U xương thường được tìm thấy khi bệnh nhân đến khám bác sĩ vì những dấu hiệu hoặc triệu chứng đang gặp phải. Nếu nghi ngờ có khối u xương, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm để chắc chắn.
Khai thác bệnh sử và khám lâm sàng
Đối với bệnh nhân nghi ngờ có khối u trong hoặc xung quanh xương, bác sĩ sẽ tiến hành khai thác bệnh sử để tìm hiểu thêm về các triệu chứng hiện có.
Khám lâm sàng có thể cung cấp thông tin về khối u, cũng như các vấn đề sức khỏe khác. Ví dụ, bác sĩ có thể nhìn thấy hoặc sờ thấy một khối bất thường.
Bác sĩ cũng có thể tìm kiếm các vấn đề ở những bộ phận khác của cơ thể. Vì gần như các trường hợp ung thư xương (đặc biệt là ung thư xương ở người lớn) thường là kết quả của ung thư bắt đầu từ một nơi khác và sau đó di căn đến xương.
Nếu nghi ngờ người bệnh bị u xương ác tính (hoặc một loại khối u xương khác), bác sĩ có thể chỉ định làm một số xét nghiệm, bao gồm các xét nghiệm hình ảnh, sinh thiết và xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.
Xét nghiệm hình ảnh
Các xét nghiệm hình ảnh sử dụng tia X, từ trường hoặc chất phóng xạ để tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể. Thường được thực hiện trong một số trường hợp:
Bệnh nhân có thể cần thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm kể trên.
X quang xương
X-quang xương được xem là xét nghiệm đầu tay ở những bệnh nhân nghi ngờ có khối u xương bất thường, chẳng hạn như u xương ác tính. Nhưng các xét nghiệm hình ảnh khác cũng có thể cần thiết.
Nếu hình ảnh X-quang nghi ngờ có u xương, bệnh nhân vẫn cần thực hiện thêm sinh thiết để xác định tính chất khối u (có phải ung thư hay không).
Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Chụp MRI sử dụng sóng vô tuyến và từ trường thay vì tia X để tạo hình ảnh chi tiết của mô mềm bên trong cơ thể, do đó không liên quan đến bức xạ. Để hỗ trợ việc nhìn nhận hình ảnh MRI được rõ ràng hơn, kỹ thuật viên có thể sử dụng chất cản quang (Gadolinium) đường tiêm tĩnh mạch.
Chụp MRI thường được thực hiện để có cái nhìn chi tiết hơn về khối xương nghi ngờ trên phim chụp X-quang, giúp xác định đây là ung thư, nhiễm trùng hoặc một số loại tổn thương xương do các nguyên nhân khác.
Chụp MRI giúp xác định chính xác kích thước của khối u, vì hình ảnh MRI có thể hiển thị tủy xương cũng như các mô mềm xung quanh khối u, bao gồm các mạch máu và dây thần kinh lân cận. Đôi khi, MRI còn có thể giúp phát hiện các khối u xương nhỏ cách khối u chính vài inch (được gọi là di căn cách quãng). Kích thước của u xương là một trong những yếu tố quan trọng khi lập kế hoạch phẫu thuật.
Chụp MRI thường cho hình ảnh chi tiết tốt hơn chụp CT (mô tả bên dưới).
Chụp cắt lớp vi tính (CT)
Chụp CT là phương pháp kết hợp nhiều hình ảnh X quang để tạo ra hình ảnh chi tiết mặt cắt ngang của các bộ phận trong cơ thể. CT scan thường được sử dụng để đánh giá mức độ lan rộng (xâm lấn mô cơ, mô mỡ hoặc gân cơ lân cận) của khối u được phát hiện trên hình ảnh X-quang, mặc dù chụp MRI có thể giúp việc xác định này diễn ra dễ dàng hơn.
Chụp CT ngực thường được thực hiện để tìm kiếm các khối u di căn phổi hoặc di căn đến các bộ phận khác trên cơ thể.
X quang ngực
X-quang ngực được sử dụng để xem liệu ung thư đã di căn đến phổi hay chưa. X-quang ngực có thể giúp phát hiện các khối u có kích thước lớn, nhưng đối với các khối u nhỏ thì CT scan thường được sử dụng phổ biến hơn. Nếu chụp CT ngực, có thể không cần chụp X-quang.
Xạ hình xương
Xạ hình xương rất hữu ích trong việc xác định mức độ di căn của ung thư (có di căn sang các xương khác hay không) vì có thể hiện thị toàn bộ khung xương cùng một lúc. Xạ hình xương thường được xem là một phần trong quá trình điều trị ở những bệnh nhân bị u xương. (Chụp cắt lớp phát xạ positron [PET], được mô tả bên dưới, cũng có thể cung cấp thông tin tương tự, vì vậy có thể không cần xạ hình xương nếu đã chụp PET trước đó.)
Xét nghiệm này sử dụng một lượng nhỏ chất phóng xạ mức độ thấp tiêm vào máu và truyền đến xương. Sau đó, một loại máy ảnh đặc biệt phát hiện phóng xạ và tạo ra hình ảnh hiển thị trên màn hình.
Các vùng có hoạt động xương thay đổi sẽ hiển thị dưới dạng “điểm nóng” trên hình ảnh vì hấp thu phóng xạ. Các điểm nóng có thể gợi ý các khu vực ung thư, tuy nhiên các bệnh xương khác cũng có thể gây ra mô hình tương tự. Để chẩn đoán chính xác, có thể cần các xét nghiệm khác như chụp X-quang đơn giản, quét MRI hoặc thậm chí sinh thiết xương.
Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET)
Trước khi tiến hành chụp PET, kỹ thuật viên sẽ tiêm vào máu bệnh nhân một dạng đường phóng xạ (được gọi là FDG). Tốc độ phát triển của các tế bào ung thư rất nhanh do đó chúng cần hấp thụ một lượng lớn đường. Hình ảnh chụp PET có thể giúp phát hiện các khu vực hấp thu phóng xạ bất thường, tuy hình ảnh không chi tiết như chụp CT hoặc chụp MRI nhưng cung cấp thông tin hữu ích về toàn cơ thể.
Chụp PET có thể giúp phát hiện sự lây lan của u xương đến phổi, các xương khác hoặc các bộ phận khác của cơ thể cũng như tình trạng đáp ứng thuốc.
Một số dòng máy mới hơn có thể chụp PET và CT cùng lúc (PET / CT scan). Điều này cho phép bác sĩ so sánh các khu vực có hoạt độ phóng xạ cao hơn trên chụp PET cũng như hình ảnh chi tiết hơn của khu vực đó trên chụp CT.
Để tìm hiểu thêm về phương pháp này và các xét nghiệm hình ảnh khác, hãy xem Xét nghiệm Hình ảnh (X quang).
Sinh thiết
Kết quả của các xét nghiệm hình ảnh có thể gợi ý tình trạng mắc một số loại ung thư xương, nhưng sinh thiết (loại bỏ khối u, quan sát dưới kính hiển vi và thực hiện một số xét nghiệm khác trong phòng thí nghiệm) là cách duy nhất để xác định chẩn đoán. Sinh thiết cũng là cách tốt nhất để phân biệt u xương với các loại ung thư xương khác.
Nếu khối u nằm trong xương, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình cần yêu cầu có kinh nghiệm trong thủ thuật sinh thiết u xương. Sinh thiết và điều trị phẫu thuật nên được lên kế hoạch cùng nhau, và cùng một bác sĩ phẫu thuật thực hiện cả hai. Lập kế hoạch sinh thiết đúng cách có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng sau này và giảm số lượng phẫu thuật cần thiết sau này.
Có 2 loại sinh thiết chính.
Sinh thiết kim
Để thực hiện thủ thuật này, bác sĩ sử dụng một cây kim rỗng để loại bỏ mẫu nhỏ mô u sau khi gây tê cục bộ tại vị trí sinh thiết. Trong một số trường hợp, có thể cần dùng thuốc an thần hoặc gây mê toàn thân (bệnh nhân trong trạng thái ngủ sâu).
Thông thường, bác sĩ có thể nhắm kim bằng cách cảm nhận khu vực nghi ngờ nếu khối u gần bề mặt cơ thể. Trường hợp khối u quá sâu không thể sờ thấy, bác sĩ có thể hướng kim vào khối u thông qua chỉ dẫn bằng hình ảnh CT. Đây được gọi là sinh thiết kim có hướng dẫn CT.
Sinh thiết kim lõi: Trong sinh thiết kim lõi, bác sĩ sử dụng cây kim lớn hơn, lõi rỗng để loại bỏ một khối trụ nhỏ mô u.
Sinh thiết bằng kim nhỏ (FNA): Đối với sinh thiết FNA, bác sĩ sử dụng một cây kim rất mỏng gắn vào ống tiêm để rút (hút) một lượng nhỏ chất lỏng và tế bào từ khối u. Loại sinh thiết này hiếm khi được sử dụng để chẩn đoán khối u xương.
Sinh thiết phẫu thuật (mở)
Trong sinh thiết mở, bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt qua da, bộc lộ khối u, và cắt một mẫu mô nhỏ trong khi bệnh nhân đang được gây mê toàn thân (trong trạng thái ngủ sâu). Hoặc phong bế thần kinh để làm tê một vùng cơ thể.
Loại sinh thiết này phải được thực hiện bởi một chuyên gia về khối u xương, nếu không nó có thể dẫn đến các vấn đề về sau. Ví dụ, nếu khối u ở cánh tay hoặc chân, cơ hội cứu chi có thể bị giảm xuống. Nếu có thể, vết rạch trên da được sử dụng trong sinh thiết nên theo chiều dọc của cánh tay hoặc chân vì đây là chiều mà vết mổ sẽ được tạo ra trong quá trình phẫu thuật loại bỏ ung thư. Toàn bộ vết sẹo của sinh thiết ban đầu cũng sẽ phải được loại bỏ, vì vậy việc rạch sinh thiết theo cách này sẽ giảm bớt lượng mô cần loại bỏ sau này.
Xét nghiệm
Kiểm tra các mẫu sinh thiết
Tất cả các mẫu lấy ra bằng sinh thiết được gửi đến bác sĩ giải phẫu bệnh (bác sĩ chuyên làm các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm) để xem xét dưới kính hiển vi, tìm kiếm các đột biến gen hoặc nhiễm sắc thể. Các xét nghiệm này có thể giúp phân biệt u xương với các bệnh ung thư khác có hình dáng tế bào tương tự dưới kính hiển vi và đôi khi có thể được sử dụng để dự đoán khả năng đáp ứng điều trị.
Nếu sinh thiết chẩn đoán ung thư xương, bước tiếp theo là bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ phân cấp độ ung thư (thước đo khả năng phát triển và lây lan của ung thư dựa trên hình dạng tế bào). Ung thư trông giống như mô xương bình thường được mô tả là cấp thấp, trong khi những trường hợp ung thư trông bất thường được gọi là cấp cao. Để biết thêm về cách phân loại, hãy xem Các giai đoạn của u xương.
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu không cần thiết để chẩn đoán u xương, nhưng có thể hữu ích khi chẩn đoán được thực hiện. Ví dụ, nồng độ cao trong máu của một số chất như phosphatase kiềm và lactate dehydrogenase (LDH) có thể gợi ý u xương tiến triển nặng hơn so với biểu hiện lâm sàng.
Các xét nghiệm khác như số lượng tế bào máu và sinh hóa máu được thực hiện trước khi phẫu thuật và các phương pháp điều trị khác để biết được sức khỏe tổng thể của người bệnh. Các xét nghiệm này cũng được sử dụng để theo dõi sức khỏe của bệnh nhân trong quá trình hóa trị.
Việc biết rằng bạn hoặc một người thân yêu bị ung thư có thể rất khó khăn để chấp nhận. "Đối phó với ung thư" mô tả những cảm xúc và mối quan tâm mà bạn có thể phải đối mặt và những việc bạn có thể làm để vượt qua.