Những vitamin thiết yếu cho cơ thể - Vitamin A
Nhu cầu hàng ngày (Áp dụng cho người trưởng thành)
Nam giới: 700mcg
Nữ giới: 600mcg
Loại vitamin này có vai trò rất quan trọng đối với thị giác (đặc biệt là thị lực vào ban đêm), sự phát triển xương, sự sinh sản và sức khỏe của làn da, cũng như các màng nhầy (lớp tiết chất nhầy nằm ở một số khu vực của cơ thể, như ống thở).
Vitamin A cũng hoạt động như là một chất chống oxy hóa, giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.
Có hai dạng vitamin A:
◈ Dạng năng động: có thể đáp ứng nhu cầu của cơ thể ngay tức thì, được lấy từ thực phẩm có nguồn gốc động vật. Dạng vitamin A này được gọi là retinoid, bao gồm retinal và retinol.
◈ Tiền vitamin: dạng vitamin cần được cơ thể chuyển thành dạng năng động, được lấy từ rau lá có màu xanh thẫm, quả màu vàng/đỏ/da cam hoặc nhóm sắc tố carotenoid. Phổ biến nhất trong nhóm này là beta-carotene.
Vitamin A được tính bằng đơn vị microgram (mcg), cũng như bằng đơn vị RE (Retinol Equivalent). 1mcg RE tương đương với 1mcg retinol hoặc 6mcg beta-carotene. Khi tính hàm lượng vitamin A trong khẩu phần, nên tách rời phần vitamin A, phần beta-carotene và sử dụng hệ số chuyển đổi nói trên để tính ra lượng retinol thật sự.
Trong đường ruột, vitamin E bảo vệ vitamin A không bị biến đổi về mặt hóa học. Vitamin A là vitamin tan trong chất béo và có thể được dự trữ trong cơ thể. Hầu hết vitamin A mà chúng ta hấp thu vào đều được dự trữ trong gan. Khi một bộ phận nào đó của cơ thể cần đến thì gan sẽ tiết ra một ít vitamin A, truyền theo máu đến các tế bào và các mô.
Bệnh do thiếu vitamin A
Ở nhiều nước đang phát triển, tình trạng thiếu vitamin A là khá phổ biến. Phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh là hai đối tượng thường chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Ở các nước phương Tây, tình trạng thiếu vitamin là rất hiếm, nhưng có thể xảy ra đối với những người lạm dụng rượu hoặc những người mắc các chứng bệnh mãn tính làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thu chất béo, như bệnh xơ hóa nang (cystic fibrosis) hoặc bệnh Crohn.
Một biểu hiện phổ biến của tình trạng thiếu vitamin A nghiêm trọng là chứng khô mắt. Khi mắc bệnh, giác mạc sẽ bị cứng đi. Chứng bệnh này có thể tiến triển thành bệnh quáng gà, loét giác mạc và mù lòa vĩnh viễn.
Các dấu hiệu và triệu chứng khác bao gồm: trẻ chậm lớn, vết thương lâu lành, những nốt phát ban khô và sần sùi trên da – chứng tăng sừng hóa nang (follicular hyperkeratosis). Thiếu vitamin A còn ảnh hưởng đến sức khỏe làn da và hoạt động của các màng nhầy trong cơ thể.
Thực phẩm cung cấp vitamin A
Mỗi 50 – 200g các loại thực phẩm sau cung cấp ít nhất 150mcg RE.
• Gấc.
• Rau ngót.
• Rau dền cơm.
• Khoai lang.
• Cà rốt.
• Cải bắp.
• Cải bó xôi.
• Ớt chuông.
• Bí đỏ.
• Dưa hấu.
• Xoài.
• Đu đủ chín.
• Gan (bò, heo, gà hoặc gà tây).
• Trứng.