Danh mục

Cuộc sống sau điều trị ung thư da tế bào hắc tố

Đối với nhiều bệnh nhân, việc điều trị có thể loại bỏ hoặc tiêu diệt ung thư da tế bào hắc tố. Sau hoàn thành quá trình điều trị, người bệnh có thể cảm thấy vui  xen lẫn chút lo sợ. Bạn có thể an tâm phần nào sau khi hoàn thành điều trị, nhưng khó có thể không lo lắng về việc ung thư phát triển hoặc tái phát. Điều này rất phổ biến nếu bạn đã từng bị ung thư

Đối với một số bệnh nhân khác, việc điều trị không thể loại bỏ hoàn toàn khối u hắc tố. Những trường hợp này có thể được điều trị thường xuyên bằng liệu pháp miễn dịch, liệu pháp nhắm mục tiêu, hóa trị liệu hoặc các phương pháp điều trị khác để cố gắng kiểm soát ung thư càng lâu càng tốt. Học cách sống chung với căn bệnh ung thư có thể rất khó khăn và áp lực. Nó có kiểu không chắc chắn của riêng nó.

Chăm sóc theo dõi

Khi điều trị kết thúc, bạn vẫn cần được theo dõi chặt chẽ. Bên cạnh nguy cơ ung thư tái phát, những người đã từng bị ung thư da tế bào hắc tố có nguy cơ cao phát triển một khối u khác, vì vậy, bạn cần tái khám đầy đủ theo lịch hẹn. Trong những đợt tái khám này, bác sĩ sẽ đặt câu hỏi về bất kỳ vấn đề nào bạn đang gặp phải cũng như thực hiện một số nghiệm pháp thăm khám, các xét nghiệm phòng lab hoặc xét nghiệm hình ảnh để tìm dấu hiệu của ung thư hoặc tác dụng phụ của điều trị.

Một số tác dụng phụ của điều trị có thể kéo dài hoặc thậm chí không xuất hiện cho đến nhiều năm sau khi kết thúc điều trị. Do đó những buổi thăm khám với bác sĩ là thời điểm tốt để đặt câu hỏi và trao đổi về những bất thường mà bạn nhận thấy. 

Các xét nghiệm kiểm tra

Lịch trình tái khám của bạn nên bao gồm việc kiểm tra da và hạch bạch huyết thường xuyên. Tần suất tái khám theo dõi tùy thuộc vào giai đoạn của khối u khi được chẩn đoán và một số yếu tố khác. Bên cạnh những kiểm tra thông thường, một số xét nghiệm hình ảnh như siêu âm hoặc chụp CT có thể được chỉ định thực hiện.

Đối với người mắc ung thư da tế bào hắc tố giai đoạn đầu đã được loại bỏ hoàn toàn, lịch tái khám có thể cách nhau mỗi 6-12 tháng trong vài năm. Nếu không nhận thấy bất thường ở những lần thăm khám này, thời gian giữa các lần khám có thể cách xa hơn. Ở những người có nhiều nốt ruồi hoặc nốt ruồi không điển hình, bác sĩ có thể khuyên nên thăm khám thường xuyên để được theo dõi kiểm tra.

Đối với những khối u hắc tố dày hơn hoặc những khối u đã lan rộng ra ngoài da, lịch tái khám có thể cách nhau mỗi 3 đến 6 tháng trong vài năm. Sau đó, thời gian giữa các lần khám có thể cách xa hơn. Các xét nghiệm hình ảnh như siêu âm hoặc chụp CT cũng có thể được thực hiện, đặc biệt là ở những trường hợp giai đoạn nặng.

Điều quan trọng đối với những người sau điều trị hoàn toàn ung thư da tế bào hắc tố là tự kiểm tra da và hạch bạch huyết thường xuyên. Hầu hết các bác sĩ khuyên người bệnh nên tự kiểm tra ít nhất hàng tháng. Nếu nhận thấy bất kỳ khối u, những thay đổi mới trên da hoặc triệu chứng mới xuất hiện nhưng kéo dài (ví dụ: đau, ho, mệt mỏi, chán ăn), bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Ung thư da tế bào hắc tố có thể tái phát nhiều năm sau lần điều trị đầu tiên.

Những người bị ung thư da tế bào hắc tố không khỏi hoàn toàn sau điều trị sẽ có lịch tái khám dựa trên tình trạng cụ thể của họ.

Yêu cầu bác sĩ cung cấp một kế hoạch chăm sóc sức khỏe

Kế hoạch có thể bao gồm:

  • Lịch trình gợi ý các xét nghiệm.
  • Lịch trình cho các xét nghiệm khác mà bạn có thể cần trong tương lai, chẳng hạn như các xét nghiệm phát hiện sớm (sàng lọc) cho các loại ung thư khác hoặc các xét nghiệm kiểm tra sức khỏe lâu dài ảnh hưởng từ khối u của bạn hoặc phương pháp điều trị.
  • Danh sách các tác dụng phụ có thể xảy ra muộn hoặc lâu dài do quá trình điều trị, bao gồm cần theo dõi gì và khi nào bạn nên liên hệ với bác sĩ.
  • Đề xuất về chế độ ăn uống và hoạt động thể chất.

Giữ bảo hiểm y tế và các bản sao hồ sơ bệnh án

Ngay cả sau khi hoàn tất điều trị, bạn vẫn phải lưu giữ bảo hiểm y tế. Chi phí cho việc kiểm tra và thăm khám là rất lớn, và mặc dù không ai nghĩ rằng ung thư sẽ tái phát nhưng điều này vẫn có khả năng xảy ra.

Tại một thời điểm nào đó sau khi điều trị ung thư, bạn có thể gặp một bác sĩ mới không biết về tiền sử bệnh. Điều quan trọng là phải giữ các bản sao hồ sơ y tế để cung cấp cho bác sĩ mới các chi tiết về chẩn đoán và điều trị bệnh của bạn. Tìm hiểu thêm về Lưu giữ Bản sao hồ sơ y tế quan trọng.

Tôi nên làm gì để giảm nguy cơ ung thư da tế bào hắc tố tiến triển hoặc tái phát?

Nếu bạn bị (hoặc đã từng bị) ung thư da tế bào hắc tố, bạn có thể muốn biết liệu có hay không những việc làm giúp giảm nguy cơ ung thư tái phát hoặc phát triển ung thư da mới.

Tại thời điểm này, chưa đủ thông tin về khối u để chắc chắn về những việc hữu ích mà bạn có thể làm. Biết rằng những người từng bị ung thư da tế bào hắc tố có nguy cơ phát triển một loại ung thư tế bào hắc tố khác hoặc loại ung thư da khác cao hơn. Do đó, điều quan trọng là nên hạn chế tiếp xúc với tia UV (từ ánh nắng mặt trời hoặc giường tắm nắng) và tiếp tục kiểm tra da hàng tháng để tìm các dấu hiệu ung thư tái phát hoặc ung thư da mới. Ung thư da được phát hiện sớm thường dễ điều trị hơn so với ung thư ở giai đoạn sau.

Hình thành các thói quen lành mạnh như không hút thuốc, ăn uống điều độ, hoạt động thể chất thường xuyên và giữ cân nặng hợp lý cũng có thể hữu ích, nhưng chưa được chứng minh. Tuy nhiên chúng tôi biết rằng những loại thay đổi này có thể có tác động tích cực đến sức khỏe có thể vượt ra ngoài nguy cơ mắc ung thư da tế bào hắc tố hoặc các loại ung thư khác.

Giới thiệu về thực phẩm chức năng

Cho đến nay, không có thực phẩm chức năng nào (bao gồm vitamin, khoáng chất và các sản phẩm thảo dược) được chứng minh là có thể giúp giảm nguy cơ ung thư da tế bào hắc tố tiến triển hoặc tái phát trở lại. Điều này không có nghĩa là không có thực phẩm chức năng nào sẽ giúp ích, nhưng điều quan trọng là phải biết rằng chưa có loại nào được chứng minh là hữu ích.

Thực phẩm chức năng không được quản lý giống như các loại thuốc ở Hoa Kỳ-Chúng không được chứng minh hiệu quả (hoặc thậm chí an toàn) trước khi bán ra, mặc dù có những giới hạn về những gì nhà sản xuất được phép tuyên bố. Nếu bạn đang đắn đo về việc sử dụng thực phẩm chức năng, hãy bàn với nhóm chăm sóc sức khỏe. Họ có thể giúp bạn quyết định những thứ cần sử dụng và hướng dẫn bạn sử dụng an toàn và hợp lý.

Nếu ung thư tái phát

Nếu khối u hắc tố tái phát vào một thời điểm nào đó, các lựa chọn điều trị của bạn sẽ phụ thuộc vào vị trí của khối u, phương pháp điều trị đã thực hiện trước đó và sức khỏe tổng thể của bạn. Để biết thêm về cách điều trị ung thư tái phát, hãy xem Điều trị ung thư da tế bào hắc tố theo giai đoạn. Để biết thêm thông tin về tái phát khối u, bạn cũng có thể xem Hiểu về tái phát.

Tôi có thể bị ung thư thứ hai sau khi điều trị u hắc tố không?

Những người đã bị ung thư da tế bào hắc tố vẫn có thể mắc các bệnh ung thư khác. Trên thực tế, những người sau điều trị ung thư da tế bào hắc tố có nguy cơ mắc một số loại ung thư khác cao hơn:

  • Bệnh ung thư da khác, bao gồm ung thư da tế bào hắc tố (khác với ung thư đầu tiên tái phát).
  • Ung thư tuyến nước bọt.
  • Ung thư ruột non.
  • Ung thư vú (ở phụ nữ).
  • Ung thư tuyến tiền liệt.
  • Ung thư thận.
  • Ung thư tuyến giáp.
  • Ung thư mô mềm.
  • U lympho không Hodgkin (NHL).

Loại ung thư thứ hai phổ biến nhất là bệnh ung thư da khác.

Bạn có thể thực hiện các bước để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư khác cũng như giữ sức khỏe tốt nhất có thể. Ví dụ: hạn chế tiếp xúc với tia UV, điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư da, tránh xa các sản phẩm thuốc lá vì hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư.

Để giúp duy trì sức khỏe tốt, những người sống sót sau ung thư da tế bào hắc tố cũng nên:

  • Duy trì cân nặng hợp lý.
  • Hoạt động thể chất.
  • Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, tập trung vào thực phẩm thực vật.
  • Hạn chế rượu không quá 1 ly mỗi ngày đối với phụ nữ hoặc 2 ly mỗi ngày đối với nam giới.

Các thói quen này cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác.

Những người sống sót sau ung thư da tế bào hắc tố cũng nên tuân theo các hướng dẫn của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ để phát hiện sớm ung thư, chẳng hạn như ung thư đại trực tràng và ung thư phổi. Hầu hết các chuyên gia không khuyến nghị bất kỳ xét nghiệm cụ thể nào khác để tìm ung thư thứ hai trừ khi bạn có các triệu chứng.

Nhận hỗ trợ tinh thần

Một số cảm giác chán nản, lo lắng là bình thường khi ung thư là một phần trong cuộc sống của bạn. Một số người bị ảnh hưởng nhiều hơn những người khác. Nhưng họ sẽ cảm thấy tốt hơn nếu nhận được sự giúp đỡ cũng như động viên từ mọi người xung quanh, như bạn bè, gia đình hoặc các nhóm hỗ trợ, cố vấn viên. Tìm hiểu thêm trong phần “Cuộc sống sau ung thư”.

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...