Danh mục

Cuộc sống của những người sống sót sau điều trị ung thư gan

Đối với một số bệnh nhân ung thư gan, việc điều trị có thể loại bỏ hoặc tiêu diệt ung thư. Việc hoàn thành điều trị có thể đem lại cho bạn nhiều cảm xúc khác nhau (vừa căng thẳng vừa thú vị). Thông thường bạn có thể cảm thấy nhẹ nhõm sau khi kết thúc điều trị, nhưng cũng rất lo lắng về việc ung thư có thể phát triển hoặc quay trở lại (tái phát). Đây là một mối quan tâm thường thấy đối với những ai bị ung thư. 

Đối với nhiều bệnh nhân ung thư gan, căn bệnh này có thể không bao giờ được trị khỏi hoặc bệnh có thể quay trở lại (tái phát) ở một bộ phận khác của cơ thể. Một số bệnh nhân vẫn có thể được điều trị thường xuyên bằng hóa trị, xạ trị hoặc các liệu pháp khác để giúp kiểm soát ung thư càng lâu càng tốt. Mặt khác, việc học cách sống chung với bệnh ung thư (không bao giờ được trị khỏi) có thể rất khó khăn và căng thẳng đối với họ.

Theo dõi chăm sóc

Ngay cả khi bạn đã điều trị xong, thì các bác sĩ vẫn muốn theo dõi tình trạng của bạn một cách chặt chẽ. Điều quan trọng là hãy thực hiện đầy đủ các buổi thăm khám. Vì trong những lần thăm khám này, các bác sĩ sẽ hỏi bạn có gặp vấn đề gì không và có thể cho thực hiện các kiểm tra và xét nghiệm máu, chẳng hạn như Alpha-fetoprotein (AFP), xét nghiệm chức năng gan (LFTs). Các xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như siêu âm, chụp CT hoặc chụp MRI cũng có thể được thực hiện. Những xét nghiệm này sẽ giúp tìm kiếm các dấu hiệu ung thư hoặc tác dụng phụ của điều trị.

Hầu như bất kỳ điều trị ung thư nào đều có thể xảy ra tác dụng phụ. Trong đó một số tác dụng phụ có thể kéo dài hoặc thậm chí không xuất hiện cho đến nhiều năm sau khi bệnh nhân điều trị xong. Vì thế việc thăm khám cũng là thời điểm tốt để bạn đặt ra những câu hỏi và nói về bất kỳ những thay đổi hoặc vấn đề nào bạn nhận thấy hay những điều mà bạn đang quan tâm.
  
Điều quan trọng đối với tất cả những trường hợp sau điều trị ung thư gan là phải thông báo cho nhóm điều trị biết về bất kỳ triệu chứng nào mà bạn có hoặc vấn đề mới nào, bởi vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư quay trở lại (tái phát) hoặc do một bệnh mới hay ung thư thứ hai.

Khám bác sĩ và xét nghiệm

Nếu bạn đã từng được điều trị bằng phẫu thuật, ghép gan hoặc kỹ thuật đốt u / thuyên tắc và không còn dấu hiệu ung thư, hầu hết các bác sĩ đều khuyến nghị nên theo dõi bằng xét nghiệm hình ảnh và xét nghiệm máu cứ sau 3 đến 6 tháng trong 2 năm đầu, sau đó thực hiện theo lịch trình 6 tháng đến 12 tháng. Việc thực hiện những xét nghiệm này để theo dõi kiểm tra ung thư có quay trở lại (tái phát) hoặc tiếp tục lây lan, cũng như các tác dụng phụ có thể xảy ra của một số phương pháp điều trị.  

Theo dõi sau khi ghép gan: Ghép gan có thể rất hiệu quả trong việc điều trị ung thư và thay thế gan bị tổn thương. Nhưng đây là một thủ thuật chính đòi hỏi cần phải được theo dõi rất chặt chẽ sau khi điều trị. Cùng với việc theo dõi sự phục hồi của bạn sau phẫu thuật và tìm kiếm các dấu hiệu ung thư có thể xảy ra, nhóm điều trị sẽ cẩn thận theo dõi và kiểm tra để đảm bảo cơ thể bạn không từ chối gan mới.

Bạn sẽ cần dùng thuốc mạnh để giúp ngăn ngừa tình trạng thải ghép. Tuy nhiên những loại thuốc này có thể gây ra những tác dụng phụ riêng, bao gồm làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến bạn có nhiều khả năng bị nhiễm trùng.

Nhóm cấy ghép sẽ thông báo cho bạn biết những gì cần theo dõi về các triệu chứng, tác dụng phụ và khi nào bạn cần liên hệ với họ. Điều rất quan trọng là bạn nên làm theo hướng dẫn của họ một cách chặt chẽ.

Điều trị chống vi-rút: Nếu bạn bị viêm gan B hoặc C, tình trạng này có thể góp phần dẫn đến ung thư gan, vì thế bác sĩ có thể muốn kê toa thuốc để điều trị hoặc giúp kiểm soát nhiễm trùng.

Hỏi bác sĩ về việc lên một kế hoạch chăm sóc sau khi điều trị

Nói chuyện với bác sĩ về việc phát triển một kế hoạch chăm sóc sau khi điều trị cho bạn. Kế hoạch này có thể bao gồm:

- Một lịch trình đề xuất cho các kiểm tra và xét nghiệm tiếp theo.

- Lịch trình cho các xét nghiệm khác mà bạn có thể cần, chẳng hạn như xét nghiệm để tìm kiếm các ảnh hưởng sức khỏe lâu dài từ bệnh ung thư hoặc phương pháp điều trị của nó.

- Danh sách các tác dụng phụ muộn hoặc dài hạn có thể xảy ra từ việc điều trị, bao gồm những gì cần theo dõi và khi nào bạn nên liên hệ với bác sĩ.

- Đề xuất cho những việc bạn có thể làm để cải thiện sức khỏe, bao gồm cả việc giảm nguy cơ ung thư quay trở lại (tái phát).

Tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế và lưu giữ bản sao hồ sơ y tế

Việc tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế ngay cả khi bạn đã điều trị xong là điều rất quan trọng. Bởi vì các xét nghiệm và khám bác sĩ sẽ tốn kém rất nhiều chi phí, và tất nhiên không ai muốn nghĩ rằng ung thư của họ sẽ quay trở lại (tái phát), nhưng điều này có thể xảy ra. 

Tại một số thời điểm sau khi điều trị ung thư, bạn có thể được thăm khám bằng một bác sĩ mới, người không biết về lịch sử y tế của bạn. Việc giữ bản sao hồ sơ y tế là điều rất quan trọng, từ đó có thể cung cấp đầy đủ thông tin chi tiết về chẩn đoán và điều trị của bạn cho bác sĩ mới.

Tôi có thể giảm nguy cơ ung thư gan tiến triển hoặc quay trở lại (tái phát) không?

Nếu bạn đang bị (hoặc đã bị) ung thư gan, bạn có thể muốn nắm rõ thêm những thông tin hoặc những điều mà bạn có thể làm để làm giảm nguy cơ ung thư quay trở lại (tái phát), chẳng hạn như tập thể dục, thực hiện một chế độ ăn uống hoặc dùng thực phẩm chức năng bổ sung dinh dưỡng. Tuy nhiên thật không may, những điều này vẫn chưa được xác định rõ về những tác dụng hữu ích mà chúng đem lại. 

Điều trị viêm gan B hoặc viêm gan C có thể giúp giảm tổn thương gan, tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ ung thư gan. Việc sử dụng thuốc lá và rượu rõ ràng có liên quan đến ung thư gan, vì vậy không hút thuốc và tránh uống rượu có thể giúp giảm nguy cơ dẫn đến căn bệnh này. Mặc dù cho đến nay, các chuyên gia vẫn chưa chắc chắn điều này có giúp ích được gì hay không, nhưng họ nhận thấy rằng chúng có thể cải thiện sự thèm ăn và sức khỏe tổng thể của bạn. Điều này cũng có thể làm giảm cơ hội phát triển các loại ung thư khác.  

Các hành vi lành mạnh khác như ăn uống tốt, hoạt động thường xuyên và giữ cân nặng khỏe mạnh cũng có thể giúp ích, nhưng những yếu tố này vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, những thay đổi này có thể mang lại những tác động tích cực đến sức khỏe, giúp bạn có thể vượt qua nguy cơ mắc bệnh gan hoặc các bệnh ung thư khác.

Về thực phẩm chức năng

Cho đến nay, không có thực phẩm chức năng nào (bao gồm vitamin, khoáng chất và các sản phẩm thảo dược) đã được chứng minh là giúp giảm nguy cơ ung thư gan tiến triển hoặc quay trở lại (tái phát). Nhưng điều này cũng không có nghĩa là không có thực phẩm chức năng nào có thể giúp ích, tuy nhiên điều quan trọng mà bạn cần lưu ý là cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ thực phẩm chức năng nào được chứng minh có thể hỗ trợ làm giảm nguy cơ ung thư gan tiến triển hoặc quay trở lại (tái phát).

Hiện nay, thực phẩm chức năng không được quy định chặt chẽ như thuốc. Những sản phẩm này không cần phải chứng minh được mức độ hiệu quả (hoặc thậm chí an toàn) trước khi được bán, tuy nhiên chúng vẫn có những hạn chế so với công dụng từ nhà sản xuất đưa ra. Nếu bạn đang suy nghĩ về việc sử dụng bất kỳ thực phẩm chức năng nào, hãy nói chuyện với nhóm điều trị. Họ có thể giúp bạn quyết định những sản phẩm nào là phù hợp và an toàn với bạn, tránh những sản phẩm có thể gây hại cho sức khỏe.

Nếu ung thư quay trở lại (tái phát)

Nếu ung thư quay trở lại vào một thời điểm nào đó (được gọi là tái phát), các lựa chọn điều trị của bạn sẽ phụ thuộc vào vị trí của ung thư, phương pháp điều trị bạn đã từng thực hiện trước đây và sức khỏe tổng thể của bạn. Các lựa chọn điều trị có thể bao gồm cắt bỏ, thuyên tắc, xạ trị, hóa trị liệu, liệu pháp nhắm trúng đích hoặc một số kết hợp của những điều trị này. 

Ung thư thứ hai sau điều trị

Những người đã bị ung thư gan vẫn có thể mắc các bệnh ung thư khác. 

Nhận hỗ trợ cảm xúc

Chán nản, lo lắng, và lo sợ là những cảm giác chắc chắn có thể xảy ra khi bất cứ ai được chẩn đoán mắc ung thư gan. Tuy nhiên một số trường hợp có thể sẽ bị ảnh hưởng tâm lý nhiều hơn những người khác. Nhưng mọi người điều có thể nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ từ những người khác, cho dù là bạn bè và gia đình, nhóm tôn giáo, nhóm hỗ trợ, cố vấn chuyên nghiệp hay những người đã từng trải qua những điều tương tự. 

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...