Danh mục

Phẫu thuật ung thư da tế bào hắc tố

Phẫu thuật là lựa chọn điều trị chính cho hầu hết các trường hợp ung thư da tế bào hắc tố, thường chữa khỏi các khối u ở giai đoạn đầu.

Cắt bỏ rộng

Sau khi được chẩn đoán bằng sinh thiết da, có thể sẽ cần tiến hành thêm phẫu thuật để đảm bảo rằng ung thư đã được loại bỏ (cắt bỏ) hoàn toàn. Thủ thuật nhỏ này có thể chữa khỏi hầu hết các khối u hắc tố mỏng.

Trước khi tiến hành cắt bỏ, khu vực thực hiện sẽ được gây tê cục bộ. Sau đó, khối u được cắt bỏ cùng với một ít da bình thường xung quanh các cạnh (gọi là rìa). Bước tiếp theo là khâu vết thương. Điều này có thể để lại sẹo.

Sau đó, mẫu mô được loại bỏ sẽ được quan sát dưới kính hiển vi nhằm đảm bảo rằng không có tế bào ung thư nào còn sót lại ở rìa vết thương.

Cắt bỏ rộng khác với sinh thiết cắt bỏ. Biên độ rộng hơn vì đã được chẩn đoán trước đó. Các biên được khuyến nghị thay đổi tùy thuộc vào độ dày của khối u. Các khối u dày hơn cần có biên lớn hơn (cả ở rìa và chiều sâu của vết cắt).

Các biên cũng có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí của khối u trên cơ thể và một số yếu tố khác. Ví dụ, nếu khối u ở mặt, có thể cắt rìa nhỏ hơn để tránh sẹo lớn hoặc các vấn đề khác. Tuy nhiên biên nhỏ có thể làm tăng nguy cơ ung thư tái phát, vì vậy hãy nhớ thảo luận về các lựa chọn với bác sĩ của bạn.

Phẫu thuật Mohs

Trong một số trường hợp, phẫu thuật Mohs (còn được gọi là phẫu thuật vi mô Mohs, hoặc MMS) có thể là một lựa chọn. Phẫu thuật này được sử dụng thường xuyên hơn trong điều trị một số loại ung thư da khác, nhưng không phải tất cả các bác sĩ đều đồng ý sử dụng đối với ung thư da tế bào hắc tố.

Phẫu thuật Mohs được thực hiện bởi một bác sĩ da liễu hoặc bác sĩ phẫu thuật được đào tạo đặc biệt. Trong quy trình này, da (bao gồm cả khối u hắc tố) được loại bỏ thành các lớp rất mỏng. Sau đó, mỗi lớp sẽ được quan sát dưới kính hiển vi. Nếu phát hiện có tế bào ung thư, bác sĩ sẽ tiếp tục loại bỏ một lớp da khác. Điều này được lặp lại cho đến khi không tìm thấy dấu hiệu ung thư. Phẫu thuật kéo dài khoảng vài giờ, nhưng đổi lại có thể cứu được nhiều lớp da bình thường gần khối u hơn, giúp vùng da này trông đẹp hơn sau khi phẫu thuật.

Phẫu thuật cắt cụt chi

Trong những trường hợp không phổ biến như khi khối u hắc tố ở ngón tay hoặc ngón chân đã phát triển sâu, một phần hoặc toàn bộ ngón đó có thể cần phải được cắt bỏ.

Bóc tách hạch bạch huyết

Trong thủ thuật này, bác sĩ phẫu thuật loại bỏ tất cả các hạch bạch huyết ở khu vực gần khối u hắc tố nguyên phát. Ví dụ, nếu khối u ở chân, bác sĩ sẽ loại bỏ các hạch ở vùng bẹn cùng bên, nơi mà các tế bào u hắc tố rất có thể sẽ di chuyển đến đầu tiên.

Sau khi chẩn đoán ung thư da tế bào hắc tố được thực hiện từ sinh thiết da, bác sĩ sẽ kiểm tra các hạch bạch huyết gần khối u. Tùy thuộc vào độ dày và vị trí của u, quá trình này có thể được thực hiện bằng cách thăm khám, hoặc bằng các xét nghiệm hình ảnh (như siêu âm hoặc chụp CT hoặc PET) để xem xét các hạch ở sâu.

Nếu các hạch bạch huyết gần đó cứng hoặc to bất thường cũng như qua sinh thiết chọc hút bằng kim nhỏ (FNA) hoặc sinh thiết cắt lớp tìm thấy tế bào u hắc tố trong một hoặc nhiều hạch, phẫu thuật bóc tách hạch bạch huyết thường được thực hiện.

Nếu các hạch bạch huyết không phình to, sinh thiết hạch lính gác vẫn có thể được thực hiện, đặc biệt nếu khối u hắc tố dày hơn 1 mm. (Xem Các xét nghiệm ung thư da tế bào hắc tố để biết mô tả về quy trình này.) Nếu hạch bạch huyết lính gác không chứa ung thư, thì không cần thực hiện bóc tách hạch vì không chắc khối u đã di căn đến các hạch bạch huyết khác. Trường hợp có chứa tế bào ung thư, việc loại bỏ các hạch còn lại trong khu vực đó bằng phương pháp bóc tách hạch bạch huyết thường được khuyên dùng. Đây được gọi là quá trình bóc tách hạch bạch huyết hoàn toàn.  

Hiện nay vẫn chưa rõ về hiệu quả của phẫu thuật bóc tách hạch đối với những trường hợp ung thư tế bào hắc tố đã di căn hạch. Vấn đề này vẫn đang được nghiên cứu. Tuy nhiên, một số bác sĩ cho rằng nó có thể kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân và ít nhất là tránh được cơn đau do ung thư phát triển trong các hạch bạch huyết này.

Việc bóc tách toàn bộ hạch bạch huyết có thể gây ra một số tác dụng phụ lâu dài. Một trong những tác dụng phụ nghiêm trọng có thể là phù bạch huyết. Các hạch bạch huyết ở bẹn hoặc dưới cánh tay thường giúp thoát chất lỏng từ các chi. Nếu các hạch này bị loại bỏ, chất lỏng có thể tích tụ, dẫn đến tình trạng sưng phù chân tay, có thể hết hoặc không. Nếu nghiêm trọng, nó có thể gây ra các vấn đề về da và tăng nguy cơ nhiễm trùng ở chi. Vớ co giãn hoặc tay áo nén có thể giúp một số người bị tình trạng này. Để biết thêm thông tin, hãy xem Phù bạch huyết.

Phù bạch huyết, cùng với cơn đau do chính cuộc phẫu thuật, là một lý do chính khiến việc bóc tách hạch bạch huyết không được thực hiện trừ khi bác sĩ cảm thấy nó thực sự cần thiết. Tuy nhiên, thủ thuật sinh thiết hạch lính gác không gây tình trạng này. Điều quan trọng là phải thảo luận với bác sĩ về các rủi ro tác dụng phụ trước khi thực hiện một trong các thủ thuật này.

Phẫu thuật ung thư da tế bào hắc tố di căn

Nếu khối u  đã lan rộng (di căn) từ da đến các cơ quan khác như phổi hoặc não, thì ung thư rất khó có thể chữa khỏi bằng phẫu thuật. Ngay cả khi chỉ tìm thấy 1 hoặc 2 khu vực lây lan bằng các xét nghiệm hình ảnh như chụp CT hoặc MRI, có thể có những khu vực khác quá nhỏ để có thể tìm thấy bằng những xét nghiệm này.

Trong những trường hợp này, phẫu thuật được thực hiện thường nhằm mục đích cố gắng kiểm soát ung thư hơn là chữa khỏi. Mặc dù vậy, nếu có 1 hoặc thậm chí một vài di căn có thể loại bỏ hoàn toàn thì phẫu thuật này có thể giúp người bệnh sống lâu hơn. Loại bỏ di căn ở một số nơi, chẳng hạn như não, cũng có thể giúp ngăn ngừa hoặc làm giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Nếu bạn bị ung thư da tế bào hắc tố và bác sĩ đề nghị phẫu thuật như một lựa chọn điều trị, hãy chắc chắn rằng bạn hiểu mục tiêu của phẫu thuật cũng như những lợi ích và rủi ro có thể có của nó.

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...