Viêm tuyến vú (Mastitis) là tình trạng viêm (sưng) ở vú, thường là do nhiễm trùng. Tình trạng này có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên phổ biến nhất là phụ nữ đang cho con bú.
Có nhiều nguyên nhân gây nhiễm trùng như tình trạng sữa ứ đọng (do ống dẫn bị tắc hoặc không rút ra hết) hoặc rách da núm vú. Sau đó, cơ thể huy động số lượng lớn tế bào bạch cầu đến khu vực viêm và giải phóng các chất có tác dụng chống lại sự nhiễm trùng, do đó gây nên hiện tượng sưng, nóng, đỏ, đau khi chạm vào. Ngoài ra, người bệnh có thể bị sốt, đau đầu hoặc xuất hiện các triệu chứng giống cúm.
Chẩn đoán
Viêm tuyến vú thường được chẩn đoán dựa trên những triệu chứng cơ năng và các kết quả kiểm tra vú. Tình trạng này thường chỉ ảnh hưởng một bên vú.
Phương pháp điều trị
Vì đây là một tình trạng viêm nên thường được điều trị bằng kháng sinh kết hợp với làm rỗng ống tuyến bằng cách dẫn lưu dịch ra ngoài. Trong một số trường hợp có khối áp xe vú (tổ chức mủ) thì cần tiến hành rút mủ bằng phẫu thuật hoặc kim chọc hút (dưới hướng dẫn siêu âm) và sau đó điều trị kháng sinh.
Ung thư vú dạng viêm có các triệu chứng rất giống viêm tuyến vú, do đó rất dễ bị nhầm lẫn. Nếu bạn được chẩn đoán bị viêm tuyến vú và điều trị kháng sinh hơn một tuần nhưng không đỡ thì bạn cần đến bệnh viện để thực hiện sinh thiết nhằm kiểm tra sự hiện diện của tế bào ung thư. Ung thư vú dạng viêm phát tán rất nhanh do đó bạn cần ngưng thuốc và đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu các triệu chứng không thuyên giảm sau khi sử dụng kháng sinh.
Viêm tuyến vú ảnh hưởng như thế nào đến nguy cơ mắc ung thư vú?
Viêm tuyến vú không làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú.