Đối với một số bệnh nhân ung thư thận, điều trị có thể loại bỏ hoặc tiêu diệt hoàn toàn khối u ung thư. Điều này có thể mang lại cho bệnh nhân nhiều cảm xúc tâm lý khác nhau như vui mừng, phấn khởi nhưng vẫn xen chút lo âu về việc ung thư tái phát (khối u quay trở lại) sau khi hoàn thành điều trị. Đây là một nỗi lo lắng rất phổ biến nếu bạn bị ung thư.
Còn ở những trường hợp khác, họ có thể sống chung với bệnh suốt đời (không thể điều trị khỏi hoàn toàn). Người bệnh có thể được điều trị thường xuyên bằng hóa trị, xạ trị hoặc thử các phương pháp điều trị khác giúp kiểm soát ung thư. Học cách sống chung với điều này có thể rất khó khăn và căng thẳng cho người bệnh.
Theo dõi chăm sóc
Ngay cả khi bạn đã hoàn thành điều trị, bác sĩ vẫn sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của bạn. Điều quan trọng là bạn phải thăm khám đầy đủ và đúng lịch hẹn. Vì trong những lần thăm khám này, bác sĩ sẽ đặt câu hỏi để xem bạn có gặp bất kỳ vấn đề gì không và làm các xét nghiệm để tìm các dấu hiệu của ung thư tái phát hoặc tác dụng phụ của điều trị.
Bất kỳ phương pháp điều trị ung thư nào cũng có thể gây ra tác dụng phụ. Những tình trạng này có thể chỉ kéo dài trong vài ngày hoặc vài tuần, nhưng vẫn có những tình trạng xảy ra trong thời gian dài. Thậm chí sau nhiều năm bạn kết thúc điều trị một số tình trạng có thể mới xuất hiện. Vì thế những buổi thăm khám này là thời điểm tốt để đặt câu hỏi và thông báo về bất kỳ thay đổi hoặc vấn đề nào hay mối lo lắng của bạn sau khi kết thúc điều trị.
Điều quan trọng là bạn thông báo cho bác sĩ về bất kỳ triệu chứng hoặc vấn đề mới nào xảy ra, vì chúng có thể do ung thư tái phát hoặc ung thư thứ phát (do một bệnh mới hoặc ung thư thứ hai) gây ra.
Thăm khám bác sĩ
Tần suất tái khám và xét nghiệm sẽ phụ thuộc vào giai đoạn ung thư, phương pháp điều trị bạn nhận được và khả năng bệnh tái phát.
Ở những trường hợp bị ung thư thận giai đoạn đầu, nhiều bác sĩ khuyên họ nên tái khám (có thể bao gồm xét nghiệm hình ảnh và xét nghiệm máu) kèm theo đó là khám sức khỏe 1 năm/một lần trong vài năm đầu tiên sau khi điều trị. Đối với những trường hợp ung thư thận giai đoạn tiến triển đã được điều trị, việc tái khám, thực hiện các xét nghiệm hình ảnh và tại phòng thí nghiệm rất có thể sẽ là 3-6 tháng/một lần trong 3 năm đầu và sau đó mỗi năm một lần. Một số bác sĩ có thể đưa ra lịch tái khám khác nhau.
Sau khi kết thúc điều trị ung thư thận, bệnh nhân nên tuân theo các hướng dẫn của bác sĩ và tham khảo thêm thông tin hướng dẫn từ Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ để phát hiện sớm ung thư thứ phát (ung thư thứ hai), chẳng hạn như ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng và tuyến tiền liệt.
Trao đổi với bác sĩ về kế hoạch chăm sóc sau điều trị
Nói chuyện với bác sĩ về việc phát triển một kế hoạch chăm sóc sau điều trị là rất cần thiết. Kế hoạch này có thể bao gồm:
- Lịch trình đề xuất cho các kỳ tái khám và xét nghiệm tiếp theo.
- Lịch trình cho các xét nghiệm khác mà bạn có thể cần thực hiện để tìm ra những ảnh hưởng sức khỏe lâu dài do ung thư thận gây ra hoặc do việc điều trị.
- Danh sách các tác dụng phụ có thể xuất hiện trong một thời gian ngắn hoặc lâu dài do việc điều trị, bao gồm những điều gì cần theo dõi và khi nào bạn nên liên hệ với bác sĩ.
- Đề xuất những việc bạn có thể làm để cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ ung thư tái phát.
- Nhắc nhở tham gia đầy đủ các buổi tái khám với bác sĩ chăm sóc chính (PCP), đây là người sẽ giám sát việc chăm sóc sức khỏe tổng quát của bệnh nhân.
Lưu giữ bảo hiểm y tế và hồ sơ bệnh án
Điều quan trọng mà bạn cần làm đầu tiên là duy trì bảo hiểm y tế, ngay cả sau khi hoàn thành điều trị ung thư thận. Vì thực hiện các xét nghiệm và các buổi tái khám với bác sĩ sẽ tốn rất nhiều chi phí, và mặc dù chắc chắn không ai muốn nghĩ ung thư thận sẽ tái phát, nhưng điều này có thể sẽ xảy ra.
Tại một số thời điểm sau khi điều trị ung thư, bạn có thể được điều trị bằng một bác sĩ khác, và người này không hề biết về tiền sử bệnh của bạn. Do đó việc giữ lại hồ sơ bệnh án là rất quan trọng, vì bạn có thể cung cấp đầy đủ thông tin chi tiết về chẩn đoán và điều trị cho bác sĩ mới.
Tôi có thể giảm nguy cơ ung thư thận tiến triển hoặc tái phát không?
Nếu bạn đang bị ung thư thận hoặc đã từng bị bệnh, chắc chắn bạn muốn tìm hiểu về những biện pháp có thể làm giảm nguy cơ ung thư phát triển hoặc tái phát ung thư thận, chẳng hạn như tập thể dục, một chế độ ăn kiêng hoặc thực phẩm chức năng bổ sung dinh dưỡng. Tuy nhiên tại thời điểm này, vẫn chưa có bất cứ bằng chứng nào cho thấy những điều trên là hữu ích.
Nhiều ý kiến cho rằng hút thuốc lá có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư thận. Mặc dù cho đến nay vẫn chưa có xác định được hút thuốc liệu có ảnh hưởng đến sự phát triển hoặc tái phát của bệnh ung thư thận hay không, nhưng vẫn hữu ích nếu bạn ngừng hút thuốc, vì điều này có thể giảm nguy cơ mắc một bệnh ung thư khác liên quan đến hút thuốc. Không hút thuốc giúp bạn dung nạp hóa trị và xạ trị tốt hơn.
Việc thực hiện các hoạt động lành mạnh khác như ăn uống đầy đủ, hoạt động thể chất thường xuyên và duy trì cân nặng khỏe mạnh cũng có thể giúp ích, mặc dù những yếu tố này vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, những thay đổi này có thể mang lại những tác động tích cực đến sức khỏe, giúp bạn có thể vượt qua nguy cơ mắc ung thư thận hoặc các loại ung thư khác.
Thực phẩm chức năng
Cho đến nay, chưa có thực phẩm chức năng nào (bao gồm vitamin, khoáng chất và các sản phẩm thảo dược) được chứng minh là có thể giúp giảm nguy cơ ung thư thận tiến triển hoặc tái phát. Nhưng cũng không có nghĩa là chúng không hữu ích, quan trọng là bạn cần tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng và tìm mua những sản phẩm có thương hiệu uy tín.
Hiện nay, thực phẩm chức năng không được quy định chặt chẽ như thuốc. Chúng không cần chứng minh mức độ hiệu quả (hoặc thậm chí an toàn) trước khi được bán, mặc dù có những giới hạn về những khuyến cáo từ nhà sản xuất đưa ra. Nếu bạn đang suy nghĩ về việc sử dụng bất kỳ thực phẩm chức năng nào, hãy trao đổi với nhóm điều trị. Họ có thể tìm ra những sản phẩm nào là phù hợp và an toàn với bạn, tránh những sản phẩm có thể gây hại cho sức khỏe.
Nếu ung thư tái phát
Nếu một lúc nào đó ung thư thận tái phát, các lựa chọn điều trị của bạn sẽ phụ thuộc vào vị trí của khối u ung thư, những phương pháp điều trị nào bạn đã từng thực hiện và sức khỏe của bạn. Phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp nhắm mục tiêu, liệu pháp miễn dịch hoặc kết hợp điều trị có thể là những lựa chọn được bác sĩ xem xét. Các loại điều trị khác cũng có thể được sử dụng để giúp làm giảm bất kỳ triệu chứng nào của ung thư thận tái phát. Để hiểu thêm thông tin về cách điều trị ung thư tái phát, hãy tham khảo bài viết Lựa chọn Điều trị cho Ung thư Thận theo Giai đoạn.
Hỗ trợ tinh thần
Cảm giác chán nản, lo lắng hoặc âu lo là điều bình thường khi được chẩn đoán ung thư thận. Nhưng sẽ có một số bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng tâm lý đáng kể. Do đó việc nhận được động viên và hỗ trợ từ từ bạn bè và gia đình, các nhóm tôn giáo, nhóm hỗ trợ, chuyên gia tư vấn hoặc những người khác sẽ giúp họ tâm lý họ ổn định vững tâm trong quá trình điều trị.
Ung thư thứ phát sau điều trị
Sau điều trị ung thư thận, bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng bởi một số vấn đề sức khỏe, nhưng điều họ lo lắng nhất là đối mặt với bệnh ung thư một lần nữa, còn được gọi là ung thư tái phát. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp phát triển một căn bệnh ung thư mới hoàn toàn, còn được gọi là ung thư thứ hai (ung thư thứ phát).
Thật không may, kết thúc điều trị ung thư thận không có nghĩa là bạn không thể mắc các bệnh ung thư khác. Những người đã từng bị ung thư thận vẫn có thể mắc các loại ung thư khác. Trên thực tế, họ có nguy cơ cao mắc một số loại ung thư, bao gồm:
- Ung thư thận thứ phát (khác với loại ung thư thận mắc phải ban đầu). Nguy cơ ung thư thận thứ phát cao nhất ở những bệnh nhân được chẩn đoán bệnh trước 50 tuổi.
- Ung thư bàng quang.
- Ung thư niệu quản (ống nối thận với bàng quang).
- Ung thư tuyến tiền liệt.
- Ung thư tuyến giáp.
- U ác tính của da.
Những biện pháp nào có thể giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư thứ phát?
Hiện nay có một số biện pháp có thể giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư thứ phát và giữ sức khỏe tốt nhất cho bệnh nhân. Ví dụ: Bệnh nhân ung thư thận nên cố gắng tránh xa các sản phẩm thuốc lá. Vì hút thuốc có thể làm tăng thêm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư thứ phát phổ biến sau ung thư thận.
Để giúp duy trì sức khỏe tốt, bệnh nhân cũng nên:
- Duy trì cân nặng hợp lý.
- Tiếp tục hoạt động thể chất.
- Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, đặc biệt là thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật.
- Hạn chế uống rượu không quá 1 ly mỗi ngày đối với phụ nữ hoặc 2 ly mỗi ngày đối với nam giới.
Ngoài ra các biện pháp này cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe khác.