Danh mục

Điều trị bệnh bạch cầu cấp dòng tủy ở trẻ em (AML)

Quá trình hóa trị của hầu hết trường hợp trẻ em bị bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (AML) được chia thành 2 giai đoạn chính:

  • Giai đoạn cảm ứng.
  • Giai đoạn củng cố (tăng cường).

Do cường độ điều trị và nguy cơ biến chứng nghiêm trọng, trẻ em bị AML cần được điều trị tại các trung tâm ung thư hoặc bệnh viện có kinh nghiệm.

Giai đoạn cảm ứng

Các loại thuốc hóa trị thường được sử dụng để điều trị bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (AML) là Daunorubicin và Cytarabine (ara-C), mỗi loại được sử dụng trong vài ngày liên tiếp. Tùy vào mức độ mà quá trình điều trị có thể kéo dài từ 10 ngày đến 2 tuần. Khoảng cách giữa các lần điều trị càng ngắn, hiệu quả tiêu diệt tế bào bệnh bạch cầu càng cao, nhưng đồng nghĩa với việc có thể gây nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng hơn.

Nếu các bác sĩ cho rằng trường hợp của bạn không đáp ứng với phức hợp hai thuốc, họ có thể chỉ định thêm etoposide hoặc 6-thioguanine. Phương pháp này thường được sử dụng cho trẻ có số lượng tế bào bạch cầu cao hoặc tế bào bạch cầu bị đột biến nhiễm sắc thể.

Điều trị bằng thuốc được lặp lại cho đến khi tủy xương không còn tế bào bạch cầu, thường sau khoảng 2-3 chu kỳ.

Ngăn ngừa tái phát ở hệ thần kinh trung ương: Hầu hết trẻ em bị AML đều được hoá trị nội tủy (tiêm trực tiếp vào dịch não tủy, CSF) để giúp ngăn ngừa bệnh bạch cầu tái phát trong não hoặc tủy sống. Xạ trị não thường ít được sử dụng hơn.

Giai đoạn củng cố (tăng cường)

Khoảng 85% đến 90% trường hợp thuyên giảm sau giai đoạn đầu. Điều này có nghĩa là không phát hiện dấu hiệu của bệnh bạch cầu bằng các xét nghiệm tiêu chuẩn trong phòng thí nghiệm, nhưng không đồng nghĩa với việc chữa khỏi bệnh hoàn toàn.

Giai đoạn củng cố (tăng cường) bắt đầu sau giai đoạn cảm ứng. Mục đích là để tiêu diệt bất kỳ tế bào bệnh bạch cầu nào còn sót lại bằng cách sử dụng phương pháp điều trị chuyên sâu hơn.

Đối với trẻ mắc AML có yếu tố tiên lượng kém, có anh trai hoặc chị gái hiến tặng tế bào gốc thì thường được bác sĩ khuyên thực hiện cấy ghép tế bào gốc khi bệnh vào đợt thuyên giảm. Hầu hết các nghiên cứu cho rằng điều này có thể cải thiện cơ hội sống của bệnh nhân hơn là chỉ dùng hóa trị, nhưng cũng có nhiều khả năng gây ra các biến chứng nghiêm trọng hơn. Đối với những trẻ có yếu tố tiên lượng tốt, một số bác sĩ có thể khuyên chỉ nên điều trị hóa chất chuyên sâu và dự trữ cấy ghép tế bào gốc trong trường hợp AML tái phát.

Đối với những trẻ không có người hiến tặng tế bào gốc tốt, điều trị tăng cường thường bao gồm thuốc hóa trị cytarabine (ara-C) với liều lượng cao. Hoặc có thể kết hợp thêm Daunorubicin. Quá trình điều trị thường kéo dài ít nhất vài tháng. 

Hóa trị nội tủy (vào CSF) thường được tiêm 1 đến 2 tháng một lần trong suốt giai đoạn tăng cường.

Trẻ bị AML (trừ những trẻ bị APL) là không cần hóa trị duy trì.

Một phần quan trọng trong điều trị bệnh bạch cầu cấp dòng tủy là chăm sóc hỗ trợ (chăm sóc sức khoẻ, hỗ trợ dinh dưỡng, kháng sinh và truyền máu). Điều trị cường độ cao cần thiết cho AML thường phá hủy phần lớn tủy xương (gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các tế bào máu) và có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng khác. Nếu không có kháng sinh điều trị nhiễm trùng hoặc hỗ trợ truyền máu, tỷ lệ thuyên giảm khó có thể tăng cao.

Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy khó điều trị hoặc tái phát

Ít hơn 15% trẻ em mắc bệnh AML khó điều trị (bệnh bạch cầu không đáp ứng với điều trị ban đầu). Các trường hợp này thường rất khó chữa khỏi và các bác sĩ thường đề nghị cấy ghép tế bào gốc nếu có thể thực hiện được.

Nói chung, triển vọng ở trẻ bị bệnh bạch cầu cấp dòng tủy tái phát sau khi điều trị thường tốt hơn một chút so với trường hợp bệnh AML khó điều trị, tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào thời gian thuyên giảm ban đầu. Trong hơn một nửa số trường hợp tái phát, bệnh bạch cầu có thể thuyên giảm lần thứ hai khi hóa trị liều cao hơn. Cơ hội thuyên giảm lần thứ hai sẽ tốt hơn nếu đợt thuyên giảm đầu tiên kéo dài ít nhất một năm, nhưng đợt thuyên giảm lần thứ hai kéo dài rất hiếm trường hợp không kèm với cấy ghép tế bào gốc. Nhiều phúc hợp thuốc hóa trị đã được sử dụng trong những trường hợp này, nhưng thường cho các kết quả khác nhau.

Một lựa chọn khác là điều trị bằng thuốc nhắm mục tiêu gemtuzumab ozogamicin (Mylotarg).

Hầu hết trẻ em bị bệnh bạch cầu tái phát đều là những ứng cử viên sáng giá cho các thử nghiệm lâm sàng phác đồ điều trị mới. Hy vọng rằng một số trường hợp đáp ứng tốt để có thể xem xét việc cấy ghép tế bào gốc. Bác sĩ có thể khuyên cấy ghép tế bào gốc ngay cả khi bệnh không thuyên giảm, có thể thành công hoặc không.

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...