Danh mục

Xạ trị u xương ác tính

Xạ trị là phương pháp sử dụng tia hoặc hạt năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Các tế bào u xương không đáp ứng tốt với bức xạ, do đó, xạ trị không đóng một vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh này.

Xạ trị có thể hữu ích trong một số trường hợp không thể loại bỏ hoàn toàn khối u bằng phẫu thuật. Ví dụ, u xương bắt đầu ở xương hông hoặc xương mặt, đặc biệt là xương hàm. Trong những trường hợp này, khối u thường không thể loại bỏ hoàn toàn. Do đó kế hoạch điều trị sẽ là loại bỏ khối u càng nhiều càng tốt, sau đó xạ trị tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại. Có thể dùng thêm hóa trị sau đó.

Xạ trị cũng có thể được sử dụng để giúp làm chậm sự phát triển của khối u và kiểm soát các triệu chứng như đau, sưng nếu ung thư tái phát hoặc không thể phẫu thuật.

Xạ trị ngoài

Đây là loại xạ trị thường được sử dụng nhất trong điều trị bệnh u xương, bằng cách tập trung chùm tia năng lượng cao vào khối u từ một máy bên ngoài cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư.

Trước khi bắt đầu điều trị, kỹ thuật viên sẽ thực hiện các xét nghiệm hình ảnh như chụp MRI để xác định chính xác vị trí, kích thước và hình dạng của khối u. Điều này được sử dụng nhằm xác định góc bắn để điều chỉnh chùm bức xạ cũng như liều lượng thích hợp. Quá trình này được gọi là mô phỏng.

Xạ trị được thực hiện 5 ngày một tuần và kéo dài trong vài tuần. Về cơ chế, xạ trị tương tự chụp X-quang, nhưng sử dụng với liều bức xạ mạnh hơn. Việc điều trị không gây đau đớn cho bệnh nhân. Tại mỗi buổi điều trị, bạn (hoặc con bạn) sẽ nằm trên một chiếc bàn đặc biệt và máy chiếu bức xạ được đặt ở các góc chính xác khác nhau.

Mỗi lần điều trị chỉ kéo dài vài phút, mặc dù quá trình thiết lập - đưa bạn (hoặc con bạn) vào vị trí điều trị - thường mất nhiều thời gian hơn. Một số trẻ nhỏ có thể cần được dùng thuốc an thần để đảm bảo giữ nguyên vị trí trong quá trình điều trị.

Các kỹ thuật xạ trị mới hơn, chẳng hạn như xạ trị điều biến cường độ (IMRT), xạ trị chùm tia proton và xạ phẫu lập thể (SRS), cho phép các bác sĩ nhắm mục tiêu khối u chính xác hơn cũng như giảm lượng bức xạ đến các mô khỏe mạnh lân cận. Điều này có thể tăng tỷ lệ điều trị thành công và giảm tác dụng phụ. Nhiều bác sĩ hiện nay khuyên dùng những phương pháp này nếu trung tâm điều trị sẵn có. (Xem Những phát hiện mới trong nghiên cứu u xương?)

Các tác dụng phụ có thể xảy ra: Tác dụng phụ của xạ trị ngoài phụ thuộc vào liều lượng và khu vực xạ trị. Một số tác dụng phụ ngắn hạn bao gồm ảnh hưởng vùng da tiếp nhận bức xạ, có thể từ những thay đổi nhẹ như cháy nắng, rụng tóc cho đến các phản ứng da nghiêm trọng hơn. Xạ trị vùng bụng hoặc xương chậu có thể gây buồn nôn, tiêu chảy và các vấn đề về tiết niệu. Nói chuyện với bác sĩ về các tác dụng phụ có thể xảy ra cũng như cách ngăn ngừa những vấn đề đó nếu có.

Ở trẻ em, xạ trị có thể làm chậm sự phát triển của xương. Ví dụ, xạ trị xương ở một bên chân có thể khiến chân bên đó ngắn hơn nhiều so với chân còn lại. Xạ trị xương mặt có thể gây ra sự phát triển không đồng đều, ảnh hưởng đến ngoại hình của trẻ. Nhưng nếu trẻ đã phát triển toàn diện hoặc gần như toàn diện, thì vấn đề này ít khi ảnh hưởng nhiều.

Tùy thuộc vào vị trí xạ trị mà có thể gây tổn thương các cơ quan khác:

  • Xạ trị thành ngực hoặc phổi có thể ảnh hưởng đến chức năng tim, phổi.
  • Xạ trị vùng hàm có thể ảnh hưởng đến các tuyến nước bọt, dẫn đến khô miệng và các vấn đề về răng.
  • Xạ trị cột sống hoặc hộp sọ có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh trong tủy sống hoặc não, dẫn đến tổn thương thần kinh, đau đầu và khó suy nghĩ, thường trở nên nghiêm trọng nhất trong 1 hoặc 2 năm sau điều trị. Xạ trị cột sống có thể gây tê hoặc yếu một phần cơ thể.
  • Xạ trị khung xương chậu có thể gây tổn thương bàng quang hoặc ruột, dẫn đến các vấn đề về tiêu, tiểu tiện. Ngoài ra cũng có thể gây tổn thương cơ quan sinh dục, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của trẻ sau này, vì vậy các bác sĩ sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ bằng cách che chắn bộ phận sinh dục khỏi bức xạ hoặc né khỏi đường chiếu tia xạ nếu có thể.

Một mối quan tâm khác đối với xạ trị là nó có thể kích thích khối u mới hình thành trong khu vực được xạ trị. Liều bức xạ càng cao thì càng dễ xảy ra tình trạng này, tuy nhiên nguy cơ chung thấp và những trường hợp trẻ cần xạ trị nên tránh để xảy ra tác dụng này.

Để giảm nguy cơ ảnh hưởng lâu dài từ bức xạ, bác sĩ sẽ cố gắng sử dụng liều xạ trị thấp nhất mà vẫn có hiệu quả. Tuy nhiên, bạn vẫn nên tái khám thường xuyên để có thể phát hiện vấn đề và điều trị sớm nhất nếu cần. 

Thuốc phóng xạ (Dược chất phóng xạ)

Thuốc phóng xạ tìm kiếm xương, chẳng hạn như Samarium -153 hoặc Radium -233, được sử dụng để làm chậm sự phát triển của khối u và điều trị các triệu chứng như đau ở bệnh nhân u xương giai đoạn nặng. Những loại thuốc này thường được tiêm vào tĩnh mạch và tích tụ trong xương. Sau đó, thuốc bắt đầu phát bức xạ để tiêu diệt các tế bào ung thư.

Những loại thuốc này đặc biệt hữu ích khi ung thư đã di căn đến nhiều xương, vì xạ trị ngoài sẽ cần phải chiếu vào từng xương bị ảnh hưởng. Trong một số trường hợp, các loại thuốc này được sử dụng cùng với xạ trị ngoài nhắm vào những vùng di căn xương gây nhiều đau đớn cho bệnh nhân nhất.

Tác dụng phụ chính của những loại thuốc này là làm giảm số lượng tế bào máu, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hoặc chảy máu, đặc biệt nếu số lượng máu ban đầu thấp.

Để biết thêm thông tin chi tiết về liệu pháp bức xạ, hãy xem Xạ trị.

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...