Danh mục

Ung thư thứ phát sau ung thư vú.

Ung thư thứ phát sau ung thư vú.

Những bệnh nhân sau điều trị ung thư vú có thể mắc một số vấn đề sức khỏe do ảnh hưởng từ phương pháp trị liệu, tuy nhiên mối lo ngại nhất chính là phải đối mặt với ung thư một lần nữa (hay tái phát ung thư). Nhưng ở một số bệnh nhân khác lại có tình trạng phát triển một loại ung thư mới không liên quan, còn được gọi là ung thư thứ phát.

Phụ nữ bị ung thư vú vẫn có thể mắc các bệnh ung thư khác. Mặc dù hầu hết bệnh nhân sau điều trị không thấy tái tình trạng tái phát nhưng nguy cơ mắc ung thư thứ phát lại cao hơn bình thường. Một số loại ung thư như:

  • Ung thư vú thứ phát (khác với tái phát).
  • Ung thư tuyến nước bọt.
  • Ung thư thực quản.
  • Ung thư dạ dày.
  • Ung thư đại tràng.
  • Ung thư tử cung.
  • Ung thư buồng trứng.
  • Ung thư tuyến giáp.
  • Ung thư mô mềm ác tính (nguồn gốc từ mô liên kết - sarcoma).
  • Ung thư tế bào hắc tố da.
  • Bệnh bạch cầu cấp tính dòng tế bào tủy xương (AML).

Đối với bệnh nhân sau điều trị ung thư vú thì phổ biến nhất là ung thư vú thứ phát ở bên vú còn lại hoặc phát triển cùng bên với lần đầu (trong trường hợp điều trị bằng phẫu thuật bảo tồn vú, chỉ loại bỏ khối u).

Tính chất di truyền của ung thư

Các yếu tố di truyền có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc làm tăng nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư thứ phát. Ví dụ, phụ nữ có đột biến gen BRCA cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh như ung thư vú, ung thư buồng trứng và một số khác.

Xạ trị ung thư

Ung thư phổi: Những bệnh nhân đã tiến hành xạ trị hậu phẫu thuật cắt bỏ vú có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn so với trường hợp chỉ loại bỏ khối u. Thậm chí nguy cơ còn tăng cao đối với các bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá.

Ung thư sarcoma (ung thư có nguồn gốc từ mô liên kết): Xạ trị ung thư vú cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như u mạch máu ác tính (angiosarcoma), u xương ác tính (osteosarcoma) và một số sarcoma khác lân cận khu vực điều trị. Tuy nhiên, nhìn chung thì tỷ lệ mắc các trường hợp này thường thấp.

Một số bệnh ung thư máu: Xạ trị ung thư vú làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu và hội chứng loạn sinh tủy (myelodysplastic syndrome - MDS). Dù vậy, khả năng xảy ra các rủi ro này không cao.

Hóa trị ung thư

Bên cạnh xạ trị, hóa trị ung thư vú giai đoạn đầu cũng có thể làm phát triển nguy cơ mắc bệnh bạch cầu và hội chứng loạn sinh tủy nhưng không cao. Tuy nhiên, nếu sử dụng cả hóa trị và xạ trị thì có thể làm gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh trên.

Điều trị ung thư bằng Tamoxifen

Sử dụng thuốc Tamoxifen làm giảm nguy cơ tái phát ung thư vú dương tính với thụ thể hormone cũng như ung thư vú thứ phát nhưng lại làm tăng khả năng phát triển ung thư tử cung (gồm ung thư nội mạc tử cung và sarcoma tử cung). Tuy nhiên, tỷ lệ ung thư tử cung ở phụ nữ dùng tamoxifen tương đối thấp cũng như các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thuốc này có lợi ích điều trị cao hơn nguy cơ xảy ra.

Theo dõi sau điều trị ung thư vú

Sau khi hoàn thành quá trình điều trị ung thư vú, bạn nên tuân thủ lịch tái khám định kỳ để theo dõi cũng như phát hiện sớm các dấu hiệu tái phát. Nếu bạn chưa cắt bỏ hoàn toàn 2 bên vú, bạn cần thực hiện chụp nhũ ảnh hàng năm để sàng lọc ung thư vú ( bao gồm cả tái phát và ung thư mới ). Để biết thêm về các xét nghiệm cần sau điều trị ung thư vú, tham khảo phần "Chăm sóc và theo dõi sau điều trị ung thư vú".

Bên cạnh đó, bạn nên làm theo các hướng dẫn của Hội ung thư Việt Nam để có thể sàng lọc và phát hiện bệnh sớm nhất, chẳng hạn như ung thư đại trực tràng và ung thư cổ tử cung. Các xét nghiệm sàng lọc giúp ngăn ngừa cũng như phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư nếu có từ đó việc điều trị trở nên dễ dàng hơn. Đối với các bệnh nhân ung thư vú, các chuyên gia không khuyến nghị bất kỳ xét nghiệm bổ sung nào để tìm kiếm ung thư thứ phát trừ khi xuất hiện triệu chứng bất thường.

Hãy báo ngay với bác sĩ điều trị về các triệu chứng bất thường vì đây có thể là dấu hiệu tái phát hoặc sự phát triển của ung thư mới. Ví dụ như chảy máu kinh nguyệt bất thường gồm chảy máu hoặc rỉ máu sau mãn kinh hay giữa các chu kỳ kinh có thể là một biểu hiện của ung thư tử cung.

Cần làm gì để giảm nguy cơ mắc ung thư thứ phát?

Không có cách nào chắc chắn ngăn ngừa tất cả các bệnh ung thư, tuy nhiên vẫn có một số điều bạn nên tuân thủ nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cũng như bảo vệ sức khỏe của mình. Bạn nên thực hiện các xét nghiệm sàng lọc được đề xuất sớm nhất có thể để theo dõi tình trạng sức khỏe và tiến hành điều trị nếu có dấu hiệu bất thường.

Một điều quan trọng cần nhớ là bạn nên tránh xa thuốc lá vì nó có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư thứ phát sau ung thư vú.

Bên cạnh đó, để duy trì sức khỏe tốt, các bệnh nhân sau điều trị ung thư vú nên:

  • Duy trì cân nặng phù hợp.
  • Thường xuyên tập luyện.
  • Ăn uống lành mạnh, nên sử dụng nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật.
  • Hạn chế tiêu thụ rượu, không quá 1 ly mỗi ngày.

Những thói quen kể trên còn có thể hạn chế nhiều vấn đề sức khỏe khác. Để biết thêm thông tin, hãy xem " Hướng dẫn của ACS về dinh dưỡng và hoạt động thể chất nhằm phòng ngừa ung thư".

Tham khảo " Ung thư thứ phát ở người lớn" để biết thêm thông tin về các nguyên nhân gây ra.

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...