Yếu tố nguy cơ là bất cứ điều gì có thể làm tăng khả năng mắc bệnh của một người, chẳng hạn như ung thư. Mỗi bệnh ung thư đều có các yếu tố nguy cơ khác nhau. Một số yếu tố nguy cơ, như hút thuốc, có thể được thay đổi. Nhưng những yếu tố khác chẳng hạn như tuổi tác hoặc tiền sử gia đình là không thể thay đổi được.
Tuy nhiên các yếu tố nguy cơ không phải là tất cả. Việc có một thậm chí nhiều yếu tố nguy cơ không có nghĩa là bạn sẽ mắc bệnh. Và nhiều người mắc bệnh có thể không xuất hiện bất cứ yếu tố nguy cơ nào hoặc chỉ có một vài yếu tố nguy cơ. Ngay cả khi một người bị ung thư tuyến giáp chỉ có một yếu tố nguy cơ, thì cũng rất khó để xác định được liệu đây có phải là tác nhân gây ra căn bệnh này hay không.
Các nhà khoa học đã tìm ra một số yếu tố nguy cơ khiến một người có nhiều khả năng phát triển ung thư tuyến giáp.
Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi
Giới tính và tuổi tác
Vì những nguyên do chưa được xác định rõ, nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp (giống như hầu hết các bệnh của tuyến giáp) ở phụ nữ cao cấp 3 lần so với nam giới.
Ung thư tuyến giáp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở phụ nữ từ 40 - 50 tuổi, còn ở nam giới thường tròn độ tuổi 60 hoặc 70.
Tình trạng di truyền
Một số tình trạng di truyền có liên quan đến các loại ung thư tuyến giáp khác nhau, cũng như tiền sử gia đình. Tuy nhiên, hầu hết những trường hợp ung thư tuyến giáp tiến triển không có tình trạng di truyền hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh.
Ung thư tuyến giáp thể tủy: Khoảng 2 trong số 10 trường hợp ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy (MTCs) đều do thừa hưởng một gen bất thường. Những trường hợp này được gọi là ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy gia đình (FMTC), có thể xảy ra đơn lẻ hoặc chúng có thể được phát hiện cùng với các khối u khác.
Sự kết hợp giữa FMTC và các khối u của các tuyến nội tiết khác được gọi là Đa u tuyến nội tiết tuýp 2 (MEN2). Căn bệnh này có 2 loại phụ, Đa u tuyến nội tiết 2A (MEN 2a) và Đa u tuyến nội tiết 2B (MEN 2b), cả hai đều được gây ra bởi đột biến (khiếm khuyết) trong một gen được gọi là gen RET.
- Ở MEN 2a, MTC xảy ra cùng với Pheochromocytomas (khối u tạo ra Adrenaline) và với khối u tuyến cận giáp.
- Trong MEN 2b, MTC gắn liền với Pheochromocytomas và với u lành tính của tế bào thần kinh trên lưỡi và các nơi khác gọi là Neuromas (u dây thần kinh). Loại này ít phổ biến hơn MEN 2a.
Trong các dạng MTC di truyền này, ung thư thường phát triển trong thời thơ ấu hoặc giai đoạn đầu ở tuổi trưởng thành và có thể lây lan sớm. MTC là căn bệnh ác tính nhất trong hội chứng MEN 2b. Nếu MEN 2a, MEN 2b, hoặc FMTC phân lập di truyền trong gia đình, bạn có thể có nguy cơ rất cao mắc MTC. Vì thế hãy trao đổi thường xuyên với bác sĩ về xét nghiệm máu hoặc siêu âm để phát hiện ra các vấn đề và khả năng xét nghiệm di truyền.
Các dạng ung thư tuyến giáp khác: Những trường hợp mắc một số bệnh lý di truyền thường có nguy cơ mắc các dạng ung thư tuyến giáp. Tỷ lệ mắc bệnh cao hơn xảy ra ở những người có các tình trạng di truyền không phổ biến như:
- Bệnh đa polyp tuyến gia đình (FAP): Những người mắc hội chứng này phát triển nhiều polyp đại tràng và có nguy cơ rất cao bị ung thư đại tràng. Ngoài ra, họ cũng có khả năng cao mắc một số bệnh ung thư khác, bao gồm cả ung thư tuyến giáp thể nhú. Hội chứng Gardner là một dạng phụ của FAP, bệnh nhân cũng mắc một số khối u lành tính. Cả hội chứng Gardner và FAP đều do đột biến trong gen APC gây ra.
- Bệnh Cowden: Những bệnh nhân mắc hội chứng này có nguy cơ cao mắc các vấn đề về tuyến giáp và một số khối u lành tính (bao gồm một số bệnh gọi là u mô thừa - Hamartomas). Bên cạnh đó, nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến giáp (thể nhú, dạng nang), tử cung, vú, cũng như một số bệnh khác của họ gia tăng đáng kể. Hội chứng này thường được gây ra bởi các đột biến trong gen PTEN. Chúng còn được gọi là Hội chứng đa u mô thừa và Hội chứng khối u PTEN Hamartoma
- Tổ hợp Carney, loại I: Những trường hợp mắc hội chứng này có thể phát triển một số khối u lành tính và các vấn đề về hormone. Ngoài ra, họ còn có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến giáp thể nhú và dạng nang. Hội chứng này là do đột biến trong gen PRKAR1A.
- Ung thư tuyến giáp thể tủy có tính gia đình: Dạng ung thư tuyến giáp này thường xảy ra ở một số gia đình và được phát hiện ở độ tuổi sớm hơn. Ngoài ra, ung thư tuyến giáp thể nhú cũng thường xảy ra trong gia đình. Các gen trên nhiễm sắc thể 19 và nhiễm sắc thể 1 được nghi ngờ là nguyên nhân gây ra các dạng bệnh ung thư gia đình này.
Nếu bạn nghi ngờ mình đang mắc phải một chứng bệnh từ "hội chứng di truyền trong gia đình", hãy trao đổi với bác sĩ, họ có thể đề nghị tư vấn di truyền hoặc thực hiện những xét nghiệm khác.
Lịch sử gia đình
ếu bạn có người thân cấp một (bố mẹ, anh, chị, em hoặc con) mắc bệnh ung thư tuyến giáp, ngay cả khi không có hội chứng di truyền trong gia đình, thì nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến giáp của bạn vẫn rất cao. Cho đến nay, có sở di truyền của những dạng ung thư này chưa được xác định rõ.
Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi
Bức xạ
Tiếp xúc với bức xạ là một yếu tố nguy cơ đã được chứng minh có thể gây ra ung thư tuyến giáp. Các nguồn bức xạ này có thể do một số phương pháp điều trị y tế và bụi phóng xạ do sự cố từ nhà máy điện hoặc vũ khí hạt nhân.
Việc đã từng thực hiện xạ trị ở vùng đầu hoặc cổ trong thời thơ ấu cũng là một yếu tố nguy cơ của ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên điều này tùy thuộc vào liều lượng của bức xạ và tuổi của đứa trẻ. Nói chung, nguy cơ tăng lên khi dùng liều lớn và được điều trị khi còn bé.
Trước những năm 1960, trẻ em đôi khi được điều trị bức xạ liều thấp cho những tình trạng như mụn trứng cá, nhiễm trùng nấm da đầu (bệnh hắc lào), amidan phì đại hoặc u tuyến. Nhiều năm sau, những trường hợp này được phát hiện có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến giáp. Ngoài ra, việc thực hiện xạ trị trong thời thơ ấu đối với một số bệnh ung thư ung thư hạch bạch huyết, u Wilms và u nguyên bào thần kinh cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp. Ung thư tuyến giáp phát triển sau khi xạ trị không nghiêm trọng hơn các loại ung thư tuyến giáp khác.
Các xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang và chụp CT cũng có thể khiến trẻ em tiếp xúc với bức xạ, nhưng với liều lượng thấp hơn nhiều, do đó các bác sĩ hiện vẫn chưa thể xác định liệu chúng có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp (hoặc các bệnh ung thư khác) hay không. Nhiều ý kiến cho rằng nguy cơ căn bệnh này ở trẻ em có thể xảy ra nhưng rất ít, để an toàn, trẻ em không nên làm các xét nghiệm nêu trên trừ khi thực sự cần thiết. Hoặc nếu trẻ em cần thực hiện những xét nghiệm trên thì bác sĩ cần sử dụng liều lượng bức xạ thấp nhất mà vẫn cho hình ảnh rõ nét.
Một số nghiên cứu đã đã chỉ ra sự gia tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp ở trẻ em do bụi phóng xạ từ vũ khí hạt nhân hoặc do sự cố nhà máy điện. Ví dụ: Ung thư tuyến giáp xảy ra phổ biến hơn ở trẻ em sống gần Chernobyl, nơi xảy ra sự cố nhà máy hạt nhân năm 1986 khiến hàng triệu người tiếp xúc với phóng xạ. Sau sự cố những người tham gia dọn dẹp và những người sống gần nhà máy cũng có tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn. Trẻ em có chế độ dinh dưỡng nhiều iốt dường như cũng có nguy cơ thấp mắc bệnh.
Vào những năm 1950, một số bụi phóng xạ đã xuất hiện tại một số khu vực sau khi vũ khí hạt nhân được thử nghiệm ở các bang miền Tây nước Mỹ. Mặc dù mức độ phơi nhiễm thấp hơn so với Chernobyl. Nhưng nguy cơ mắc căn bệnh này vẫn còn hiện hữu. Nếu bạn lo lắng về khả năng tiếp xúc với bụi phóng xạ, hãy trao đổi với bác sĩ về vấn đề này.
Việc tiếp xúc với bức xạ khi bạn trưởng thành giúp giảm nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp.
Thừa cân hoặc béo phì
Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ phát triển ung thư tuyến giáp cao hơn những người bình thường. Nguy cơ mắc bệnh sẽ gia tăng đáng kể khi chỉ số khối cơ thể (BMI) tăng lên.
Iốt trong chế độ ăn uống
Tại một số khu vực trên thế giới ung thư tuyến giáp dạng này xảy ra phổ biến hơn. Điều này có liên quan đến chế độ ăn uống ít i-ốt. Mặt khác, chế độ ăn nhiều i-ốt cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp thể nhú. Ở Hoa Kỳ, đa phần mọi người đều nhận đủ iốt trong chế độ ăn uống của họ vì chúng được thêm vào muối ăn và các loại thực phẩm khác.