Một số nam giới bị ung thư vú sẽ cần thực hiện xạ trị. Các khuyến nghị về xạ trị ở nam giới bị ung thư vú phần lớn được lấy từ các khuyến cáo đối với ung thư vú ở nữ giới vì có rất ít nghiên cứu được thực hiện ở nam giới. Thông thường hiệu quả của xạ trị phụ thuộc vào loại phẫu thuật bạn đã thực hiện hoặc liệu ung thư của bạn đã di căn đến các hạch bạch huyết hay một nơi nào khác trong cơ thể của bạn hay không. Đối với các khối u lớn hoặc liên quan đến da cũng có thể thực hiện xạ trị. Hoặc bạn có thể chỉ cần thực hiện một loại xạ trị hoặc kết hợp nhiều loại khác nhau.
Xạ trị là phương pháp sử dụng chùm tia phóng xạ ion năng lượng cao (như tia X) để tiêu diệt tế bào ung thư. Loại xạ trị phổ biến nhất cho nam giới bị ung thư vú được gọi là xạ trị ngoài. Đây là một thiết bị tập trung bức xạ vào khu vực bị ảnh hưởng bởi ung thư.
Khi nào thì xạ trị có thể được sử dụng?
Không phải tất cả nam giới bị ung thư vú đều cần xạ trị, nhưng điều trị này có thể được sử dụng trong một số trường hợp:
- Sau phẫu thuật bảo tồn vú (BCS), để giúp giảm nguy cơ ung thư tái phát trong mô vú còn lại hoặc các hạch bạch huyết lân cận. Nam giới bị ung thư vú ít khi thực hiện xạ trị hơn phụ nữ, nguyên nhân là do phẫu thuật bảo tồn vú (BCS) không được thực hiện nhiều.
- Sau khi phẫu thuật cắt bỏ vú, đặc biệt nếu ung thư lớn hơn 5 cm (khoảng 2 inch), gắn liền với da, hoặc nếu ung thư được tìm thấy trong các hạch bạch huyết.
- Nếu ung thư đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như xương hoặc não.
Những khu vực nào cần xạ trị phụ thuộc vào việc bạn đã phẫu thuật cắt bỏ vú hay phẫu thuật bảo tồn vú (BCS) và liệu ung thư đã đến các hạch bạch huyết gần đó hay chưa.
- Nếu bạn đã phẫu thuật cắt bỏ vú và không có hạch bạch huyết bị ung thư, xạ trị sẽ tập trung vào thành ngực, vết sẹo cắt bỏ vú và bất cứ nơi nào có điểm dẫn lưu trên cơ thể sau khi phẫu thuật.
- Nếu bạn được phẫu thuật bảo tồn vú, bạn rất có thể sẽ phải xạ trị toàn bộ vú (được gọi là xạ trị toàn bộ vú), và tăng cường thêm bức xạ vào khu vực trong vú nơi ung thư đã được loại bỏ (gọi là diện u) để giúp ngăn ngừa tái phát ung thư. Việc tăng cường thường được đưa ra sau khi kết thúc điều trị toàn bộ vú, nhưng với lượng bức xạ thấp hơn, và các chùm tia được nhắm vào diện u.
- Nếu ung thư được phát hiện ở các hạch bạch huyết dưới cánh tay (hạch ở nách), vùng này cũng có thể được xạ trị. Trong một số trường hợp, khu vực được điều trị cũng có thể bao gồm các điểm phía trên xương đòn (hạch thượng đòn) và các điểm bên dưới xương ức ở trung tâm ngực (hạch bên trong tuyến vú).
Khi nào tôi sẽ được xạ trị?
Nếu bạn sẽ cần xạ trị ngoài sau khi phẫu thuật, chúng thường được thực hiện khi vị trí phẫu thuật của bạn đã lành, có thể là một tháng hoặc lâu hơn. Nếu bạn cũng đang hóa trị, các đợt xạ trị thường bị trì hoãn cho đến khi quá trình hóa trị hoàn tất.
Xạ trị vú thường được thực hiện 5 ngày một tuần (từ thứ Hai đến thứ Sáu) trong khoảng 6 đến 7 tuần.
Chuẩn bị cho xạ trị ngoài
Trước khi điều trị của bạn bắt đầu, nhóm kỹ thuật viên xạ trị sẽ cẩn thận tìm ra các góc chính xác để nhắm các chùm bức xạ và liều lượng bức xạ thích hợp. Họ sẽ tạo một số vết mực hoặc hình vẽ nhỏ trên da của bạn để tập trung bức xạ vào đúng vị trí. Tuy nhiên bạn nên hỏi rõ kỹ thuật viên xem liệu vết mực có tồn tại vĩnh viễn trên da hay không.
Xạ trị ngoài cũng giống như chụp X-quang, nhưng bức xạ mạnh hơn. Điều trị này không gây đau đớn. Mỗi lần điều trị chỉ kéo dài vài phút, nhưng thời gian thiết lập - đưa bạn vào vị trí điều trị thì mất nhiều thời gian hơn.
Các tác dụng phụ có thể xảy ra của xạ trị
Các tác dụng phụ ngắn hạn chính của xạ trị ngoài đối với vú là:
- Sưng ở vú hoặc thành ngực.
- Vùng da ở vị trí điều trị bị thay đổi như bị cháy nắng (mẩn đỏ, lột da, sạm da).
- Mệt mỏi.
Nhóm điều trị có thể khuyên bạn nên tránh để vùng da điều trị tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vì nó có thể làm cho những thay đổi trên da trở nên nghiêm trọng hơn. Hầu hết các thay đổi trên da trở nên khả quan hơn trong vòng vài tháng. Các thay đổi đối với mô vú thường biến mất sau 6 đến 12 tháng, nhưng cũng có thể lâu hơn.
Xạ trị ngoài cũng có thể gây ra các tác dụng phụ sau này:
- Bức xạ đến vú hoặc thành ngực đôi khi có thể làm tổn thương một số dây thần kinh ở cánh tay. Đây được gọi là Chấn thương thần kinh cánh tay (Brachial plexus) và có thể dẫn đến tê, đau và yếu ở vai, cánh tay và bàn tay.
- Bức xạ đến các hạch bạch huyết dưới cánh tay có thể gây ra phù bạch huyết, khiến bệnh nhân bị đau và sưng ở cánh tay hoặc ngực.
- Trong một số trường hợp hiếm hoi, xạ trị có thể làm yếu xương sườn, có thể dẫn đến gãy xương.
- Trước đây, các bộ phận của phổi và tim dễ bị nhiễm một số bức xạ, có thể dẫn đến tổn thương lâu dài cho các cơ quan này. Nhưng hiện nay các thiết bị xạ trị hiện đại cho phép các bác sĩ tập trung tốt hơn các chùm tia bức xạ, vì vậy những vấn đề này ngày nay rất hiếm khi xảy ra.
- Một biến chứng rất hiếm của xạ trị vào vú hoặc thành ngực là sự phát triển của một bệnh ung thư khác được gọi là Sarcoma mạch máu (Angiosarcoma).