Danh mục

Các giai đoạn ung thư mắt

Các giai đoạn ung thư mắt

Một người sau khi được chẩn đoán ung thư mắt, các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra tình trạng di căn của khối u và nếu có thì đã lan rộng bao xa. Quá trình này được gọi là phân giai đoạn. Giai đoạn ung thư cho biết tình trạng phát triển của khối u bên trong cơ thể, giúp xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng như góp phần hỗ trợ bác sĩ tìm ra cách điều trị phù hợp nhất. Các bác sĩ cũng sử dụng giai đoạn của bệnh ung thư để nói về số liệu thống kê khả năng sống sót.

Giai đoạn ung thư được xác định như thế nào?

Việc phân loại giai đoạn ung thư sẽ phụ thuộc vào kết quả khám mắt, xét nghiệm hình ảnh (siêu âm, chụp CT hoặc chụp MRI,...) và các xét nghiệm khác. (Xem thêm "Các xét nghiệm trong chẩn đoán ung thư mắt)

Hệ thống phân loại được xem là một tiêu chuẩn để các bác sĩ xác định được mức độ di căn của bệnh. Các hệ thống phổ biến nhất được sử dụng để mô tả các giai đoạn ung thư mắt đó là hệ thống TNM của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (AJCC) và hệ thống của nhóm Nghiên cứu ung thư mắt (COMS).

Hệ thống TNM phân loại giai đoạn ung thư mắt theo AJCC

Hầu hết trường hợp ung thư mắt đều bắt đầu phát triển ở màng bồ đào, bao gồm mống mắt, thể mi và màng mạch. (Xem thêm trong " Ung thư mắt") Hệ thống dưới đây được sử dụng chung cho các loại khối u ác tính ở màng bồ đào.

Một số trường hợp khác, ung thư có thể bắt đầu ở các cấu trúc khác trong hoặc quanh mắt, một vài khối u có thể có hệ thống phân loại riêng (chẳng hạn như u kết mạc ác tính). Do đó bạn nên trao đổi với bác sĩ đề biết thêm thông tin về giai đoạn bệnh của mình.

Hệ thống được mô tả dưới đây là hệ thống AJCC mới nhất, có hiệu lực từ tháng 1/2018.

Hệ thống TNM được tạo thành từ 3 yếu tố:

  • Mức độ (kích thước) của khối u (T): Kích thước khối u? U đã lan đến các cấu trúc lân cận chưa? 
  • Di căn hạch (N): Ung thư có di căn đến các hạch bạch huyết lân cận (quanh tai hoặc quanh cổ) không? Ung thư có di căn đến các cấu trúc khác của mắt không?
  • Di căn đến các vị trí xa (M): Ung thư đã xâm lấn đến các cơ quan khác trong cơ thể chưa? (Vị trí phổ biến nhất thường là gan).

Con số hoặc các chữ cái đứng sau T, N và M cung cấp thêm thông tin chi tiết về từng yếu tố này. Con số càng cao nghĩa là bệnh càng trở nặng (ung thư tiến triển)

Phân loại T đối với u mống mắt khác với phân loại T trong u cơ thể mi và u màng mạch. Tuy nhiên, phân loại N và M lại giống nhau ở cả 3 trường hợp.

Phân loại T trong u mống mắt ác tính

TX: Không đánh giá được khối u nguyên phát, thông tin không được biết.

T0: Không có bằng chứng về khối u nguyên phát.

T1: Khối u chỉ phát triển khu trú ở mống mắt.

  • T1a: Khối u chiếm không quá 1/4 mống mắt.
  • T1b: Khối u chiếm hơn 1/4 mống mắt.
  • T1c: Khối u chỉ khu trú trong mống mắt, có hiện tượng tăng nhãn áp.

T2: Khối u xâm lấn cơ thể mi hoặc màng mạch (hoặc cả hai).

  • T2a: Khối u xâm lấn cơ thể mi.
  • T2b: Khối u xâm lấn cơ thể mi và màng mạch.
  • T2c: Khối u xâm lấn cơ thể mi, màng mạch hoặc cả 2 và có hiện tượng tăng nhãn áp. 

T3: Khối u xâm lấn cơ thể mi hoặc màng mạch và củng mạc.

T4: Khối u phát triển rộng ra ngoài nhãn cầu.

  • T4a: Khối u nằm ngoài nhãn cầu, có kích thước không quá 5mm.
  • T4b: Khối u nằm ngoài nhãn cầu, có kích thước lớn hơn 5mm.

Phân loại T trong u cơ thể mi và u màng mạch

Đối với 2 loại u này, phân loại T được chia làm 4 loại nhỏ (T1-T4) dựa trên đường kính (chiều rộng) và độ dày khối u. T1: khối u nhỏ nhất; T4: khối u lớn nhất. Hai phân loại này sẽ được chia nhỏ hơn, dựa trên mức độ phát triển của khối u.

TX: Không đánh giá được khối u nguyên phát, thông tin không được biết.

T0: Không có bằng chứng về khối u nguyên phát.

T1:

  • T1a: Khối u kích thước T1 không xâm lấn cơ thể mi hoặc các cấu trúc ngoài nhãn cầu.
  • T1b: Khôi u kích thước T1 xâm lấn cơ thể mi.
  • T1c: Khối u kích thước T1 không xâm lấn cơ thể mi nhưng lan đến các cấu trúc bên ngoài nhãn cầu. Phần khối u ngoài nhãn cầu có đường kính không quá 5mm.
  • T1d: Khối u kích thước T1 xâm lấn cơ thể mi và các cấu trúc bên ngoài nhãn cầu. Phần khối u nằm ngoài nhãn cầu có đường kính không quá 5mm.

T2:

  • T2a: Khối u kích thước T2 không xâm lấn cơ thể mi hoặc các cấu trúc ngoài nhãn cầu.
  • T2b: Khối u kích thước T2 phát triển lớn dần, xâm lấn cơ thể mi.
  • T2c: Khối u kích thước T2 không xâm lấn cơ thể mi nhưng lan đến các cấu trúc bên ngoài nhãn cầu. Phần khối u ngoài nhãn cầu có đường kính không quá 5mm.
  • T2d: Khối u kích thước T2 xâm lấn cơ thể mi và các cấu trúc bên ngoài nhãn cầu. Phần khối u nằm ngoài nhãn cầu có đường kính không quá 5mm.

 T3:

  • T3a: Khối u kích thước T3 không xâm lấn cơ thể mi hoặc các cấu trúc ngoài nhãn cầu.
  • T3b: Khối u kích thước T3 phát triển lớn dần, xâm lấn cơ thể mi.
  • T3c: Khối u kích thước T3 không xâm lấn cơ thể mi nhưng lan đến các cấu trúc bên ngoài nhãn cầu. Phần khối u ngoài nhãn cầu có đường kính không quá 5mm.
  • T3d: Khối u kích thước T3 xâm lấn cơ thể mi và các cấu trúc bên ngoài nhãn cầu. Phần khối u nằm ngoài nhãn cầu có đường kính không quá 5mm.

T4:

  • T4a: Khối u kích thước T4 không xâm lấn cơ thể mi hoặc các cấu trúc ngoài nhãn cầu.
  • T4b: Khối u kích thước T4 phát triển lớn dần, xâm lấn cơ thể mi.
  • T4c: Khối u kích thước T4 không xâm lấn cơ thể mi nhưng lan đến các cấu trúc bên ngoài nhãn cầu. Phần khối u ngoài nhãn cầu có đường kính không quá 5mm.
  • T4d: Khối u kích thước T4 xâm lấn cơ thể mi và các cấu trúc bên ngoài nhãn cầu. Phần khối u nằm ngoài nhãn cầu có đường kính không quá 5mm.
  • T4e: Bất kỳ kích thước khối u. Khối u phát triển rộng ra ngoài nhãn cầu, phần khối u nằm ngoài nhãn cầu có kích thước lớn hơn 5mm.

Phân loại N trong u mống mắt, u cơ thể mi và u màng mạch

NX: Không đánh giá được các hạch bạch huyết.

N0: Ung thư chưa di căn đến các hạch lân cận.

N1: Ung thư đã di căn đến các hạch lân cận, hoặc lan rộng đến các cấu trúc khác của mắt.

  • N1a: Ung thư đã di căn đến các hạch lân cận.
  • N1b: Ung thư chưa di căn đến các hạch lân cận nhưng đã phát triển ra ngoài mắt, cụ thể là các cấu trúc khác của mắt.

Phân loại M trong u mống mắt, u cơ thể mi và u màng mạch

M1: Ung thư đã di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể.

  • M1a: Diện tích lây lan không quá 3cm.
  • M1b: Diện tích lây lan từ 3.1cm - 8cm.
  • M1c: Diện tích lây lan từ  8.1cm.

Phân loại giai đoạn

Sau khi đã xác định các thành phần T, N, M, bác sĩ sẽ tổng hợp lại để đưa ra một giai đoạn cụ thể. Các giai đoạn được mô tả bằng chữ số La Mã từ I (thấp nhất) đến IV (cao nhất). Các giai đoạn nhỏ hơn sẽ được phân theo chữ cái.

Giai đoạn I

T1a, N0, M0

Giai đoạn IIA

T1b đến T1d, N0, M0
Hoặc
T2a, N0, M0

Giai đoạn IIB

T2b hoặc T3a, N0, M0

Giai đoạn IIIA

T2c hoặc T2d, N0, M0
Hoặc
T3b hoặc T3c, N0, M0
Hoặc
T4a, N0, M0

Giai đoạn IIIB

T3d, N0, M0
Hoặc
T4b hoặc T4c, N0, M0

Giai đoạn IIIC

T4d hoặc T4e, N0, M0

Giai đoạn IV

Bất kỳ T, N1, M0
Hoặc
Bất kỳ T, bất kỳ N, M1

Hệ thống phân loại này của ung thư màng bồ đào rất phức tạp. Nếu bạn muốn tìm hiểu chi tiết, hãy yêu cầu bác sĩ giải thích thêm.

Hệ thống phân loại của nhóm nghiên cứu về ung thư mắt (COMS)

Hệ thống TNM rất chi tiết, nhưng trên thực tế, các bác sĩ có thể sử dụng phân loại đơn giản hơn của nhóm nghiên cứu COMS, nhóm đã đạt nhiều thành tích trong các nghiên cứu lâm sàng về cách điều trị u ác tính nội nhãn. Hệ thống này được chia theo kích thước khối u, gồm 3 loại nhỏ, trung bình và lớn:

  • Nhỏ: Chiều cao từ 1mm - 3mm, chiều ngang từ 5mm - 16mm.
  • Trung bình: Chiều cao từ 3.1mm - 8mm, chiều ngang không quá 16mm.
  • Lớn: Chiều cao lớn hơn 8mm hoặc chiều ngang lớn hơn 16mm.
Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...