Danh mục

Cuộc sống sau điều trị ung thư da tế bào đáy và vảy

Đối với những bệnh nhân ung thư da tế bào đáy và vảy việc điều trị giúp họ loại bỏ hoặc phá huỷ khối u ung thư. Điều này có thể mang lại cho bệnh nhân nhiều cảm xúc tâm lý khác nhau có thể vừa vui mừng, phấn khởi nhưng cũng xen chút lo âu về việc ung thư tái phát (khối u quay trở lại) sau khi hoàn thành điều trị. Điều này xảy ra rất phổ biến nếu bạn bị ung thư.

Đối với những trường hợp khác ở giai đoạn nặng hơn, họ có thể phải sống chung với bệnh suốt đời và được điều trị thường xuyên bằng xạ trị, hóa trị hoặc các phương pháp điều trị khác để giúp kiểm soát ung thư. Vì thế để chấp nhận được thực trạng này có thể gây không ít khó khăn cho người bệnh không chỉ về sức khoẻ mà còn về cảm xúc.

Theo dõi chăm sóc

Ngay cả khi bạn đã hoàn thành điều trị, bác sĩ vẫn sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của bạn. Bởi vì nguy cơ tái phát bệnh có thể xảy ra, hoặc những trường hợp có nguy cơ cao phát triển các bệnh ung thư da ở những vị trí khác nhau, vì vậy việc theo dõi chăm sóc là rất quan trọng.

Bác sĩ có thể khuyên bạn nên tự khám da ít nhất mỗi tháng một lần, nhằm nhận ra bất kỳ thay đổi nào nơi vùng da được điều trị, cũng như những dấu hiệu bất thường nào khác xuất hiện ở những vị trí khác trên da. Bạn cũng có thể nhờ người thân và bạn bè kiểm tra giúp những vùng da khó quan sát.

Một điều quan trọng nữa mà bạn cần lưu ý là bảo vệ làn da khỏi ánh nắng mặt trời, vì điều này có thể gia tang nguy cơ mắc các bệnh ung thư da mới.

Thăm khám bác sĩ và xét nghiệm

Lịch tái khám của bạn sẽ phụ thuộc vào loại ung thư da bạn mắc phải và các yếu tố khác. Các bác sĩ có thể đề nghị các lịch trình tái khám khác nhau.

  • Đối với những trường hợp đã từng bị ung thư biểu mô tế bào đáy, việc thăm khám thường được khuyến nghị khoảng 6 đến 12 tháng một lần.
  • Đối với những trường hợp đã bị ung thư biểu mô tế bào vảy, việc thăm khám sẽ diễn ra thường xuyên hơn, từ 3 đến 6 tháng một lần trong vài năm đầu tiên, sau đó là thời gian tái khám sẽ có chút thay đổi (diễn ra dài hơn giữa các lần khám).

Trong các lần tái khám, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và thăm khám cho bạn các dấu hiệu của ung thư da. Đối với các bệnh ung thư da có nguy cơ cao hơn, chẳng hạn như ung thư biêu mô tế bào vảy đã đến các hạch bạch huyết, bác sĩ cũng có thể yêu cầu các xét nghiệm hình ảnh như chụp CT.

Ngoài ra theo dõi cũng rất cần thiết để kiểm tra các tác dụng phụ có thể xảy ra của một số phương pháp điều trị. Bạn có thể đặt câu hỏi cho nhóm điều trị bất kỳ điều gì bạn đang lo lắng. Hầu như bất kỳ phương pháp điều trị ung thư nào cũng có thể có tác dụng phụ. Một số tác dụng phụ có thể tồn tại trong vài tuần hoặc vài tháng, nhưng cũng có những tình trạng tồn tại vĩnh viễn. Vì thế hãy trao đổi với nhóm điều trị về bất kỳ triệu chứng hoặc tác dụng phụ nào ảnh hưởng đến sức khoẻ để họ có thể giúp bạn kiểm soát chúng.

Trao đổi với bác sĩ về kế hoạch chăm sóc sau điều trị

Trao đổi với bác sĩ về một kế hoạch chăm sóc sau điều trị, có thể bao gồm:

  • Lịch trình đề xuất cho các kỳ tái khám và xét nghiệm tiếp theo.
  • Lịch trình cho các xét nghiệm khác mà bạn có thể cần trong tương lai, chẳng hạn như sàng lọc các loại ung thư khác hoặc các xét nghiệm để tìm kiếm những ảnh hưởng sức khỏe lâu dài do ung thư hoặc việc điều trị nó.
  • Danh sách các tác dụng phụ có thể xuất hiện trong một thời gian ngắn hoặc lâu dài do việc điều trị, bao gồm những điều gì cần theo dõi và khi nào bạn nên liên hệ với bác sĩ.
  • Đề xuất về chế độ ăn uống và hoạt động thể chất.

Lưu giữ bảo hiểm y tế và hồ sơ bệnh án

Điều quan trọng mà bạn cần làm thực hiện trước nhất là duy trì bảo hiểm y tế, ngay cả sau khi hoàn thành điều trị. Vì thực hiện các xét nghiệm và các buổi tái khám với bác sĩ sẽ tốn rất nhiều chi phí, và mặc dù không ai muốn nghĩ bệnh sẽ tái phát, nhưng điều này vẫn có thể sẽ xảy ra.

Tại một số thời điểm sau khi điều trị ung thư, bạn có thể được điều trị bằng một bác sĩ khác, và người này không hề biết về tiền sử bệnh của bạn. Do đó việc giữ lại hồ sơ bệnh án là rất quan trọng, vì bạn có thể cung cấp đầy đủ thông tin chi tiết về chẩn đoán và điều trị cho bác sĩ mới.

Tôi có thể giảm nguy cơ ung thư tái phát hoặc mắc bệnh ung thư da mới không?

Nếu bạn bị ung thư da hoặc đã từng bị căn bệnh này, bạn có thể muốn tìm hiểu về những biện pháp có thể làm giảm nguy cơ ung thư tái phát hoặc mắc bệnh ung thư da mới.

Những người đã từng bị ung thư da có nguy cơ cao phát triển một loại ung thư da khác. Do đó, điều quan trọng là bạn phải hạn chế tiếp xúc với tia UV và kiểm tra da hàng tháng để tìm các dấu hiệu ung thư da mới có thể xảy ra. Việc thăm khám da thường xuyên với bác sĩ cũng rất quan trọng. Vì ung thư da được phát hiện sớm thường dễ điều trị hơn nhiều so với ung thư ở giai đoạn sau.

Hút thuốc có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư biểu mô tế bào vảy, cũng như nhiều loại ung thư khác. Vì thế hãy từ bỏ thuốc lá hoặc tránh các sản phẩm khác về thuốc lá càng sớm càng tốt.

Bên cạnh đó, bạn nên thực hiện các biện pháp lành mạnh khác như ăn uống đầy đủ, hoạt động thể chất thường xuyên, duy trì cân nặng hợp lý, điều này có thể tác động tích cực đến sức khoẻ của bạn, bao gồm giảm nguy cơ mắc nhiều loại bệnh ung thư, cũng như các bệnh khác.

Nếu ung thư tái phát

Nếu ung thư da tế bào đáy và vảy của bạn tái phát, các lựa chọn điều trị sẽ phụ thuộc vào vị trí của bệnh ung thư và những phương pháp điều trị nào bạn đã thực hiện trước đó. Nếu ung thư chỉ tái phát trên da, các hướng điều trị có thể bao gồm phẫu thuật, xạ trị hoặc các loại điều trị cục bộ khác. Nếu ung thư tái phát ở một bộ phận khác của cơ thể, các phương pháp như liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch hoặc hóa trị liệu có thể là lựac chọn điều trị phù hợp.

Hỗ trợ tinh thần sau điều trị ung thư da

Cảm giác chán nản, lo lắng hoặc âu lo là điều bình thường khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Tuy nhiên sẽ có một số bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng tâm lý đáng kể. Do đó việc nhận được động viên và hỗ trợ từ bạn bè và gia đình, các nhóm tôn giáo, nhóm hỗ trợ, chuyên gia tư vấn hoặc những người khác sẽ giúp tâm lý của họ được cân bằng trong quá trình điều trị.

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...