Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư tế bào thận (RCC) nhưng hiện vẫn chưa rõ cơ chế.
Đột biến gen
Ung thư hình thành từ những bất thường DNA trong tế bào. DNA là thành phần cấu tạo nên gen. Gen có nhiệm vụ kiểm soát, quyết định hoạt động của tế bào. DNA, bao gồm một sợi nhận từ bố và một sợi nhận từ mẹ, chính vì vậy nên ngoại hình của chúng ta mang những nét giống họ.
Một số gen có chức năng kiểm soát quá trình phát triển, phân chia và chết theo chương trình của tế bào.
Các gen gây sự tăng sinh tế bào, tăng tốc độ phân chia và ngăn sự chết theo chương trình được gọi là gen sinh ung.
Ngược lại, các gen làm chậm quá trình phân bào hoặc khiến tế bào chết vào đúng thời điểm được gọi là gen ức chế khối u.
Ung thư được tạo ra bằng cách hoạt hóa các gen sinh ung hoặc bất hoạt các gen ức chế khối u, dẫn đến các tế bào phát triển ngoài tầm kiểm soát. Ung thư thận thường gồm nhiều đột biến gen khác nhau.
Đột biến gen di truyền
Một số đột biến DNA có thể di truyền trong gia đình, làm tăng nguy cơ phát triển ung thư thận. Một phần nhỏ các trường hợp ung thư thận là do các nguyên nhân đột biến gen di truyền gây ra, xem thêm trong "Các yếu tố nguy cơ gây ung thư thận".
Ví dụ, gen VHL gây bệnh von Hippel-Lindau là một gen ức chế khối u, có chức năng kiểm soát sự phát triển của tế bào, tránh tình trạng tăng sinh quá mức. Đột biến gen này có thể được di truyền từ cha mẹ, làm tăng nguy cơ mắc ung thư thận.
Một số di truyền đột biến gen ức chế khối u sau đây cũng gây tăng nguy cơ ung thư thận:
- Gen FH (gây u xơ da hoặc u xơ tử cung).
- Gen FLCN (gây hội chứng Birt-Hogg-Dube).
- Gen SDHB và SDHD (gây ung thư thận thể di truyền).
- Bất thường di truyền trong gen sinh ung MET làm khởi động quá trình tăng sinh tế bào quá mức dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư biểu mô tế bào thận thể nhú.
Các xét nghiệm di truyền đặc biệt có thể phát hiện một số đột biến gen liên quan đến các hội chứng di truyền trên. Nếu bạn có tiền sử gia đình bị ung thư thận hoặc các bệnh ung thư khác liên quan đến các hội chứng trên thì bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi thực hiện bất kỳ xét nghiệm di truyền nào (Theo khuyến cáo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ). Để biết thêm thông tin, xem "Tìm hiểu về xét nghiệm di truyền trong ung thư".
Đột biến gen mắc phải
Hầu hết các đột biến gen phát triển thành khối u đều từ đột biến gen mắc phải. Chúng xảy ra trong cuộc đời của một người và không truyền lại cho con cái của họ. Những thay đổi DNA này chỉ ảnh hưởng đến tế bào xuất phát từ tế bào ban đầu bị đột biến.
Trong hầu hết các trường hợp ung thư thận, các đột biến DNA dẫn đến ung thư đều mắc phải trong suốt cuộc đời của một người thay vì được di truyền. Một số yếu tố nguy cơ nhất định, chẳng hạn như tiếp xúc với hóa chất gây ung thư (các chất trong khói thuốc lá) có thể đóng vai trò trong việc gây ra những đột biến mắc phải này, nhưng cho đến nay vẫn chưa biết nguyên nhân gây ra hầu hết trong số đó. Hiện nay đã có nhiều tiến bộ trong nghiên cứu tìm hiểu cơ chế sinh ung do khói thuốc lá. Phổi hấp thu các chất độc hại từ khói thuốc lá vào máu, máu được lọc qua thận, dẫn đến tình trạng ứ đọng, lâu ngày gây tổn thương tế bào thận, từ đó phát triển thành tế bào ung thư.
Một yếu tố nguy cơ khác đó là béo phì. Béo phì gây nên tình trạng mất cân bằng một số hormone trong cơ thể. Còn về cách thức kiểm soát sự phát triển mô khác nhau (bình thường và bất thường) của các hormone hiện vẫn đang được nghiên cứu.
Hầu hết những người mắc ung thư biểu mô thận không phải tế bào sáng (không di truyền) đều có bất thường trong gen VHL gây bất hoạt chức năng bình thường của gen. Đột biến này thường gặp thể mắc phải nhiều hơn di truyền.
Những biến đổi gen khác cũng có thể gây ung thư biểu mô tế bào thận và hiện vẫn đang được nghiên cứu. Để biết thêm về cơ chế sinh ung của các loại đột biến gen, xem " Di truyền và ung thư".