Danh mục

Những điều cần biết khi trẻ mắc bệnh bạch cầu

Bệnh bạch cầu ở trẻ em là bệnh gì?

Ung thư có thể bắt đầu từ mọi nơi trên cơ thể. Bệnh bạch cầu là một loại ung thư bắt nguồn từ tế bào bạch cầu trong tủy xương, phần mềm bên trong một số xương, nơi tạo ra các tế bào máu mới. Bệnh xảy ra khi các tế bào bạch cầu phát triển ngoài tầm kiểm soát và lấn át các tế bào máu bình thường, khiến cơ thể hoạt động bất thường. Các tế bào lơ xê mi (tế bào bệnh bạch cầu) thường di căn vào máu rất nhanh và từ đó đến các cơ quan khác trong cơ thể.

Tế bào máu bình thường được tạo ra trong tủy xương

Hiểu các loại bệnh bạch cầu khác nhau, giúp chúng ta biết thêm về các loại tế bào máu.

Tế bào hồng cầu (RBCs) có chức năng mang oxy từ phổi đến tất cả các mô khác của cơ thể và đưa carbon dioxide trở lại phổi để loại bỏ.

Tế bào bạch cầu (WBCs) giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Có nhiều loại bạch cầu, nhưng các loại chính bao gồm:

  • Lympho bào.
  • Bạch cầu hạt.
  • Bạch cầu đơn nhân.

Hầu hết trường hợp bệnh bạch cầu đều bắt đầu ở dạng tế bào bạch cầu sớm (chưa trưởng thành).

Tiểu cầu thực sự là tập hợp những mảnh vỡ từ một loại tế bào trong tủy xương. Tiểu cầu giúp cầm máu bằng cách tạo nút tiểu cầu bịt các lỗ trên mạch máu do vết thương hoặc vết bầm tím gây ra.

Các loại bệnh bạch cầu ở trẻ em

Có nhiều loại bệnh bạch cầu khác nhau, có thể phát triển nhanh (cấp tính) hoặc phát triển chậm (mãn tính). Hầu hết tất cả bệnh bạch cầu ở trẻ em là cấp tính. Bệnh thường diễn tiến nhanh chóng và cần được điều trị sớm. Bác sĩ có thể cho bạn biết thêm về loại mà con bạn mắc phải. Dưới đây là tên y học của 2 loại bệnh bạch cầu phổ biến nhất ở trẻ em.

Bệnh bạch cầu lympho cấp tính (ALL)

Một tên gọi khác của ALL là bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp tính. Đây là loại bệnh bạch cầu phổ biến nhất ở trẻ em. Bắt nguồn từ các dạng lympho bào sớm trong tủy xương.

Bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính (AML)

Một tên gọi khác của AML là bệnh bạch cầu nguyên bào tủy cấp tính. Đây là loại phổ biến thứ hai ở trẻ em. Có nhiều loại AML, phát triển từ các tế bào biệt hóa các tế bào bạch cầu khác (không phải tế bào lympho), hồng cầu hoặc tiểu cầu.

Một số câu hỏi mẫu dành cho bác sĩ

  • Tại sao bác sĩ nghi ngờ con tôi bị bệnh bạch cầu?
  • Có phần trăm không mắc bệnh không?
  • Bác sĩ có thể cho tôi biết loại bệnh bạch cầu mà con tôi đang được nghi ngờ mắc phải không? 
  • Diễn tiến bệnh như thế nào?

Làm sao nhận biết trẻ mắc bệnh bạch cầu?

Đôi khi bệnh bạch cầu ở trẻ em có thể bị nhầm lẫn với một số bệnh thông thường như cảm lạnh hoặc cúm, đặc biệt là khi các triệu chứng không thuyên giảm. Báo ngay cho bác sĩ nếu con bạn có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:

  • Sốt.
  • Mệt mỏi, suy nhược.
  • Cảm thấy lạnh hoặc chóng mặt.
  • Đau nhức trong xương.
  • Da nhợt nhạt.
  • Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu.
  • Thường xuyên nhức đầu.

Ngoài việc báo các triệu chứng, bạn cần nói cho bác sĩ biết thời gian khởi phát triệu chứng, các dấu hiệu kéo dài trong bao lâu. 

Nếu các dấu hiệu nghi ngờ bệnh bạch cầu, có thể cần thực hiện thêm nhiều xét nghiệm hơn để đi đến chẩn đoán chính xác. Dưới đây là một số xét nghiệm mà con bạn có thể cần:

Đếm số lượng tế bào máu: thường được dùng làm xét nghiệm đầu tay. Hầu hết trường hợp trẻ bị bệnh bạch cầu có số lượng bạch cầu tăng nhưng hồng cầu hoặc tiểu cầu lại giảm. Các tế bào bạch cầu được tìm thấy là các tế bào máu chưa trưởng thành được gọi là tế bào blast thường tập trung trong tủy xương cho đến khi trưởng thành. Nếu xét nghiệm cho thấy số lượng tế bào blast trong máu tăng, hoặc số lượng bạch cầu giảm, bác sĩ có thể nghĩ ngay đến bệnh bạch cầu.

Chọc hút và sinh thiết tủy xương: đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chẩn đoán bệnh chính xác. Trong xét nghiệm này, bác sĩ sẽ sử dụng một cây kim rỗng, mỏng để trích một lượng nhỏ mẫu tủy xương, thường là từ xương hông. Vùng quanh xương thường được gây tê, một số trường hợp có thể cần gây mê cho trẻ trong quá trình thực hiện. Các mẫu sau đó sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra có tế bào lơ xê mi trong tủy xương hay không.

Xét nghiệm này cũng có thể được sử dụng sau đó để đánh giá hiệu quả điều trị. 

Chọc dò thắt lưng: Xét nghiệm này được sử dụng để kiểm tra các tế bào bạch cầu trong chất lỏng xung quanh não và tủy sống (được gọi là CSF). Đầu tiên, bác sĩ sẽ gây tê một vùng ở phần dưới thắt lưng cột sống. Một số trường hợp có thể cần gây mê cho trẻ trong quá trình thực hiện. Sau đó, bác sĩ sẽ dùng một cây kim rỗng nhỏ đưa qua khoảng trống giữa các đốt sống vào khoang tủy để hút ra một lượng nhỏ dịch tủy xương, và gửi đến phòng thí nghiệm.

Xét nghiệm bệnh bạch cầu trong phòng thí nghiệm: Nhiều loại xét nghiệm phòng thí nghiệm có thể được sử dụng để xem xét các mẫu từ máu, tủy xương, dịch tủy sống và các hạch bạch huyết. Bạn có thể hỏi bác sĩ để được giải thích thêm về kết quả xét nghiệm.

Các xét nghiệm máu khác: Nếu đứa trẻ bị bệnh bạch cầu, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm máu khác để kiểm tra chức năng gan, thận và các cơ quan khác.

Chụp X-quang ngực: Chụp X-quang phổi có thể cho biết nếu các cơ quan hoặc hạch bạch huyết trong ngực sưng to. Ngoài ra, xét nghiệm này còn được sử dụng để kiểm tra nhiễm trùng phổi nếu có.

Chụp CT (chụp cắt lớp vi tính): Chụp CT (đôi khi được gọi là quét CAT) sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh chi tiết bên trong cơ thể, có thể cho biết liệu bệnh bạch cầu đã lan vào các hạch bạch huyết ở ngực hoặc đến các cơ quan như lách hoặc gan hay chưa.

Chụp MRI: Xét nghiệm này cũng tạo ra hình ảnh chi tiết bên trong cơ thể, nhưng được xem là hữu ích nhất trong việc xem xét não và tủy sống.

Các phân nhóm bệnh bạch cầu ở trẻ em

Bệnh bạch cầu không được chia thành các giai đoạn như hầu hết các bệnh ung thư khác. Ung thư bắt đầu trong tủy xương và nhanh chóng di căn vào máu, lan truyền tế bào bệnh bạch cầu đến mọi nơi trên cơ thể.

Mối quan tâm quan trọng nhất đối với bệnh bạch cầu là tìm ra loại (chẳng hạn như ALL hoặc AML) và loại phụ (phân nhóm). Việc đánh giá loại phụ dựa trên những một số yếu tố như:

  • Bệnh phát triển từ loại tế bào nào.
  • Các đột biến gen nhất định.
  • Bệnh phát triển sau điều trị một loại ung thư khác.

Bạn có thể yêu cầu bác sĩ giải thích về loại và loại phụ của bệnh bạch cầu mà con bạn mắc phải. Việc xác định những điều này giúp bác sĩ đưa ra quyết định tốt nhất.

Một số câu hỏi mẫu dành cho bác sĩ

  • Bác sĩ có thể cho tôi biết chính xác loại bệnh bạch cầu mà con tôi đang mắc phải không? 
  • Có những yếu tố tiên lượng nào? 
  • Chúng tôi có cần gặp các bác sĩ chuyên môn khác không? 
  • Bác sĩ đã có nhiều kinh nghiệm trong việc điều trị loại bệnh bạch cầu này chưa? 
  • Con tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào?
  • Ai sẽ là người hướng dẫn thực hiện những xét nghiệm này?
  • Những xét nghiệm này được thực hiện ở đâu?
  • Ai có thể giải thích cụ thể cho tôi về xét nghiệm này?
  • Khi nào tôi nhận được kết quả xét nghiệm?
  • Ai sẽ giải thích kết quả xét nghiệm?
  • Có cần tiến hành điều trị sớm hay không?
  • Bước tiếp theo sau khi xét nghiệm xong là gì?

Những phương pháp điều trị nào mà con tôi có thể cần?

Kế hoạch điều trị tốt nhất cho con bạn sẽ phụ thuộc vào:

  • Loại và loại phụ của bệnh bạch cầu.
  • Tỷ lệ phần trăm hiệu quả của phương pháp điều trị đối với tình trạng bệnh (điều trị hoàn toàn hoặc giúp thuyên giảm bệnh).
  • Các yếu tố khác, chẳng hạn như tuổi của trẻ và các kết quả xét nghiệm nhất định trong phòng thí nghiệm.
  • Suy nghĩ của bạn về phương pháp điều trị và các tác dụng phụ có thể xảy ra.

Hóa trị

Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Đây là phương pháp điều trị chính cho hầu hết các loại bệnh bạch cầu.

Thuốc thường được tiêm tĩnh mạch, cột sống hoặc dùng dưới dạng thuốc viên. Sau khi vào máu, thuốc sẽ lan tỏa khắp cơ thể. Trẻ có thể được cho sử dụng nhiều hơn một loại thuốc hóa trị vào các thời điểm khác nhau.

Hóa trị được thực hiện theo chu kỳ, sau mỗi chu kỳ là một thời gian nghỉ ngơi để cơ thể hồi phục. Theo công văn quyết định,  AML thường được sử dụng liều hóa trị cao hơn trong thời gian ngắn hơn (thường dưới một năm) so với  ALL, liều thấp hơn trong thời gian dài hơn (khoảng 2 đến 3 năm).

Tác dụng phụ của hóa trị

Hóa trị có thể có nhiều tác dụng phụ, chẳng hạn như:

  • Rụng tóc.
  • Lở miệng.
  • Chán ăn.
  • Tiêu chảy.
  • Buồn nôn và ói mửa.
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng (do số lượng bạch cầu thấp).
  • Dễ bị bầm tím và chảy máu (do số lượng tiểu cầu thấp).
  • Mệt mỏi (do số lượng hồng cầu thấp).

Những triệu chứng này có xu hướng biến mất sau khi điều trị kết thúc. Có nhiều cách để điều trị các tác dụng phụ của hóa trị. Nếu cần, bạn có thể liên lạc với bác sĩ để được giúp đỡ.

Thuốc nhắm mục tiêu

Thuốc nhắm mục tiêu là phương pháp điều trị mới có thể được sử dụng cho một số loại bệnh bạch cầu. Các loại thuốc này ảnh hưởng chủ yếu đến các tế bào ung thư chứ không phải các tế bào bình thường trong cơ thể. Có thể phát huy tác dụng ngay cả những trường hợp không đáp ứng với các điều trị khác. Thuốc thường dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch hoặc đường uống (dưới dạng thuốc viên). Thuốc nhắm mục tiêu gây ra các tác dụng phụ khác với hóa trị.

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch có khả năng kích hoạt hệ thống miễn dịch của chính cơ thể tấn công các tế bào bệnh bạch cầu. Hiện nay có một số loại phương pháp điều trị miễn dịch mới hơn, chẳng hạn như liệu pháp tế bào CAR T, được sử dụng cho một số trường hợp khó điều trị.

Hóa trị liều cao và cấy ghép tế bào gốc

Cấy ghép tế bào gốc (SCT) có thể được sử dụng cho trẻ không đáp ứng tốt với liều hóa trị tiêu chuẩn. Cấy ghép tế bào gốc cho phép các bác sĩ sử dụng hóa trị liều rất cao, có thể gây phá hủy tủy xương, từ đó ngăn không cho các tế bào máu mới được tạo ra. Điều này đe dọa đến tính mạng của trẻ. Nhưng sau khi điều trị xong, trẻ sẽ được ghép tế bào gốc tạo máu để thay thế. Có nhiều loại cấy ghép tế bào gốc khác nhau, mỗi loại có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng khác nhau. Do đó hãy trao đổi với bác sĩ để biết thêm về loại bệnh bạch cầu mà con bạn mắc phải cũng như những gì có thể mong đợi sau điều trị. 

Phẫu thuật

Phẫu thuật chỉ có một vai trò nhỏ trong điều trị bệnh bạch cầu. Điều này là do bệnh bạch cầu là một bệnh về máu và tủy xương, do đó không thể chữa khỏi bằng phẫu thuật. Phẫu thuật có thể được sử dụng trước hóa trị để đưa một ống nhựa nhỏ gọi là ống thông tĩnh mạch trung tâm (CVC) hoặc thiết bị tiếp cận tĩnh mạch (VAD) vào tĩnh mạch lớn. Điều này cho phép truyền thuốc hóa trị và lấy mẫu máu mà không cần chọc kim mỗi lần.

Xạ trị

Xạ trị sử dụng các tia năng lượng cao (như tia X) để tiêu diệt tế bào ung thư. Được sử dụng trong điều trị bệnh bạch cầu để tiêu diệt các tế bào lơ xê mi còn sót trong não hoặc tinh hoàn. Hoặc có thể sử dụng xạ trị trước cấy ghép tế bào gốc. Bạn cần hỏi bác sĩ để đảm bảo xạ trị được xem là một phần của kế hoạch điều trị và cần mong đợi những gì sau kết thúc xạ trị.

Tác dụng phụ của xạ trị

Nếu bác sĩ đề nghị điều trị bằng bức xạ, hãy trao đổi về những tác dụng phụ có thể xảy ra. Các tác dụng phụ phụ thuộc vào vùng cơ thể được xạ trị. Một số tác dụng phụ phổ biến nhất là:

  • Thay đổi vùng da xạ trị.
  • Mệt mỏi.

Những tác dụng phụ này có xu hướng thuyên giảm sau khi điều trị kết thúc. Bức xạ cũng có thể gây ra những ảnh hưởng lâu dài nếu xạ trị vùng não, tim, phổi hoặc các cơ quan khác. Bạn có thể nói chuyện với bác sĩ nếu có bất kỳ thắc mắc nào. 

Các thử nghiệm lâm sàng

Thử nghiệm lâm sàng là nghiên cứu thử nghiệm các loại thuốc mới hoặc các phương pháp điều trị mới. Từ đó đánh giá so sánh hiệu quả của các phương pháp điều trị tiêu chuẩn với những phương pháp mới hơn này.

Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về các thử nghiệm lâm sàng có thể phù hợp với con bạn, hãy hỏi bác sĩ về các thử nghiệm lâm sàng đang được thực hiện ở phòng khám hoặc bệnh viện. Xem Thử nghiệm lâm sàng để tìm hiểu thêm.

Thử nghiệm lâm sàng là một cách tìm ra các phương pháp điều trị ung thư mới. Nếu bác sĩ giới thiệu một thử nghiệm lâm sàng nghiên cứu về loại bệnh bạch cầu con bạn đang mắc phải, bạn có thể quyết định tham gia hoặc không tham gia. Nếu tham gia, bạn có thể dừng lại bất cứ lúc nào bạn muốn.

Có những phương pháp điều trị nào khác mà tôi có thể được giới thiệu?

Khi con bạn bị ung thư, bạn có thể nghe nói về những cách khác để điều trị ung thư hoặc các triệu chứng của nó. Các phương pháp này không phải lúc nào cũng là phương pháp điều trị y tế tiêu chuẩn, bao gồm như vitamin, thảo mộc, chế độ ăn đặc biệt.... Bạn có thể muốn tìm hiểu về các phương pháp điều trị này.

Một số được chứng minh là hữu ích, số còn lại chưa được thử nghiệm, không giúp ích gì hoặc thậm chí là nguy hiểm. Trao đổi với bác sĩ về những gì bạn đang nghĩ đến việc sử dụng, cho dù đó là vitamin, chế độ ăn kiêng hay bất kỳ thứ gì khác.

Một số mẫu câu hỏi thường dùng

  • Đề nghị của bác sĩ về phương pháp điều tri là gì?
  • Mục tiêu của phương pháp điều trị này là gì? Có thể chữa khỏi bệnh bạch cầu không?
  • Con tôi có cần bổ sung thêm loại điều trị khác không?
  • Mục tiêu của các phương pháp điều trị này là gì?
  • Những tác dụng phụ nào có thể xảy ra?
  • Có thể làm gì để điều trị hoặc giảm nhẹ các tác dụng phụ này không?
  • Có thử nghiệm lâm sàng nào có thể phù hợp với con tôi không?
  • Tôi cần để ý điều gì về các loại vitamin hoặc chế độ ăn kiêng đặc biệt mà tôi được nghe nói? Làm sao để biết những phương pháp này có an toàn hay không?
  • Có cần tiến hành điều trị sớm hay không?
  • Nên chuẩn bị những gì trước khi điều trị?
  • Nên làm gì để việc điều trị được diễn ra suông sẻ?
  • Trường hợp bệnh của con tôi có những lựa chọn điều trị nào?
  • Bác sĩ gợi ý phương pháp điều trị nào và tại sao?
  • Con tôi có thể thực hiện cấy ghép tế bào gốc được không?
  • Tình trạng bệnh của con tôi có cơ hội được chữa khỏi hay không?
  • Bước tiếp theo sau điều trị là gì?

Điều gì sẽ xảy ra sau khi điều trị?

Sau hoàn thành quá trình điều trị, bạn có thể cảm thấy vui xen lẫn chút lo sợ. Bạn có thể an tâm phần nào nhưng khó có thể không lo lắng về việc ung thư phát triển hoặc tái phát. Trong nhiều năm sau khi điều trị kết thúc, con bạn sẽ cần phải tái khám với bác sĩ ung thư để kiểm tra, xét nghiệm máu và các xét nghiệm khác nhằm đánh giá tình trạng bệnh (có tái phát hay không).

Thời gian đầu có thể tái khám khoảng một tháng một lần. Càng về sau số lần thăm khám càng giảm.

Với sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, những người sống sót khác và các chuyên gia sức khỏe tâm thần, nhiều trẻ em sống sót sau bệnh bạch cầu có thể vượt qua những khó khăn đang phải đối mặt.

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...