoặc kéo dài.

Điều trị bệnh bạch cầu lympho cấp tính tái phát
Nếu ALL tái phát trong hoặc sau khi điều trị, có thể trẻ cần được điều trị lại bằng hóa trị. Phần lớn kế hoạch điều trị phụ thuộc vào thời gian tái phát sau lần điều trị đầu tiên. Nếu bệnh tái phát sau một thời gian dài, các loại thuốc tương tự trước đó vẫn có thể hiệu quả, do đó, có thể sử dụng phương pháp điều trị tương tự để làm thuyên giảm bệnh lần hai.

Nếu bệnh tái phát sau một khoảng thời gian ngắn, thì có thể cần phải hóa trị tích cực hơn với các loại thuốc khác như Vincristine, L-asparaginase, Anthracyclines (Doxorubicin, Daunorubicin hoặc Mitoxantrone), Cyclophosphamide, Cytarabine (ara-C), và Etoposide hoặc Teniposide. Có thể dùng kết hợp với một loại steroid (Prednisone hoặc Dexamethasone). Bác sĩ có thể chỉ định thêm hóa trị nội tủy.

Đối với những trường hợp tái phát sớm hơn, hoặc trẻ bị bệnh bạch cầu lympho T cấp tính tái phát, việc cấy ghép tế bào gốc có thể được xem xét, đặc biệt nếu trẻ có anh / chị / em có tuýp mô phù hợp. Cấy ghép tế bào gốc cũng có thể được áp dụng cho trẻ tái phát sau đợt hóa trị thứ hai.

Một số trẻ bị tái phát ngoài tủy, nghĩa là các tế bào bạch cầu được tìm thấy trong các khu vực khác của cơ thể (chẳng hạn như dịch não tủy [CSF] hoặc tinh hoàn) nhưng không tìm thấy trong tủy xương. Ngoài hóa trị chuyên sâu như đã mô tả ở trên, trường hợp lan rộng đến dịch não tủy có thể được hóa trị nội tủy cường độ cao hơn, đôi khi phải xạ trị não và tủy sống (nếu vùng đó chưa được xạ trị). Bé trai bị tái phát ở một tinh hoàn có thể chỉ định bức xạ một bên tinh hoàn.

Nếu bệnh không biến mất hoàn toàn hoặc tái phát sau cấy ghép tế bào gốc, thì có thể rất khó điều trị. Đối với một số trẻ, các loại liệu pháp miễn dịch mới hơn, chẳng hạn như liệu pháp tế bào CAR T hoặc Blinatumomab (một kháng thể đơn dòng) có thể hữu ích.

Bệnh bạch cầu lympho cấp tính có nhiễm sắc thể Philadelphia
Đối với trẻ mắc một số loại ALL nhất định, chẳng hạn như có nhiễm sắc thể Philadelphia, hóa trị tiêu chuẩn (như đã nêu ở trên) có thể không hiệu quả. Trường hợp này, bác sĩ có thể khuyên cấy ghép tế bào gốc nếu điều trị cảm ứng giúp bệnh thuyên giảm và có sẵn người hiến tế bào gốc phù hợp.

Các loại thuốc nhắm mục tiêu mới hơn như Imatinib (Gleevec) và Dasatinib (Sprycel) có thể được sử dụng để tiêu diệt các tế bào bệnh bạch cầu có nhiễm sắc thể Philadelphia, thường dùng dưới dạng thuốc viên. Theo các nghiên cứu đã thực hiện cho đến nay, việc thêm các loại thuốc này vào hóa trị trong suốt quá trình điều trị có thể giúp cải thiện kết quả.

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...