Danh mục

Cuộc sống sau điều trị u tuyến yên

Đối với hầu hết trường hợp u tuyến yên, việc điều trị có thể loại bỏ hoặc giúp kiểm soát khối u. Sau hoàn thành quá trình điều trị, bạn có thể cảm thấy vui xen lẫn chút lo sợ. Bạn có thể an tâm phần nào nhưng khó có thể không lo lắng về việc ung thư phát triển hoặc tái phát. Điều này rất phổ biến nếu bạn đã từng có khối u tuyến yên.

Có thể mất một thời gian để bạn bớt cảm giác lo sợ. Bạn cũng có thể cảm thấy đỡ hơn khi biết rằng nhiều người sau điều trị u tuyến yên đã học cách sống chung với nỗi bất an này và đang sống một cuộc sống trọn vẹn.

Đối với trường hợp không thể điều trị hoàn toàn, nghĩa là người bệnh tiếp tục dùng thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác để giúp kiểm soát khối u, họ cũng cần học cách sống chung với khối u. Điều này có thể khó khăn và rất căng thẳng. 

Chăm sóc theo dõi

Chăm sóc theo dõi là rất quan trọng sau điều trị u tuyến yên. Ngay cả khi đã hoàn tất điều trị, bạn vẫn cần được theo dõi chặt chẽ. Bạn cần tái khám đầy đủ theo lịch hẹn và làm theo hướng dẫn của bác sĩ một cách cẩn thận. Báo cáo bất kỳ triệu chứng mới hoặc triệu chứng tái phát cho bác sĩ ngay lập tức. Đặt câu hỏi nếu nếu có bất kỳ khúc mắc.

Phẫu thuật thường là phương pháp điều trị đầu tiên cho nhiều loại u tuyến yên. Đối với u tuyến yên chức năng (sản xuất hormone), xét nghiệm nồng độ hormone thường được thực hiện trong vòng vài ngày hoặc vài tuần sau phẫu thuật để đánh giá hiệu quả điều trị. Xét nghiệm máu cũng sẽ được thực hiện để kiểm tra tình trạng hoạt động của mô tuyến yên bình thường còn lại. Nếu kết quả cho thấy khối u đã được loại bỏ hoàn toàn và chức năng tuyến yên vẫn bình thường, bạn vẫn cần thăm khám thường xuyên, kiểm tra nồng độ hormone để đánh giá tình trạng tái phát của u. Kể cả là khối u chức năng hay không chức năng thì chụp MRI vẫn thường được thực hiện như một phần của quá trình theo dõi. Tùy thuộc vào kích thước của khối u và mức độ phẫu thuật, bạn có thể cần đến gặp bác sĩ thần kinh để kiểm tra não, chức năng thần kinh và bác sĩ nhãn khoa để đánh giá thị lực.

Sau xạ trị, bạn cần theo dõi sức khỏe trong vài năm. Phản ứng của khối u với xạ trị rất khó dự đoán, trong khi lợi ích và tác dụng phụ của việc điều trị có thể khởi phát trong vòng vài tháng, một số trường hợp có thể mất nhiều năm để đánh giá được hiệu quả điều trị. Chức năng tuyến yên sẽ được kiểm tra định kỳ. Chụp MRI là xét nghiệm chính tiếp theo, cùng với việc kiểm tra nồng độ hormone nếu khối u có khả năng tiết hormone.

Nồng độ hormone tuyến yên thường thấp sau phẫu thuật hoặc xạ trị. Những bệnh nhân này sẽ cần thay thế hormone. Hormone tuyến giáp và steroid tuyến thượng thận có thể  dùng dưới dạng thuốc viên. Ở nam giới, việc bổ sung testosterone có thể giúp phục hồi ham muốn tình dục và ngăn ngừa loãng xương. Testosterone có thể dùng dưới dạng gel, chất lỏng hoặc miếng dán ngoài da. Hoặc tiêm hàng tháng hoặc cấy dưới da vài tháng một lần. Ở phụ nữ trẻ, estrogen có thể sử dụng dưới dạng viên uống hoặc miếng dán ngoài da để tránh mãn kinh sớm. Thông thường, progesterone được cung cấp cùng với estrogen. Sự thiếu hụt hormone tuyến yên có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh con của phụ nữ. Nhưng có thể cải thiện với liệu pháp hormone.

Nếu bạn đang dùng thuốc điều trị u tuyến yên tiết prolactin (prolactinoma), bạn nên kiểm tra nồng độ hormone của mình ít nhất một hoặc hai lần một năm. Nếu MRI cho thấy khối u đã thu nhỏ sau điều trị, thì không cần chụp MRI lặp lại, tùy thuộc vào kích thước của khối u và đáp ứng điều trị (một phần hay toàn bộ). Nếu u tuyến yên tiết prolactin có kích thước nhỏ, bạn có thể ngừng điều trị thuốc sau vài năm điều trị theo lời khuyên của bác sĩ và kết quả xét nghiệm nồng độ prolactin bình thường.

Đối với những bệnh nhân đang điều trị u tuyến tiết corticotropin (ACTH) hoặc sản xuất hormone tăng trưởng bằng thuốc, việc theo dõi có thể thường xuyên hơn, bao gồm cả nồng độ hormone và các triệu chứng. Những người bị u tuyến sản xuất hormone tăng trưởng có nguy cơ cao bị cao huyết áp, suy tim và ung thư ruột kết. Do đó, nên kiểm tra định kỳ những tình trạng này.

Đái tháo nhạt (xem Các dấu hiệu và triệu chứng của u tuyến yên) có thể là hậu quả ngắn hạn của phẫu thuật, nhưng trong một số trường hợp có thể kéo dài hơn. Tình trạng này thường có thể được điều trị. Nếu mức độ nhẹ, chỉ cần bổ sung đủ nước. Đối với trường hợp nghiêm trọng hơn, có thể sử dụng Desmopressin dạng xịt hoặc viên nén. Uống đủ nước để tránh mất nước luôn là điều quan trọng.

Điều quan trọng nữa là phải xem xét liệu khối u tuyến yên có thể là manh mối của hội chứng di truyền trong gia đình bạn hay không. Một số trường hợp có thể cần thực hiện các xét nghiệm di truyền để tìm kiếm những đột biến gen nhất định. Nếu phát hiện có sự biến đổi gen, các thành viên trong gia đình cũng cần nên kiểm tra để biết nguy cơ mắc bệnh.

Một số trường hợp hiếm gặp có khối u tuyến yên lớn hoặc phát triển nhanh có thể bị tàn tật hoặc rút ngắn cuộc sống vì khối u hoặc phương pháp điều trị đã phá hủy mô não quan trọng gần tuyến yên. Nói chung, nếu không thể điều trị hoàn toàn, bạn có thể phải đối mặt với các vấn đề do khối u hoặc các phương pháp điều trị gây ra, chẳng hạn như các vấn đề về thị lực hoặc nồng độ hormone trong máu quá cao hoặc quá thấp.

Yêu cầu bác sĩ cung cấp một kế hoạch chăm sóc sức khỏe

Kế hoạch có thể bao gồm:

  • Lịch trình gợi ý các xét nghiệm.
  • Lịch trình cho các xét nghiệm khác mà bạn có thể cần trong tương lai, chẳng hạn như các xét nghiệm phát hiện sớm (sàng lọc) cho các loại ung thư khác hoặc các xét nghiệm kiểm tra sức khỏe lâu dài ảnh hưởng từ khối u của bạn hoặc phương pháp điều trị.
  • Danh sách các tác dụng phụ có thể xảy ra muộn hoặc lâu dài do quá trình điều trị, bao gồm cần theo dõi gì và khi nào bạn nên liên hệ với bác sĩ.
  • Đề xuất về chế độ ăn uống và hoạt động thể chất.
  • Nhắc nhở những buổi hẹn với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc chính (PCP), người sẽ theo dõi việc chăm sóc sức khỏe tổng quát của bạn

Giữ bảo hiểm y tế và các bản sao hồ sơ bệnh án

Ngay cả sau khi hoàn tất điều trị, bạn vẫn phải lưu giữ bảo hiểm y tế. Chi phí cho việc kiểm tra và thăm khám là rất lớn, và mặc dù không ai nghĩ rằng ung thư sẽ tái phát nhưng điều này vẫn có khả năng xảy ra.

Tại một thời điểm nào đó sau khi điều trị ung thư, bạn có thể gặp một bác sĩ mới không biết về tiền sử bệnh. Điều quan trọng là phải giữ các bản sao hồ sơ y tế để cung cấp cho bác sĩ mới các chi tiết về chẩn đoán và điều trị bệnh của bạn. Tìm hiểu thêm về Lưu giữ Bản sao hồ sơ y tế quan trọng.

Tôi nên làm gì để giảm nguy cơ u tuyến yên tiến triển hoặc tái phát?

Nếu bạn bị (hoặc đã từng bị) một khối u tuyến yên, bạn có thể muốn biết liệu có hay không những điều làm giúp giảm nguy cơ khối u phát triển hoặc tái phát, chẳng hạn như tập thể dục, ăn theo chế độ nhất định hoặc bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung. Tuy nhiên tại thời điểm này, vẫn chưa rõ liệu có những việc kể trên có hữu ích hay không.

Hình thành các thói quen lành mạnh như không hút thuốc, ăn uống điều độ, hoạt động thể chất thường xuyên và giữ cân nặng hợp lý cũng có thể hữu ích, nhưng chưa được chứng minh. Tuy nhiên chúng tôi biết rằng những loại thay đổi này có thể có tác động tích cực đến sức khỏe có thể vượt ra ngoài nguy cơ mắc ung thư da tế bào hắc tố hoặc các loại ung thư khác.

Giới thiệu về thực phẩm chức năng

Cho đến nay, không có thực phẩm chức năng nào (bao gồm vitamin, khoáng chất và các sản phẩm thảo dược) được chứng minh là có thể giúp giảm nguy cơ u tuyến yên tiến triển hoặc tái phát trở lại. Điều này không có nghĩa là không có thực phẩm chức năng nào sẽ giúp ích, nhưng điều quan trọng là phải biết rằng chưa có loại nào được chứng minh là hữu ích.

Thực phẩm chức năng không được quản lý giống như các loại thuốc ờ Hoa Kỳ-Chúng không được chứng minh hiệu quả (hoặc thậm chí an toàn) trước khi bán ra, mặc dù có những giới hạn về những gì nhà sản xuất được phép tuyên bố. Nếu bạn đang đắn đo về việc sử dụng thực phẩm chức năng, hãy bàn với nhóm chăm sóc sức khỏe. Họ có thể giúp bạn quyết định những thứ cần sử dụng và hướng dẫn bạn sử dụng an toàn và hợp lý.

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...