Danh mục

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bạch cầu ở trẻ em

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra các triệu chứng tương tự bệnh bạch cầu ở trẻ em. Do đó, nếu con bạn có bất kỳ dấu hiệu nào trong số đó, bạn nên đưa đi khám bác sĩ để có thể tìm ra nguyên nhân và điều trị nếu cần.

Bệnh bạch cầu bắt nguồn từ tủy xương, đây là nơi tạo ra các tế bào máu mới. Do đó, các triệu chứng của bệnh bạch cầu thường do các vấn đề trong tủy xương. Khi các tế bào bệnh bạch cầu tích tụ trong tủy, chúng có thể lấn át các tế bào máu bình thường. Kết quả là trẻ bị thiếu hụt hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Sự thiếu hụt này được hiển thị trên các xét nghiệm máu hoặc biểu hiện ra triệu chứng. Các tế bào bệnh bạch cầu cũng có thể xâm nhập vào các vùng khác của cơ thể gây ra nhiều triệu chứng khác.

Các triệu chứng do giảm hồng cầu (thiếu máu): Tế bào hồng cầu có nhiệm vụ mang oxy đến tất cả các tế bào trong cơ thể. Do đó, sự thiếu hụt hồng cầu có thể gây ra các triệu chứng như:

  • Cảm thấy mệt mỏi.
  • Suy nhược.
  • Cảm thấy lạnh.
  • Cảm thấy chóng mặt hoặc choáng váng.
  • Khó thở.
  • Da nhợt nhạt.

Các triệu chứng do giảm bạch cầu: Tế bào bạch cầu có chức năng bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn. Trẻ bị bệnh bạch cầu thường có số lượng bạch cầu cao, nhưng chiếm đa số là các tế bào lơ xê mi không có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng và không có đủ tế bào bạch cầu bình thường. Điều này có thể dẫn đến:

  • Nhiễm trùng, có thể xảy ra do thiếu hụt các tế bào bạch cầu bình thường. Trẻ bị bệnh bạch cầu có thể bị nhiễm trùng dai dẳng hoặc tái nhiễm trùng nhiều lần.
  • Sốt, thường là dấu hiệu chính của nhiễm trùng. Nhưng một số trẻ có thể bị sốt mà không có nhiễm trùng.

Các triệu chứng do giảm tiểu cầu: Số lượng tiểu cầu trong máu bình thường giúp đông máu và cầm máu. Sự thiếu hụt tiểu cầu có thể dẫn đến:

  • Dễ bị bầm tím và chảy máu.
  • Chảy máu cam thường xuyên hoặc nghiêm trọng.
  • Chảy máu nướu răng.

Đau xương hoặc khớp: Cơn đau này là do sự tích tụ của các tế bào lơ xê mi gần bề mặt xương hoặc bên trong khớp.

Sưng bụng: Các tế bào lơ xê mi (leukemi) có thể tích tụ trong gan và lách, làm cho các cơ quan này to ra. Điều này có thể được nhận thấy qua tình trạng đầy bụng hoặc bụng sưng to. Ngoài ra, bác sĩ còn sờ được các xương sườn trên các cơ quan này.

Chán ăn và sụt cân: Lách to hoặc gan to có thể gây chèn ép các cơ quan khác như dạ dày, khiến trẻ cảm thấy nhanh no khi ăn, dẫn đến chán ăn và sụt cân theo thời gian.

Hạch bạch huyết sưng to: Một số trường hợp có thể lan đến các hạch bạch huyết (tập hợp các tế bào miễn dịch nhỏ (cỡ hạt đậu) trong cơ thể). Có thể nhìn thấy hoặc sờ thấy các hạch sưng như cục u dưới da ở một số bộ phận nhất định của cơ thể (chẳng hạn như ở hai bên cổ, vùng dưới cánh tay, trên xương đòn hoặc ở bẹn). Các hạch bạch huyết bên trong ngực hoặc bụng cũng có thể sưng lên, nhưng chỉ có thể được nhìn thấy trên các xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như chụp CT hoặc MRI.

Ở trẻ sơ sinh và trẻ em, các hạch bạch huyết thường to ra khi có nhiễm trùng. Nổi hạch ở trẻ em thường là dấu hiệu của nhiễm trùng hơn là bệnh bạch cầu, nhưng vẫn cần được bác sĩ kiểm tra và theo dõi chặt chẽ.

Ho hoặc khó thở: Một số loại bệnh bạch cầu có thể ảnh hưởng đến các cấu trúc ở giữa ngực, chẳng hạn như các hạch bạch huyết hoặc tuyến ức (cơ quan nhỏ nằm trước khí quản). Tuyến ức hoặc các hạch bạch huyết ở ngực to lên có thể đè lên khí quản, gây ho hoặc khó thở.

Trong một số trường hợp số lượng bạch cầu cao có thể gây tích tụ trong các mạch máu nhỏ của phổi, cũng có thể dẫn đến khó thở.

Sưng mặt và cánh tay: Tuyến ức phì đại có thể đè lên tĩnh mạch chủ trên (SVC), đây là một tĩnh mạch lớn đưa máu từ cánh tay - đầu về tim. Điều này có thể làm cho máu bị ứ đọng trong tĩnh mạch. Đây được gọi là hội chứng SVC - hội chứng tĩnh mạch chủ trên. Có thể dẫn đến một số triệu chứng như sưng ở mặt, cổ, cánh tay và phần trên ngực (đôi khi da có màu hơi xanh đỏ); đau đầu, chóng mặt và thay đổi ý thức nếu ảnh hưởng đến não. Hội chứng SVC có thể đe dọa đến tính mạng nên cần được điều trị ngay.

Đau đầu, co giật, nôn mửa: Một số ít trường hợp bệnh bạch cầu đã lan đến não và tủy sống khi được chẩn đoán. Điều này có thể dẫn đến các triệu chứng như đau đầu, khó tập trung, suy nhược, co giật, nôn mửa, các vấn đề về thăng bằng và mờ mắt.

Phát ban hoặc các vấn đề về nướu: Ở trẻ bị bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính (AML), các tế bào lơ xê mi có thể lan đến nướu, gây sưng, đau và chảy máu.

Nếu bệnh lan rộng ra da, nó có thể gây các đốm đen nhỏ trông giống như phát ban thông thường. Một tập hợp các tế bào AML dưới da hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể được gọi là u lục bào hoặc sarcoma bạch cầu hạt.

Mệt mỏi và suy nhược: Một triệu chứng hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng của AML là mệt mỏi, suy nhược và nói lắp. Điều này có thể xảy ra khi số lượng tế bào bạch cầu cao làm máu đặc hơn và làm chậm quá trình lưu thông qua các mạch máu nhỏ của não.

Một lần nữa, hầu hết các triệu chứng trên có nhiều khả năng được gây ra bởi một nguyên nhân khác ngoài bệnh bạch cầu. Tuy nhiên, nếu có bất kỳ triệu chứng nào nên báo ngay cho bác sĩ để được kiểm tra và tìm ra nguyên nhân nhằm điều trị kịp thời. 

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...