Danh mục

Các xét nghiệm trong chẩn đoán và điều trị ung thư âm đạo

Bạn nên đi khám nếu có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào của ung thư âm đạo. Nếu xét nghiệm Pap cho thấy các tế bào bất thường hoặc kết quả thăm khám vùng chậu không bình thường thì cần thực hiện thêm một số xét nghiệm khác. Trường hợp này bạn cần tìm đến một bác sĩ phụ khoa (một bác sĩ chuyên về các vấn đề của hệ thống sinh dục nữ).

Bệnh sử và khám thực thể

Bước đầu tiên là bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử thật đầy đủ, sau đó xem xét các yếu tố nguy cơ và triệu chứng liên quan. Bước cuối cùng là khám thực thể, bao gồm khám vùng chậu và có thể thực hiện thêm xét nghiệm Pap hoặc sinh thiết âm đạo.

Soi cổ tử cung

Nếu các triệu chứng gợi ý ung thư hoặc xét nghiệm Pap cho thấy các tế bào bất thường thì cần thực hiện soi cổ tử cung. Bạn sẽ nằm trên bàn khám, bác sĩ sẽ sử dụng một mỏ vịt (dụng cụ banh âm đạo) đặt vào âm đạo của bạn, sau đó dùng ống soi để kiểm tra cổ tử cung và âm đạo. Hình ảnh được quan sát trên máy soi bên ngoài có thấu kính phóng đại (giống ống nhòm). Bằng phương pháp này, bác sĩ có thể nhìn thấy rõ thành âm đạo cũng như bề mặt cổ tử cung. Trong quá trình thực hiện, đôi khi có thể dùng dung dịch axit axetic nồng độ thấp (như giấm) hoặc iốt để dễ dàng quan sát bất kỳ một khu vực nào. Kỹ thuật này được gọi là soi âm đạo.

Nội soi cổ tử cung không gây đau như phương pháp thăm khám vùng chậu thông thường mà còn an toàn đối với cả phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, nếu phát hiện bất kỳ khu vực bất thường nào trên cổ tử cung thì cần sinh thiết để kiểm tra, kỹ thuật này có thể hơi đau và gây chuột rút vùng chậu.

Sinh thiết

Một số dấu hiệu và triệu chứng có thể gợi ý rõ ung thư âm đạo, nhưng nhiều trong số đó có thể do các vấn đề khác gây ra. Do đó cách duy nhất để chắc chắn ung thư đó là sinh thiết mẫu mô nghi ngờ, sau đó quan sát dưới kinh hiển vi để kiểm tra tính chất tế bào (ung thư hoặc tiền ung thư hoặc tế bào khác).

Xét nghiệm hình ảnh

Các xét nghiệm hình ảnh sử dụng tia X, từ trường, sóng âm hoặc chất phóng xạ để ghi lại hình ảnh chi tiết bên trong cơ thể. Tìm hiểu thêm trong "Ung thư và di căn".

X-quang ngực

Chụp X-quang ngực đơn giản, được thực hiện để kiểm tra ung thư di căn phổi.

Chụp cắt lớp vi tính (CT)

Chụp cắt lớp vi tính thường được gọi là chụp CT hoặc CAT, là xét nghiệm sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh mặt cắt ngang bên trong cơ thể. Thay vì chụp 1 ảnh như X-quang, CT sẽ chụp nhiều ảnh khi máy chụp xoay quanh bạn. Hình ảnh được hiển thị trên máy tính cung cấp thông tin về kích thước, hình dạng và vị trí khối u và tình trạng di căn đến các cơ quan khác. Ngoài ra, chụp CT còn giúp tìm ra các hạch bạch huyết chứa tế bào ung thư.

Sinh thiết kim có hướng dẫn CT: Chụp CT cũng có thể được sử dụng trong sinh thiết để hướng kim đến vị trí khối u. Bệnh nhân sẽ nằm trên bàn chụp CT, bác sĩ sẽ đưa kim sinh thiết qua da về phía khối u. Chụp CT được lặp lại liên tục cho đến khi đầu kim nằm bên trong khối u. Sau đó lấy ra một mẫu mô từ khối u và kiểm tra dưới kính hiển vi. Tuy nhiên, phương pháp này không được thực hiện đối với khối u âm đạo nhưng được dùng trong sinh thiết các vị trí có khả năng ung thư di căn.

Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Chụp cộng hưởng từ (MRI) sử dụng sóng vô tuyến và từ trường thay vì tia X để ghi lại hình ảnh bên trong cơ thể. Năng lượng từ sóng vô tuyến được cơ thể hấp thu, sau đó được phóng thích theo một mô hình cụ thể được hình thành bởi một số loại mô và bệnh nhất định. Máy tính sẽ chuyển thành hình ảnh chi tiết các bộ phận trên cơ thể. Tương tự chụp CT, MRI cũng cho các lát cắt ngang, ngoài ra còn có thể tạo các lát cắt dọc song song với chiều dài cơ thể.

Hình ảnh MRI đặc biệt hữu ích trong việc kiểm tra các khối u vùng chậu, giúp phát hiện các di căn hạch, di căn não hoặc tủy sống nếu có (Điều này hiếm xảy ra trong ung thư âm đạo).

Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET)

Phương pháp này sử dụng một loại đường phóng xạ mức độ nhẹ đưa vào máu qua đường tiêm tĩnh mạch. Vì tế bào ung thư sử dụng đường với tốc độ cao hơn tế bào bình thường do đó hấp thu đường phóng xạ nhiều hơn. Từ đó có thể phát hiện các khu vực phóng xạ trên hình ảnh máy tính.

Hình ảnh PET sẽ không quá chi tiết như chụp CT hoặc MRI nhưng vẫn có thể cung cấp những thông tin hữu ích. Chụp PET không thường được sử dụng đối với phụ nữ mắc ung thư âm đạo giai đoạn đầu nhưng hữu ích trong việc kiểm tra tình trạng ung thư di căn đến các khu vực khác.

Nội soi

Các thủ thuật nội soi không thường được sử dụng đối với phụ nữ bị ung thư âm đạo nhưng có thể cần thiết trong một số trường hợp nhất định.

Soi trực tràng - đại tràng Sigma

Kỹ thuật này có thể được thực hiện trong trường hợp khối u lớn và nằm ở thành âm đạo cạnh bên trực tràng và đại tràng nhằm kiểm tra sự lây lan ung thư đến các cơ quan này. Trong thủ thuật này, bác sĩ sử dụng một ống soi mỏng, linh hoạt, có ánh sáng đưa vào trực tràng và phần cuối đại tràng để quan sát. Nếu phát hiện bất kỳ khu vực khả nghi nào thì sẽ tiến hành sinh thiết để kiểm tra. Thủ thuật này không gây đau nhưng có thể làm bệnh nhân cảm thấy hơi khó chịu.

Soi bàng quang

Nội soi bàng quang có thể được đề nghị trong trường hợp khối u lớn và nằm ở thành trước của âm đạo, gần với bàng quang. Thủ thuật này cho phép bác sĩ nhìn thấy bên trong bàng quang, kiểm tra tình trạng di căn của ung thư âm đạo nếu có. Nội soi có thể được thực hiện tại văn phòng bác sĩ hoặc phòng khám. Bạn sẽ được tiêm một loại thuốc gây buồn ngủ qua đường tĩnh mạch (IV). Sau đó bác sĩ sử dụng một ống soi mỏng có thấu kính và ánh sáng đưa vào bàng quang qua đường niệu đạo. Nếu phát hiện bất kỳ khu vực khả nghi nào thì sẽ tiến hành sinh thiết để kiểm tra.

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...