Danh mục

Sau điều trị ung thư vú ở nam giới điều gì sẽ xảy ra?

Đối với nhiều nam giới bị ung thư vú, việc điều trị có thể loại bỏ hoặc tiêu diệt ung thư. Việc hoàn thành điều trị có thể đem lại cho bạn nhiều cảm xúc khác nhau, bạn có thể cảm thấy nhẹ nhõm sau khi kết thúc điều trị, nhưng cũng đầy lo lắng về việc ung thư có thể phát triển hoặc tái phát. Điều này xảy ra rất phổ biến nếu bạn bị ung thư. 

Đối với những trường hợp khác, ung thư có thể không bao giờ được trị khỏi. Một số bệnh nhân có thể được điều trị thường xuyên bằng hóa trị, xạ trị hoặc các liệu pháp khác để cố gắng kiểm soát ung thư. Vì thế việc học cách sống chung với bệnh ung thư có thể rất khó khăn và căng thẳng với họ.

Theo dõi chăm sóc

Mặc dù bạn đã hoàn thành điều trị ung thư vú, nhưng các bác sĩ vẫn muốn theo dõi tình trạng của bạn một cách chặt chẽ. Điều quan trọng là hãy thực hiện các buổi thăm khám đầy đủ. Vì trong những lần thăm khám này, các bác sĩ sẽ hỏi bạn có có gặp vấn đề gì không và có thể cho thực hiện các kiểm tra và xét nghiệm hoặc xét nghiệm hình ảnh để tìm dấu hiệu của bệnh ung thư tái phát hoặc điều trị tác dụng phụ.

Hầu như bất kỳ điều trị ung thư nào đều có thể xảy ra tác dụng phụ. Tuy nhiên có những vấn đề chỉ kéo dài trong một vài ngày hoặc vài tuần, nhưng có những trường hợp tác dụng phụ có thể kéo dài lâu hơn. Thậm chí một số tác dụng phụ có thể không xảy ra cho đến nhiều năm sau khi bạn đã điều trị xong. Bên cạnh đó, việc thăm khám cũng là thời điểm tốt để bạn đặt ra những câu hỏi và nói về bất kỳ những thay đổi hoặc vấn đề bạn nhận thấy hay những điều mà bạn đang quan tâm. Tuy nhiên, nếu bạn quá lo lắng về tình trạng của mình, bạn không cần phải đợi buổi khám tiếp theo mà có thể gọi cho bác sĩ của bạn ngay lập tức.

Những phương pháp theo dõi điển hình

Thăm khám trực tiếp với bác sĩ : Nếu bạn đã hoàn thành quá trình điều trị, trong khoảng thời gian đầu, bác sĩ sẽ lên lịch theo dõi sức khỏe vài tháng một lần. Nếu quá trình phục hồi của bạn tiến triển tốt thì các buổi tái khám sẽ dần dần ít đi. Sau 5 năm, việc thăm khám sẽ được thực hiện 1 năm/lần.

Chụp nhũ ảnh: Ngay cả sau khi chẩn đoán ung thư vú ở nam giới, bạn vẫn được chụp nhũ ảnh tầm soát định kỳ, mặc dù kiểm tra này ít phổ biến và chưa rõ mức độ hữu ích của chúng nhưng bác sĩ vẫn sẽ yêu cầu bạn thực hiện.

Kiểm tra mật độ xương: Nếu bạn đang dùng chất ức chế Aromatase hoặc Hormone giải phóng Hormone Luteinizing (LHRH), bạn có thể tăng nguy cơ bị loãng xương. Bác sĩ có thể muốn theo dõi sức khỏe xương và có thể xem xét kiểm tra mật độ xương của bạn.

Các xét nghiệm khác: Các xét nghiệm khác như xét nghiệm dấu ấn ung thư, xét nghiệm máu về chức năng gan, xạ hình xương và chụp nhũ ảnh không phải là các phương pháp tiêu chuẩn của quá trình theo dõi vì chúng chưa được chứng minh là có thể giúp cho nam giới điều trị ung thư vú sống lâu hơn. Tuy nhiên, những phương pháp này sẽ được thực hiện (theo chỉ định) nếu bạn có các triệu chứng hoặc phát hiện khám sức khỏe cho thấy ung thư đã tái phát và có thể được thực hiện như một phần của việc đánh giá các phương pháp điều trị mới bằng các thử nghiệm lâm sàng.

Nếu các triệu chứng, thăm khám hoặc xét nghiệm cho nguy cơ ung thư có thể tái phát, các xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang, chụp CT, chụp PET, chụp MRI, xạ hình xương và sinh thiết có thể được thực hiện. Bác sĩ cũng có thể đo nồng độ các dấu ấn ung thư trong máu như CA15-3, CEA hoặc CA27-29. Nồng độ trong máu của các dấu ấn ung thư sẽ tăng lên ở một số nam giới nếu ung thư của họ đã di căn. Tuy nhiên chúng không tăng ở những trường hợp bị tái phát, vì vậy những xét nghiệm này không phải lúc nào cũng hữu ích. Tuy nhiên, nếu nồng độ của bạn tăng cao, chúng có thể giúp bác sĩ theo dõi kết quả điều trị.

Nam giới đã từng bị ung thư vú vẫn có thể mắc các loại ung thư khác. Hãy trao đổi với bác sĩ về xét nghiệm di truyền để xem liệu bạn có mắc hội chứng ung thư di truyền, vì những tình trạng này có thể khiến bạn có nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác rất cao hay không. Nam giới sống sót sau ung thư vú cũng có nguy cơ bình thường đối với các loại ung thư khác. Do đó, điều quan trọng là phải tuân theo các hướng dẫn của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ để phát hiện sớm ung thư, chẳng hạn như ung thư đại trực tràng và tuyến tiền liệt. Để tìm hiểu thêm về các nguy cơ của bệnh ung thư thứ hai và những gì bạn có thể làm với chúng, hãy xem Các bệnh ung thư thứ hai sau ung thư vú ở nam giới.

Trao đổi với bác sĩ về việc lập ra một kế hoạch chăm sóc sức khỏe

Hãy trao đổi với bác sĩ về việc lập ra và phát triển một kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Kế hoạch này có thể bao gồm:

  • Lịch theo dõi thăm khám và thực hiện những xét nghiệm.
  • Danh mục các xét nghiệm khác mà bạn có thể cần phải thực hiện trong tương lai, điển hình như xét nghiệm phát hiện sớm (còn gọi là sàng lọc) các loại ung thư khác, các xét nghiệm nhằm xác định những tác động, ảnh hưởng liên quan đến sức khỏe lâu dài do ung thư gây ra hoặc phương pháp điều trị ung thư.
  • Danh sách các tác dụng phụ có thể xảy ra muộn hoặc tồn tại một thời gian dài do quá trình điều trị, danh sách này cũng bao gồm các yếu tố khác cần theo dõi và khoảng thời gian phù hợp để liên hệ với bác sĩ.
  • Chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và các đề xuất thay đổi lối sống sao cho phù hợp với tình hình sức khỏe của người bệnh.
  • Thăm khám đầy đủ với nhóm điều trị chính, những bác sĩ sẽ theo dõi việc chăm sóc sức khỏe tổng quát của bạn.

Tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế và lưu giữ bản sao hồ sơ y tế

Việc tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế ngay cả sau khi điều trị là điều rất quan trọng. Bởi vì các xét nghiệm và thăm khám bác sĩ sẽ tốn kém rất nhiều chi phí, và tất nhiên không ai muốn nghĩ rằng ung thư của họ sẽ tái phát, nhưng điều này có thể xảy ra. 

Tại một số thời điểm sau khi điều trị ung thư, bạn có thể được điều trị bằng một bác sĩ mới, người không biết về lịch sử y tế của bạn. Việc lưu giữ bản sao hồ sơ y tế là điều rất cần thiết và quan trọng, từ đó có thể cung cấp đầy đủ thông tin chi tiết về chẩn đoán và điều trị của bạn cho bác sĩ mới.

Tôi có thể giảm nguy cơ ung thư vú tiến triển hoặc tái phát không?

Nếu bạn bị (hoặc đã từng bị) ung thư vú, bạn có thể muốn biết liệu có những biện pháp nào có thể thực hiện để giảm nguy cơ ung thư phát triển hoặc tái phát, chẳng hạn như tập thể dục, chế độ ăn kiêng nhất định hoặc thực phẩm chức năng. Nghiên cứu đã chứng minh thấy một số biện pháp nêu trên thể hữu ích nhưng chỉ ở phụ nữ bị ung thư vú, vì ung thư vú ở nam giới rất hiếm. Tuy nhiên, nhiều khuyến nghị đã được minh chứng có thể giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư của một người nói chung.

Việc giữ sức khỏe luôn ở trạng thái tốt nhất là điều quan trọng hơn bao giờ hết sau khi điều trị ung thư vú. Kiểm soát cân nặng, tập thể dục và ăn uống hợp lý có thể giúp bạn giảm nguy cơ ung thư vú tái phát và có thể bảo vệ bạn khỏi các vấn đề sức khỏe khác.

Giữ cân nặng hợp lý

Nếu bạn đã từng bị ung thư vú, việc đạt được và duy trì cân nặng hợp lý có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Nhiều nghiên cứu cho thấy thừa cân hoặc béo phì làm tăng nguy cơ ung thư vú tái phát. Chúng cũng có liên quan đến nguy cơ bị phù bạch huyết cao hơn, cũng như gia tăng nguy cơ tử vong do ung thư vú.

Tất nhiên, đối với những người nam giới thừa cân, việc đạt được cân nặng hợp lý cũng có thể mang lại những lợi ích sức khỏe khác. Cân nặng hợp lý cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư khác, cũng như một số bệnh mãn tính khác.

Vì những lợi ích sức khỏe từ việc giảm cân, nhiều bác sĩ hiện nay khuyến khích những người nam giới thừa cân đạt được cân nặng hợp lý. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải thảo luận vấn đề này với bác sĩ trước khi cố gắng giảm cân, đặc biệt nếu bạn vẫn đang điều trị hoặc vừa mới kết thúc điều trị. Nhóm chăm sóc sức khỏe có thể giúp bạn lập kế hoạch giảm cân một cách an toàn.

Hoạt động thể chất

Trong số những phụ nữ sống sót sau ung thư vú, các nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ nhất quán giữa hoạt động thể chất - giảm nguy cơ ung thư vú tái phát - tử vong do ung thư vú. Mặc dù điều này chưa được nghiên cứu kỹ ở nam giới, nhưng cũng có thể áp dụng. Hoạt động thể chất cũng có liên quan đến việc cải thiện chất lượng cuộc sống, và giảm các triệu chứng mệt mỏi.

Cho đến nay vẫn chưa biết rõ việc luyện tập như thế nào là đủ nhưng việc hoạt động thể chất thường xuyên có thể đem lại nhiều lợi ích tốt hơn so với ít hoạt động. Nhưng cần nhiều nghiên cứu sâu hơn để theo dõi những phát hiện này.

Một số người từng nghĩ rằng những trường hợp sống sót sau ung thư vú bị phù bạch huyết nên tránh một số bài tập cánh tay và các hoạt động mạnh. Nhưng các nghiên cứu đã phát hiện ra những hoạt động này đều an toàn. Trên thực tế, hoạt động thể chất thực sự có thể làm giảm nguy cơ phù bạch huyết hoặc cải thiện tình trạng phù bạch huyết đối với những người đã mắc bệnh này.

Cũng như các biện pháp khác, điều quan trọng là phải nói chuyện với nhóm điều trị của bạn trước khi bắt đầu một chương trình hoạt động thể chất mới. Điều này có thể bao gồm cả cuộc gặp với một nhà trị liệu vật lý. Nhóm điều trị có thể giúp bạn lập kế hoạch một chương trình vừa an toàn vừa hiệu quả cho bạn.

Chế độ ăn uống lành mạnh

Hiện nay, hầu hết các nghiên cứu về mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và nguy cơ ung thư vú tái phát đã xem xét các mô hình chế độ ăn uống khác nhau, thay vì các loại thực phẩm cụ thể. Nói chung, không rõ liệu thực hiện bất kỳ loại chế độ ăn uống cụ thể nào có thể giúp giảm nguy cơ tái phát ung thư vú hay không. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những phụ nữ sống sót sau ung thư vú ăn chế độ nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thịt gà và cá có xu hướng sống lâu hơn những người ăn chế độ có nhiều đường, chất béo, thịt đỏ tinh chế (như thịt bò, thịt lợn, và thịt cừu), và các loại thịt đã chế biến (chẳng hạn như thịt xông khói, xúc xích, thịt ăn trưa và xúc xích). Nhưng các nhà khoa học vẫn chưa rõ liệu điều này có phải là do ảnh hưởng đến ung thư vú hay có thể là do các lợi ích sức khỏe khác của việc ăn một chế độ ăn uống lành mạnh.

Nhiều người thắc mắc về việc liệu các sản phẩm đậu nành có an toàn sau khi được chẩn đoán ung thư vú hay không. Thực phẩm từ đậu nành là nguồn giàu hợp chất được gọi là Isoflavone có thể có các đặc tính giống như Estrogen trong cơ thể. Tuy nhiên, một số nghiên cứu lớn gần đây không phát hiện ra rằng lượng thức ăn từ đậu nành ảnh hưởng đến việc tái phát ung thư vú hoặc tỷ lệ sống sót. Mặc dù ăn các thực phẩm từ đậu nành dường như không gây ra rủi ro, nhưng bằng chứng về tác dụng của việc bổ sung đậu nành hoặc Isoflavone là không rõ ràng. Đậu nành trong chế độ ăn uống thông thường có thể an toàn, nhưng nếu bạn đang nghĩ đến việc tiêu thụ nhiều đậu nành, bạn nên thảo luận vấn đề này với bác sĩ.

Mặc dù mối liên hệ giữa các loại chế độ ăn kiêng cụ thể và bệnh ung thư vú tái phát chưa được xác định, nhưng rõ ràng có những lợi ích sức khỏe khi ăn uống đầy đủ. Ví dụ: Chế độ ăn giàu nguồn thực vật thường là một phần quan trọng để đạt được và duy trì cân nặng hợp lý. Chế độ ăn uống lành mạnh cũng có thể giúp giảm nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như bệnh tim và tiểu đường.

Thực phẩm chức năng

Một số người muốn biết liệu họ có thể dùng bất kỳ chế độ ăn uống hoặc thực phẩm chức năng nào để giúp giảm nguy cơ mắc bệnh hay không. Cho đến nay, không có thực phẩm bổ sung nào (bao gồm vitamin, khoáng chất và các sản phẩm thảo dược) được chứng minh là có thể giúp giảm nguy cơ ung thư vú ở nữ giai đoạn tiến triển hoặc tái phát. Điều này không có nghĩa là chúng không có ích, nhưng điều quan trọng bạn cần nắm rõ là chưa có phương pháp nào được chứng minh là có thể làm được như vậy.

Tại Hoa Kỳ, thực phẩm chức năng không được quy định chặt chẽ như thuốc. Những sản phẩm này không cần phải chứng minh được mức độ hiệu quả (hoặc thậm chí an toàn) trước khi được bán, tuy nhiên chúng vẫn có những hạn chế so với công dụng từ nhà sản xuất đưa ra. Nếu bạn đang suy nghĩ về việc sử dụng bất kỳ thực phẩm chức năng nào, hãy nói chuyện  với nhóm điều trị. Họ có thể giúp bạn quyết định những sản phẩm nào là phù hợp và an toàn với bạn, tránh những sản phẩm có thể gây hại cho sức khỏe.

Rượu

Chỉ cần uống một vài ly rượu mỗi tuần cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú của phụ nữ. Nhưng liệu rượu có ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư vú tái phát hay không thì vẫn chưa được xác định. Uống rượu có thể làm tăng nồng độ Estrogen trong cơ thể, về lý thuyết có thể làm tăng nguy cơ tái phát ung thư vú. Nhưng không có bằng chứng chắc chắn từ các nghiên cứu về điều này.

Mặc dù không có nghiên cứu cụ thể nào về nam giới bị ung thư vú và uống rượu, nhưng Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo rằng những nam giới đang uống rượu nên hạn chế uống không quá 2 ly mỗi ngày, điều này giúp giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư.

Bởi vì vấn đề này phức tạp, điều quan trọng là bạn nên thảo luận với nhóm chăm sóc sức khỏe, tính đến nguy cơ ung thư vú tái phát (hoặc mắc một bệnh ung thư vú mới), nguy cơ mắc bệnh tim và nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác có liên quan khi sử dụng rượu.

Nếu ung thư tái phát

Nếu ung thư tái phát, các lựa chọn điều trị sẽ phụ thuộc vào vị trí ung thư, những phương pháp điều trị trước đây, sức khỏe của bạn. Để biết thêm thông tin về cách điều trị ung thư tái phát, hãy xem Điều trị ung thư vú ở nam giới, theo giai đoạn.

Ung thư thứ hai sau khi điều trị

Nam giới đã từng bị ung thư vú vẫn có thể mắc các loại ung thư khác. Vì thế họ nên được đề nghị xét nghiệm di truyền để xem có mắc hội chứng ung thư di truyền hay không và có thể có nguy cơ rất cao mắc các bệnh ung thư khác. Họ cũng có nguy cơ bình thường đối với các loại ung thư khác. Tìm hiểu thêm trong Căn bệnh ung thư thứ hai sau ung thư vú ở nam giới.

Nhận được sự hỗ trợ về mặt tinh thần

Chán nản, lo lắng, và lo sợ là những cảm giác chắc chắn có thể xảy ra khi bất cứ ai được chẩn đoán mắc ung thư vú. Tuy nhiên một số trường hợp có thể sẽ bị ảnh hưởng tâm lý nhiều hơn những trường hợp khác. Nhưng mọi người điều có thể nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ từ những người khác, cho dù là bạn bè và gia đình, nhóm tôn giáo, nhóm hỗ trợ, cố vấn chuyên nghiệp hay những người đã từng trải qua những điều tương tự. 

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...