Danh mục

Những dấu hiệu và triệu chứng của u tuyến yên

Không phải tất cả các khối u tuyến yên (u tuyến yên lành tính) đều gây ra triệu chứng. Nhưng nếu có, chúng có thể gây ra nhiều loại triệu chứng khác nhau. Các dấu hiệu đầu tiên của u tuyến yên thường phụ thuộc vào việc khối u có chức năng (tạo ra các hormone dư thừa) hay không chức năng (không tạo ra các hormone dư thừa).

Các u tuyến yên chức năng có thể gây ra các vấn đề do sự dư thừa hormone, triệu chứng phụ thuộc vào loại hormone được tạo ra. Những khối u này thường được tìm thấy ngay cả khi kích thước còn khá nhỏ (microadenoma). Các triệu chứng của u tuyến yên chức năng được mô tả dưới đây.

Các khối u không tạo ra hormone dư thừa (u tuyến yên không chức năng) thường có kích thước lớn (macroadenoma) khi được tìm thấy. Những khối u này không gây ra triệu chứng cho đến khi chúng chèn ép các dây thần kinh lân cận, các bộ phận khác của não hoặc của tuyến yên.

Các khối u tuyến yên không chức năng không gây ra triệu chứng đôi khi được tìm thấy qua hình ảnh chụp MRI hoặc CT được thực hiện vì các lý do khác. Hiện nay, những khối u này được tìm thấy thường xuyên hơn khi chụp MRI và CT não được thực hiện nhiều lần. Đây có thể được xem là loại u tuyến yên phổ biến nhất. Trường hợp không gây triệu chứng thì chỉ cần theo dõi chặt chẽ khối u mà không cần điều trị.

Các khối u kích thước lớn (macroadenomas) và ung thư tuyến yên

Các u tuyến yên có kích thước lớn (khối u lành tính lớn hơn 1 cm) và ung thư tuyến yên, cho dù có chức năng hay không, nếu phát triển đủ lớn vẫn có thể gây chèn ép các dây thần kinh hoặc các bộ phận lân cận của não, dẫn đến một số triệu chứng như:

  • Yếu cơ mắt nên hai mắt không chuyển động cùng một hướng.
  • Nhìn mờ hoặc nhìn đôi.
  • Mất thị lực ngoại vi.
  • Mù đột ngột.
  • Nhức đầu.
  • Tê hoặc đau vùng mặt.
  • Chóng mặt.
  • Mất ý thức (ngất đi).

Các vấn đề về thị lực xảy ra khi khối u “chèn ép” các dây thần kinh chạy giữa mắt và não. Đột ngột mất thị lực, mất ý thức, thậm chí tử vong có thể là hậu quả của tình trạng vỡ khối u gây chảy máu.

Các khối u kích thước lớn và ung thư biểu mô tuyến yên cũng có thể chèn ép và phá hủy các bộ phận bình thường của tuyến yên, dẫn đến sự thiếu hụt một hoặc nhiều hormone do tuyến yên tiết ra. Nồng độ các hormone như cortisol, hormone giáp và hormone sinh dục trong máu thấp gây ra các triệu chứng. Tùy thuộc vào loại hormone, các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Buồn nôn.
  • Yếu người.
  • Giảm cân hoặc tăng cân vô căn.
  • Các mảng trụi lông trên cơ thể.
  • Cảm thấy lạnh.
  • Cảm thấy mệt mỏi hoặc yếu.
  • Thay đổi kinh nguyệt hoặc mất kinh ở phụ nữ.
  • Rối loạn cương dương (khó cương cứng) ở nam giới.
  • Tăng trưởng mô vú ở nam giới.
  • Giảm hứng thú với tình dục, chủ yếu ở nam giới.

Đái tháo nhạt

Các khối u kích thước lớn đôi khi có thể chèn ép phần sau (thùy sau) của tuyến yên, gây ra sự thiếu hụt hormone vasopressin (còn được gọi là hormone chống lợi niệu hoặc ADH), dẫn đến bệnh đái tháo nhạt. Đái tháo nhạt là tình trạng người bệnh mất quá nhiều nước qua nước tiểu nên luôn trong trạng thái cảm thấy khát nhiều. Nếu không được điều trị có thể gây mất nước và thay đổi nồng độ khoáng chất trong máu, dẫn đến hôn mê và thậm chí tử vong. Có thể điều trị đái tháo nhạt bằng desmopressin, thay thế hormone vasopressin trong cơ thể. (Đái tháo nhạt không liên quan đến bệnh đái tháo đường, đái tháo đường là tình trạng nồng độ đường trong máu tăng cao.)

U tuyến yên tiết hormone tăng trưởng (u tuyến somatotroph)

Các triệu chứng chính của loại khối u này là do sự tiết quá nhiều hormone tăng trưởng (GH). Những tác động này khá khác nhau ở trẻ em và người lớn.

Ở trẻ em, nồng độ GH cao có thể kích thích sự phát triển của hầu hết xương trong cơ thể. Thuật ngữ y học gọi là bệnh khổng lồ. Các dấu hiệu bao gồm:

  • Cao lớn hơn trẻ cùng lứa tuổi.
  • Tăng trưởng rất nhanh.
  • Đau khớp.
  • Tăng tiết mồ hôi.

Ở người lớn, xương dài (đặc biệt là ở tay và chân) không thể phát triển thêm nữa, ngay cả khi nồng độ GH rất cao. Vì vậy, họ không thể phát triển về chiều cao cũng như mắc phải bệnh khổng lồ. Nhưng xương của bàn tay, bàn chân và hộp sọ / mặt phát triển gây ra bệnh to đầu chi ở người lớn. Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm:

  • Sự phát triển của hộp sọ, bàn tay và bàn chân, dẫn đến tăng kích thước mũ, giày, găng tay và vòng tay.
  • Giọng nói trầm.
  • Thay đổi diện mạo khuôn mặt (do sự phát triển của xương mặt).
  • Răng thưa và hàm nhô ra hơn (do xương hàm phát triển).
  • Đau khớp.
  • Tăng tiết mồ hôi.
  • Tăng đường huyết hoặc mắc bệnh đái tháo đường.
  • Sỏi thận.
  • Bệnh tim.
  • Nhức đầu.
  • Giảm thị lực.
  • Tê hoặc ngứa ran ở bàn tay hoặc bàn chân.
  • Dày lưỡi và vòm miệng, dẫn đến rối loạn giấc ngủ như ngáy và ngưng thở khi ngủ.
  • Da dày lên.
  • Tăng sự phát triển của lông trên cơ thể.

Nhiều triệu chứng kể trên có thể xảy ra rất chậm, khiến người bệnh không thể nhận thấy cho đến khi nhìn lại hình cũ của chính mình hoặc không đội vừa mũ, đeo vừa nhẫn.

U tuyến yên tiết corticotropin (ACTH) (u tuyến corticotroph)

Mức ACTH cao khiến tuyến thượng thận tạo ra các hormone steroid như cortisol. Nồng độ hormone cortisol trong cơ thể tăng cao gây ra các triệu chứng được nhóm lại gọi chung là hội chứng Cushing. Nếu nguyên nhân là do tuyến yên sản xuất quá nhiều ACTH, thì tình trạng này được gọi là bệnh Cushing. Ở người lớn, các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Tăng cân không rõ nguyên nhân (chủ yếu ở mặt, ngực và bụng).
  • Vết rạn da màu tím trên ngực hoặc bụng.
  • Rậm lông (vùng mặt, ngực hoặc bụng).
  • Sưng và đỏ mặt.
  • Nổi mụn.
  • Mỡ thừa ở sau gáy.
  • Buồn bã hoặc trầm cảm.
  • Đau đầu.
  • Giảm thị lực.
  • Dễ bầm tím.
  • Lượng đường trong máu cao hoặc bệnh đái tháo đường.
  • Huyết áp cao.
  • Giảm hứng thú với tình dục.
  • Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ.
  • Xương yếu, có thể dẫn đến loãng xương hoặc thậm chí gãy xương.

Hầu hết các triệu chứng này cũng có thể xảy ra ở trẻ em. Trẻ em mắc bệnh Cushing cũng có thể ngừng phát triển và gặp vấn đề về khả năng học tập.

U tuyến yên tiết prolactin (u tuyến lactotroph)

U tuyến yên tiết prolactin phổ biến nhất ở phụ nữ trẻ và đàn ông lớn tuổi.

Ở phụ nữ trước khi mãn kinh, mức prolactin cao khiến kinh nguyệt trở nên ít hơn hoặc ngừng lại. Mức độ prolactin cao cũng có thể gây sản xuất sữa mẹ bất thường, được gọi là hội chứng đa tiết sữa.

Ở nam giới, mức prolactin cao có thể gây cường hóa tuyến vú và rối loạn cương dương (khó cương cứng).

Ở cả nam và nữ đều có thể mắc phải một số triệu chứng như:

  • Mất hứng thú với tình dục.
  • Vô sinh.
  • Loãng xương.

Nếu khối u tiếp tục phát triển, nó có thể chèn ép lên các dây thần kinh và các bộ phận lân cận của não gây đau đầu và các vấn đề liên quan đến thị lực.

Ở những phụ nữ không có kinh (chẳng hạn như bé gái trước tuổi dậy thì và phụ nữ sau khi mãn kinh), u tuyến yên tiết prolactin có thể khó phát hiện cho đến khi chúng gây ra các triệu chứng.

U tuyến yên tiết Thyrotropin (TSH) (u tuyến thyrotroph)

Những khối u này khá hiếm gặp, có thể tạo ra quá nhiều hormone kích thích tuyến giáp (TSH), khiến tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone giáp, gây nên các triệu chứng cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức), chẳng hạn như:

  • Nhịp tim nhanh hoặc không đều.
  • Run rẩy.
  • Sụt cân.
  • Tăng cảm giác thèm ăn.
  • Cảm thấy nóng.
  • Đổ mồ hôi.
  • Khó ngủ.
  • Lo lắng.
  • Đi tiêu thường xuyên.
  • U vùng trước cổ (do tuyến giáp phì đại).

U tuyến yên tiết gonadotropin (u tuyến gonadotroph)

Những khối u hiếm gặp này tạo ra hormone hướng hoàng thể (LH) hoặc hormone kích thích nang trứng (FSH), gây ra kinh nguyệt không đều ở phụ nữ hoặc nồng độ testosterone thấp và giảm hứng thú với tình dục ở nam giới.

Nhiều u tuyến yên tiết gonadotropin thường không tạo đủ hormone để gây ra các triệu chứng, vì vậy về cơ bản chúng là các u tuyến không có chức năng. Tuy nhiên, những khối u nếu phát triển đủ lớn để gây ra các triệu chứng như đau đầu và các vấn đề về thị lực trước khi được tìm thấy. (Xem các triệu chứng gây ra bởi u tuyến yên kích thước lớn được mô tả ở trên.)

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...