Danh mục

Những yếu tố nguy cơ của ung thư da tế bào hắc tố

Yếu tố nguy cơ là bất cứ điều gì có thể làm tăng khả năng mắc bệnh, chẳng hạn như ung thư. Các bệnh khác nhau sẽ có các yếu tố nguy cơ khác nhau. Một số yếu tố nguy cơ, như hút thuốc lá hoặc tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, có thể thay đổi được. Các yếu tố khác như tuổi tác hoặc tiền sử gia đình thì không thay đổi được.

Có một hoặc thậm chí nhiều yếu tố nguy cơ, không đồng nghĩa với việc bạn sẽ mắc bệnh. Ngược lại, một số người mặc dù có ít hoặc không có yếu tố nguy cơ nào nhưng lại mắc bệnh.

Tuy nhiên, điều quan trọng là phải biết về các yếu tố nguy cơ của ung thư da tế bào hắc tố vì có thể có những điều bạn có thể làm để giảm nguy cơ mắc bệnh. Nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do một số yếu tố nhất định, thì cũng có cách để giúp phát hiện bệnh sớm, từ đó khả năng điều trị cũng dễ dàng hơn.

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư da tế bào hắc tố.

Tiếp xúc với tia cực tím (UV)

Tiếp xúc với tia cực tím (UV) là một yếu tố nguy cơ chính đối với hầu hết các khối u hắc tố. Ánh nắng mặt trời là nguồn chính của tia UV. Giường tắm nắng và đèn tắm nắng cũng có khả năng phát ra tia UV.

Mặc dù tia UV chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tia nắng mặt trời nhưng chúng lại là nguyên nhân chính gây ra tác hại của ánh nắng mặt trời đối với làn da. Tia UV làm hỏng DNA (gen) bên trong tế bào da. Ung thư da có thể bắt đầu khi những tổn thương này ảnh hưởng đến DNA của các gen kiểm soát sự phát triển của tế bào da.

Hình thức cũng như thời gian tiếp xúc với tia cực tím có thể đóng một vai trò trong sự phát triển của khối u. Ví dụ, u hắc tố trên thân (ngực và lưng) và chân có liên quan đến việc da thường xuyên bị cháy nắng (đặc biệt là ở thời thơ ấu). Tuy nhiên có một sự thật là những khu vực này không thường xuyên tiếp xúc với tia UV. Một số bằng chứng cho thấy rằng các u tế bào hắc tố bắt đầu ở những vùng này khác với những khối u bắt đầu trên mặt, cổ và cánh tay, nơi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thường xuyên hơn. Và khác với một trong hai loại này là u hắc tố trên lòng bàn tay, lòng bàn chân, hoặc dưới móng tay (được gọi là ung thư tế bào hắc tố ở các vùng ít tiếp xúc ánh sáng), hoặc trên các bề mặt bên trong như miệng và âm đạo (u hắc tố niêm mạc), những vùng này ít hoặc không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Để tìm hiểu thêm về tác động của tia UV đối với da và những gì bạn có thể làm để bảo vệ bản thân và người thân, hãy xem Bức xạ tia cực tím (UV) và cách bảo vệ bản thân khỏi tia cực tím (UV)?

Nốt ruồi

Nốt ruồi là một khối u sắc tố lành tính (không phải ung thư). Trẻ sơ sinh thường không có nốt ruồi; chúng thường bắt đầu xuất hiện ở độ tuổi thiếu nhi và thanh niên.

Có nhiều nốt ruồi: Hầu hết các nốt ruồi đều lành tính, nhưng những người có nhiều nốt ruồi lại có nguy cơ mắc ung thư tế bào hắc tố cao hơn.

Nốt ruồi không điển hình (loạn sản): Những nốt ruồi này trông khá giống nốt ruồi bình thường nhưng cũng có một số đặc điểm của u hắc tố: kích thước lớn hơn, hình dạng hoặc màu sắc bất thường. (Xem Dấu hiệu và Triệu chứng của Ung thư da tế bào hắc tố để biết thêm mô tả về hình dạng của nốt ruồi và u hắc tố.) Chúng có thể xuất hiện trên vùng da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời cũng như vùng da thường được che phủ, chẳng hạn như ở mông hoặc da đầu.

Nốt ruồi loạn sản thường liên quan đến yếu tố gia đình. Một tỷ lệ nhỏ nevi loạn sản có thể phát triển thành u hắc tố. Nhưng hầu hết các khối u loạn sản không bao giờ trở thành ung thư, và nhiều u tế bào hắc tố dường như phát sinh mà không có khối u loạn sản từ trước.

Hội chứng loạn sản (hội chứng nốt ruồi không điển hình): Những người mắc chứng di truyền này có nhiều nốt ruồi loạn sản. Nếu ít nhất một người thân bị u hắc tố, tình trạng này được gọi là hội chứng đa nốt ruồi và u tế bào hắc tố không điển hình gia đình, hoặc FAMMM.

Những người bị tình trạng này có nguy cơ mắc ung thư da tế bào hắc tố suốt đời rất cao, vì vậy họ cần được bác sĩ da liễu (bác sĩ chuyên về các vấn đề về da) khám da kỹ lưỡng và thường xuyên. Một số trường hợp có thể cần chụp toàn thân để giúp bác sĩ nhận biết những bất thường của nốt ruồi nếu có. Nhiều bác sĩ khuyến khích việc hướng dẫn người bệnh tự khám da tại nhà hàng tháng.

Nevi tế bào hắc tố bẩm sinh: Nốt ruồi xuất hiện khi mới sinh được gọi là nevi tế bào hắc tố bẩm sinh (còn được biết là "bớt bẩm sinh"). Nguy cơ suốt đời của u tế bào hắc tố phát triển trong nevi tế bào hắc tố bẩm sinh được ước tính là từ 0 đến 5%, tùy thuộc vào kích thước khối u. Những người có nevi bẩm sinh lớn có nguy cơ cao hơn và ngược lại. Ví dụ, nguy cơ mắc u hắc tố là rất thấp ở những trường hợp có nevi bẩm sinh nhỏ hơn lòng bàn tay, và những người có nevi bẩm sinh bao phủ phần lớn lưng và mông (“nevi thân cây tắm”) có nguy cơ cao hơn đáng kể.

Các nevi bẩm sinh có thể loại bỏ bằng phẫu thuật để chúng không có cơ hội phát triển thành ung thư. Tuy nhiên quyết định loại bỏ hay không còn tùy thuộc vào một số yếu tố bao gồm kích thước, vị trí và màu sắc của nó. Đối với nevi bẩm sinh không được loại bỏ nên được các bác sĩ da liễu khám thường xuyên cũng như bệnh nhân nên được hướng dẫn cách tự kiểm tra da hàng tháng tại nhà.

Tóm  lại, tỷ lệ một nốt ruồi bất kỳ phát triển ung thư là rất thấp. Tuy nhiên, những người có nhiều nốt ruồi bất thường sẽ có nguy cơ mắc ung thư da tế bào hắc tố cao hơn.

Da trắng, tàn nhang và tóc sáng

Người da trắng có nguy cơ mắc ung thư tế bào hắc tố cao hơn nhiều so với người Mỹ gốc Phi. Người da trắng có tóc đỏ hoặc vàng, mắt xanh lam hoặc xanh lá cây, hoặc bị tàn nhang hoặc dễ bị cháy nắng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Tiền sử gia đình bị u tế bào hắc tố

Nguy cơ mắc ung thư tế bào hắc tố cao hơn nếu một hoặc nhiều người thân cấp một của bạn (bố mẹ, anh chị em hoặc con cái) bị ung thư tế bào hắc tố. Khoảng 10% những người bị ung thư da tế bào hắc tố có tiền sử gia đình mắc bệnh.

Nguy cơ gia tăng có thể do lối sống chung của gia đình thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, xu hướng gia đình có làn da trắng, một số thay đổi gen (đột biến) xảy ra hoặc sự kết hợp của các yếu tố này.

Hầu hết các chuyên gia không khuyến nghị những người có tiền sử gia đình mắc ung thư hắc tố nên xét nghiệm di truyền để tìm các đột biến có thể làm tăng nguy cơ, vì vẫn chưa rõ về mức độ hữu ích. Thay vào đó, các chuyên gia khuyên một số điều sau:

  • Khám da định kỳ bởi bác sĩ da liễu.
  • Kiểm tra da mỗi tháng một lần.
  • Đặc biệt cẩn thận về việc bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời và tránh tia UV nhân tạo (chẳng hạn như tia UV từ giường tắm nắng).

Tiền sử bản thân về ung thư da tế bào hắc tố hoặc các bệnh ung thư da khác

Một người đã từng bị ung thư tế bào hắc tố, ung thư da tế bào đáy hoặc tế bào vảy có nguy cơ tái phát cao. 

Suy yếu hệ miễn dịch

Hệ miễn dịch giúp cơ thể chống lại ung thư da cũng như ung thư các cơ quan khác. Do vây những người có hệ miễn dịch suy yếu (do một số bệnh hoặc do điều trị) có nguy cơ phát triển nhiều loại ung thư da, bao gồm cả ung thư da tế bào hắc tố.

Ví dụ, những bệnh nhân cấy ghép nội tạng thường được cho các loại thuốc làm suy yếu hệ thống miễn dịch nhằm ngăn tình trạng đào thải cơ quan. Do đó làm tăng nguy cơ ung thư tế bào hắc tố.

Những người bị nhiễm HIV, vi rút gây bệnh AIDS, thường có hệ miễn dịch suy yếu, vì vậy nguy cơ mắc ung thư tế bào hắc tố cũng cao hơn.

Lớn tuổi 

U tế bào hắc tố có xu hướng phát triển ở những người lớn tuổi, tuy nhiên cũng được tìm thấy ở những người trẻ tuổi. Trên thực tế, ung thư tế bào hắc tố là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở những người dưới 30 tuổi (đặc biệt là phụ nữ trẻ). U tế bào hắc tố có yếu tố gia đình có thể xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn.

Nam giới

Tại Hoa Kỳ, nam giới có tỷ lệ ung thư hắc tố cao hơn phụ nữ, mặc dù tỷ lệ này thay đổi theo độ tuổi. Trước 50 tuổi, nguy cơ cao hơn đối với phụ nữ; sau 50 tuổi nguy cơ cao hơn ở nam giới.

Bệnh khô da nhiễm hắc tố

Xeroderma pigmentosum (XP) là một tình trạng hiếm gặp, di truyền ảnh hưởng đến khả năng sửa chữa tổn thương DNA của tế bào da. Những người bị XP có nguy cơ cao phát triển khối u hắc tố và các bệnh ung thư da khác khi họ còn trẻ, đặc biệt là trên những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...