Ung thư da tế bào hắc tố thường có thể được phát hiện sớm, đồng nghĩa với việc tăng tỷ lệ được chữa khỏi. Một số người có nguy cơ mắc ung thư da tế bào hắc tố cao hơn, nhưng điều quan trọng là bất kỳ ai cũng có thể bị ung thư da tế bào hắc tố.
Tự kiểm tra da
Mặc dù Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ không có hướng dẫn về việc phát hiện sớm ung thư da, nhưng bạn cần hiểu rõ làn da của mình để nhận biết nếu có, chẳng hạn như các dạng nốt ruồi, vết thâm, tàn nhang và các vết khác trên da nhằm theo dõi những thay đổi mới.
Nhiều bác sĩ khuyến khích việc bệnh nhân tự kiểm tra da thường xuyên, tốt nhất là mỗi tháng một lần, trong phòng đủ ánh sáng trước gương soi toàn thân. Sử dụng gương cầm tay để giúp quan sát những vùng khó nhìn, chẳng hạn như mặt sau của đùi. Kiểm tra tất cả các khu vực, bao gồm cả lòng bàn tay, lòng bàn chân, da đầu, tai, móng tay và lưng (ở nam giới, lưng là nơi phổ biến bắt đầu xuất hiện các khối u ác tính). Nếu bạn không thể tự kiểm tra, có thể nhờ bạn bè hoặc người thân trong gia đình, đặc biệt là đối với những vùng khó nhìn thấy, chẳng hạn như da đầu hoặc lưng.
Để tìm hiểu thêm, hãy xem "Cách tự khám da".
Xem "Những Dấu hiệu và Triệu chứng của Ung thư da tế bào hắc tố" để biết thêm về những điều cần lưu ý khi tự khám da tại nhà. Bất kỳ điểm nào trên da mới xuất hiện hoặc có những thay đổi về kích thước, hình dạng, màu sắc nên được bác sĩ thăm khám kịp thời. Trong quá trình thăm khám, hãy chỉ ra những vùng da bạn nhận thấy bất thường để bác sĩ có thể thăm khám toàn diện, kể cả khu vực khó quan sát.
Kiểm tra da bởi một chuyên gia chăm sóc sức khỏe
Một số bác sĩ và chuyên gia chăm sóc sức khỏe cho rằng khám da như một phần của việc kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Trong quá trình thăm khám, nếu phát hiện thấy các nốt ruồi bất thường hoặc khu vực đáng ngờ, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến gặp bác sĩ da liễu, chuyên các vấn đề về da. Soi da (còn được gọi là soi da phát quang [ELM], hoặc soi bề mặt da) là phương pháp thường được sử dụng để xem xét các điểm bất thường trên da rõ hơn. (Xem Các xét nghiệm về ung thư da tế bào hắc tố để biết thêm thông tin.)
Kiểm tra da thường xuyên đặc biệt quan trọng đối với những người có nguy cơ mắc ung thư da tế bào hắc tố cao hơn, chẳng hạn như những người mắc hội chứng loạn sản, hoặc có tiền sử gia đình mắc ung thư da tế bào hắc tố hoặc đã từng bị ung thư da tế bào hắc tố trước đó. Nếu bạn có nhiều nốt ruồi, bác sĩ có thể khuyên bạn nên chụp toàn thân để theo dõi và phát hiện các nốt ruồi mới nếu có. (Điều này đôi khi được gọi là lập bản đồ nốt ruồi.) Trao đổi với bác sĩ để biết thêm tần suất khám da.