Danh mục

Xạ trị ung thư da tế bào đáy và vảy

Xạ trị ung thư da tế bào đáy và vảy

Xạ trị là liệu pháp sử dụng các tia năng lượng cao (như tia X) hoặc các hạt (như Photon, Electron hoặc Proton) để tiêu diệt tế bào ung thư.

Xạ trị được sử dụng khi nào?

Nếu bệnh nhân có một khối u rất lớn hoặc khối u nằm trên một vùng da khó loại bỏ bằng phẫu thuật thì liệu pháp xạ trị có thể được sử dụng làm phương pháp điều trị chính. Ngoài ra xạ trị cũng hữu ích cho một số trường hợp vì các lý do sức khoẻ khác không thể phẫu thuật. Thông thường xạ trị có thể chữa khỏi ung thư da tế bào đáy và vảy hoặc giúp trì hoãn sự phát triển của bệnh.

Mặt khác xạ trị khi kết hợp với các phương pháp điều trị khác vẫn có thể giúp ích cho bệnh nhân. Ví dụ: Bức xạ có thể được sử dụng sau phẫu thuật như một liệu pháp điều trị bổ trợ để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại, giảm nguy cơ ung thư tái phát sau phẫu thuật. Bên cạnh đó, xạ trị cũng có thể giúp điều trị ung thư da di căn đến các hạch bạch huyết hoặc các cơ quan khác.

Xạ trị được thực hiện như thế nào?

Khi xạ trị được sử dụng trong điều trị ung thư da, bức xạ được tập trung từ bên ngoài cơ thể vào khối u, và được thực hiện bằng cách sử dụng một chùm tia X năng lượng thấp (liệu pháp bằng tia xạ bề mặt) hoặc electron (bức xạ chùm điện tử). Những loại bức xạ này không đi sâu vào da. Điều này giúp hạn chế các tác dụng phụ đối với các cơ quan và mô cơ thể khác.

Xạ trị cũng giống như chụp X-quang, nhưng bức xạ mạnh hơn và nhắm chính xác hơn vào ung thư. Bản thân phương pháp này không gây đau đớn. Mỗi lần điều trị chỉ kéo dài vài phút, nhưng thời gian thiết lập đưa bệnh nhân vào vị trí điều trị mất nhiều thời gian hơn.

Các tác dụng phụ có thể xảy ra của xạ trị

Các tác dụng phụ thường chỉ giới hạn ở khu vực được xạ trị, và có thể bao gồm:

  • Kích ứng da, từ mẩn đỏ đến phồng rộp và bong tróc.
  • Thay đổi màu da.
  • Rụng tóc ở khu vực được điều trị.
  • Tổn thương các tuyến tạo nước bọt và răng khi điều trị ung thư gần các cấu trúc này.

Việc xạ trị trong thời gian dài có thể khiến những tác dụng phụ này có thể trở nên tồi tệ hơn.

Đôi khi một dạng bệnh ung thư da mới có thể phát triển ở những vùng được xạ trị sau nhiều năm. Vì lý do này, xạ trị ít được sử dụng trong điều trị ung thư da ở những người trẻ tuổi. Ngoài ra xạ trị cũng không được khuyến khích thực hiện ở những bệnh nhân mắc một số bệnh di truyền (chẳng hạn như hội chứng nevus tế bào đáy hoặc bệnh khô da sắc tố), hoặc những trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư mới hay những người mắc bệnh mô liên kết (chẳng hạn như Lupus hoặc xơ cứng bì), điều này có thể khiến tình trạng sức khoẻ trở nên nghiêm trọng hơn.

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...