Danh mục

Những nguyên nhân gây u xương ác tính

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng u xương có liên quan đến một số yếu tố, được mô tả trong Yếu tố nguy cơ u xương. Nhưng nguyên nhân chính xác hiện vẫn chưa rõ tại thời điểm này.

Các nghiên cứu đã phát hiện những thay đổi bất thường trong DNA tế bào xương khiến chúng phát triển thành ung thư. DNA là thành phần cấu tạo nên gen. Gen có nhiệm vụ kiểm soát, quyết định hoạt động của tế bào. DNA, bao gồm một sợi nhận từ bố và một sợi nhận từ mẹ, chính vì vậy nên ngoại hình của chúng ta mang những nét giống họ. Ngoài ra, DNA còn ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển một số bệnh như ung thư.

Một số gen có chức năng kiểm soát quá trình phát triển, phân chia và chết theo chương trình của tế bào:

  • Các gen gây sự tăng sinh tế bào, tăng tốc độ phân chia và ngăn sự chết theo chương trình được gọi là gen sinh ung.
  • Ngược lại, các gen làm chậm quá trình phân bào hoặc khiến tế bào chết vào đúng thời điểm được gọi là gen ức chế khối u.

Ung thư có thể được gây ra bởi những đột biến gen làm "bật" gen sinh ung hoặc "tắt" gen ức chế khối u.

Một số người thừa hưởng các đột biến gen từ cha hoặc mẹ làm tăng nguy cơ ung thư của họ. Trường hợp này, tất cả các tế bào trong cơ thể mang cùng một loại đột biến gen, được gọi là dòng mầm hoặc đột biến di truyền. Nhưng những đột biến gây ung thư thường do mắc phải trong quá trình sống hơn là do di truyền. Trong trường hợp này, đột biến chỉ xảy ra ở các tế bào sẽ phát triển thành ung thư, được gọi là đột biến gen soma hoặc đột biến mắc phải.

Đột biến di truyền

Một số đột biến DNA di truyền gây ra các hội chứng có liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh u xương. Ví dụ:

  • Hội chứng Li-Fraumeni thường do đột biến di truyền bất hoạt gen ức chế khối u TP53, làm tăng nguy cơ phát triển một hoặc nhiều loại ung thư, bao gồm ung thư vú, u não, u xương và các bệnh ung thư khác.
  • Những thay đổi di truyền trong gen ức chế khối u nguyên bào võng mạc (RB1) làm tăng nguy cơ phát triển u nguyên bào võng mạc, một loại ung thư mắt ảnh hưởng nhiều trên trẻ em. Trẻ có đột biến gen này có nguy cơ phát triển u xương, đặc biệt nếu được xạ trị trước đó.

Nếu bạn lo lắng rằng bạn hoặc con bạn có thể có đột biến gen di truyền, hãy trao đổi với bác sĩ của bạn về việc xét nghiệm di truyền. Bạn có thể đọc thêm trong Di truyền và Ung thư.

Đột biến mắc phải

Hầu hết các u xương không phải do đột biến di truyền gây ra, mà thay vào đó là kết quả của những thay đổi gen mắc phải trong suốt cuộc đời của một người.

Có thể do xạ trị trong quá trình điều trị một loại ung thư khác, vì xạ trị có thể gây tổn thương DNA trong tế bào.

Nhưng nhiều trường hợp có thể là những sự kiện ngẫu nhiên xảy ra bên trong tế bào mà không có nguyên nhân bên ngoài. Các tế bào phân chia nhanh chóng có nhiều khả năng tạo ra sai sót trong DNA của tế bào sinh mới, làm tăng nguy cơ phát triển ung thư như u xương. Đây có thể là lý do tại sao một số trường hợp bình thường (chẳng hạn như sự phát triển vượt bậc ở tuổi thiếu niên) và một số bệnh (như bệnh Paget xương) gây ra sự phát triển xương nhanh chóng làm tăng nguy cơ mắc bệnh u xương.

Ngoài bức xạ, không có nguyên nhân nào liên quan đến lối sống hoặc môi trường gây ra u xương, vì vậy trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân không thể làm gì để ngăn ngừa u xương.

Mặc dù các nghiên cứu hiện nay đã hiểu rõ những đột biến xảy ra trong u xương, nhưng không phải lúc nào cũng rõ cơ chế gây ra những đột biến này. Chúng ta cần tìm hiểu thêm về nguyên nhân gây ra bệnh u xương, để từ đó có thể sử dụng kiến ​​thức này phát triển cách phòng ngừa và điều trị bệnh tốt hơn.

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...