Danh mục

Liệu pháp hormone mãn kinh sau điều trị ung thư vú.

Liệu pháp hormone mãn kinh sau điều trị ung thư vú.

Liệu pháp hormone sau mãn kinh (PHT-post-menopausal hormone therapy), còn được gọi là liệu pháp hormone thay thế (HRT) có thể giúp làm giảm những triệu chứng xảy ra trong thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ từng mắc ung thư vú. Các biểu hiện trong thời kỳ tiền mãn kinh hay mãn kinh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của bạn, hãy trao đổi với bác sĩ để tìm ra hướng giải quyết tốt nhất.

Nhiều phụ nữ có các triệu chứng mãn kinh như bốc hỏa, đổ nhiều mồ hôi sau khi hoàn thành quá trình điều trị ung thư vú. Về sinh lý, những triệu chứng này có thể xảy ra một cách hoàn toàn tự nhiên khi phụ nữ bước qua tuổi 50, nhưng cũng có thể là hệ quả của các phương pháp điều trị ung thư vú. Một số phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh nhưng lại xuất hiện các triệu chứng mãn kinh, đây là tác dụng phụ của hóa trị hoặc các loại thuốc trong liệu pháp hormone được dùng để điều trị ung thư vú (chẳng hạn như tamoxifen và thuốc ức chế aromatase). Phụ nữ đã trải qua thời kỳ mãn kinh cũng có nguy cơ xuất hiện các triệu chứng nếu họ dừng điều trị liệu pháp hormone sau mãn kinh (PHT).

Phụ nữ sau điều trị ung thư vú có thể sử dụng liệu pháp hormone hay không?

Khi bước vào thời kỳ mãn kinh, một số phụ nữ sẽ chọn liệu pháp hormone, bằng cách sử dụng các nội tiết tố nữ (estrogen, đôi khi có cả progesterone), liệu pháp này có khả năng giúp giảm đi các triệu chứng có thể xảy ra. Tuy nhiên, đối với phụ nữ mắc ung thư vú thì các bác sĩ sẽ cân nhắc việc sử dụng liệu pháp này vì nồng độ estrogen có ảnh hưởng đến sự phát triển ung thư vú.

Một thử nghiệm lâm sàng được đầu tư quy mô lớn (nghiên cứu của HABITS) đã chứng minh những người điều trị ung thư vú thành công mà tiến hành PHT có nhiều nguy cơ phát triển bệnh ung thư vú mới hoặc khiến cho ung thư tái phát (bệnh ung thư trở lại dù đã hoàn thành quá trình điều trị) hơn so với những phụ nữ không sử dụng PHT. Chính vì điều này, các bác sĩ thường khuyến cáo những người phụ nữ từng bị ung thư vú không nên sử dụng liệu pháp hormone sau mãn kinh.

Giảm các triệu chứng mãn kinh mà không cần đến liệu pháp hormone.

Nếu bạn thấy xuất hiện các triệu chứng mãn kinh (chẳng hạn như bốc hỏa), hãy trao đổi với bác sĩ về các hướng giải quyết khác ngoài PTH cho từng biểu hiện cụ thể. Một số phụ nữ thì muốn sử dụng các loại thuốc không chứa hormone để hạn chế các triệu chứng. Số còn lại thì muốn thử nghiệm các phương pháp khác để xem liệu chúng có hiệu quả hay không.  

Giảm cân : Một số phụ nữ nhận thấy rằng việc giảm cân giúp giảm nhẹ các triệu chứng mãn kinh (ví dụ như bốc hỏa).

Chế độ ăn và các thực phẩm chức năng dinh dưỡng : Một số phụ nữ nhận ra rằng việc thay đổi thói quen ăn uống, chẳng hạn như chia nhỏ các bữa ăn và tránh “các yếu tố kích hoạt” (ví dụ như đồ cay nóng) rất hữu ích.

Những ảnh hưởng lên các triệu chứng mãn kinh của từng loại thức ăn cụ thể cũng như các loại thực phẩm chức năng dinh dưỡng đến các triệu chứng mãn kinh vẫn chưa rõ. Điều này không phủ định lợi ích của những thay đổi trên, tuy nhiên những bằng chứng cung cấp thông tin còn hạn chế.

Thực vật nữ tố (Phytoestrogens) : Đây là những chất có đáp ứng sinh học tương tự estrogen được tìm thấy trong một số loại thực vật, chẳng hạn như đậu nành, cỏ ba lá đỏ và cây thiên ma. Một số phụ nữ sử dụng các thực phẩm chức năng có chứa những chất này để hạn chế các triệu chứng mãn kinh.

Mặc dù công dụng của các chế phẩm từ đậu nành trong việc giảm đi các triệu chứng mãn kinh vẫn hoàn toàn chưa được hiểu rõ, nhưng việc sử dụng chúng dường như là an toàn đối với phụ nữ sau điều trị ung thư vú. Phụ nữ có thể gia tăng liều lượng thực vật nữ tố từ các thực phẩm chức năng (ví dụ như đậu nành hoặc thực phẩm chức năng có chứa isoflavone). Tuy nhiên, hiện tại chưa có đầy đủ thông tin về các thực phẩm chức năng này nên không ai chắc rằng chúng an toàn cho sức khỏe. Nếu bạn đang cân nhắc về việc sử dụng một trong số các thành phần bổ sung này, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để đề phòng những rủi ro.

Các bài tập thể dục, phương pháp thư giãn và những liệu pháp hành vi : Một số phụ nữ nhận thấy các phương pháp này hữu ích trong việc hạn chế các triệu chứng mãn kinh. Mặc dù có rất ít những nghiên cứu chứng minh tính hiệu quả của các phương pháp này, nhưng có lẽ chúng cũng không đem lại bất kỳ nguy hiểm gì. Khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú, trước khi bắt đầu bất cứ chương trình tập luyện nào, việc trao đổi với bác sĩ phụ trách là điều rất quan trọng.

Một số nghiên cứu đề xuất phương pháp châm cứu trong việc điều trị những cơn bốc hỏa. Đây có thể là một phương án khác cần thảo luận với bác sĩ.

Các loại thuốc không chứa hormone có khả năng kiểm soát cơn bốc hỏa gồm:

  • Các loại thuốc chống trầm cảm chẳng hạn như venlafaxine (Effexor), citalopram (Celexa), hoặc paroxetine (Paxil)*.
  • Thuốc thần kinh gabapentin (Neurontin).
  • Thuốc trị huyết áp chinidine.
  • Oxybutynin – một loại thuốc dùng để điều trị bàng quang tăng hoạt.

*Nếu bạn đang sử dụng thuốc tamoxifen, điều quan trọng bạn cần lưu ý là một số thuốc chống trầm cảm có thể tác động và làm giảm hiệu quả của thuốc. Nhờ bác sĩ tư vấn về các tương tác giữa tamoxifen và những loại thuốc khác mà bạn đang sử dụng.

Phương pháp điều trị tình trạng khô âm đạo : Khô âm đạo kèm với sự khó chịu có thể là triệu chứng mãn kinh ở một số phụ nữ. Một số phương pháp điều trị không sử dụng hormone, bao gồm kem dưỡng ẩm âm đạo, chất bôi trơn và các loại gel, có thể hữu ích trong việc hạn chế tình trạng khô âm đạo. Nếu những phương pháp này không đem lại hiệu quả, việc sử dụng kem hoặc viên đặt âm đạo nồng độ hormone thấp có thể sẽ giúp ích. Các thiết bị sử dụng tia la-ze hay các dạng năng lượng khác nhằm “trẻ hóa” mô âm đạo hiện đang trong quá trình nghiên cứu, tuy nhiên hiệu quả của chúng vẫn chưa được xác định cụ thể. Việc trao đổi với bác sĩ về những rủi ro cũng như lợi ích của các phương pháp này trước khi tiến hành điều trị là cực kỳ quan trọng.  

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...