Danh mục

Phẫu thuật ung thư ruột non (ung thư biểu mô tuyến)

Phẫu thuật ung thư ruột non (ung thư biểu mô tuyến)

Phẫu thuật thường là phương pháp điều trị chính cho bệnh ung thư ruột non. Đối với một số bệnh nhân, đây có thể là phương án điều trị duy nhất mà họ cần. Tại thời điểm này, phẫu thuật được xem là hướng điều trị duy nhất có thể chữa khỏi ung thư ruột non.

Phẫu thuật có thể được sử dụng khi nào?

Đối với những người bị ung thư ruột non giai đoạn đầu, phẫu thuật thường được thực hiện để loại bỏ tất cả tế bào ung thư.

Nhưng nếu ung thư đã di căn, thì phẫu thuật chỉ có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm bớt các vấn đề do khối u phát triển quá lớn làm tắc ruột (hoặc các vấn đề khác).

Loại hình phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm kích thước và vị trí của khối u, và liệu bệnh nhân có bất kỳ vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào hay không.

Cắt đoạn

Thủ thuật này sẽ loại bỏ đoạn ruột có khối u, cũng như một số mô bình thường ở hai bên khối u. Sau đó 2 đầu ruột đã cắt được kết nối lại với nhau. Một số mô lân cận có chứa các hạch bạch huyết cũng sẽ bị loại bỏ. Các khối u ở phần cuối của hồi tràng (phần cuối của ruột non) có thể được khuyến nghị cắt bỏ cùng với phần bên phải của đại tràng (phần đầu của đại tràng). Phẫu thuật này được gọi là cắt đại tràng.

Thông thường phẫu thuật này được thực hiện thông qua một vết cắt dài ở bụng. Một lựa chọn khác là phẫu thuật “lỗ khóa” (nội soi ổ bụng), được thực hiện thông qua một số vết cắt nhỏ và sử dụng các dụng cụ phẫu thuật chuyên dụng, phương pháp này có thể được thực hiện ở những bệnh nhân ung thư ruột non giai đoạn đầu.

Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể mất một vài ngày để ăn uống trở lại như bình thường. Việc cắt bỏ một phần ruột non thường không gây ra vấn đề lâu dài với việc ăn uống hoặc nhu động ruột, tuy nhiên nếu bệnh nhân cắt bỏ một phần đại tràng thì họ có nhiều khả năng gặp phải nhiều vấn đề hơn.

Phẫu thuật Whipple

Đây là dạng phẫu thuật mở được sử dụng để điều trị ung thư ở tá tràng (phần đầu của ruột non), mặc dù loại hình phẫu thuật này thường được sử dụng trong điều trị ung thư tuyến tụy. Phương pháp này giúp loại bỏ tá tràng, một phần của tuyến tụy, một phần dạ dày và các hạch bạch huyết lân cận. Túi mật và một phần của ống mật chủ cũng được cắt bỏ, ống mật còn lại sau đó được gắn vào ruột non để mật từ gan có thể tiếp tục đi vào ruột non.

Đây là một ca phẫu thuật phức tạp, có nguy cơ biến chứng khá cao, thậm chí đôi khi có thể gây tử vong. Vì thế, điều quan trọng mà bạn cần lưu ý là phẫu thuật này cần được thực hiện bởi một bác sĩ có nhiều kinh nghiệm, vì chúng có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ khác nhau như: 

  • Lỗ rò xuất hiện từ các kết nối khác nhau mà bác sĩ phẫu thuật phải thực hiện.
  • Nhiễm trùng.
  • Chảy máu
  • Liệt dạ dày.
  • Khó tiêu hóa một số loại thức ăn.
  • Thay đổi thói quen đi tiêu.
  • Sụt cân nghiêm trọng.

Phẫu thuật tạm thời

Nếu ung thư đã di căn và không thể loại bỏ khối u hoàn toàn bằng phẫu thuật, thì phẫu thuật tạm thời có thể là một lựa chọn tối ưu để giúp ngăn ngừa hoặc giảm bớt một số triệu chứng của ung thư. Thông thường loại hình phẫu thuật này được thực hiện để giải phóng ruột bị tắc nghẽn, giảm đau, buồn nôn và nôn, và cho phép bệnh nhân ăn uống bình thường.

Nếu có thể, bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt bỏ một phần khối u và phần ruột lân cận để thức ăn đã tiêu hóa đi qua.

Phẫu thuật bắc cầu: Bác sĩ phẫu thuật có thể giữ nguyên vị trí của khối u và định tuyến lại các phần bình thường của ruột non xung quanh khối u để ngăn chặn hoặc làm giảm tắc nghẽn.

Đặt stent hoặc đặt ống: Nếu phẫu thuật mở không phải là một lựa chọn phù hợp vì lý do nào đó, đôi khi bác sĩ có thể sử dụng nội soi để đưa một ống khá cứng (được gọi là stent) xuống đường tiêu hóa và vào phần bị tắc của ruột. Stent giữ cho ruột mở và giúp thức ăn đã tiêu hóa di chuyển dễ dàng.

Nếu không thể thực hiện được loại điều trị này, bác sĩ có thể đặt một ống mềm, mỏng qua da và vào dạ dày để dẫn lưu. Ống có thể được giữ nguyên để tránh các vấn đề về buồn nôn và nôn.

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...