Danh mục

Điều trị ung thư tuyến giáp, theo loại và giai đoạn

Để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp với bệnh nhân ung thư tuyến giáp, bác sĩ sẽ tùy thuộc vào loại và giai đoạn của bệnh cũng như sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Vì thế hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về kế hoạch điều trị mà họ đề nghị.

Ung thư tuyến giáp thể nhú và các biến thể của chúng

Hầu hết các ca bệnh ung thư tuyến giáp thể nhú đều được phát hiện sớm và điều trị bằng cách cắt bỏ tuyến giáp (phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp), lúc này khối u vẫn còn khá nhỏ và chưa lan ra ngoài tuyến giáp nên có thể cắt bỏ bên tuyến có chứa khối u (phẫu thuật cắt thùy). Nhưng nếu chúng đã xâm lấn vào các hạch bạch huyết gây sưng hoặc phình to, thì phẫu thuật cắt bỏ vẫn là lựa chọn tối ưu nhất của bác sĩ.

Ngoài ra, một số nghiên cứu gần đây đã khuyến nghị những trường hợp bị ung thư tuyến giáp thể vi nhú có thể chọn hướng điều trị theo dõi bằng siêu âm định kỳ, đây là một cách an toàn hơn là phẫu thuật ngay lập tức. 

Ngay cả khi các hạch bạch huyết không bị sưng hoặc không bị phình to, một số bác sĩ cũng khuyên bạn nên vét hạch trung tâm (nạo vét hạch cổ triệt căn hai bên) cùng với cắt bỏ tuyến giáp. Mặc dù loại hình phẫu thuật này chưa được minh chứng là giúp cải thiện khả năng sống sót của bệnh nhân, nhưng có thể làm giảm nguy cơ tái phát ung thư ở vùng cổ. Bởi vì việc loại bỏ hạch bạch huyết thông qua phẫu thuật có thể giúp kiểm tra ung thư, và xác định giai đoạn bệnh. Nếu ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết khác ở vùng cổ, phẫu thuật bóc tách cổ triệt để cải biên (loại bỏ các hạch bạch huyết ở cổ bị sưng hoặc phình to) thường được thực hiện.

Điều trị sau phẫu thuật phụ thuộc vào giai đoạn của ung thư:

- Điều trị bằng iốt phóng xạ (RAI) đôi khi được sử dụng sau khi cắt bỏ tuyến giáp ung thư giai đoạn đầu (T1 hoặc T2), nhưng tỷ lệ chữa khỏi vẫn là rất tốt (so với chỉ bằng phẫu thuật). Nếu ung thư tái phát, bệnh nhân vẫn có thể điều trị bằng iốt phóng xạ.

- Liệu pháp RAI thường được áp dụng cho các bệnh nhân ở giai đoạn tiến triển như khối u T3 hoặc T4, hay ung thư đã di căn đến các hạch bạch huyết hoặc di căn xa. Mục đích là tiêu diệt bất kỳ mô tuyến giáp nào còn sót lại trong cơ thể. Các khu vực lây lan rộng không đáp ứng với RAI có thể cần được điều trị bằng xạ trị ngoài, liệu pháp nhắm trúng đích hoặc hóa trị liệu.

Những trường hợp đã phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp sẽ cần uống thuốc hormone thay thế tuyến giáp (Levothyroxine) hàng ngày. Nếu điều trị RAI được lên kế hoạch, thì bệnh nhân sẽ được trì hoãn uống thuốc hormone thay thế tuyến giáp cho đến khi kết thúc điều trị RAI (thường khoảng 6 đến 12 tuần sau phẫu thuật).

Ung thư tái phát: Để điều trị ung thư tái phát (sau điều trị), bác sĩ sẽ phụ thuộc vào vị trí ung thư đang phát triển, mặc dù các yếu tố khác cũng có thể quan trọng. Thông thường tái phát ung thư có thể được phát hiện bằng cách xét nghiệm máu hay xét nghiệm hình ảnh như siêu âm hoặc xạ hình.

Nếu ung thư tái phát ở vùng cổ, bác sĩ sẽ thực hiện sinh thiết có hướng dẫn siêu âm để kiểm tra đó có phải là ung thư hay không. Nếu khối u có thể được cắt bỏ, phẫu thuật thường được sử dụng. Nếu ung thư xuất hiện trên xạ hình (có nghĩa là các tế bào đang sử dụng i-ốt), liệu pháp i-ốt phóng xạ (RAI) có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc bổ trợ sau phẫu thuật. Nếu ung thư không hiển thị trên hình ảnh xạ hình nhưng được phát hiện bằng các xét nghiệm hình ảnh khác (chẳng hạn như chụp MRI hoặc PET), thì có thể bác sĩ sẽ sử dụng xạ trị ngoài.

Mặt khác, bác sĩ có thể thử sử dụng một số loại thuốc nhắm trúng đích như Sorafenib (Nexavar) và Lenvatinib (Lenvima) nếu ung thư đã xâm lấn đến một số vị trí và các phương pháp điều trị khác không hữu ích. Đa phần các ca bệnh ung thư này có thể khó điều trị nên việc bệnh nhân tham gia thử nghiệm lâm sàng để được thử các phương pháp điều trị mới hơn cũng là một lựa chọn tối ưu. 

Ung thư tuyến giáp dạng nang và tế bào Hürthle

Ung thư tuyến giáp dạng nang thường hơi khó xác định nếu chỉ thực hiện sinh thiết kim (FNA). Nếu kết quả sinh thiết "không rõ ràng", bác sĩ có thể liệt kê "ung thư tuyến giáp dạng nang" như một chẩn đoán. Chỉ 2 trong số 10 khối u nang trở thành ung thư, vì vậy bác sĩ thường cắt bỏ một nửa tuyến giáp có khối u (phẫu thuật cắt bỏ tiểu thùy) để đưa ra nhận định chính xác hơn. 

Nếu khối u chính xác là ung thư tuyến giáp dạng nang, bác sĩ sẽ tiếp tục thực hiện phẫu thuật tiếp theo để loại bỏ phần còn lại của tuyến giáp (đây được gọi là phẫu thuật cắt hoàn toàn tuyến giáp). Nhưng nếu bệnh nhân chỉ muốn phẫu thuật 1 lần, bác sĩ cũng có thể căt toàn bộ tuyến giáp trong lần phẫu thuật đầu tiên. Tuy nhiên, đối với hầu hết bệnh nhân, điều này thực sự không cần thiết.

Nếu ung thư có dấu hiệu lan rộng trước khi phẫu thuật, thì phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp sẽ được thực hiện.

Ung thư tế bào Hürthle (Hurthle) cũng có thể khó chẩn đoán vì thế không thể chỉ dựa trên sinh thiết kin (FNA). Với các khối u nghi ngờ là ung thư tế bào Hürthle thường được điều trị giống như u nang. Phẫu thuật cắt bỏ tiểu thùy thường được thực hiện ban đầu. Nếu ung thư được chẩn đoán, phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp sẽ được thực hiện tiếp theo. Đối với các trường hợp có dấu hiệu ung thư đã lan rộng hoặc nếu bệnh nhân không muốn thực hiện thêm phẫu thuật thì thủ thuật cắt bỏ tuyến giáp có thể được thực hiện như cuộc phẫu thuật đầu tiên.

Đối với ung thư tuyến giáp thể nhú, một số hạch bạch huyết thường được cắt bỏ và xét nghiệm ung thư. Nhưng nếu ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết, vét hạch trung tâm hoặc phẫu thuật nạo vét hạch cổ cải biên (phẫu thuật loại bỏ các hạch bạch huyết khỏi cổ) có thể được thực hiện. Bởi vì tuyến giáp bị cắt bỏ, bệnh nhân cũng sẽ cần phải điều trị bằng hormone thay thế tuyến giáp, mặc dù chúng thường không được bắt đầu ngay lập tức.

Xạ hình thường được thực hiện sau phẫu thuật tìm kiếm các khu vực vẫn còn sử dụng iốt. Việc lây lan đến các hạch bạch huyết lân cận và di căn xa sẽ hiển thị trên hình ảnh của xạ hình và có thể được điều trị bằng iốt phóng xạ (RAI). Đối với các trường hợp ung thư không sử dụng iốt, xạ trị ngoài có thể giúp điều trị khối u hoặc ngăn khối u phát triển trở lại ở cổ.  

Ung thư di căn xa đến các bộ phận như phổi hoặc gan có thể được thực hiện xạ trị ngoài, hoặc liệu pháp nhắm trúng đích như sử dụng thuốc Sorafenib (Nexavar) hoặc Lenvatinib (Lenvima) nếu điều trị RAI không còn hiệu quả. Một lựa chọn khác cho bệnh nhân là tham gia thử nghiệm lâm sàng để có thể nhận được các phương pháp điều trị hoặc hóa trị mới hơn.

Ung thư tái phát: Điều trị ung thư tái phát sau khi thực hiện liệu pháp ban đầu sẽ phụ thuộc chủ yếu vào vị trí ung thư đang phát triển, mặc dù các yếu tố khác cũng có thể quan trọng. Ngoài ra, tái phát ung thư có thể được phát hiện bằng cách cách xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm hình ảnh như siêu âm hoặc xạ hình.

Nếu ung thư tái phát ở vùng cổ, trước tiên, bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết có hướng dẫn bằng siêu âm để chẩn đoán ung thư. Nếu khối u có thể được cắt bỏ, phẫu thuật thường được sử dụng. Nếu ung thư xuất hiện trên xạ hình (có nghĩa là các tế bào đang sử dụng i-ốt), liệu pháp i-ốt phóng xạ (RAI) có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc bổ trợ sau phẫu thuật. Nếu ung thư không hiển thị trên hình ảnh xạ hình nhưng được phát hiện bằng các xét nghiệm hình ảnh khác (chẳng hạn như chụp MRI hoặc PET), thì có thể bác sĩ sẽ sử dụng xạ trị ngoài.

Mặt khác, nếu ung thư đã lan đến một số nơi và điều trị RAI không còn hiệu quả, bác sĩ có thể sử dụng một số loại thuốc nhắm trúng đích như Sorafenib (Nexavar) và Lenvatinib (Lenvima). Hóa trị và tham gia thử nghiệm lâm sàng (nhận được các phương pháp điều trị mới hơn) cũng là những lựa chọn mà bệnh nhân nên quan tâm.

Ung thư tuyến giáp thể tủy

Đa phần các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân được chẩn đoán ung thư tuyến giáp thể tủy (MTC) nên xét nghiệm các khối u khác phổ thường gặp ở những bệnh nhân mắc Đa u tuyến nội tiết tuýp 2 (MEN2), chẳng hạn như u tủy thượng thận (Pheochromocytoma) và u tuyến cận giáp (Parathyroid Tumors). Trong đó, việc tầm soát u tủy thượng thận là đặc biệt quan trọng, vì gây mê và phẫu thuật có thể gây nguy hiểm cho những bệnh nhân có khối u này. Nếu trường hợp nào có những khối u này, bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ gây mê có thể cho họ điều trị bằng thuốc trước và trong khi phẫu thuật để cuộc phẫu thuật diễn ra an toàn hơn.

Giai đoạn I và II: Cắt toàn bộ tuyến giáp là phương pháp điều trị chính cho ung thư tuyến giáp thể tủy (MTC) và bệnh thường được chữa khỏi cho bệnh nhân MTC giai đoạn I hoặc giai đoạn II. Sau đó bệnh nhân sẽ được điều trị bằng hormone thay thế tuyến giáp. Đối với MTC, điều trị bằng hormone thay thế tuyến giáp sẽ cung cấp đủ hormone để giữ cho bệnh nhân khỏe mạnh, tuy nhiên loại hình điều trị này không làm giảm nguy cơ ung thư tái phát. Mặt khác, vì các tế bào MTC không hấp thụ iốt phóng xạ, nên liệu pháp iốt phóng xạ sẽ không hữu ích trong điều trị MTC.

Giai đoạn III và IV: Cũng giống như giai đoạn I và II phẫu thuật sẽ được thực hiện (thường sau khi sàng lọc Đa u tuyến nội tiết tuýp 2 và u tủy thượng thận). Điều trị bằng hormone thay thế tuyến giáp được đưa ra thực hiện sau đó. Khi khối u lây lan rộng và xâm lấn nhiều mô lân cận hoặc không thể loại bỏ hoàn toàn, xạ trị ngoài có thể được thực hiện sau phẫu thuật nhằm giảm khả năng thấp nhất tái phát ung thư ở cổ.

Đối với các trường hợp ung thư di căn xa đến các bộ phận khác, thì phẫu thuật, xạ trị hoặc các phương pháp điều trị tương tự có thể được áp dụng (nếu có thể). Nhưng nếu bệnh nhân không thể thực hiện các phương pháp điều trị này, bác sĩ có thể thử dùng Vandetanib (Caprelsa), Cabozantinib (Cometriq) hoặc các loại thuốc nhắm trúng đích khác. Hóa trị cũng có thể là một lựa chọn khác mà bệnh nhân quan tâm. Bởi vì những bệnh ung thư này có thể khó điều trị, nên việc tham gia thử nghiệm lâm sàng để được thử các phương pháp điều trị mới hơn cũng là hướng điều trị mà bệnh nhân nên quan tâm.

Ung thư tái phát: Nếu ung thư tái phát ở cổ hoặc nơi khác, bệnh nhân có thể cần phẫu thuật, xạ trị ngoài, liệu pháp nhắm trúng đích (như Vandetanib hoặc Cabozantinib) hoặc hóa trị. Các thử nghiệm lâm sàng về phương pháp điều trị mới cũng có thể là một lựa chọn tốt cho bệnh nhân.

Xét nghiệm di truyền trong ung thư tuyến giáp thể tuỷ: Nếu bạn được chẩn đoán bị MTC, ngay cả khi bạn là người đầu tiên trong gia đình được chẩn đoán mắc bệnh này, hãy trao đổi với bác sĩ về việc tư vấn và xét nghiệm di truyền. Vì xét nghiệm di truyền có thể tìm thấy các đột biến trong gen RET, và thường được phát hiện trong các trường hợp mắc Ung thư tuyến giáp thể tủy có tính gia đình và Đa u tuyến nội tiết tuýp 2 (MEN2).

Nếu bạn có một trong những đột biến này, điều quan trọng là các thành viên trong gia đình (con cái, anh chị em và cha mẹ) cũng phải được kiểm tra. Bởi vì hầu như tất cả trẻ em và người lớn có đột biến gen này sẽ phát triển ung thư tuyến giáp thể tủy (MTC) vào một thời điểm nào đó, hầu hết các bác sĩ đồng ý rằng bất kỳ ai có đột biến gen RET nên cắt bỏ tuyến giáp để ngăn ngừa bệnh ngay sau khi có kết quả xét nghiệm. Điều này bao gồm cả trẻ em, vì một số dạng MTC di truyền ảnh hưởng đến trẻ em và thanh thiếu niên. Việc cắt toàn bộ tuyến giáp có thể ngăn ngừa dạng ung thư này ở những người có đột biến RET chưa phát triển. Trong trường hợp này, bệnh nhân sẽ sử dụng điều trị hormone thay thế tuyến giáp suốt đời.

Ung thư tuyến giáp không biệt hóa

Thông thường dạng bệnh ung thư này được chẩn đoán khi đã ở giai đoạn tiến triển, do đó phẫu thuật sẽ không còn hiệu quả. Nếu ung thư chỉ giới hạn khu vực xung quanh tuyến giáp (một trường hợp hiếm gặp), toàn bộ tuyến giáp và các hạch bạch huyết lân cận có thể bị cắt bỏ. Mục tiêu của phẫu thuật là loại bỏ càng nhiều ung thư ở vùng cổ càng tốt, và không để lại ung thư. Tuy nhiên do cách thức lây lan của ung thư tuyến giáp không biệt hóa, nên hướng điều trị này thường khó thực hiện hoặc không thể thực hiện.  

Điều trị bằng iốt phóng xạ không được sử dụng vì chúng không có hữu dụng trong bệnh ung thư này.

Xạ trị ngoài có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với hóa trị liệu:

- Cố gắng thu nhỏ khối u ung thư trước khi phẫu thuật để gia tăng cơ hội loại bỏ chúng hoàn toàn.

- Sau khi phẫu thuật, cố gắng kiểm soát bất kỳ khối u ung thư nào còn sót lại ở cổ.

- Khi khối u quá lớn hoặc lan rộng không thể điều trị bằng phẫu thuật.

Nếu ung thư gây ra (hoặc có thể gây) khó thở, một lỗ nhỏ có thể được phẫu thuật đặt ở phía trước cổ và vào khí quản để  qua khối u và cho phép bệnh nhân thở thoải mái hơn. Lỗ này được gọi là phẫu thuật mở khí quản.

Đối với giai đoạn bệnh di căn, có thể sử dụng hóa trị riêng lẻ. Nếu các tế bào ung thư có những thay đổi nhất định trong gen BRAF hoặc NTRK, điều trị bằng các loại thuốc nhắm trúng đích như Dabrafenib (Tafinlar) và Trametinib (Mekinist) hoặc Larotrectinib (Vitrakvi) có thể là những lựa chọn tốt cho bệnh nhân. 

Bởi vì dạng bệnh ung thư này có thể khó điều trị, nên việc tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng để nhận các phương pháp điều trị mới hơn cũng là một lựa chọn mà bệnh nhân nên quan tâm.

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...