Những vitamin thiết yếu cho cơ thể - Vitamin D

Những vitamin thiết yếu cho cơ thể - Vitamin D

Nhu cầu hàng ngày

Nam giới: 5mcg 

Nữ giới: 5mcg 

Loại vitamin tan trong chất béo này giữ vai trò thiết yếu trong việc hấp thu, sử dụng canxi và photpho; do đó cũng hết sức quan trọng đối với sự hình thành và duy trì độ chắc khỏe của xương, răng, sụn. 

Có hai dạng vitamin D: D2 (có trong một số loại thực phẩm) và D3 (được hình thành ở da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời). Cả vitamin D2 và D3 đều được gan, thận chuyển thành một dạng mà cơ thể có thể sử dụng (dạng hoạt động). 

Khi hàm lượng canxi trong máu xuống thấp, nội tiết tố của tuyến cận giáp được tiết ra.

Nội tiết tố này kích thích thận chuyển hóa vitamin D thành dạng hoạt động, dẫn đến kích thích ruột tăng cường hấp thu canxi và photpho. Vitamin D còn được đo lường bằng đơn vị quốc tế (International Units, IU). 40IU tương đương với 0,001mg.

Thực phẩm cung cấp vitamin D

Mỗi 50 – 100g các loại thực phẩm sau chứa ít nhất 3mcg vitamin D. 

  • Lòng đỏ trứng. 
  • Dầu gan cá tuyết và cá bơn. 
  • Cá thu. 
  • Cá hồi. 
  • Cá mòi. 
  • Cá ngừ.

Bệnh do thiếu vitamin D

Ở những quốc gia mà sữa và các sản phẩm từ sữa được bổ sung vitamin D thì tình trạng thiếu hụt rất hiếm khi xảy ra. 

Do ánh sáng mặt trời rất quan trọng trong quá trình sản sinh vitamin D nên người cao tuổi, những người phải nằm liệt giường hoặc không thể ra ngoài trời là đối tượng có nguy cơ thiếu vitamin D cao nhất. 

Tình trạng thiếu vitamin D cũng xảy ra với những người thường xuyên trùm kín thân mình vì lý do tôn giáo, văn hóa, thời tiết … Những người sống ở khu vực thành thị, nơi không khí bị ô nhiễm nặng, không có điều kiện tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng dễ bị thiếu vitamin D. 

Những người phải sử dụng lâu dài một số loại thuốc chống co giật thường có nguy cơ thiếu vitamin D, vì loại thuốc này gây cản trở quá trình chuyển vitamin D thành dạng hoạt động. Ngoài ra, người mắc bệnh thận nặng cũng có nguy cơ thiếu vitamin D do thận của họ không có khả năng chuyển vitamin D thành dạng hoạt động. 

Tình trạng thiếu hụt có thể khiến xương bị mềm đi, gọi là chứng nhuyễn xương ở người lớn và còi xương ở trẻ nhỏ. Chứng nhuyễn  xương có thể gây đau chân, hông, sườn và các cơ, làm cho xương dễ gãy và gây khó khăn trong việc lên xuống cầu thang hoặc đứng dậy từ tư thế ngồi. Còn chứng còi xương sẽ làm cho xương bị biến dạng, điển hình là tật chân cong vòng kiềng, gù lưng, vẹo cột sống. 

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...