Ung thư tuyến giáp có thể được phát hiện dựa vào các triệu chứng của bệnh nhân, khám sức khỏe định kỳ hoặc các xét nghiệm khác. Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị ung thư tuyến giáp họ có thể cho bạn thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm để chẩn đoán bệnh. Nếu ung thư được phát hiện, các xét nghiệm khác sẽ được thực hiện để tìm hiểu thêm về tình trạng bệnh của bạn.
Tiền sử bệnh và khám sức khỏe
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào liên quan đến ung thư tuyến giáp, bác sĩ sẽ muốn biết rõ về tiền sử bệnh của bạn. Họ sẽ hỏi về các yếu tố nguy cơ có thể xảy ra, các triệu chứng và bất kỳ vấn đề sức khỏe hoặc mối quan tâm nào khác. Nếu ai đó trong gia đình bạn đã từng bị ung thư tuyến giáp (đặc biệt là ung thư tuyến giáp thể tủy) hoặc các khối u nội tiết được gọi là pheochromocytomas, bạn nên thông báo với bác sĩ ngay lập tức, vì bạn đang có nguy cơ rất cao mắc căn bệnh này.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ khám cho bạn để tìm những dấu hiệu bất thường (có thể xảy ra) của ung thư tuyến giáp và các vấn đề sức khỏe khác. Trong quá trình kiểm tra, bác sĩ sẽ đặc biệt chú ý đến kích thước và độ chắc của tuyến giáp hoặc bất kỳ hạch bạch huyết nào phình to ở cổ của bạn.
Xét nghiệm hình ảnh
Các xét nghiệm hình ảnh có thể được thực hiện vì một số lý do:
- Tìm ra các khu vực đáng ngờ có thể là ung thư.
- Phát hiện ung thư đã di căn xa hay chưa.
- Xác định điều trị có hiệu quả hay không.
Những trường hợp có thể bị bệnh hoặc đang bị ung thư tuyến giáp sẽ được thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm này.
Siêu âm
Siêu âm là một phương pháp sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của các bộ phận trong cơ thể bạn. Bạn không bị nhiễm phóng xạ trong quá trình kiểm tra này.
Xét nghiệm này có thể giúp xác định xem nhân tuyến giáp là rắn hay chứa đầy dịch. (Các nốt rắn có nhiều khả năng là ung thư.) Ngoài ra siêu âm có thể được sử dụng để kiểm tra số lượng và kích thước của các nhân giáp cũng như giúp xác định xem có bất kỳ hạch bạch huyết nào gần đó bị phình to hoặc sưng lên do ung thư tuyến giáp đã di căn hay không.
Đối với các nhân giáp quá nhỏ, không thể sờ thấy, xét nghiệm này có thể được sử dụng để hướng kim sinh thiết vào nhân để lấy mẫu. Ngay cả khi một nhân giáp đủ lớn, có thể sờ thấy, thì hầu hết các bác sĩ vẫn ưu chuộng sử dụng phương pháp này.
Xạ hình
Xạ hình có thể giúp xác định xem ai đó có thể bị ung thư tuyến giáp hay không (khối u ở cổ). Phương pháp kiểm tra này cũng thường được sử dụng ở những bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hóa (thể nhú, dạng nang hoặc tế bào Hürthle) để giúp xác định xem chúng có di căn hay không. Bởi vì các tế bào ung thư tuyến giáp thể tủy không hấp thụ i-ốt, nên xạ hình không được sử dụng cho bệnh ung thư này.
Để thực hiện xét nghiệm này, bệnh nhân sẽ được uống một lượng nhỏ iốt phóng xạ (được gọi là I-131), thường ở dạng viên nang hoặc tiêm vào tĩnh mạch. Sau vài giờ, tuyến giáp sẽ hấp thụ i-ốt (hoặc các tế bào tuyến giáp ở bất kỳ nơi nào trong cơ thể). Một máy ảnh đặc biệt được sử dụng để xem độ phóng xạ ở đâu.
Đối với bức xạ đồ tuyến giáp (Thyroid scan), một chiếc máy ảnh đặt biệt đặt trước cổ của bạn để đo lượng bức xạ trong tuyến. Các khu vực bất thường của tuyến giáp có ít phóng xạ hơn các mô xung quanh được gọi là các nhân lạnh và các khu vực thu nhận nhiều bức xạ hơn được gọi là các nhân nóng. Thông thường các nhân nóng không phải là ung thư, nhưng các nhân lạnh có thể u lành tính hoặc ung thư (u ác tính), do đó xét nghiệm này không thể chẩn đoán chính xác ung thư tuyến giáp.
Sau khi phẫu thuật ung thư tuyến giáp, xạ hình toàn thân là phương pháp rất hữu ích để tìm khả năng ung thư có lây lan khắp cơ thể hay không. Thậm chí phẫu thuật này sẽ chính xác hơn nếu toàn bộ tuyến giáp đã được phẫu thuật cắt bỏ, bởi vì nhiều tế bào ung thư tuyến giáp còn sót lại sẽ tiếp nhận nhiều iốt phóng xạ hơn.
Xạ hình có hiệu quả tốt nhất nếu bệnh nhân có nồng độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH, hoặc Thyrotropin) trong máu cao. Đối với những trường hợp đã cắt bỏ tuyến giáp, nồng độ TSH có thể tăng lên bằng cách ngừng uống thuốc thay thế hormone tuyến giáp vài tuần trước khi xét nghiệm. Điều này dẫn đến nồng độ hormone tuyến giáp thấp (suy giáp) và khiến tuyến yên tiết ra nhiều TSH hơn, do đó kích thích bất kỳ tế bào ung thư tuyến giáp nào sử dụng iốt phóng xạ. Tuy nhiên phương pháp này có thể gây ra một số tác dụng phụ như mệt mỏi, trầm cảm, tăng cân, buồn ngủ, táo bón, đau cơ và giảm khả năng tập trung. Vì thế để tránh được những tình trạng nêu trên là tiêm Thyrotropin (Thyrogen) trước khi chụp để nâng cao mức TSH mà không giữ lại hormone tuyến giáp.
Bất kỳ iốt nào có trong cơ thể đều có thể ảnh hưởng đến xét nghiệm này, vì thế mọi người thường được yêu cầu tránh thực phẩm hoặc thuốc có chứa iốt trong vài ngày trước khi chụp.
Iốt phóng xạ cũng có thể được sử dụng để điều trị ung thư tuyến giáp thể biệt hóa, nhưng chúng được dùng với liều lượng cao hơn. Loại điều trị này được mô tả trong liệu pháp iốt phóng xạ (Radioiodine).
X quang ngực
Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến giáp (đặc biệt là ung thư tuyến giáp dạng nang), bạn có thể chụp X-quang ngực để xem liệu ung thư có di căn đến phổi hay không.
Chụp cắt lớp vi tính (CT)
Chụp CT sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh mặt cắt ngang chi tiết của cơ thể. Phương pháp này có thể giúp xác định vị trí và kích thước của ung thư tuyến giáp và liệu chúng có xâm lấn sang các khu vực lân cận hay không, mặc dù siêu âm thường được bác sĩ sử dụng phổ biến hơn. Ngoài ra, chụp CT cũng có thể được sử dụng để tìm kiếm sự lây lan vào các cơ quan ở xa như phổi.
Tuy nhiên, khi chụp CT, bệnh nhân có thể được sử dụng thuốc cản quang có chứa i-ốt, chất này cản trở quá trình quét tia phóng xạ. Vì lý do này, nhiều bác sĩ sẽ lựa chọn chụp MRI cho ung thư tuyến giáp thể biệt hóa.
Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Chụp MRI sử dụng từ trường mạnh thay vì tia xạ để tạo ra hình ảnh mặt cắt ngang chi tiết của cơ thể. MRI có thể được sử dụng để chẩn đoán ung thư tuyến giáp, hoặc ung thư đã di căn đến các bộ phận lân cận hoặc xa của cơ thể. Nhưng siêu âm vẫn là lựa chọn đầu tiên để kiểm tra tuyến giáp. Chụp MRI có thể cung cấp hình ảnh rất chi tiết của các mô mềm như tuyến giáp và cũng rất hữu ích trong việc kiểm tra não và tủy sống.
Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET)
Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET) có thể rất hữu ích trong việc kiểm tra ung thư tuyến giáp đã di căn hay chưa.
Sinh thiết
Chẩn đoán ung thư tuyến giáp bác sĩ thường thực hiện sinh thiết, trong đó các tế bào từ khu vực nghi ngờ được loại bỏ và kiểm tra trong phòng thí nghiệm.
Nếu bác sĩ yêu cầu bạn thực hiện sinh thiết bằng kim (FNA), thì đây được xem là cách đơn giản nhất để kiểm tra xem một khối u hoặc nốt tuyến giáp có phải là ung thư hay không. Đôi khi loại sinh thiết này có thể được thực hiện tại phòng khám bác sĩ.
Trước khi sinh thiết, bác sĩ có thể tiêm thuốc tê (gây tê cục bộ) vào da trên nhân giáp, nhưng trong hầu hết các trường hợp, không cần gây tê. Bác sĩ sẽ đặt một cây kim mỏng, rỗng trực tiếp vào nhân giáp để lấy ra một số tế bào và hút một ít dịch vào một ống tiêm. Bác sĩ sẽ thực hiện thao tác này từ 2 hoặc 3 lần nữa, để lấy mẫu một số khu vực của nhân tuyến. Các mẫu sinh thiết sau đó sẽ được chuyển đến phòng thí nghiệm, và được kiểm tra để xem các tế bào có dạng ung thư lành tính hay ác tính.
Rất hiếm khi vị trí sinh thiết bị chảy máu, ngoại trừ ở những trường hợp bị rối loạn chảy máu. Vì thế hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn bị chảy máu hoặc đang dùng các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến chảy máu, chẳng hạn như Aspirin hoặc thuốc làm loãng máu.
Sinh thiết thường được thực hiện trên tất cả các nhân giáp lớn (có thể sờ thấy được). Điều này có nghĩa là chúng có chiều ngang lớn hơn khoảng 1 cm (khoảng 1/2 inch). Ngoài ra, sinh thiết dưới hướng dẫn siêu âm cũng được các bác sĩ sử dụng phổ biến, vì họ có thể lấy mẫu từ đúng vị trí nghi ngờ. Đặc biệt phương pháp này rất hữu ích đối với các nhân giáp nhỏ hơn. Sinh thiết bằng kim (FNA) cũng có thể được sử dụng để lấy mẫu các hạch bạch huyết bị sưng ở cổ để xem chúng có chứa ung thư hay không.
Đôi khi sinh thiết bằng kim (FNA) sẽ cần được thực hiện nhiều lần vì mẫu bệnh không chứa đủ tế bào. Hầu hết các sinh thiết bằng kim (FNA) cho thấy nhân giáp là lành tính. Hiếm khi, sinh thiết có thể trở lại là lành tính mặc dù đã được chẩn đoán ung thư. Ung thư tuyến giáp vẫn có thể được chẩn đoán chính xác bằng sinh thiết bằng kim (chỉ trong khoảng 1 trong số 20).
Đôi khi kết quả xét nghiệm đầu tiên của sinh thiết bằng kim cho thấy "đáng ngờ" hoặc "không xác định" liệu nhân giáp đó là lành tính hay ác tính, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm khác.
Nếu sau khi thực hiện sinh thiết bằng kim (FNA), kết quả vẫn còn nhiều nghi vấn, bác sĩ có thể cho bạn thực hiện những dạng sinh thiết khác để kiểm tra nhân giáp có phải ung thư hay không. Có thể bao gồm: Sinh thiết lõi, sinh thiết trong phẫu thuật để lấy mẫu nhân giáp hoặc cắt bỏ thùy (loại bỏ một nửa tuyến giáp). Đối với sinh thiết trong phẫu thuật và cắt bỏ thùy bạn sẽ được gây mê toàn thân. Ngoài ra, cắt bỏ tiểu thùy cũng có thể là phương pháp điều trị chính đối với một số dạng ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu, và phần còn lại của tuyến giáp cũng cần được loại bỏ (được gọi là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp).
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu không được sử dụng trong chẩn đoán ung thư tuyến giáp. Nhưng chúng có thể giúp bác sĩ nhận ra tuyến giáp của bạn có hoạt động bình thường hay không, điều này có thể giúp họ yêu cầu thực hiện những xét nghiệm khác có thể cần thiết. Xét nghiệm này cũng có thể được sử dụng để theo dõi một số bệnh ung thư.
Hormone kích thích tuyến giáp (TSH)
Xét nghiệm nồng độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH hoặc Thyrotropin) có thể được sử dụng để kiểm tra hoạt động tổng thể của tuyến giáp. Mức TSH, được tạo ra bởi tuyến yên, chúng có thể tăng cao nếu tuyến giáp không tạo đủ hormone. Dựa vào điều này bác sĩ có thể lựa chọn các xét nghiệm hình ảnh (chẳng hạn như siêu âm hoặc chụp xạ hình) để kiểm tra nhân giáp. Mức TSH thường ổn định trong ung thư tuyến giáp.
T3 và T4 (hormone tuyến giáp)
Đây là những hormone chính do tuyến giáp tạo ra. Mức độ của các hormone này cũng có thể được đo để biết được chức năng của tuyến giáp. Mức độ T3 và T4 thường ổn định trong ung thư tuyến giáp.
Thyroglobulin
Thyroglobulin là một loại protein do tuyến giáp tạo ra. Mặc dù đo nồng độ thyroglobulin trong máu không được sử dụng để chẩn đoán ung thư tuyến giáp, nhưng xét nghiệm này có thể hữu ích sau khi điều trị. Một cách phổ biến trong điều trị ung thư tuyến giáp là loại bỏ hầu hết tuyến giáp bằng phẫu thuật và sau đó sử dụng iốt phóng xạ để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư tuyến giáp nào còn sót lại. Những phương pháp điều trị này sẽ dẫn đến lượng Thyroglobulin trong máu rất thấp trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, nếu chúng không thấp, điều này có nghĩa là vẫn còn tế bào ung thư tuyến giáp trong cơ thể. Và nếu mức độ tăng trở lại sau khi ở mức thấp, đó là dấu hiệu cho thấy ung thư tái phát.
Calcitonin
Calcitonin là một loại hormone giúp kiểm soát cách cơ thể sử dụng canxi. Chúng được tạo ra bởi các tế bào C trong tuyến giáp, những tế bào có thể phát triển thành ung thư tuyến giáp thể tủy (MTC). Nếu nghi ngờ bạn mắc MTC hoặc nếu tiền sử gia đình bạn mắc bệnh, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu về nồng độ Calcitonin để chẩn đoán MTC. Xét nghiệm này cũng được sử dụng để tìm khả năng tái phát của MTC sau khi điều trị. Vì Calcitonin có thể ảnh hưởng đến nồng độ Canxi trong máu nên chúng cũng có thể được kiểm tra.
Kháng nguyên carcinoembryonic (CEA)
Những người bị ung thư tuyến giáp thể tủy (MTC) thường có nồng độ Protein trong máu cao gọi là kháng nguyên carcinoembryonic (CEA). Các xét nghiệm về CEA có thể giúp bác sĩ theo dõi bệnh ung thư này.
Các xét nghiệm máu khác
Bạn cũng có thể làm các xét nghiệm máu khác. Ví dụ: Nếu bạn được lên lịch phẫu thuật, các xét nghiệm sẽ được thực hiện để kiểm tra số lượng tế bào máu, tìm các rối loạn chảy máu, kiểm tra chức năng gan và thận của bạn.
Ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy (MTC) có thể do một hội chứng di truyền gây ra một khối u gọi là U tủy thượng thận (Pheochromocytomas). Căn bệnh này có thể gây ra vấn đề trong quá trình phẫu thuật nếu bệnh nhân được gây mê. Đây là lý do tại sao những bệnh nhân bị MTC (được phẫu thuật) thường được xét nghiệm để xem họ có bị U tủy thượng thận (Pheochromocytomas) hay không. Điều này có nghĩa là xét nghiệm máu để tìm Epinephrine (Adrenaline) và Norepinephrine hoặc xét nghiệm nước tiểu để tìm các sản phẩm phân hủy của chúng (được gọi là Netanephrines).
Kiểm tra thanh quản (nội soi thanh quản)
Đôi khi các khối u tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến dây thanh quản. Nếu bạn chuẩn bị phẫu thuật để điều trị ung thư tuyến giáp, một thủ thuật gọi là nội soi thanh quản có thể sẽ được thực hiện đầu tiên để kiểm tra liệu các dây thanh quản có di chuyển bình thường hay không. Đối với kiểm tra này, bác sĩ sẽ nhìn xuống cổ họng ở thanh quản bằng gương đặc biệt hoặc với ống soi thanh quản (một ống mỏng có đèn chiếu sáng và một ống kính ở cuối để quan sát).