Mối liên quan giữa rượu và đường
"Nhiều người nói, rượu pha đường hay mật ong uống say hơn rượu để nguyên. Điều đó có đúng không, tại sao?"
Nhận định đó không đúng. Trái lại, khoảng từ cuối thập niên 1920, người ta đã biết rằng các loại đường, nhất là đường fructose (lấy từ quả cây), có tác dụng làm chậm việc hấp thu rượu của cơ thể và thúc đẩy quá trình phân hủy rượu của gan; và rượu pha đường uống ít say hơn rượu để nguyên.
Người ta dùng ống thông cho rượu vào dạ dày chuột, sau đó cho thêm một dung dịch đường (trong đó fructose chiếm 36%) rồi đặt chuột lên ván bập bênh để kiểm tra hoạt động thần kinh. Họ dùng máy tự động lấy máu ở đuôi chuột để xét nghiệm xác định lượng rượu trong máu từng nửa giờ một. Kết quả cho thấy, so với nhóm đối chứng, ở những con chuột này, lượng rượu trong máu thấp hơn 29%, thời gian phân hủy rượu ngắn hơn 31%; thời gian rượu lưu thông trong máu giảm 24%.
Uống đường cùng lúc với rượu hay 3 giờ sau khi uống rượu đều có tác dụng tốt ngang nhau. Các nghiên cứu về tác dụng của đường fructose trên người cho kết quả như sau:
- Ở người không uống rượu, thời gian phản ứng của thần kinh là 0,48 giây.
- Lúc rượu ngấm tối đa vào máu, thời gian này kéo dài tới 0,56 giây.
- Sau khi dùng 50g đường fructose, thời gian phản ứng trở lại 0,49 giây (gần bình thường).
- Điều đặc biệt là, nếu dùng 100 g đường fructose thì thời gian phản ứng chỉ còn 0,47 giây (nhanh hơn bình thường); mặc dù lúc đó, lượng rượu trong máu vẫn còn ở mức 0,35 g/l.
Người ta cũng thấy, đường fructose có tác dụng tốt đối với hoạt động thần kinh của người uống rượu. Liều 100 g làm cho lượng rượu trong máu giảm 50%. Rõ ràng, đường fructose có tác dụng "giã rượu" rất tốt (các đường khác như glucose, lactose, saccharose có tác dụng kém hơn).
Nhưng điều đó không có gì đáng để con ma rượu phấn khởi cả. Theo các bác sĩ chuyên nghiên cứu về rượu, người thường xuyên sử dụng đường với liều cao sẽ bị chứng béo phì, cao huyết áp, bệnh mạch vành...