Có phải caffeine làm tăng nguy cơ loãng xương, bệnh tim và ung thư?
- Bệnh loãng xương và caffeine. Nhiều nghiên cứu cho thấy, sử dụng cà phê ở mức cao (hơn 744 miligam / ngày), hợp chất caffeine có thể làm tăng khả năng canxi và magiê bị đào thải thông qua nước tiểu. Nhưng lại có nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy caffeine không làm tăng nguy cơ loãng xương, đặc biệt là nếu bạn bổ sung đủ lượng canxi cơ thể cần dùng. Do đó, bạn có thể bù lượng canxi đã mất từ việc uống một tách cà phê bằng cách thêm hai muỗng sữa. Tuy nhiên, người lớn tuổi có thể nhạy cảm hơn với sự tác động của caffeine lên cách cơ thể chuyển hóa canxi. Đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng xem bạn có nên giảm liều lượng caffeine hàng ngày xuống mức 300 miligam hay không.
- Bệnh tim mạch và caffeine.Trong thành phần của cà phê có caffeine là một chất gây nghiện mức độ nhẹ. Sử dụng quá nhiều cà phê có thể gây ra hồi hộp, bồn chồn, run tay chân cho một số người. Mặt khác, nó còn làm tăng tần số tim, tăng huyết áp ở những người nhạy cảm với caffeine. Nhưng có một số nghiên cứu lớn lại cho rằng, caffeine không hề liên quan gì đến việc cholesterol tăng cao hơn, nhịp tim không đều hoặc tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, nếu bạn đã bị huyết áp cao hoặc các vấn đề về tim, hãy thảo luận với bác sĩ về lượng caffeine bạn được nạp vào bởi vì bạn có thể nhạy cảm với tác dụng của nó hơn người khác. Ngoài ra, còn cần có nhiều nghiên cứu hơn để biết liệu caffeine có làm tăng nguy cơ đột quỵ ở những người bị huyết áp cao hay không.
- Ung thư và caffeine. Đánh giá theo kết quả của 13 nghiên cứu liên quan đến 20.000 người cho thấy, không có mối quan hệ gì giữa bệnh ung thư và caffeine. Trên thực tế, caffeine thậm chí có thể có tác dụng bảo vệ chống lại một số bệnh ung thư.