Khi các nhà nghiên cứu tìm hiểu về những thay đổi trong tế bào gây ung thư, họ đã phát triển các loại thuốc nhắm vào những sự thay đổi này. Các loại thuốc nhắm mục tiêu này khác với các loại thuốc hóa trị liệu tiêu chuẩn. Đôi khi chúng có tác dụng khi các loại thuốc hóa trị tiêu chuẩn không phù hợp và thường có các tác dụng phụ khác nhau.
Thuốc nhắm mục tiêu đang được chứng minh là đặc biệt quan trọng trong bệnh ung thư thận, cơ quan mà hóa trị được cho là không mang lại hiệu quả.
Khi nào cần sử dụng thuốc nhắm mục tiêu?
Điều trị ung thư thận giai đoạn cuối
Tất cả các loại thuốc nhắm mục tiêu dưới đây có thể được sử dụng để điều trị ung thư thận giai đoạn cuối. Chúng có thể thu nhỏ hoặc làm chậm sự phát triển của ung thư trong một thời gian, nhưng dường như không có bất kỳ loại thuốc nào có thể chữa khỏi bệnh ung thư thận.
Thuốc nhắm mục tiêu thường được sử dụng từng loại một. Nếu như loại này không khả dụng, loại khác sẽ được sử dụng thay thế. Vẫn chưa rõ liệu có bất kỳ loại thuốc nào trong số này tốt hơn những loại thuốc khác hay không, hay việc kết hợp có thể hữu ích hơn so với việc sử dụng từng loại hay không hoặc là có một trình tự sử dụng thuốc nào thích hợp hơn hay không. Các nghiên cứu đang được thực hiện để trả lời những câu hỏi này.
Điều trị bổ trợ sau phẫu thuật
Thuốc nhắm mục tiêu, sunitinib (Sutent) cũng có thể được sử dụng sau phẫu thuật cho người có nguy cơ tái phát ung thư cao, để kiểm soát tình trạng đó. Đây được gọi là liệu pháp bổ trợ.
Thuốc nhắm mục tiêu được sử dụng để điều trị ung thư thận di căn.
Các loại thuốc nhắm mục tiêu được sử dụng để điều trị ung thư thận di căn hoạt động bằng cách ngăn chặn sự hình thành mạch máu(sự phát triển của mạch máu mới nuôi khối u) hoặc các protein quan trọng trong các tế bào ung thư (được gọi là tyrosine kinase) giúp chúng phát triển và tồn tại. Một số thuốc có tác dụng lên cả hai.
Sunitinib (Sutent)
Sunitinib hoạt động bằng cách ngăn chặn cả quá trình hình thành mạch và quá trình kích thích các protein tăng trưởng trong tế bào ung thư thận. Sunitinib thực hiện điều này bằng cách chặn chặn một số tyrosine kinase quan trọng cho sự phát triển và tồn tại của khối u. Thuốc này được sử dụng một viên hàng ngày, thường dùng trong 4 tuần và nghỉ 2 tuần. Một số bác sĩ có thể khuyên bạn nên dùng nó trong hai tuần và nghỉ một tuần để giảm tác dụng phụ.
Sunitinib cũng có thể được sử dụng cho những người có nguy cơ cao bị tái phát sau khi phẫu thuật để giúp giảm nguy cơ này. Điều này được biết đến như một biện pháp bổ trợ.
Các tác dụng phụ thường gặp nhất là buồn nôn, tiểu chảy, thay đổi màu da hoặc tóc, lở miệng, suy nhược, và số lượng bạch cầu và hồng cầu thấp. Các hiệu ứng khác có thể như mệt mỏi, cao huyết áp, suy tim sung huyết, chảy máu, hội chứng tay chân và nồng độ hóc môn giáp thấp.
Sorafenib (Nexavar)
Sorafenib cũng chặn một số tyrosine kinase, tương tự như những loại bị chặn bởi sunitinib. Nó tấn công cả sự phát triển của mạch máu và các mục tiêu khác giúp tế bào ung thư phát triển. Dùng uống dạng viên hai lần một ngày. Các tác dụng phụ thường gặp gồm mệt, phát ban, tiêu chảy, tăng huyết áp, đỏ, sưng, đau hoặc phồng rộp lòng bàn tay hoặc bàn chân (hội chứng tay chân).
Pazopanib (Votrient)
Pazopanib là một loại thuốc khác có tác dụng ngăn chặn một số tyrosine kinase liên quan đến sự phát triển của tế bào ung thư và sự hình thành các mạch máu mới trong khối u. Nó được dùng 1 lần mỗi ngày.
Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm tăng huyết áp, buồn nôn, tiêu chảy, nhức đầu, số lượng tế bào máu thấp và thay đổi màu tóc. Nó có thể khiến các kết quả xét nghiệm chức năng gan bất thường, nhưng hiếm khi dẫn đến tổn thương gan nặng. Các vấn đề về chảy máu, đông máu và chữa lành vết thương có thể xảy ra. Trong một số trường hợp hiếm hoi, nó cũng có thể gây ra vấn đề về nhịp tim hoặc suy tim. Nếu bạn dùng thuốc này, bác sĩ sẽ theo dõi tim mạch bằng điện tâm đồ cũng như xét nghiệm máu hoặc các vấn đề khác
Cabozantinib (Cabometyx)
Cabozantinib là một loại thuốc khác có tác dụng ngăn chặn một số tyrosine kinase, bao gồm một số loại giúp hình thành mạch máu mới. Nó có thể được sử dụng để điều trị những người bị ung thư thận giai đoạn cuối có nguy cơ trung bình hoặc kém và cũng có thể được sử dụng sau khi đã thử một loại thuốc có tác dụng ngăn sự hình thành mạch máu khác hoặc sau khi điều trị liệu pháp miễn dịch. Nó được sử dụng một viên mỗi ngày và được chứng minh là giúp duy trì sự sống trong một số trường hợp.
Các tác dụng phụ thường gặp là tiêu chảy, mệt, buồn nôn, nôn, chán ăn, sụt cân, tăng huyết áp, hội chứng tay chân miệng và táo bón. Các tác dụng phụ khác ít gặp hơn nhưng nghiêm trọng như chảy máu, cục máu đông, huyết áp tăng cao, tiêu chảy nặng và viêm loét ruột.
Lenvatinib (Lenvima)
Lenvatinib là một chất ức chế kinase khác giúp ngăn chặn các khối u hình thành mạch máu mới, cũng như nhắm mục tiêu vào một số protein trong tế bào ung thư vốn thường giúp chúng phát triển. Nó thường được sử dụng chung với everolimus (xem bên dưới) sau khi đã thử ít nhất một phương pháp điều trị. Sự kết hợp đã được chứng minh là giúp bệnh nhân kéo dài sự sống. Lenvatinib được dùng dưới dạng viên nang mỗi ngày 1 lần.
Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm tiêu chảy, mệt mỏi, đau khớp và cơ, chán ăn, buồn nôn và nôn, lở miệng,sụt cân, tăng huyết áp và sưng tay hoặc chân. Các tác dụng phụ ít phổ biến hơn nhưng nghiêm trọng hơn gồm chảy máu nghiêm trọng, cục máu đông, huyết áp rất cao, tiêu chảy nặng, hình thành ổ loét trong ruột và suy gan, thận, tim.
Bevacizumab (Avastin)
Bevacizumab là một loại thuốc IV hoạt động bằng cách làm chậm sự phát triển của các mạch máu mới. Nó có thể giúp ích cho một số bệnh nhân bị ung thư thận khi sử dụng với interferon-alpha.
Các tác dụng phụ thường gặp gồm tăng huyết áp, mệt mỏi và đau đầu. Các tác dụng phụ ít gặp hơn nhưng nghiêm trọng hơn là chảy máu, cục máu đông, lỗ viêm trong ruột, các vấn đề về tim và chậm lành vết thương.
Axitinib (Inlyta)
Axitinib cũng ức chế một số tyrosine kinase liên quan đến sự hình thành các mạch máu mới. Nó có thể được sử dụng riêng sau khi đã thử ít nhất một phương pháp điều trị khác hoặc nó có thể dùng với một loại thuốc miễn dịch, như pembrolizumab hoặc avelumab, như là phương pháp điều trị đầu tiên cho những người bị ung thư thận giai đoạn cuối. Axitinib được dùng dưới dạng viên 2 lần một ngày.
Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm tăng huyết áp, mệt mỏi, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, kém ăn và sụt cân, thay đổi chất giọng, hội chứng tay chân miệng và táo bón. Huyết áp cao cần điều trị rất thường gặp, nhưng ở một só ít bệnh nhân, nó có thể tăng cao đến mức đe dọa tính mạng. Nó cũng có thể gây ra các vấn đề về chảy máu, đông máu và lành vết thương . Ở một số bệnh nhân, kết quả xét nghiệm chức năng gan trong phòng thí nghiệm có thể bất thường. Axitinib cũng khiến tuyến giáp hoạt động kém, vì vậy bác sĩ sẽ theo dõi nồng độ hóc môn tuyến giáp trong máu khi bạn sử dụng thuốc này.
Temsirolimus (Torisel)
Temsirolimus hoạt động bằng cách ngăn chặn một protein tên là mTOR, thường giúp các tế bào phát triển và phân chia. Thuốc này được chứng minh là hữu ích trong điều trị ung thư thận di căn xa có tiên lượng kém vì một số yếu tố và giúp cho bệnh nhân sống lâu hơn. Nó được dùng dưới dạng truyền tĩnh mạch, thường một lần mỗi tuần.
Các tác dụng phụ phổ biến là phát ban, suy nhược, lở miệng, buồn nôn, chán ăn, tụ dịch ở mặt hoặc chân, và tăng lượng đường trong máu cùng cholesterol. Hiếm khi, các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn được ghi nhận.
Everolimus (Afinitor)
Everolimus cũng chặn protein mTOR. Nó được sử dụng để điều trị ung thư thận giai đoạn cuối sau khi đã dùng các loại thuốc khác như sorafenib hoặc sunitinib đã được thử nghiệm. Thuốc này được sử dụng riêng hoặc kết hợp với lenvatinib (xem ở trên) sau khi đã thử ít nhất một phương pháp điều trị khác. Everolimus được dùng một lần 1 ngày dạng viên.
Các tác dụng phụ thường gặp gồm lở miệng, tăng nguy cơ nhiễm trùng, buồn nôn, chán ăn, tiêu chảy, phát ban, cảm thấy mệt mỏi hoặc yếu, u=tụ dịch ở chân, tăng đường trong máu và cholesterol. Một số tác dụng phụ ít gặp hơn nhưng nghiêm trọng là tổn thương phổi, có thể gây khó thở hoặc các vấn đề khác.