Danh mục

Những xét nghiệm cần thiết trong ung thư mắt

Những xét nghiệm cần thiết trong ung thư mắt

Khám mắt

Đây được xem là bước đầu tiên quan trọng nhất trong chẩn đoán u ác tính ở mắt, thường được thực hiện bởi các bác sĩ nhãn khoa (bác sĩ y khoa chuyên về các bệnh ở mắt). Bác sĩ sẽ hỏi bạn có đang có bất kỳ triệu chứng nào không, sau đó tiến hành kiểm tra thị lực cũng như các chuyển động của mắt. Ngoài ra, bác sĩ thường sẽ kiểm tra xem có bất kỳ mạch máu tăng sinh nào bên ngoài mắt hay không, vì đây có thể là một dấu hiệu nghi ngờ có khối u bên trong mắt.

Ngoài ra, bác sĩ có thể cho bạn sử dụng một loại thuốc nhỏ mắt giúp làm giãn đồng tử, sau đó dùng các dụng cụ chuyên biệt để quan sát bên trong mắt tìm khối u hoặc các bất thường khác nếu có.

Kính soi đáy mắt trực tiếp là một dụng cụ cầm tay bao gồm một đèn chiếu và một thấu kính phóng đại nhỏ. Bên cạnh đó, để có cái nhìn chi tiết hơn, bác sĩ có thể sử dụng các loại dụng cụ khác, chẳng hạn như kính soi đáy mắt gián tiếp hoặc đèn soi khe. Cả hai thiết bị này đều có khả năng phóng đại giúp bác sĩ dễ dàng quan sát, tuy nhiên đèn soi khe có độ phóng đại lớn hơn cũng như được giữ cố định trên bệ đặt trước mặt bạn. Còn đối với kính soi đáy mắt gián tiếp, bác sĩ sẽ cho bạn ngả người một chút, mở mắt, đặt vật kính gần mắt, chiếu ánh sáng và quan sát.

Thấu kính nội soi là một loại thấu kính đặc biệt được đặt trên giác mạc đã được gây tê nhằm tìm kiếm khối u đang phát triển ở những khu vực khó quan sát.

Nếu phát hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào ở mắt, hãy đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể, ngay cả khi bạn đã từng khám mắt trước đó. Có thể lần khám cuối cùng đã bỏ sót hoặc khối u phát triển quá nhanh, do đó lần đó bác sĩ vẫn chưa tìm thấy.

Nếu kết quả khám mắt cho thấy bạn có nguy cơ bị ung thư mắt thì cần thực hiện thêm 1 số xét nghiệm khác như xét nghiệm hình ảnh hoặc một số thủ thuật để có thể xác định chẩn đoán.

Xét nghiệm hình ảnh

Được thực hiện bằng cách sử dụng sóng âm, tia X, từ trường hoặc bức xạ để ghi lại hình ảnh bên trong cơ thể. Một số mục đích của việc thực hiện các xét nghiệm hình ảnh như:

  • Phát hiện các khu vực bất thường, nghi ngờ ung thư.
  • Xác định giai đoạn ung thư.
  • Kiểm tra hiệu quả điều trị.
  • Tìm kiếm các dấu hiệu ung thư tái phát.

Siêu âm

Siêu âm là một trong những xét nghiệm phổ biến được dùng trong chẩn đoán u ác tính ở mắt. Siêu âm sử dụng sóng âm để tái tạo hình ảnh các cơ quan hoặc khối u bên trong cơ thể. Khi thực hiện xét nghiệm này, chuyên viên sẽ đặt một đầu dò hình chiếc đũa lên mí mắt hoặc nhãn cầu, sóng âm được truyền qua mắt và phản hồi âm sẽ được thu nhận khi chúng tiếp xúc với các cơ quan sau đó chuyển thành hình ảnh trên máy tính.

Xét nghiệm này rất hữu ích trong chẩn đoán các khối u mắt ác tính vì chúng mang hình ảnh đặc trưng trên siêu âm. Do đó siêu âm thường được dùng trong hầu hết các trường hợp. Ngoài ra, qua siêu âm, bác sĩ cũng có thể xác định được vị trí và kích thước khối u. Trường hợp đã chẩn đoán ung thư mắt, các bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện thêm siêu âm vùng bụng để kiểm tra tình trạng di căn của khối u (thường gặp nhất là gan).

Siêu âm sinh học (Ultrasound biomicroscopy - UBM): Đây là một loại siêu âm đặc biệt, sử dụng sóng âm năng lượng cao để tạo ra hình ảnh chi tiết của các cấu trúc phía trước của mắt.

Chụp cắt lớp võng mạc (Optical coherence tomography - OCT)

Xét nghiệm này tương tự siêu âm nhưng thay vì sử dụng sóng âm, chụp OCT sử dụng ánh sáng để tạo ra hình ảnh các cấu trúc phía sau của mắt.

Chụp mạch huỳnh quang (Fluorescein angiography - FA)

Xét nghiệm này được thực hiện bằng cách tiêm một lượng chất huỳnh quang màu cam (cụ thể là fluorescein) qua tĩnh mạch cách tay. Sau đó, chuyên viên sẽ sử dụng một loại ánh sáng đặc biệt giúp thuốc phát sáng và tiến hành chụp lại hình ảnh các cấu trúc phía sau của mắt. Phương pháp này cho phép bác sĩ quan sát các mạch máu bên trong mắt. Tuy nhiên, kỹ thuật này không hữu ích trong việc tìm kiếm các khối u ác tính nhưng ngược lại có thể giúp phát hiện một số vấn đề bất thường khác ở mắt.

Chụp Xquang ngực

Xquang ngực được thực hiện trong trường hợp đã được chẩn đoán ung thư mắt nhằm tìm xem liệu khối u có di căn đến các cơ quan khác hay không, chẳng hạn như phổi.

Chụp cắt lớp vi tính (Chụp CT)

Chụp CT được thực hiện bằng cách kết hợp nhiều tia X để tạo ra hình ảnh mặt cắt của các cấu trúc trong cơ thể. Chụp CT thường được dùng để kiểm tra xem liệu ung thư phát triển đã lan ra bên ngoài mắt hay chưa, chẳng hạn như gan.

Chụp cộng hưởng từ (Chụp MRI)

Chụp MRI thường được dùng trong phát hiện khối u ở mắt cũng như tình trạng di căn của chúng, bằng cách sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để ghi lại hình ảnh mô mềm trong cơ thể.

Sinh thiết

Đối với hầu hết các loại ung thư, chẩn đoán chỉ được xác định khi đã có kết quả sinh thiết, một mẫu mô nhỏ được lấy từ khối u và quan sát dưới kính hiển vi để tìm tế bào ung thư.

Đối với ung thư mắt, sinh thiết gần như không cần đến vì trong các trường hợp, dựa trên khám mắt và kết quả các xét nghiệm hình ảnh đã đủ để bác sĩ chẩn đoán xác định. Tuy nhiên, sinh thiết có thể được dùng trong kiểm tra một số đột biến gen, từ đó tiên lượng cũng như hỗ trợ trong việc lựa chọn thuốc nhắm mục tiêu phù hợp. Ngoài ra, một khối u ác tính ở mắt có thể lây lan trong nhiều năm trước khi được chẩn đoán, do đó sinh thiết sớm khu vực nghi ngờ có thể hữu ích.

Trong sinh thiết, bạn sẽ được gây tê cục bộ hoặc toàn thân và sử dụng thuốc an thần trước khi thực hiện. Việc lựa chọn loại sinh thiết phù hợp sẽ tùy thuộc vào vị trí khối u, bao gồm các loại như:

  • Chọc hút bằng kim nhỏ FNA: Kỹ thuật này sử dụng một cây kim mỏng để hút một mẫu thủy dịch (chất lỏng giữa giác mạc và thủy tinh thể).
  • Sinh thiết cắt rạch hoặc cắt bỏ (cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ khối u).
  • Chọc hút kim nhỏ: Kỹ thuật này sử dụng một cây kim nhỏ để lấy mẫu mô từ khối u, sau đó tiến hành kiểm tra trong phòng thí nghiệm.

Các kỹ thuật mới hơn sẽ giúp hạn chế được tình trạng tế bào u lây lan theo đường kim trong quá trình sinh thiết.

Hầu hết các trường hợp ung thư mắt đều được điều trị ngay mà không cần làm sinh thiết. Do đó bác sĩ sẽ đề nghị sinh thiết tùy vào tình trạng của bạn. Họ sẽ trao đổi với bạn về lợi ích cũng như rủi ro của phương pháp điều trị họ đề nghị. Một số bác sĩ khác có thể yêu cầu sinh thiết nhằm xét nghiệm gen (xét nghiệm quyết định Dx-UM) để kiểm tra tính chất ác tính của khối u, từ đó tiên lượng khả năng di căn của chúng. Dựa trên xét nghiệm này, hơn một nửa trường hợp u ác tính ở mắt được chứng minh là khối u loại 1 (1A hoặc 1B), tức là có nguy cơ lây lan thấp. Nửa còn lại thuộc loại 2, tức là có nguy cơ lây lan rất cao. Xem thêm " Những phát hiện mới trong nghiên cứu ung thư mắt" để biết thêm chi tiết.

Sinh thiết lỏng

Đây là một loại sinh thiết mới, đang được xem xét sử dụng thường xuyên hơn trong chẩn đoán. Thay vì phải cắt hoặc đâm kim vào mắt để lấy mẫu mô thì tế bào khối u ác tính có thể được thu thập từ mẫu máu, sau đó đem đi kiểm tra tính chất, bao gồm những biến đổi gen hỗ trợ trong việc tiên lượng nguy cơ di căn và tái phát sau điều trị. Sinh thiết lỏng có thể giúp chẩn đoán tình trạng di căn sớm hơn cũng như giúp bác sĩ kiểm tra hiệu quả điều trị. Do vậy, phương pháp này rất phù hợp đối với những người không muốn làm sinh thiết khối u và muốn bảo tồn thị lực. Tuy nhiên, thiết bị thực hiện sinh thiết lỏng không có sẵn, do đó xét nghiệm này không được sử dụng thường xuyên, chủ yếu được thực hiện như một phần của thử nghiệm lâm sàng.

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu không được dùng trong chẩn đoán ung thư mắt, tuy nhiên cũng được thực hiện như một bước trong quá trình chẩn đoán.

Xét nghiệm chức năng gan

Trường hợp đã chẩn đoán ung thư mắt, các bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng gan. Nếu kết quả xét nghiệm bất thường đôi khi có thể là dấu hiệu cho thấy ung thư đã di căn đến gan.

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...