Danh mục

Phẫu thuật u xương ác tính

Phẫu thuật là một phần quan trọng trong điều trị hầu hết các loại u xương. Bao gồm:

  • Sinh thiết chẩn đoán ung thư.
  • Phẫu thuật loại bỏ khối u.

Việc điều trị có thể thực hiện bất cứ khi nào nhưng sinh thiết và phẫu thuật loại bỏ khối u nên được thực hiện cùng nhau và do cùng một bác sĩ phẫu thuật. Sinh thiết nên được thực hiện theo một cách nhất định nhằm tạo cơ hội tốt nhất cho việc phẫu thuật sau này (hạn chế mở rộng vết mổ).

Mục tiêu chính của phẫu thuật là loại bỏ tất cả khối ung thư. Chỉ cần sót lại một số lượng nhỏ tế bào ung thư, chúng cũng có thể phát triển và nhân lên để tạo thành một khối u mới. Để giảm nguy cơ này, các bác sĩ phẫu thuật thường loại bỏ khối u cùng với một số mô bình thường xung quanh. Đây còn được gọi là phẫu thuật cắt bỏ rộng.

Sau đó, bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ kiểm tra mẫu mô được loại bỏ dưới kính hiển vi để tìm kiếm tế bào ung thư ở phần rìa.

  • Dương tính, có tế bào ung thư ở rìa mẫu mô, nghĩa là vẫn còn mô u bị sót lại.
  • Âm tính, không có tế bào ung thư ở rìa mẫu mô, hạn chế tình trạng tái phát ung thư.

Loại phẫu thuật được thực hiện chủ yếu phụ thuộc vào vị trí và kích thước của khối u. Mặc dù tất cả các phẫu thuật loại bỏ u xương đều phức tạp nhưng các khối u ở chi (tay hoặc chân) thường dễ loại bỏ hơn khối u ở xương hàm, đáy hộp sọ, cột sống hoặc ở xương chậu (hông).

Khối u ở tay hoặc chân
Các khối u ở tay hoặc chân có thể được điều trị bằng:

  • Phẫu thuật bảo tồn chi: chỉ loại bỏ khối u và một số mô bình thường xung quanh.
  • Cắt cụt chi: loại bỏ ung thư và toàn bộ hoặc một phần của tay hoặc chân.

Phẫu thuật bảo tồn chi: Hầu hết bệnh nhân có khối u ở tay hoặc chân có thể thực hiện phẫu thuật bảo tồn chi, tuy nhiên việc điều trị phụ thuộc một số yếu tố như: vị trí, kích thước khối u và mức độ xâm lấn cấu trúc lân cận.

Đây là một phẫu thuật rất phức tạp, yêu cầu bác sĩ thực hiện phải có kỹ năng và kinh nghiệm. Thách thức đối với bác sĩ phẫu thuật là cắt bỏ toàn bộ khối u và cố gắng giữ các gân, dây thần kinh và mạch máu lân cận, nhằm bảo vệ nhiều nhất chức năng và hình dáng của chi. Nếu ung thư đã di căn đến những cấu trúc này, phẫu thuật loại bỏ sẽ bao gồm cả khối u và những tổ chức lân cận. Trong những trường hợp như vậy, phẫu thuật cắt cụt chi có thể là lựa chọn tốt nhất.

Phần xương bị loại bỏ cùng với khối u được thay thế bằng ghép xương (mảnh xương từ một bộ phận khác của cơ thể hoặc từ người hiến tặng) hoặc bằng tay/chân giả (một thiết bị nhân tạo được sử dụng để thay thế một phần hoặc toàn bộ xương) làm bằng kim loại và một số vật liệu khác. Một vài thiết bị mới hơn có thể kết hợp cả xương ghép và bộ phận giả.

Các biến chứng của phẫu thuật bảo tồn chi có thể bao gồm nhiễm trùng, các mảnh ghép hoặc thanh xương bị yếu, gãy. Những bệnh nhân được phẫu thuật bảo tồn chi có thể cần thêm phẫu thuật trong những năm tiếp theo hoặc có thể phải cắt cụt chi ở một số người.

Việc sử dụng bộ phận giả ở trẻ em đang lớn là một thách thức đặc biệt. Vì trẻ thường phải phẫu thuật thay tay/chân giả bằng một chiếc dài hơn khi lớn lên. Tuy nhiên, ngày nay, tay/chân giả được làm rất tinh vi, nhờ đó có thể giữ được lâu mà không cần phẫu thuật thêm bằng cách sử dụng một thiết bị nhỏ giúp kéo dài tay/chân giả khi cần thiết để tạo chỗ cho sự phát triển của trẻ. Mặc dù vậy, những bộ phận giả này cũng có thể cần được thay thế bằng một loại khác chắc chắn hơn, phù hợp với người lớn sau khi cơ thể của trẻ ngừng phát triển.

Trung bình phải mất khoảng một năm, bệnh nhân mới có thể tập đi sau phẫu thuật bảo tồn chi. Việc phục hồi chức năng sau phẫu thuật bảo tồn chi có cường độ cao hơn so với phẫu thuật cắt cụt chi, nhưng cực kỳ quan trọng. Vì nếu bệnh nhân không tích cực tham gia phục hồi chức năng, tay chân có thể trở nên vô dụng.

Phẫu thuật cắt cụt chi: đây có thể là lựa chọn tốt nhất đối với một số bệnh nhân. Ví dụ, nếu bệnh nhân có một khối u lớn lan vào dây thần kinh hoặc mạch máu, thì thường không cứu được chi.

Bác sĩ phẫu thuật quyết định khu vực chi cần phải cắt bỏ dựa trên kết quả chụp MRI và kết quả sinh thiết mẫu mô được loại bỏ. Sau phẫu thuật, phần cơ và da sẽ tạo thành một vòng bít xung quanh phần xương còn lại của chi. Vòng bít này sẽ vừa với phần cuối của chân tay giả (nhân tạo).

Phẫu thuật tái tạo có thể giúp một số bệnh nhân bị mất một chi hoạt động tốt. Ví dụ, nếu chân phải cụt giữa đùi (bao gồm cả khớp gối), bệnh nhân có thể sử dụng cẳng chân và bàn chân giả, khớp giả có chức năng như một khớp gối mới. Đây được gọi là phẫu thuật chỉnh hình rotationplasty. Tất nhiên, bệnh nhân sẽ vẫn cần chi giả để thay thế phần dưới của chân.

Kết hợp vật lý trị liệu, bệnh nhân thường có thể tự đi lại từ 3 đến 6 tháng sau phẫu thuật.

Nếu u xương ở cánh tay trên và cần phải cắt cụt chi, trong một số trường hợp, phần cánh tay có khối u có thể được cắt bỏ và gắn lại cánh tay dưới để tay vẫn có chức năng mặc dù ngắn hơn tay bình thường.

Phục hồi chức năng sau phẫu thuật: Đây có thể là phần khó nhất trong tất cả các phương pháp điều trị và bài viết này không thể mô tả hoàn toàn cụ thể. Bệnh nhân và cha mẹ nên gặp chuyên gia phục hồi chức năng trước khi phẫu thuật để tìm hiểu về các lựa chọn cũng như những yêu cầu sau phẫu thuật.

Nếu thực hiện cắt cụt chi, bệnh nhân sẽ cần học cách sống chung với tay/chân giả. Điều này có thể khó khăn đối với trẻ em đang lớn vì có thể cần phẫu thuật thay chân giả để bắt kịp với sự phát triển của chúng.

Phẫu thuật không chỉ đơn thuần là cắt bỏ khối u và một phần xương chi, một số trường hợp có thể phức tạp hơn, đặc biệt là ở trẻ em đang lớn. Trong nhiều năm tới có thể cần phải tiến hành thêm các cuộc phẫu thuật để thay thế tay/chân giả phù hợp hơn với kích thước cơ thể đang phát triển của trẻ.

Cả phẫu thuật bảo tồn chi và phẫu thuật cắt bỏ chi đều ưu và nhược điểm. Ví dụ, mặc dù phẫu thuật bảo tồn chi thường được chấp nhận hơn so với cắt cụt chi, nhưng có xu hướng dẫn đến nhiều biến chứng hơn vì tính phức tạp của nó. Những đứa trẻ đang lớn được phẫu thuật bảo tồn chi cũng có nhiều khả năng cần phải phẫu thuật thêm sau này.

Khi các nhà nghiên cứu xem xét kết quả của nhiều cuộc phẫu thuật khác nhau về chất lượng cuộc sống, có rất ít sự khác biệt. Có lẽ phần lớn là đối với thanh thiếu niên, họ thường lo lắng về những dị nghị xã hội. Các vấn đề về cảm xúc có thể rất quan trọng, và cần được hỗ trợ, khuyến khích đối với tất cả bệnh nhân. (Xem Cuộc sống sau điều trị u xương.)

Khối u hình thành tại các vị trí khác
Các khối u vùng chậu thường khó có thể loại bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật. Nhưng nếu khối u đáp ứng tốt với hóa trị ban đầu, phẫu thuật sau đó (có thể kết hợp xạ trị bổ trợ) có thể loại bỏ toàn bộ ung thư. Xương chậu thường được tái tạo sau khi phẫu thuật, nhưng trong một số trường hợp, phần xương chậu và chân cùng bên có thể phải cắt bỏ.

Đối với các khối u ở xương hàm dưới, toàn bộ nửa hàm dưới có thể bị cắt bỏ và sau đó được thay thế bằng xương từ các bộ phận khác của cơ thể. Trường hợp bác sĩ phẫu thuật không thể loại bỏ tất cả khối u, bệnh nhân có thể cần thực hiện thêm xạ trị sau đó.

Đối với các vị trí như cột sống hoặc hộp sọ, khối u khó có thể được loại bỏ một cách an toàn. Thường cần phải kết hợp nhiều phương pháp điều trị như hóa trị, phẫu thuật và xạ trị.

Phẫu thuật điều trị di căn
Nếu u xương đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể thì cần được loại bỏ hoàn toàn để có cơ hội chữa khỏi ung thư.

U xương thường di căn đến phổi nên nếu muốn phẫu thuật loại bỏ thì cần lên kế hoạch cẩn thận. Trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ xem xét số lượng khối u, vị trí của chúng (một phổi hoặc cả hai phổi), kích thước và cách chúng đáp ứng với hóa trị cũng như sức khỏe của bệnh nhân. Vì hình ảnh chụp CT ngực được thực hiện trước phẫu thuật có thể không hiển thị tất cả các khối u phổi, do đó bác sĩ phẫu thuật nên có biện pháp xử trí trong trường hợp tìm thấy nhiều khối u hơn trong quá trình phẫu thuật.

Những bệnh nhân có khối u ở cả hai phổi và đáp ứng tốt với hóa trị liệu có thể phẫu thuật một bên ngực tại một thời điểm. Loại bỏ khối u từ cả hai phổi cùng một lúc có thể là một lựa chọn khác.

Một số di căn phổi có thể không loại bỏ được vì kích thước quá lớn hoặc quá gần với các cấu trúc quan trọng trong lồng ngực (chẳng hạn như các mạch máu lớn). Những bệnh nhân có sức khỏe không tốt (do tình trạng dinh dưỡng kém hoặc các vấn đề về tim, gan, thận) có thể không chịu được áp lực do gây mê và phẫu thuật để loại bỏ di căn.

Những trường hợp di căn đến các xương khác hoặc các cơ quan khác như thận, gan hoặc não, phẫu thuật loại bỏ khối u phụ thuộc vào kích thước, vị trí khối u và một số yếu tố khác.

Tác dụng phụ của phẫu thuật
Tác dụng phụ ngắn hạn: Phẫu thuật loại bỏ u xương thường mất khá nhiều thời gian và kỹ thuật phức tạp. Các tác dụng phụ nghiêm trọng ngắn hạn thường không phổ biến, bao gồm phản ứng với thuốc mê, chảy máu quá mức, cục máu đông và nhiễm trùng. Bệnh nhân sẽ cảm thấy đau sau phẫu thuật do đó bác sĩ thường chỉ định sử dụng một loại thuốc giảm đau mạnh trong một thời gian sau phẫu thuật để vết thương lành lại.

Tác dụng phụ lâu dài: Các tác dụng phụ lâu dài phụ thuộc chủ yếu vào vị trí khối u và loại phẫu thuật được thực hiện. Hầu hết các u xương xảy ra ở tay hoặc chân và một số biến chứng do phẫu thuật đối với những khối u này được mô tả ở trên.

Các biến chứng của phẫu thuật bảo tồn chi có thể bao gồm xương ghép hoặc bộ phận giả bị yếu, lỏng hoặc gãy. Các biến chứng này thường dễ xảy ra hơn so với phẫu thuật xương vì bệnh lý khác vì hóa trị được sử dụng trước và sau phẫu thuật có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, ảnh hưởng đến quá trình lành vết thương của bệnh nhân. Nhiễm trùng cũng là một mối quan tâm ở những người đã cắt cụt chi, đặc biệt là một phần chân, vì áp lực tại vùng da cắt cụt có thể khiến da bị tổn thương theo thời gian.

Như đã nói ở trên, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng là rất quan trọng sau khi mổ u xương. Thực hiện theo chương trình phục hồi chức năng được khuyến nghị mang lại cơ hội tốt nhất cho hoạt động sau này. Ngay cả khi phục hồi chức năng đáp ứng tốt, người bệnh vẫn có thể phải điều chỉnh một số vấn đề lâu dài như thay đổi cách đi lại hoặc hoạt động thường ngày hoặc những thay đổi về ngoại hình. Vật lý trị liệu, nghề nghiệp và các liệu pháp khác thường có thể giúp người bệnh điều chỉnh và đối phó với những vấn đề này.

Để biết thêm thông tin về sử dụng phẫu thuật trong điều trị ung thư, hãy xem Phẫu thuật Ung thư.

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...