Danh mục

Thuốc nhắm trúng đích trong điều trị ung thư đại trực tràng

Thuốc nhắm trúng đích trong điều trị ung thư đại trực tràng

Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu về những biến đổi gen và protein trong các tế bào gây ung thư đại trực tràng, từ đó phát triển các loại thuốc mới hơn có khả năng tác động cụ thể lên những bất thường này. Thuốc được sử dụng trong liệu pháp nhắm trúng đích có phương thức hoạt động khác với các loại thuốc hóa trị tiêu chuẩn. Thuốc này thường được sử dụng đối với các trường hợp không đáp ứng hóa trị tiêu chuẩn hoặc dùng riêng, có thể đi kèm tác dụng phụ nhưng ít nghiêm trọng hơn.

Thuốc tác động đến sự hình thành mạch máu (VEGF)

Yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (Vascular endothelial growth factor - VEGF) là một loại protein đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành mạch máu nuôi dưỡng khối u (còn được gọi là quá trình tăng sinh mạch máu). Do đó, các loại thuốc ức chế hoạt tính của VEGF có thể được sử dụng trong điều trị ung thư đại trực tràng, gồm:

  • Bevacizumab (Avastin)
  • Ramucirumab (Cyramza)
  • Ziv-aflibercept (Zaltrap)

Trong hầu hết các trường hợp đồng điều trị với hóa trị, các loại thuốc trên thường được truyền qua đường tĩnh mạch mỗi 2-3 tuần/lần. Đối với bệnh nhân ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối, việc kết hợp điều trị có thể giúp kéo dài thời gian sống cho người bệnh.

Các tác dụng phụ có thể xảy ra như:

  • Tăng huyết áp.
  • Cực kỳ mệt mỏi.
  • Xuất huyết.
  • Giảm số lượng bạch cầu (tăng nguy cơ nhiễm trùng).
  • Nhức đầu.
  • Lở miệng.
  • Ăn không ngon.
  • Tiêu chảy.

Một số tác dụng phụ hiếm gặp nhưng khá nghiêm trọng như huyết khối, xuất huyết nặng, thủng đại tràng, vết thương lâu lành và các vấn đề về tim, thận. Trường hợp thủng đại tràng có thể gây nhiễm trùng nặng, do đó cần tiến hành phẫu thuật gấp.

Một tác dụng phụ khác đó là tình trạng dị ứng thuốc trong quá trình truyền, có thể gây ra các vấn đề về hô hấp hoặc hạ huyết áp.

Thuốc tác động đến các tế bào biến đổi EGFR

Thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì (Epidermal growth factor receptor - EGFR) là một loại protein có chức năng quan trọng trong quá trình phát triển của tế bào ung thư do đó thường hiện hữu rất nhiều trên bề mặt các tế bào này. Do đó, thuốc nhắm EGFR có thể được sử dụng trong điều trị một số bệnh ung thư đại trực tràng giai đoạn tiến triển, gồm:

  • Cetuximab (Erbitux)
  • Panitumumab (Vectibix)

Cả hai loại thuốc này đều được truyền qua đường tĩnh mạch, mỗi tuần một lần hoặc dùng cách tuần.

Tuy nhiên, những loại thuốc này không đáp ứng đối với các trường hợp ung thư đại trực tràng khiếm khuyết gen KRAS, NRAS hoặc BRAF. Chính vì vậy, ngày nay các bác sĩ thường sẽ kiểm tra khối u để tìm những biến đổi gen này trước khi điều trị và chỉ cho sử dụng các loại thuốc trên đối với trường hợp bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính.

Các tác dụng phụ có thể xảy ra

Thường gặp nhất là các vấn đề về da như phát ban giống mụn nước trên mặt và ngực, đôi khi có thể gây nhiễm trùng. Các trường hợp này cần dùng kem hoặc thuốc mỡ kháng sinh để hạn chế. Khi sử dụng panitumumab, các vấn đề về da có thể nghiêm trọng hơn, có thể dẫn đến bong tróc da. Ngoài ra còn có một số tác dụng phụ khác bao gồm:

  • Đau đầu.
  • Mệt mỏi.
  • Sốt.
  • Tiêu chảy.

Tương tự, thuốc nhắm EGFR cũng gây tình trạng dị ứng thuốc, nặng có thể dẫn đến các vấn đề về hô hấp và hạ huyết áp. Do đó, bạn sẽ được cho sử dụng thuốc phòng trước khi tiến hành điều trị.

Các loại thuốc điều trị nhắm trúng đích khác

Regorafenib (Stivarga) còn được gọi là thuốc ức chế kinase. Kinase là các protein nằm trên hoặc gần bề mặt tế bào mang tín hiệu quan trọng đến trung tâm điều khiển.

Regorafenib có tác dụng bất hoạt một số protein kinase hỗ trợ sự phát triển hay sự tăng sinh mạch máu của khối u, từ đó ngăn chặn ung thư.

Thuốc dùng dưới dạng viên, thường được sử dụng trong các trường hợp ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối không đáp ứng với các loại thuốc khác.

Các tác dụng phụ thường gặp như mệt mỏi, chán ăn, hội chứng tay-chân (bàn tay và bàn chân bị đỏ và kích ứng), tiêu chảy, tăng huyết áp, sụt cân và đau bụng.

Một số tác dụng phụ nghiêm trọng hiếm gặp hơn bao gồm xuất huyết nặng, thủng ruột hoặc dạ dày.

 

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...