Những loại thực phẩm tốt nhưng rất hại cho trẻ dưới 1 tuổi
Khi bé của mẹ đã chạm đến cột mốc mới nhận biết được những thực phẩm từ bên ngoài là một điều khá thú vị. Nhưng chắc chắn một điều rằng, bố mẹ sẽ rất băn khoăn khi lựa chọn thực phẩm, không biết loại nào mới phù hợp và tốt nhất cho bé. Sau đây là một số thực phẩm được các chuyên gia khuyến cáo nên và không nên bổ sung cho trẻ trong năm đầu tiên, các bà mẹ cần phải hết sức lưu ý.
Các loại hạt
Các loại hạt thơm ngon, bổ dưỡng như hạt dẻ, hạt mắc ca, hạt hạnh nhân, đậu phộng,… chứa nhiều giá trị dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Ngoài việc là một món ăn vặt tiện lợi, chúng còn cung cấp nhiều dưỡng chất đầy giá trị. Tuy nhiên, đây không phải là thực phẩm mẹ nên cho trẻ dưới 1 tuổi ăn. Nguyên nhân chính là do kích cỡ các loại hạt đa số đều nhỏ và cứng nên rất dễ khiến bé bị hóc, nghẹn. Đã có nhiều trường hợp trẻ bị hóc hạt không được cấp cứu kịp thời dẫn đến hậu quả tắc nghẽn đường thở. Bên cạnh đó, tỷ lệ dị ứng của trẻ em dưới 1 tuổi với các loại hạt là vô cùng cao. Nếu muốn cho con thử bất cứ loại hạt nào, mẹ nên chủ động xay nhuyễn và chỉ cho bé thử từng chút một để xem cơ thể con có biểu hiện lạ hay không.
Sữa tươi
Sữa tươi được xem là thức uống bổ dưỡng không thể thiếu đối với mọi trẻ em, trừ những em bé dưới 1 tuổi. Sữa tươi cùng lượng canxi, protein và các khoáng chất dồi dào chúng mang lại có thể giúp bé tăng trưởng tốt về chiều cao, cân nặng cũng như phát triển trí thông minh vượt trội. Mang nhiều lợi ích là thế nhưng đây không phải là thực phẩm an toàn dành cho trẻ dưới 1 tuổi. Trong sữa tươi, nhất là sữa bò có chứa rất nhiều protein, muối khoáng và các enzyme. Hệ tiêu hóa non nớt của các em bé sẽ không thể dung nạp được hết lượng dinh dưỡng vượt ngưỡng này, dễ gây ra tình trạng chảy máu đường ruột, hại thận, rối loạn các chức năng tiêu hóa.
Mật ong
Sở dĩ đây được xem là loại thực phẩm cực kỳ nguy hiểm đến mức báo động với trẻ dưới 1 tuổi là do chúng có chứa vi khuẩn Clostridium botulinum. Khi được đưa vào cơ thể, loại vi khuẩn này có thể tiếp tục sống sót, bám vào đường ruột yếu ớt của bé gây ngộ độc, hôn mê, táo bón, hay quấy khóc, còi cọc. Nếu trẻ đã lỡ ăn phải mật ong, mẹ cần chú ý quan sát kỹ lưỡng xem bé có biểu hiện gì khác thường hay không. Khi xuất hiện dấu hiệu lạ dù là rất nhỏ, mẹ cũng cần đưa bé đến gặp bác sĩ ngay lập tức để xử lý kịp thời.
Trái cây vị chua
Từ lúc trẻ bắt đầu ăn dặm, mẹ đã có thể chế biến những loại rau củ, trái cây để bổ sung thêm khoáng chất cùng vitamin cho bé. Tuy nhiên, không phải loại trái cây nào cũng thích hợp với hệ tiêu hóa của trẻ, nhất là khi bé chưa tròn 1 tuổi. Khi cho con dưới 1 tuổi ăn dặm, mẹ hãy tránh những loại trái cây có vị chua như cam, chanh, quýt, dâu tây,… Vì chúng chứa nhiều axit cao hơn bình thường. Lượng axit này có thể “tấn công” dạ dày của bé gây buồn nôn, khó chịu. Ngoài ra, chúng còn là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị nổi mẩn ngứa, dị ứng. Trong khoảng thời gian mới tập ăn dặm, những loại trái cây tốt và lành tính nhất mẹ có thể cho con ăn đó chính là chuối, táo hoặc nho được xay nhuyễn.
Hải sản
Nên tránh cho trẻ sơ sinh ăn các loại hải sản. Các loại cá dễ gây đau bụng và ngộ độc thực phẩm cho trẻ. Những loại hải sản có vỏ như tôm, sò, ốc, cua… Khả năng gây dị ứng rất cao. Bạn chỉ nên tập cho trẻ ăn dần từng loại hải sản sau khi trẻ được 1 tuổi.
Pate gan và một số loại phô mai
Món ăn được nhiều người yêu thích vì độ thơm ngon và béo ngậy nhưng chúng lại đặc biệt không dành cho trẻ em dưới 1 tuổi. Pate gan cùng những loại phô mai mềm đều chứa một lượng vi khuẩn Listeria vô cùng nguy hiểm vì có thể khiến con dễ dàng bị ngộ độc, nhiễm khuẩn. Sức khỏe của bé sẽ phục hồi kém và không có hệ miễn dịch tốt. Bên cạnh đó, lượng vitamin A quá nhiều trong gan sẽ gây cản trở đến sự phát triển toàn diện của bé. Đó là những lý do khiến mẹ nên gạt bỏ gan và phô mai mềm khỏi thực đơn cho trẻ dưới 1 tuổi.
Muối
Bạn thường nêm muối vào thức ăn của con để tránh mùi vị nhạt nhẽo, nhưng điều này là không nên. Muối và thực phẩm chứa muối sẽ làm trẻ đầy hơi và mất nước vì thận của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh. Từ 1 tuổi trở lên, có thể cho muối vào thức ăn của trẻ nhưng không nên sử dụng quá 1g/ngày (theo khuyến cáo của Bộ y tế của Anh).
Dâu
Những trái dâu ngọt ngào, giàu vitamin là lựa chọn hoàn hảo cho thực đơn của gia đình, tuy nhiên lại không phải của bé dưới 1 tuổi. Dâu không chỉ chứa nhiều axit ảnh hưởng lớn đến dạ dày và ruột của bé mà còn có thể gây kích ứng như nổi sảy.
Đường
Bạn không nên cho đường vào thức ăn của trẻ vì nó không hề chứa chất dinh dưỡng mà còn làm cho bé có cảm giác no, ngang dạ. Tuyệt đối không nên cho trẻ dưới 12 tháng tuổi ăn bánh ngọt, kẹo, kem… Những thức ăn này sẽ làm trẻ dễ bị sâu răng khi răng chỉ vừa mới nhú mọc. Đồng thời, ăn quá nhiều đường cũng làm tăng nguy cơ béo phì cho trẻ.
Một số loại cá
Cá mập, cá kiếm, cá maclin là những loại cá chứa hàm lượng thủy ngân cao, có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thần kinh của trẻ, do đó cũng nên tránh cho trẻ ăn. Một số hải sản có vỏ cũng cần hạn chế vì có thể gây ngộ độc thức ăn ở trẻ.
Trứng chưa chín kỹ
Trứng chứa nguồn protein, vitamin D và chất khoáng dồi dào, tuy nhiên trứng lại là món ăn rất dễ gây dị ứng cho trẻ. Không nên cho trẻ ăn trứng sống hoặc trứng chưa chín kỹ. Có thể cho trẻ ăn trứng nhưng các mẹ phải đảm bảo trứng được luộc chín kỹ cho đến khi cả lòng trắng và lòng đỏ rắn lại. Tuy nhiên, các mẹ cần lưu ý, chỉ cho trẻ ăn lòng đỏ trứng thôi nhé, vì các protein trong lòng trắng trứng có thể làm bé bị dị ứng hoặc dị ứng phát triển trong tương lai.
Nhiều cha mẹ vì quá nôn nóng muốn con lớn nhanh hay phát triển một cách tốt nhất nên không “ngần ngại” cung cấp cho trẻ những loại thực phẩm không tốt trong một thời gian dài khiến trẻ dễ gặp phải những trường hợp dị ứng nguy hại đến tính mạng. Việc gia giảm những thực phẩm trên là rất cần thiết hoặc nếu không thì tốt nhất tránh dùng cho trẻ dưới 1 tuổi đề phòng trường hợp không hay xảy ra cho trẻ. Hãy tiếp tục cập nhật thông tin để bổ sung những kiến thức hữu ích trong việc nuôi con.