Danh mục

U tuyến yên là gì?

Tuyến yên được kết nối trực tiếp với một phần của não được gọi là vùng dưới đồi, hình thành liên kết chính giữa não và hệ thống nội tiết (một tập hợp các tuyến nội tiết trong cơ thể). Hormone là những chất được giải phóng vào máu để kiểm soát hoạt động của các cơ quan khác. Vùng dưới đồi tiết ra hormone vào các mạch máu nhỏ vận chuyển đến tuyến yên, kích thích tuyến yên tiết hormone khác. Tuyến yên được coi là “tuyến kiểm soát chính” vì nó tạo ra các hormone kiểm soát nồng độ hormone được tạo ra bởi hầu hết các tuyến nội tiết khác trong cơ thể.

Tuyến yên có 2 phần là thùy trước và thùy sau. Mỗi thùy có chức năng riêng biệt.

Thùy trước tuyến yên

Hầu hết các khối u tuyến yên bắt đầu ở thùy trước. Thùy trước có chức năng tạo ra các hormone kiểm soát các tuyến nội tiết khác:

  • Hormone tăng trưởng (GH, còn được gọi là somatotropin) thúc đẩy sự phát triển của cơ thể trong thời thơ ấu. Nếu hormone được tạo ra nhiều, trẻ sẽ rất cao. Thông thường, ở người lớn chỉ tạo ra một lượng nhỏ hormone tăng trưởng. Nếu ở người trưởng thành, hormone tăng trưởng được tạo ra quá nhiều, xương bàn tay, bàn chân và xương mặt tiếp tục phát triển to ra, khiến các nét bình thường bị biến dạng. (Tình trạng này được gọi là chứng to đầu chi.)
  • Hormone kích thích tuyến giáp (TSH, còn được gọi là thyrotropin) kích thích sự phát triển của tuyến giáp và giải phóng hormone giáp. Hormone tuyến giáp điều hòa quá trình trao đổi chất. Sản xuất quá nhiều có thể gây tình trạng lo lắng, tăng hoạt động và run rẩy. Ngược lại, quá ít hormone sẽ khiến bạn trở nên chậm chạp, uể oải. Nếu khối u tuyến yên tạo ra quá nhiều TSH, có thể gây cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức) ở bệnh nhân.
  • Hormone vỏ thượng thận (ACTH, còn được gọi là corticotropin) kích thích tuyến thượng thận phát triển và tạo ra hormone steroid (chẳng hạn như cortisol). ACTH được tiết ra quá nhiều có thể gây bệnh Cushing, các triệu chứng bao gồm tăng cân nhanh chóng và tích tụ chất béo ở một số bộ phận của cơ thể.
  • Hormone tạo hoàng thể (LH) và hormone kích thích nang trứng (FSH) còn được gọi là gonadotropins. Ở phụ nữ, tác động chính của chúng là trên buồng trứng, giúp kiểm soát sự rụng trứng (sự phóng thích noãn) và sản xuất các hormone estrogen và progesterone. Ở nam giới, LH và FSH kiểm soát nồng độ testosterone và sự sản xuất tinh trùng trong tinh hoàn.
  • Prolactin tạo ra sữa ở tuyến vú. Chức năng của nó ở nam giới không được biết đến.

Thùy sau tuyến yên

Thùy sau là phần nhỏ hơn, được xem như phần mở rộng của mô não từ vùng dưới đồi. Thùy sau tuyến yên là nơi các hormone do vùng dưới đồi tạo ra (vasopressin và oxytocin) được lưu trữ và giải phóng vào máu.

  • Vasopressin (còn được gọi là hormone chống bài niệu, hoặc ADH) có chức năng tăng tái hấp thu nước ở thận. Nếu không có vasopressin, bạn sẽ bị mất nước quá nhiều qua nước tiểu. Tình trạng này được gọi là đái tháo nhạt. Vasopressin cũng có thể làm tăng huyết áp bằng cách làm cho các mạch máu co lại. Ngoài ra còn có các chức năng khác.
  • Oxytocin làm co tử cung ở phụ nữ trong thời kỳ sinh nở và kích thích tiết sữa ở vú khi cho con bú. Ngoài ra, oxytocin còn có các chức năng khác ở cả nam và nữ.

Các khối u hiếm khi bắt đầu ở thùy sau tuyến yên.

Khối u tuyến yên

Hầu hết tất cả các khối u tuyến yên thuộc loại u tuyến lành tính (không phải ung thư) được gọi là u tuyến yên. Những khối u này được gọi là lành tính vì chúng không lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể, giống như ung thư. Tuy nhiên, ngay cả lành tính, u tuyến yên vẫn có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng vì chúng nằm gần não, có thể xâm lấn các mô lân cận (như hộp sọ hoặc xoang) và tiết ra quá nhiều hormone dư thừa.

Ung thư tuyến yên (được gọi là ung thư biểu mô tuyến yên) rất hiếm gặp.

U tuyến yên lành tính

U lành tính nên không lây lan ra ngoài hộp sọ, thường khu trú trong hõm yên (không gian nhỏ trong hộp sọ mà tuyến yên nằm trong đó). Trong một số trường hợp, chúng có thể phát triển vào màng xương của hõm yên và các mô lân cận, như mạch máu, dây thần kinh và xoang. Chúng không phát triển quá lớn nhưng có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người bệnh.

Hõm yên khá nhỏ nên hạn chế sự phát triển của khối u trong vùng này. Vì vậy, nếu khối u có chiều ngang lớn hơn khoảng một cm (khoảng nửa inch), nó có thể phát triển lên phía trên, gây chèn ép và làm tổn thương các bộ phận lân cận của não cũng như các dây thần kinh xuất phát tại đó. Điều này có thể dẫn đến các triệu chứng như thay đổi thị lực hoặc đau đầu. (Xem Dấu hiệu và Triệu chứng của Khối u Tuyến yên.)

U tuyến yên có kích thước nhỏ (Microadenoma) và kích thước lớn (macroadenoma)

U tuyến yên có thể được chia thành 2 loại dựa trên kích thước:

  • Microadenomas là những khối u có kích thước nhỏ hơn 1 cm. Do đó, hiếm khi gây tổn thương phần còn lại của tuyến yên hoặc các mô lân cận. Nhưng có thể gây ra các triệu chứng nếu chúng tạo ra quá nhiều hormone. Một số người có các u tuyến nhỏ nhưng không phát hiện được vì chúng không phát triển đủ lớn hoặc tạo ra đủ hormone để gây triệu chứng trên lâm sàng.
  • Macroadenomas là những khối u có chiều ngang 1 cm hoặc lớn hơn. Những khối u này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn theo 2 cách. Thứ nhất, chúng có thể gây ra các triệu chứng nếu tạo ra quá nhiều một loại hormone nhất định. Thứ hai, chúng có thể gây ra các triệu chứng bằng cách chèn ép các phần bình thường của tuyến yên hoặc các dây thần kinh lân cận, chẳng hạn như dây thần kinh thị giác.

U tuyến chức năng và u tuyến yên không chức năng

Các u tuyến yên cũng được phân loại theo khả năng tạo hormone của chúng cũng như loại hormone được tạo ra. Nếu khối u tuyến yên tạo ra quá nhiều hormone thì được gọi là u tuyến yên chức năng. Ngược lại sẽ được gọi là u tuyến yên không chức năng.

U tuyến yên chức năng: Hầu hết các u tuyến yên được tìm thấy đều sản xuất quá mức nội tiết tố. Các nội tiết tố này có thể được phát hiện bằng xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm khối u khi nó được loại bỏ bằng phẫu thuật. Dựa trên những kết quả này, u tuyến yên được phân loại thành:

  • U tuyến lactotroph tạo ra prolactin và chiếm khoảng 4/10 số u tuyến yên.
  • U tuyến Somatotroph tạo ra các hormone tăng trưởng, chiếm khoảng 2/10 số u tuyến yên.
  • U tuyến Corticotroph tạo ra ACTH và chiếm khoảng 1/10 số u tuyến yên.
  • Các u tuyến sinh dục tạo ra LH và FSH và rất hiếm.
  • U tuyến thyrotroph tạo TSH và rất hiếm gặp.
  • U tuyến plurihormonal tạo ra nhiều hơn một loại hormone.
  • Các u tuyến tế bào rỗng không tạo ra hormone. (Đây là những u tuyến không chức năng.)

Loại hormone mà một u tuyến tạo ra ảnh hưởng đến những dấu hiệu và triệu chứng mà nó gây ra. Bên cạnh đó, còn ảnh hưởng đến các xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán, lựa chọn phương pháp điều trị và triển vọng của bệnh nhân.

U tuyến yên không chức năng: là các u tuyến yên không tạo ra hormone dư thừa hoặc u tuyến yên tế bào rỗng. Chúng chiếm khoảng 3/10 số u tuyến yên được tìm thấy, thường có dạng macroadenomas, gây ra triệu chứng do chèn ép các cấu trúc lân cận.

Ung thư biểu mô tuyến yên
Ung thư tuyến yên rất hiếm gặp. Trong tạp chí y khoa thống kê chỉ mới phát hiện vài trăm người mắc phải. Ung thư tuyến yên có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phần lớn gặp ở người lớn tuổi. Loại ung thư này thường tạo ra hormone, giống như nhiều loại u tuyến yên khác.

Ung thư tuyến yên có đặc điểm vi thể giống với u tuyến yên lành tính dưới kính hiển vi, vì vậy các bác sĩ gặp khó khăn trong việc phân biệt chúng. Trên thực tế, cách duy nhất để biết khối u tuyến yên có phải là ung thư biểu mô hay không là đánh giá tình trạng di căn của chúng. Thông thường, ung thư biểu mô tuyến yên di căn đến não, tủy sống, màng não (bao phủ não và tủy sống), hoặc xương xung quanh tuyến yên. Hiếm trường hợp di căn xa như gan, tim hoặc phổi.

Một trong những vấn đề quan trọng đó là hiện không có cách nào để nhận biết khả năng hóa ác của u tuyến yên lành tính.

Các khối u khác của vùng tuyến yên

Có một số loại khối u lành tính khác phát triển trong khu vực của tuyến yên, cũng như một số khối u ác tính (ung thư). Tất cả đều ít phổ biến hơn nhiều so với u tuyến yên lành tính.

U quái, u mầm và ung thư đường mật đều là những khối u hiếm gặp, thường xảy ra ở trẻ em hoặc thanh niên. Chúng không phát triển từ các tế bào sản xuất hormone của chính tuyến yên, nhưng chúng có thể phát triển vào tuyến yên và làm tổn thương tuyến yên.

U nang khe và u tế bào hạch của tuyến yên là những khối u hiếm gặp thường được tìm thấy ở người lớn.

U sọ hầu là những khối u phát triển chậm, bắt đầu ở trên tuyến yên nhưng ở dưới chính não. Đôi khi chúng tác động lên tuyến yên và vùng dưới đồi, gây ra các vấn đề về hormone. Phổ biến hơn ở trẻ em, nhưng vẫn có thể gặp ở người lớn tuổi. Để biết thêm về các khối u này, hãy xem Các khối u não và tủy sống ở trẻ em.

Bệnh ung thư bắt đầu ở một số bộ phận khác của cơ thể (như vú) đôi khi có thể lan đến tuyến yên. Những bệnh ung thư này được phân loại và điều trị dựa trên nơi chúng bắt đầu (vị trí chính của chúng) và không được coi là khối u tuyến yên.

Phần còn lại của thông tin chủ yếu tập trung vào các khối u tuyến yên lành tính (u tuyến yên).

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...