Danh mục

Xạ trị ung thư vòm họng

Xạ trị ung thư vòm họng

Xạ trị là liệu pháp sử dụng các tia năng lượng cao (như tia X) hoặc các hạt để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc làm chậm tốc độ phát triển của chúng. Xạ trị được sử dụng như một phần trong phương pháp điều trị chính đối với ung thư vòm họng (NPC) vì loại ung thư này rất nhạy cảm với bức xạ.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kết hợp cả hóa trị và xạ trị để tăng cường khả năng tác dụng điều trị. Phương pháp này còn được gọi là điều trị bổ trợ, có thể hoạt động tốt hơn so với xạ trị đơn thuần nhưng cũng có xu hướng gây nhiều tác dụng phụ hơn. (Để biết thêm thông tin, xem "Hóa trị ung thư vòm họng".)

Xạ trị được dùng cho cả khối u vòm họng và các hạch bạch huyết lân cận ở vùng cổ. Ngay cả khi ung thư chưa phát triển (hạch không to và cứng), xạ trị vẫn có thể được dùng để đề phòng trường hợp một vài tế bào ung thư đã di căn hạch. Đối với những bệnh nhân đã biết có di căn hạch thì xạ trị sẽ được sử dụng với liều cao hơn.

Các loại xạ trị được dùng trong điều trị ung thư vòm họng (NPC)

Xạ trị ngoài (EBRT)

Đây là loại xạ trị phổ biến nhất trong điều trị ung thư vòm họng, bằng cách sử dụng chùm tia X nhắm chiếu vào khối u từ thiết bị bên ngoài cơ thể.

Trước khi bắt đầu điều trị, các kỹ thuật viên sẽ xác định góc bắn thật chính xác cũng như liều lượng bức xạ thích hợp. Phương pháp này tương tự chụp X-quang nhưng sử dụng với liều bức xạ mạnh hơn, không xâm lấn do đó không gây đau. Mỗi lần điều trị thường chỉ kéo dài trong vài phút, nhưng thời gian chuẩn bị lại mất nhiều thời gian hơn. Liệu pháp này được thực hiện 5 ngày/tuần và kéo dài trong vòng 7 tuần.

Trong các loại xạ trị ngoài, loại được sử dụng phổ biến nhất là IMRT - xạ trị điều biến liều. Vì phương pháp này có khả năng tập trung bức xạ tốt hơn cũng như hạn chế tình trạng phơi nhiễm bức xạ đến các mô lành xung quanh, từ đó giảm các tác dụng phụ có thể xảy ra.

Xạ phẫu SRS là phương pháp điều trị sử dụng liều bức xạ lớn, độ chính xác cao trong 1 lần bắn duy nhất. (Không liên quan đến phẫu thuật) Các loại máy được sử dụng trong phương pháp này bao gồm: Gamma Knife, X-Knife, Cyberknife và Clinac.

Liệu pháp phóng xạ (xạ trị trong): Hiếm sử dụng

Đối với phương pháp này, bức xạ được đưa vào cơ thể dưới dạng hạt phóng xạ nhỏ qua các thanh hoặc que kim loại rất mỏng (gần vị trí khối u). Trong liệu pháp này, lượng bức xạ chỉ có thể truyền đi một khoảng cách rất ngắn, do đó không gây ảnh hưởng nhiều đến các mô lành xung quanh.

Que cấy thường được giữ trong cơ thể bệnh nhân khoảng vài ngày và người bệnh được cách ly trong phòng đặc biệt. Do đó cần hạn chế tiếp xúc với mọi người xung quanh (người thân, điều dưỡng hoặc những người chăm sóc khác) để tránh tình trạng phơi nhiễm bức xạ, tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào loại bức xạ. Sau khi que cấy được lấy ra khỏi cơ thể, bạn có thể về nhà.

Liệu pháp phóng xạ có thể được sử dụng trong những trường hợp ung thư tái phát sau điều trị với EBRT (Hoặc có thể tái điều trị với xạ phẫu). Một số trường hợp khác có thể kết hợp cả hai phương pháp: xạ trị ngoài và xạ trị trong.

Một số tác dụng phụ có thể gặp trong xạ trị

Vùng đầu-mặt-cổ:

  • Biến đổi vùng da xạ trị: đỏ hoặc phồng rộp.
  • Buồn nôn, nôn.
  • Mệt mỏi.
  • Lở vùng miệng, vùng hầu họng dẫn đến chứng khó nuốt, từ đó gây sụt cân do thiếu ăn.
  • Khàn tiếng.
  • Mất vị giác.

Những tác dụng phụ này có thể cải thiện sau khi ngưng điều trị. Tuy nhiên có một số tác dụng phụ không thuyên giảm theo thời gian, chẳng hạn như tổn thương hộp xọ hoặc các vấn đề về thính giác, thị giác do tổn thương dây thần kinh chi phối. Các tác dụng phụ về lâu dài như:

Vấn đề về răng miệng: Xạ trị có thể khiến các vấn đề về răng miệng trở nên tồi tệ hơn, khó khắc phục hơn. Do đó hầu hết các bác sĩ đều khuyên bạn nên đi kiểm tra răng miệng trước khi tiến hành xạ trị vùng đầu hoặc cổ.

Trong một vài trường hợp, có thể nha sĩ sẽ khuyên bạn loại bỏ một số răng nhất định trước khi điều trị để giảm nguy cơ mắc phải các vấn đề sau này.

Tổn thương tuyến nước bọt: Đây là mối quan tâm lớn nhất khi xạ trị ung thư vòm họng. Tổn thương này có thể gây khô miệng, khiến bạn khó nuốt thức ăn. Ngoài ra, khô miệng còn có thể dẫn đến tình trạng sâu răng nghiêm trọng. Do đó để ngăn ngừa các vấn đề về răng miệng, bệnh nhân sau điều trị cần vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng. Khô miệng ít gặp hơn trong liệu pháp IMRT. Một số dạng tổn thương tuyến nước bọt có thể giảm bớt bằng cách sử dụng Amifostine (Ethyol®) dưới dạng tiêm trước mỗi lần điều trị. Tuy nhiên, thuốc này lại có thể gây một số tác phụ dụng khác gây khó chịu cho người bệnh.

Tổn thương tuyến giáp: Tuyến giáp thường bị tổn thương trong những trường hợp điều trị với EBRT. Tuy nhiên tổn thương này không ảnh hưởng gì, do đó bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi chức năng tuyến giáp thông qua xét nghiệm máu trong suốt quá trình điều trị. Nếu có tình trạng suy chức năng tuyến giáp, bác sĩ có thể cho bạn sử dụng thuốc bổ sung hormone giáp.

Tổn thương tuyến yên: Tuyến yên chịu trách nhiệm kiểm soát nhiều loại hormone trong cơ thể. Do đó tình trạng tổn thương tuyến yên có thể được phát hiện qua xét nghiệm máu. Nếu nghiêm trọng, bạn có thể cần phải sử dụng thuốc bổ sung một số hormone nhất định.

Tổn thương động mạch cảnh: Mạch cảnh là động mạch thuộc vùng cổ, có chức năng đưa máu lên não. Mạch cảnh có thể bị thu hẹp sau xạ trị, điều này làm tăng nguy cơ đột quỵ hoặc một số vấn đề khác. Các vấn đề này thường xảy ra vài năm sau điều trị.

Tóm lại bạn cần trao đổi với bác sĩ về những tác dụng phụ có thể xảy ra trước khi tiến hành điều trị. Ngoài ra, hãy lựa chọn những liệu pháp phù hợp, giúp hạn chế tối đa tác dụng phụ có thể có.

 

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...