Danh mục

Hóa trị bệnh bạch cầu ở trẻ em

Hóa trị là phương pháp điều trị chính cho hầu hết các bệnh bạch cầu ở trẻ em, bằng cách sử dụng các loại thuốc chống ung thư qua đường tĩnh mạch (IV), tiêm bắp, đưa vào dịch não tủy (CSF) xung quanh não và tủy sống, hoặc  dùng bằng đường uống. Ngoại trừ trường hợp đưa thuốc vào dịch não tủy, hầu hết các con đường khác, thuốc hóa trị sẽ đi vào máu và đến tất cả các vùng của cơ thể, phù hợp điều trị các bệnh ung thư như bệnh bạch cầu.

Có thể sử dụng kết hợp nhiều loại thuốc hóa trị trong điều trị bệnh bạch cầu. Hóa trị thường được thực hiện theo chu kỳ, giữa hai chu kỳ là thời gian nghỉ ngơi để cơ thể phục hồi.

Nói chung, điều trị bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính (AML) thường sử dụng hóa trị liều cao trong thời gian ngắn (thường dưới một năm), còn đối với bệnh bạch cầu cấp dòng lympho (ALL), điều trị thường sử dụng hóa trị liều thấp hơn trong thời gian dài hơn (thường từ 2 đến 3 năm).

Một số loại thuốc hóa trị được sử dụng để điều trị bệnh bạch cầu ở trẻ em bao gồm:

  • Vincristine.
  • Daunorubicin, (daunomycin).
  • Doxorubicin (Adriamycin).
  • Idarubicin.
  • Cytarabine (cytosine arabinoside hoặc ara-C).
  • L-asparaginase, PEG-L-asparaginase (pegaspargase).
  • Etoposide.
  • 6-mercaptopurine (6-MP).
  • 6-thioguanine (6-TG).
  • Methotrexate.
  • Mitoxantrone.
  • Cyclophosphamide.
  • Các loại thuốc corticosteroid như prednisone, prednisolone, dexamethasone hoặc hydrocortisone.

Trẻ có thể được nhận một số loại thuốc kể trên vào những thời điểm khác nhau trong quá trình điều trị, nhưng thường không sử dụng hết.

Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi hóa trị
Thuốc hóa trị có thể ảnh hưởng đến một số tế bào bình thường trong cơ thể, dẫn đến các tác dụng phụ.

Thuốc hóa trị có thể gây một số tác dụng phụ, tùy thuộc vào loại thuốc, liều lượng và thời gian sử dụng. Bao gồm:

  • Rụng tóc.
  • Lở miệng.
  • Chán ăn.
  • Tiêu chảy.
  • Buồn nôn và ói mửa.

Thuốc hóa trị cũng ảnh hưởng đến các tế bào bình thường trong tủy xương, gây giảm số lượng tế bào máu. Điều này có thể dẫn đến:

  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng (số lượng bạch cầu quá ít).
  • Dễ bị bầm tím và chảy máu (quá ít tiểu cầu).
  • Mệt mỏi (quá ít hồng cầu).

Các vấn đề về số lượng tế bào máu ban đầu thường do chính bệnh bạch cầu gây ra. Chúng có thể trở nên tồi tệ hơn trong giai đoạn đầu của điều trị do hóa trị, nhưng thường sẽ cải thiện khi các tế bào bệnh bạch cầu bị tiêu diệt và các tế bào bình thường trong tủy xương phục hồi.

Hầu hết các tác dụng phụ thường biến mất khi điều trị kết thúc. Thường có nhiều cách để giảm những tác dụng phụ này. Ví dụ, một số loại thuốc có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm triệu chứng buồn nôn và nôn. Các loại thuốc khác được gọi là yếu tố tăng trưởng có thể chỉ định sử dụng để tăng số lượng tế bào máu ở bệnh nhân.

Hội chứng ly giải khối u: Tác dụng phụ này thường xảy ra ở trẻ có số lượng lớn tế bào bạch cầu trong cơ thể trước khi điều trị. Khi hóa trị tiêu diệt các tế bào này, chúng sẽ vỡ ra và giải phóng các chất trung gian vào máu. Điều này có thể khiến thận bị quá tải, không thể loại bỏ tất cả các chất này cùng một lúc. Nồng độ cao một số chất nhất định cũng có thể ảnh hưởng đến tim và hệ thần kinh. Vấn đề này có thể được ngăn ngừa bằng cách bù đủ dịch cho trẻ trong quá trình điều trị và một số loại thuốc, chẳng hạn như bicarbonate, allopurinol và rasburicase, hỗ trợ cơ thể đào thải chất độc hại.

Một số loại thuốc hóa trị cũng có thể có các tác dụng phụ cụ thể khác. Ví dụ:

  • Vincristine có thể gây tổn thương các dây thần kinh, dẫn đến tê, ngứa ran hoặc yếu tay, chân (được gọi là bệnh thần kinh ngoại biên).
  • L-asparaginase và PEG-L-asparaginase có thể làm tăng nguy cơ đông máu.

Một số loại thuốc hóa trị cũng có thể gây ra các tác dụng phụ muộn hoặc lâu dài, chẳng hạn như ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này hoặc tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư thứ hai (thường là AML). Để biết thêm về điều này, hãy xem Cuộc sống sau điều trị bệnh bạch cầu ở trẻ em.

Bạn có thể hỏi bác sĩ hoặc y tá về các tác dụng phụ nên theo dõi cũng như những việc có thể làm để giảm nhẹ các tác dụng phụ này.

Hóa trị được đưa trực tiếp vào dịch não tủy (CSF) xung quanh não và tủy sống (được gọi là hóa trị nội tủy) có thể có tác dụng phụ riêng, mặc dù không phổ biến. Hóa trị nội tủy có thể gây khó khăn cho trẻ trong việc suy nghĩ hoặc thậm chí co giật ở một số trường hợp.

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...